Hiển thị các bài đăng có nhãn Ban Hoằng Pháp. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Ban Hoằng Pháp. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Tư, 6 tháng 3, 2013

Giáo lý Nghiệp

Ban Hoằng Pháp

Giáo lý nghiệp của Phật giáo có thể sử dụng để biện giải về sự sinh tử luân hồi, đa dạng của chúng sanh trong ba cõi, sáu đường. Các khái niệm về nghiệp được hình thành rất sớm, ngay trước khi bộ tộc Aryan xâm chiếm Ấn Ðộ. Nghiệp có thể chi phối con người và vũ trụ. Nghiệp có một sức mạnh luôn khiến con người tạo ra nghiệp mới để rồi chịu nhiều quả báo khác nhau, trói buộc con người vào sinh tử luân hồi.

1. Ý nghĩa

Nghiệp, tiếng Phạn là karma, nghĩa gốc là hành động. Luật nghiệp liên quan mật thiết đến luật nhân quả, những hành động tự mình đã làm sẽ đem lại một kết quả tất yếu. Ví dụ, nếu hành động theo tham, ác, vô minh, điều này có nghĩa là chúng ta đang trồng hạt giống khổ đau. Khi hành động do động cơ trí tuệ, nhân từ, rộng lượng, có nghĩa là chúng ta đang tạo ra nghiệp nhân giàu có, hạnh phúc. Một ví dụ theo nghĩa vật lý để làm sáng tỏ điều này, nếu chúng ta trồng một hạt táo, cây táo lớn lên ra quả táo, không phải là quả xoài. Nếu muốn có xoài, chúng ta phải trồng hạt xoài. Nghiệp là tác ý, khởi lên ý tưởng (ý muốn, dụng tâm). 

Tác ý của mình là một khuynh hướng, hay động cơ đằng sau hành động. Phật nói rằng nghiệp là tác ý vì nó là động cơ quyết định nghiệp quả. Rõ ràng mỗi khuynh hướng trong tâm của chúng ta là một năng lực đủ mạnh để đưa đến kết quả. Khi hiểu được rằng nghiệp tùy thuộc vào tác ý, chúng ta có thể thấy được những trách nhiệm mà chúng ta phải gánh chịu về hành động của chính mình. Nếu chúng ta không biết được động cơ trong tâm ta, khi ước muốn bất thiện khởi lên, chúng ta có thể hành động sai lầm, tạo ra tương lai khổ đau.