Hiển thị các bài đăng có nhãn thuvienhoasen. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn thuvienhoasen. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Hai, 23 tháng 9, 2013

CHẾT AN BÌNH TÁI SINH HẠNH PHÚC

Tác giả : Harold Talbott Tuệ Pháp

Thứ Sáu, 20 tháng 9, 2013

CÁI CHẾT

Đức Dalai Lama 14

Đức Phật đã nói rằng trong tất cả những mùa khác nhau để cày cấy, mùa thu là mùa tốt nhất, trong tất cả những loại nhiên liệu để đốt, thì phân bò là tốt nhất, và trong tất cả những loại tỉnh giác khác nhau, sự tỉnh giác về sự vô thường và cái chết thì hữu hiệu nhất. 
Cái chết là điều nhất định, nhưng khi nào nó giáng xuống thì bất định. Nếu chúng ta thực sự đương đầu với sự việc, chúng ta không biết được cái gì sẽ tới trước – ngày mai hay cái chết. Chúng ta không thể hoàn toàn quả quyết rằng người già sẽ chết trước và người trẻ còn ở lại phía sau.

Thái độ thực tế nhất mà ta có thể nuôi dưỡng là hy vọng điều tốt đẹp nhất nhưng chuẩn bị điều tồi tệ nhất. Nếu điều xấu nhất không xảy ra thì mọi sự đều tốt đẹp, nhưng nếu nó xảy ra, nó sẽ không tấn công chúng ta bất ngờ.

Điều này cũng ứng dụng cho sự thực hành Pháp: chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất vì không ai trong chúng ta biết được khi nào mình chết. Mỗi ngày chúng ta biết tin về cái chết trong báo chí hay cái chết của một người bạn, của người nào đó mà ta biết mang máng, hay của một người thân. Đôi khi chúng ta cảm thấy mất mát, đôi lúc chúng ta hầu như vui sướng, nhưng một cách nào đó, chúng ta vẫn còn bám chặt vào ý tưởng rằng điều đó sẽ không xảy ra cho ta.

Thứ Ba, 10 tháng 9, 2013

QUÁN SÁT THÂN HÀNH

Nguyễn Thế Đăng


Tánh Không là bản tánh của tất cả mọi sự vật, mọi hiện tượng, mọi hành động của thân khẩu ý, nên ở đâu trong không gian nào thời gian nào chúng ta cũng có thể nhận ra nó, tương ưng với nó, an trụ trong nó, sống với nó.

Ở đây chúng ta nói về hành động đi, một hành động ai cũng làm hàng ngày, và nếu quan sát, nhìn sâu vào hành động đi này, dần dần chúng ta có thể thấy ra tánh Không.

Kinh Đại Bát-nhã hay nói đến ba luân không tịch. Trong sự việc đi này thì ba luân không tịch là: người đi, hành động đi, quãng đường đi, cả ba đều không tịch. Chúng ta sẽ chú ý nhiều nhất vào hành động đi.

Kinh Đại Bát-nhã, phẩm Vô sanh tam quán, theo luận Đại Trí độ, tức là phẩm Vô sanh của Đại Bát-nhã Cưu-ma-la-thập, phẩm Viễn ly của Đại Bát-nhã Huyền Trang, nói:

“Xá-lợi tử! Sắc chẳng sanh, thọ tưởng hành thức chẳng sanh. Tại sao thế? Vì bản tánh Không vậy. Mắt chẳng sanh cho đến ý chẳng sanh. Tại sao thế? Vì bản tánh Không vậy. Địa giới chẳng sanh, thủy hỏa phong không thức giới chẳng sanh. Tại sao thế? Vì bản tánh Không vậy. Thân hành chẳng sanh, khẩu hành chẳng sanh, ý hành chẳng sanh. Tại sao thế? Vì bản tánh Không vậy”.

Chủ Nhật, 14 tháng 7, 2013

GIỚI LUẬT LÀ THỌ MẠNG CỦA PHẬT PHÁP

Hòa thượng Thích Trí Tịnh 
(bài ban từ trong Ðại giới đàn Thiện Hòa, ngày 01-04-1993 
tại Ðại Tòng Lâm, Bà Rịa Vũng Tàu)

Ðức Phật là một đấng đại Từ Bi, Ngài xem tất cả chúng sinh mọi loài như con một. Lòng yêu thương chúng sinh của Ðức Phật trong Kinh Lăng Nghiêm có nói, như mẹ thương con, chỉ mong làm sao cho con mình được hết tất cả khó và hưởng tất cả vui, cho nên trong Kinh Hoa Nghiêm nói: "Ðức Phật không có cái tâm tưởng nào khác ngoài tâm đại Từ đại Bi, ban vui cứu khổ cho tất cả chúng sinh". Vì vậy Ðức Phật ra đời, cũng không ngoài mục đích ấy, vì thương chúng sinh như con một mà phải ban vui cứu khổ, và trong kinh Pháp Hoa Ðức Phật nói rõ: "Ðức Phật ra đời vì muốn cho tất cả chúng sinh được Khai Phật tri kiến, Thị Phật tri kiến, Ngộ Phật tri kiến và Nhập Phật tri kiến, được thành Phật như Phật không khác". 

Chỉ một hoài bão duy nhất đó mà Ðức Phật mới ra đời và Ðức Phật cũng nói thập phương Chư Phật ra đời cũng một hoài bão duy nhất đó mà thôi. Do đó, tất cả Pháp của phật nói ra cho chúng ta cũng như tất cả chúng sinh, những người có thể tin được, có thể làm được cũng đến nơi mục đích là hết khổ được an vui cứu cánh giải thoát, đầy đủ trí Tuệ đại Từ Bi như Ðức Phật không khác. Cho nên bổn phận hôm nay của chúng ta cũng như các vị Giới Sư, chỉ vì mục đích duy nhất là đem Giáo Pháp của Phật truyền nói lại cho những người kế thừa mình để cho Chánh Pháp của Phật mãi mãi lưu truyền ở thế gian không dứt. Ðể chi? Ðể cho những người hiện tại cũng như tất cả những người ở tương lai và rộng đến tất cả mọi loài chúng sanh đều được nhuần nơi chánh Pháp (ban vui cứu khổ) để hết khổ và được an vui.

Thứ Bảy, 13 tháng 7, 2013

Thập Thiện Nghiệp

HT. Thích Thiện Hoa
(Trích từ Phật Học Phổ Thông)


A. MỞ ĐỀ

Thập Thiện Nghiệp là cội gốc của tất cả pháp lành thế gian và xuấ thế gian

Trong hai bài "Nhân quả" và "Luân hồi" mà chúng ta đã học, chúng ta đã thấy một cách tường tận rõ ràng: hễ chúng ta gieo nhân gì thì chúng ta gặt quả ấy hoặc ngay trong đời hiện tại, hoặc trong những đời sau. Nhân nhỏ thì qủa nhỏ, nhân lớn thì quả lớn.

Nếu muốn được quả làm người thì phải gieo nhân làm người. Nhân làm người là sự chuyên giữ năm giới (không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối và không uống rượu). Với nhân nầy, ta được cái quả trong hiện tại là mọi người từ trong gia đình quyến thuộc cho đến ngoài xã hội, đều thương yêu quí trọng. Nhưng nếu chúng ta muốn tiến xa hưon một bực nữa, chúng ta gắng tu Thập Thiện Nghiệp, chúng ta sẽ hưởng được cuộc sống an lạc trong hiện tại và đời sau, chúng ta sẽ sanh lên sáu từng Trời cõi Dục, hưởng cảnh vui thú, an nhàn.

Nếu chúng ta muốn vượt khỏi ba cõi thế gian, để chứng quả tam thăng (Thanh Văn, Duyên Giác và Bồ Tát), ta phải tu nhân Tứ Đế, Thập Nhị Nhân Duyên và Lục Độ. Tuy thế, muốn thực hiện được các môn tu nầy, không thể bỏ qua được môn tu Thập Thiện Nghiệp. Thập Thiện Nghiệp như là nấc thang quan trọng cần phải vượt qua, nếu muốn trèo lên cao nữa. Nó như là cơ sở căn bản, hạ tầng vững chắc nhất, để xây dựng lau đài cao lớn lên trên. Vì lẽ đó, người ta nói Thập Thiện Nghiệp là cội gốc của tất cả các pháp lành thế gian và xuất thế gian.

Chủ Nhật, 7 tháng 7, 2013

TRUNG ĐẠO CỦA ĐỨC PHẬT và Tâm Lý Trị Liệu của Phương Tây

The Buddha’s Middle Way and Western Psychotherapy
Nguyên tác: Dr Shanti Tayal
Việt dịch: Trần Như Mai

Mục đích của tâm lý trị liệu là để chữa trị, thoa dịu và làm vơi bớt nỗi khổ đau của những người đang bị dày vò bởi nhiều vấn đề nan giải trong cuộc sống, hay những người được chẩn đoán là đang mắc bệnh tâm thần. Về điểm này, một số câu hỏi sau đây vẫn chưa có sự đồng thuận: tâm lý trị liệu là gì, bệnh tâm thần là gì, kỹ thuật chữa trị ra sao, mục đích để làm gì, làm thế nào để chữa lành bệnh, hoặc phương pháp này hữu hiệu ra sao. Nói cách khác, bằng cách đặt những câu hỏi ấy, chúng ta đòi hỏi sự xác nhận vị trí của phương pháp này trong hệ thống tâm lý trị liệu của phương Tây.

Thứ Bảy, 6 tháng 7, 2013

NHÀ VŨ TRỤ HỌC STEPHEN HAWKING VÀ MƯỜI CÂU HỎI CỦA TẠP CHÍ TIME

Tác giả : Trí Tánh Đỗ Hữu Tài

NHÀ VŨ TRỤ HỌC STEPHEN HAWKING
VÀ MƯỜI CÂU HỎI CỦA TẠP CHÍ TIME
Time Magazine / Trí Tánh dịch

Stephen William Hawking, sinh ngày 8 tháng Giêng năm 1942 là một nhà Vật lý Lý thuyết người Anh, đồng thời cũng là một nhà Vũ trụ học nỗi tiếng nhờ các tác phẩm khoa học và các lần ông xuất hiện trước quần chúng.. Ông là Hội viên Danh dự của Hội Nghệ thuật Hoàng gia Anh (Royal Society of Arts), Hội viên vĩnh viễn của Viện Khoa học Giáo hoàng (Pontifical Academy of Sciences) và vào năm 2009, được trao tặng Huy chương Tổng thống về Tự Do là huy chương dân sự cao quý nhất của Mỹ.

Ông Hawking là giáo sư Toán tại Đại học Cambridge trong 30 năm (1979-2009), ngồi ở ghế và lấy danh vị giáo sư mà ông Issac Newton đã từng ngồi trước đó. Ông cũng là Giáo sư Danh dự tại Đại học Gonville và Caius College ở Cambridge và là Khoa trưởng về Nghiên cứu Vật lý Lý thuyết tại Viện Perimeter Institute for Theoretical Physics ở Waterloo, bang 0Ontario, Canada.

Thứ Sáu, 5 tháng 7, 2013

KHÁI NIỆM THỜI GIAN TRONG PHẬT GIÁO

Đồng Thành

Ngay từ thời khởi nguyên của lịch sử tư tưởng Ấn Độ, thời gian vốn đã là đề tài luôn kích thích mạnh mẽ óc suy tưởng của các triết gia Ấn và khiến họ đi đến nhận định rằng thời gian không những là tác nhân liện hệ đến sự hình thành của vũ trụ mà nó còn là một nhân tố phổ quát chi phối đến vạn vật trong cuộc sống. Dần dần với ảnh hưởng của những trào lưu tư tưởng mới người ta còn xem thời gian là một trong những yếu tố quyết định các hình thái đa dạng của mọi hiện tượng trong thiên nhiên, thậm chí Silanka, một tư tưởng gia của Kỳ Na giáo còn cho rằng thời gian có thể được xem như một nguồn lực tạo nên sự tiến hóa của muôn vật trong thế giới bao la này.

Khác với khuynh hướng suy nghiệm của các triết gia Tây phương, người Ấn thường trầm tư về thời gian trong trạng thái tĩnh hơn là động. Kinh nghiệm nhận thức đã tạo cho họ lối suy diễn sâu sắc rằng dù rằng vạn hữu trong thế gian luôn vận hành và biến đổi, nhưng tự thể của chúng vẫn thường còn và không bị chi phối bởi những biến dịch không ngừng của vũ trụ. Các bậc hiền triết Ấn không chỉ dừng lại ở những nhận định như: “Không ai tắm hai lần trong cùng một dòng sông” (như Heraclitus) hay: “Chảy mãi như thế này ngày đêm không ngừng nghỉ ư?” (như Khổng Tử) mà xuyên qua sự biến dịch đó họ truy tầm về yếu tính của dòng sông, tìm về cái trầm lặng trong ào ạt, cái bất biến trong đổi thay để từ đó suy gẫm về một sự an bình miên viễn trong cuộc sống của mình.

Thứ Năm, 4 tháng 7, 2013

"ĐỪNG GỌI TÊN KHỈ NỮA MÀ CẢM THẤY NHỤC NHÃ"

GS. Cao Huy Thuần

Phải chờ thêm 12 năm nữa, cho đến 1871, khi không thể giấu mãi niềm tin chắc của mình, ông mới xuất bản tác phẩm "Thủy tổ của con người".

Darwin viết thầm trong Nhật Ký: "Để tránh khỏi phải nói rằng tôi đã trở thành duy vật đến thế, tôi phải nhẹ nhàng trong cách nói, chỉ nói rằng những cảm xúc, những bản năng, những mức độ tài năng, tất cả đều di truyền, bởi vì bộ não của đứa bé giống như bộ não của cha mẹ nó" (18). Ông viết trong thư gửi Karl Marx: Đừng tấn công trực tiếp Thiên chúa giáo làm gì, vô ích đối với quần chúng; "hãy làm giàu trí óc con người bằng tiến bộ của khoa học, chỉ nhờ thế tự do tư tưởng mới phát triển thêm. Và bởi vậy, tôi tránh nói đến tôn giáo, chỉ hạn chế vào khoa học" (19).

Thứ Tư, 27 tháng 2, 2013

CHỮ “KHÔNG” TRONG NHÀ PHẬT

Lê Sỹ Minh Tùng

Trong Phật giáo thiền được xem là pháp môn phổ biến của đạo Phật, nhưng trên thực tế thiền được áp dụng trong tất cả mọi sinh hoạt của cuộc sống mà con người không hề để ý đến. Thí dụ trong các lãnh vực khoa học hiện đại thì danh từ thiền được hiểu là sự nghiên cứu để vận dụng tất cả mọi tư duy từng giai đoạn với mục đích tìm ra phương thức ứng dụng để phục vụ cho đời sống con người. Nếu sự nghiên cứu này có kết quả rốt ráo, thành tựu mỹ mãn có thể đem ra ứng dụng làm lợi ích cho cuộc đời thì sự nghiên cứu đó được gọi là “phát minh”. Nhưng tất cả những sự phát minh của khoa học, kỷ thuật là để phục vụ con người đối với thế giới vật chất để có cuộc sống dễ dàng, tiện nghi và đưa con người gần gủi với nhau hơn. Thí dụ khi các khoa học gia khám phá và phóng những vệ tinh vào quỷ đạo của địa cầu nên ngày nay ai ai cũng có điện thoại di động, có thể xem trực tiếp truyền hình trận đá banh vô địch thế giới trên TV ở bất cứ nơi nào. Chẳng hạn có một vị bác sĩ trước khi cho thuốc thì phải suy tư, thẩm xét để suy tìm ra căn bệnh của thân chủ mình do vậy chính vị bác sĩ này hằng ngày đã vô tình vào thiền định rất nhiều lần mà không hề hay biết. Một học sinh đang suy nghĩ để tìm cách giải một phương trình toán học, một bà nội trợ đang suy nghĩ phải nấu món ăn gì cho bửa cơm gia đình tối nay. Tóm lại thiền là sự tư duy, quán chiếu để thấu biết rốt ráo một đối tượng nào.

Thứ Hai, 25 tháng 2, 2013

BÁT BẤT TRUNG ĐẠO



Thích Như Điển

Chúng ta sống trong thế giới ngày hôm nay đã cách xa Đức Phật hơn 2500 năm lịch sử và cách xa Ngài Long Thọ (Nagajuna) tác giả của Trung Quán Luận là 1.800 năm. Nghĩa là Ngài sinh ra đời tại miền Nam Ấn Độ cách Phật xuất thế khoảng 700 năm; nhưng từ ấy đến nay giáo lý ấy vẫn còn có giá trị thực tiễn. Mặc dầu chúng ta đang sống trong một thế giới văn minh tinh thần và vật chất tại Âu Mỹ nầy.

Bát bất gồm có 8 loại không. Đó là: Bất sinh bất diệt, bất đoạn bất thường, bất nhất bất dị và bất khứ bất lai. Đây là 8 loại lập luận để thấy con đường trung đạo. Nghĩa là không phải cái nầy mà cũng chẳng phải cái kia. Thông thường chúng ta chấp có, chấp không, chấp còn chấp mất, chấp sinh chấp diệt, chấp đến chấp đi v.v... Vì lẽ ta dùng con mắt bình thường của thế gian để xem và phán xét như thế. Còn Bồ Tát nhìn sự vật của tâm thức trước và sau rỗng không vô định, chẳng có giới hạn bởi thời gian và không gian; cho nên mới đưa ra lập luận ấy.
Thế nào là bất sinh bất diệt? Nghĩa là ta vốn chẳng sinh ra và cũng chẳng mất đi. Cái mà gọi là sinh đó, thật ra nó chỉ là một hiện tượng. Vì ta thấy có một con người, một sự vật hiện hữu ở đời nầy. Rồi sống một thời gian trên cõi thế để rồi một ngày nào đó ta phải ra đi; gọi việc ấy là mất; nhưng mất cái gì và còn cái gì? - Cái được gọi là mất đó thật sự ra nó cũng chỉ là một sự trả lại cho đất trời vạn vật; cho đất, nước, gió, lửa mà thôi. Vì khi ta sinh ra ta đã vay mượn của thiên nhiên vạn vật thì khi ta chết đi ta chỉ trả lại mà thôi. Do vậy mà dưới mắt Bồ Tát chẳng có sự sinh và chẳng có sự diệt. Ta mất chỗ nầy, ta sẽ hiện hữu ở nơi khác và từ nơi khác sẽ đến chốn nầy để tồn tại một thời gian; rồi một ngày nào đó sự hiện hữu ấy cũng phải thay đổi vậy. 

Chủ Nhật, 24 tháng 2, 2013

BẢN-THỂ-CỦA-PHẬT



Daisetz Teitaro Suzuki
(Hoang Phong chuyển ngữ)

Lời giới thiệu của người dịch:

Bản-thể-của-Phật còn gọi là Như Lai Tạng, Phật Tính, Pháp Giới, Chân Như... (tiếng Phạn là Tathagatagarbha), là một khái niệm quan trọng của Đại Thừa Phật Giáo. Tathagatagarbha được ghép từ hai chữ Tathagata và garbha: Tathagata có nghĩa là như thế, Đức Phật thường tự xưng mình chỉ là như thế, hiện ra nơi đây là như thế, dịch ra tiếng Hán là Như Lai; chữ garbha có nghĩa từ chương là "nguyên nhân" hay "bên trong" (của một thứ gì đó)..., tiếng Hán dịch là chủng tử. Vậy Tathagatagharba hay Bản-thể-của-Phật mang một ý nghĩa như thế nào trong Phật Giáo?

Dưới đây là một bài viết ngắn của thiền sư Daisetz Teitaro Suzuki (1870-1966) giải thích về Bản-thể-của-Phật. Giới thiệu dông dài về D.T. Suzuki có lẽ cũng bằng thừa, bởi vì hầu hết những ai đã từng dày công học Phật cũng đều biết đến ông, người đã mang thiền học Zen vào thế giới Tây Phuơng trong tiền bán thế kỷ XX. Bài viết này được tìm thấy trong tập san France-Asie, số đặc biệt với chủ đề Phật Giáo, được phát hành tại Sài-gòn năm 1959. Số đặc biệt này đã góp nhặt các bài viết của một số các học giả Phật Giáo lỗi lạc nhất thế giới vào thời bấy giờ. Số báo này được tái bản tại Pháp lần thứ nhất năm 1987 và lần thứ hai năm 2008. Gọi là một số báo đặc biệt thế nhưng thật ra đây lại là một quyển sách đồ sộ mang tựa đề là "Présence du Bouddhisme" ("Sự Hiện Diện của Phật Giáo"). Lần tái bản thứ hai chỉ giữ lại phần giáo lý thế mà cũng đã dày gần 600 trang chữ nhỏ.

Người dịch xin mạn phép ghép thêm một vài ghi chú nhỏ với hy vọng có thể giúp người đọc dễ theo dõi bản gốc hơn. Các lời ghi chú này được trình bày bằng chữ nghiêng và đặt trong hai dấu ngoặc.

Thứ Bảy, 23 tháng 2, 2013

ĐỒNG THỜI TƯƠNG ƯNG

(HỮU THỂ VÀ THỜI GIAN)

Hồng Dương Nguyễn Văn Hai

Carl Jung và Wolfgang Pauli

Khái niệm “synchronicity”, xin tạm dịch, “lý đồng thời tương ưng”, do nhà tâm lý học Carl Jung, người Thụy Sĩ, thi thiết là để diễn tả phương cách nhận thức đặc biệt của người phương Đông. Ông nói: “Đồng thời tương ưng luận là thiên kiến của người phương Đông, nhân quả quan hệ luận là thiên kiến của người phương Tây”, “Khoa học Kinh Dịch chắc chắn là căn cứ không phải trên nguyên lý quan hệ nhân quả, mà trên một nguyên lý cho đến nay chưa có tên vì không ngộ hợp với chúng ta, do đó tôi tạm gọi là nguyên lý đồng thời tương ưng”, hay “Đạo có thể bất cứ là thứ gì, tôi dùng một chữ khác để gọi tuy không hẳn đúng nghĩa. Tôi gọi Đạo là lý đồng thời tương ưng (synchronicity)”. Nói một cách ngắn gọn, đồng thời tương ưng theo ông là sự “tương phù có ý nghĩa” (meaningful coincidence). Đây là trường hợp hai biến cố xảy ra đồng thời, nhưng biến cố này không sinh xuất từ biến cố kia và chúng không cùng chung một nhân. Không quan hệ nhân quả nào giữa hai biến cố đồng thời tương ưng tuy chúng nối kết nhau, một nối kết vô nhân (acausal connection). Hơn nữa, sự tương phù ở đây không phải là tình cờ, ngẫu nhiên. Đây là trường hợp tương phù có ý nghĩa giữa một trạng thái tâm thức (psychic event) và một biến cố ngoại giới (external event).

Thứ Sáu, 22 tháng 2, 2013

ĐẠO LÝ HỮU-THỜI

(HỮU THỂ VÀ THỜI GIAN)

Hồng Dương Nguyễn Văn Hai

Một người Tọa thiền một thời

Muốn hiểu quan điểm của Đạo Nguyên về không gian và thời gian thời cần biết tư tưởng của ông về Phật tánh và hành trì. Một mặt, ông căn cứ trên hai yếu quyết “Tất hữu là Phật tánh” và “Vô-thường-Phật-tánh” để xiển dương đạo lý “Hữu-thời”. Mặt khác, ông lập cước trên quan điểm “tu chứng nhất đẳng” và “hành trì đạo hoàn” (gyòji-dòkan; quá trình tu hành luân chuyển không ngừng) để biện minh thuyết “hiện tại tuyệt đối” (nikon; nhi kim).

Những tư tưởng về Phật tánh và hành trì nêu trên đã phát xuất từ kinh nghiệm tự thân chứng ngộ sự quan hệ giữa tánh vô thường và Phật tánh trong thời gian ông tu học với Thiền sư Như Tịnh ở Trung Hoa. Sau khi đạt ngộ, ông trở về nước, khai thiết tông phong Tào Động Nhật bản và truyền giảng giáo lý theo kinh nghiệm chứng ngộ của bản thân. Một trong những đóng góp quan trọng nhất của ông là phép Tọa thiền (Zazen) được giải thích rất ngắn gọn trong Phổ khuyến Tọa thiền nghi (Fukanzazengi).

HỮU THỂ VÀ THỜI GIAN

(HỮU THỂ VÀ THỜI GIAN)

Hồng Dương Nguyễn Văn Hai

Một đóa mai

Trong bài Vật bất thiên của Triệu Luận, một tuyệt tác rất nổi tiếng của ngài Tăng Triệu, Thích Duy Lực dịch, có những đoạn liên hệ đến vấn đề hữu thể và thời gian như sau.

“Sự sanh tử luân hồi, mùa đông mùa hè thay phiên biến đổi, hình như có vật lưu động, ấy là sự hiểu biết của người thường, nhưng tôi thời nói chẳng phải vậy. Tại sao? Kinh Phóng Quang Bát Nhã có nói: “Các pháp chẳng có khứ lai, chẳng có pháp nào động chuyển cả.”

“Người thường cho là động vì vật xưa không đến nay, nên nói là động mà chẳng phải tịnh [mặt trẻ lúc xưa nay biến thành già, có biến đổi tức là động rồi, chẳng phải tịnh]. Còn tôi cho là tịnh, cũng là vật xưa không đến nay, nên nói tịnh mà chẳng động [mặt trẻ trụ lúc xưa chưa từng dời đến nay, nên nói tịnh mà chẳng động]. Người chấp động mà chẳng tịnh vì nó chẳng đến [vì mặt trẻ chẳng đến, nhưng biến thành già nên cho là động]. Sự thật, tịnh mà chẳng động vì nó không đi [vì mặt trẻ ở lúc xưa không đến nay cũng như mặt già hiện nay không đến xưa, nên gọi là tịnh]. Vậy hiện tượng chưa từng khác, mà sự thấy bất đồng [cùng “vật xưa không đến nay” mà thấy có sự động tịnh chẳng đồng].

Thứ Ba, 19 tháng 2, 2013

SÁT NA TRIỂN CHUYỂN

(HỮU THỂ VÀ THỜI GIAN)
Hồng Dương Nguyễn Văn Hai

Nghĩa nhân duyên

Tám thức dựa vào nội thức triển chuyển làm duyên cho nhau sinh khởi mà không có ngoại duyên, thế thời do đâu loài hữu tình bị sinh tử tương tục? Sinh tử có hai loại: Phần đoạn sinh tử và bất tư nghì biến dịch sinh tử. Phần đoạn sinh tử là trạng thái sinh tử thông thường của chúng ta. Nghĩa là ba thứ thọ (thọ mạng), noãn (hơi ấm), thức (tâm thức) hòa hợp kết sanh gọi là sinh. Sau khi sinh sống một giai đoạn đến khi thọ, noãn, thức không hòa hợp ly diệt thời gọi là tử. Tử rồi lại sinh, sinh rồi lại tử, mỗi kỳ sinh mỗi kỳ tử, tử tử sinh sinh phân từng giai đoạn sinh tử nên gọi là phần đoạn sinh tử.

Biến dịch sinh tử thời không có tướng phần đoạn, nghĩa là không có hình tướng sinh diệt. Tuy trước sau liên tục không có tướng sinh diệt, nhưng từng sát na từng sát na sinh diệt biến hóa. Thứ vi tế sinh tử này không phải phàm phu, nhị thừa có thể nghĩ lường, hiểu biết được, nên gọi là bất tư nghì. 

Thứ Hai, 18 tháng 2, 2013

TÁM THỨC

(HỮU THỂ VÀ THỜI GIAN)
Hồng Dương Nguyễn Văn Hai

TÁM THỨC


Trung quán và Duy thức

Luận lý học Trung quán có thể tóm thâu vào hai nguyên lý: nguyên lý Tánh Không, “Duyên khởi là Không”, và nguyên lý Nhị đế, “Nếu không nương tục đế thời không được Đệ nhất nghĩa đế, không được Đệ nhất nghĩa đế, thời không được Niết bàn.”

Nhị đế không phải là một thuyết về bản chất thực tại, mà chỉ là một hình thái nhận thức, một phương cách quán sát và phân tích thế giới. Đặc tính của Nhị đế là chẳn những hai đế tương phản nhau, bên chân bên vọng, mà ngoài ra Tục đế không bao giờ trở thành Chân đế và Chân đế luôn luôn siêu việt tục đế. Nguyên do thành lập thuyết Nhị đế là nhằm làm sáng tỏ tính chất tuyệt đối gián đoạn giữa hai đế. Phía này, thế Tục đế là chân lý ước định có thể dùng kinh nghiệm và lý luận thông thường để thấu triệt. Phía kia, Chân đế là chân lý tối thượng phải tinh tấn tu tập thiền định triển khai tuệ quán vào tánh Không mới chứng ngộ được.

Chủ Nhật, 17 tháng 2, 2013

SÁT NA VÔ THƯỜNG

(HỮU THỂ VÀ THỜI GIAN)


Hồng Dương Nguyễn Văn Hai

Thế gian là khổ, là không

Trong Câu xá Quang ký Quyển I, chúng sinh được định nghĩa là: “Thọ chúng đa sinh tử cố viết chúng sinh.” Thọ rất nhiều sinh tử nên gọi là chúng sinh. Thọ mãi sinh tử đời này qua đời khác nên gọi là chúng sinh. Nên lưu ý ở đây chúng sinh không được định nghĩa như cái gì phải chết. Nếu định nghĩa chúng sinh là cái gì phải chết, thời đó là do nhận thức mạng sống hiện tại như đối nghịch với cái chết đang đến và tìm cách chinh phục cái chết đó. Như vậy, trường sinh bất tử là do áp đảo được cái chết. Phật giáo không định nghĩa như vậy. Sống và chết không phải là hai đối tượng đối nghịch mà đúng ra là hai mặt của một thực tại bất khả phân. Sinh mệnh hiện tại là mạng sống đang nhẫn thọ sinh tử, và thực trạng sinh tử này là đặc điểm của sinh mệnh hữu hạn hiện tại. 

Thứ Sáu, 15 tháng 2, 2013

TÂM LÀ GÌ? NÓ Ở ĐÂU TRONG CƠ THỂ

Dr. Sam Parnia 
Tâm Hà Lê Công Đa dịch

Lời Người Dịch: Tâm là gì? Trong chúng ta chắc có nhiều người đã từng được nghe giai thoại Thiền học liên quan đến câu chuyện "an tâm" giữa Bồ Đề Đạt Ma và Tổ Huệ Khả. Khi Tổ Huệ Khả thỉnh cầu Bồ Đề Đạt Ma, “Xin Thầy an tâm cho con.” Bồ Đề Đạt Ma bảo, “Ngươi đem tâm của ngươi ra đây để ta an cho.” Tổ Huệ Khả bối rối, “Nhưng con không thể tìm ra nó.” Bồ Đề Đạt Ma cười bảo, “Thì ta đã an tâm cho ngươi rồi đó.”

Sự bối rối của Tổ Huệ Khả cũng là sự bối rối của tất cả chúng ta. Cho đến nay Tâm vẫn là một khái niệm trừu tượng. Có tâm hay không? Nếu có, tâm nằm ở đâu trong mỗi con người? Phải chăng tâm chính là thần thức, một danh từ mà Phật giáo Tây Tạng thường hay dùng để chỉ một cái gì đó như là một chủng tử -tích lũy tất cả nghiệp quả của một cá nhân- sẽ rời bỏ xác thân khi ta chết để đầu thai hay đi về một cảnh giới khác?

Thứ Bảy, 26 tháng 1, 2013

A-HÀM – KHÔNG VÀ CON ĐƯỜNG GIẢI THOÁT


NGHIÊN CỨU VỀ 
TRIẾT HỌC TÁNH KHÔNG

Nguyên tác: Pháp sư Ấn Thuận 
Chuyển ngữ: Tỳ-kheo Thích Nhuận Thịnh

CHƯƠNG I. 

A-HÀM – KHÔNG VÀ CON ĐƯỜNG GIẢI THOÁT

1.      Dẫn nhập
Không (śūnya, suñña) và tánh không (śūnyatā, suññatā) là thuật ngữ quan trọng trong Phật pháp. Trong quá trình truyền bá và lưu thông Phật pháp, nghĩa “không” không ngừng được phát huy, từ sự đức Phật được tôn xưng là Không vương, Phật giáo được tôn xưng là Không môn thì có thể hình dung được sự rộng lớn và sâu xa của nghĩa “không” này. Nhưng ý nghĩa của không và tánh không vào thời kỳ đầu, rốt cục biểu thị điều gì? Trong trường hợp cụ thể nào đó, tánh không biểu thị cho chân lý rất phổ biến, hoặc chỉ cho chân lý tuyệt đối vậy!

Vấn đề được Phật pháp giải quyết, vốn là vấn đề chung của giới tôn giáo đương thời tại Ấn độ. Đối mặt với sự thật sanh ra rồi chết, chết rồi tái sanh – sanh tử lưu chuyển, nên tìm cầu được giải thoát triệt để đối với sanh tử - niết-bàn, cũng chính là thực hiện lý tưởng tối cao. Sự thật và lý tưởng, trên nguyên tắc vốn là gần nhau, mà làm sao để thự hiện sự giải thoát thì mỗi giáo phái đều có nêu ra quan điểm và phương pháp của mình, nhưng lại không giống nhau. Đức Thích tôn đặt nền tảng nơi sự giác ngộ triệt để về ý nghĩa thật sự của nhân sanh, đã đề xuất ra con đường chân chánh độc đáo – trung đạo. Giáo thuyết nguyên thỉ của đức Thích tôn, trên thật tế,  đều không có lấy không làm chủ đề để tuyên dương, nhưng đặc tính của Phật pháp, chính xác là có thể lấy không để biểu đạt. Cho nên, trong Phật pháp, nghĩa “không” càng quan trọng hơn, cuối cùng trở thành luận đề chủ yếu thâm sâu của Phật pháp.