Hiển thị các bài đăng có nhãn Đức Phật. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Đức Phật. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Năm, 10 tháng 7, 2014

Đức Phật, Vị Lương Y Vô Song

10. Đức Phật, Vị Lương Y Vô Song


Share on facebook
QUAN ĐIỂM PHẬT GIÁO
VỀ SỰ ĐAU ĐỚN VÀ BỆNH TẬT
Nhiều tác gỉa
Hoang Phong chuyển ngữ
Nhà xuất bản Hồng Đức 2014

10
ĐỨC PHẬT, VỊ LƯƠNG Y VÔ SONG

Jean-Pierre Schnetzler

Lời giới thiệu của người dịch:
 Dưới đây là bài chuyển ngữ sau cùng trong loạt bài thuộc chủ đề "Quan điểm Phật Giáo đối với sự đau đớn và bệnh tật", mang tựa là Đức Phật, Vị Lương Y vô song (Bouddha, Medecin insurpassable), tác giả là ông Jean-Pierre Schnetzler, nhà tâm lý học, phân tâm học, bác sĩ tâm thần và cũng là một học giả Phật Giáo uyên bác và nổi tiếng trong hậu bán thế kỷ XX.
 Jean-Pierre Schetzler (1929-2009) gốc người miền nam nước Pháp, xuất thân từ một gia đình Thiên Chúa Giáo thuần thành và mang truyền thống võ biền, cha của ông là một thương phế binh trong cuộc Thế Chiến thứ nhất. Từ thuở nhỏ ông cũng đã được gia đình khuyến khích nên theo đuổi binh nghiệp hoặc tu tập trong một nhà dòng để trở thành một tu sĩ. Thế nhưng thật hết sức bất ngờ, ông lại biết đến Phật Giáo rất sớm khi còn là một học sinh năm cuối cấp trung học, nhờ đọc quyển sách "Le Bouddha, sa vie, sa doctrine, sa communauté" (Đức Phật, cuộc đời, giáo lý và tăng đoàn) của một học giả người Đức là Hermann Oldenberg (1854-1920). Ông Schnetzler thuật lại rằng khi đọc quyển sách này thì ông cũng chỉ nghĩ là để trau dồi kiến thức nhằm chuẩn bị cho bài luận triết học trong kỳ thi tú tài sắp đến, thế nhưng sau khi đọc xong thì ông cảm thấy vô cùng bàng hoàng, tương tự như có một trận động đất nổ bùng lên trong trí làm chấn động cả tâm hồn mình. Chẳng những đọc đến đâu hiểu đến đó, mà ông còn cảm thấy là các thuật ngữ và khái niệm nêu lên trong sách cũng thật hết sức quen thuộc và dường như đã được đọc từ trước. Bất chợt một ý nghĩ hiện ra trong tâm trí rằng ông đã từng là một người tu tập Phật Giáo trong kiếp sống trước. Tuy nhiên ông không hề hé lộ ý nghĩ ấy với ai cả, vì sợ mọi người bảo mình là một cậu thanh niên điên rồ hay bất bình thường. Ông bèn nghĩ đến là sau này sẽ học y khoa về ngành tâm lý trị liệu để có thể giúp đỡ những kẻ yếu đuối tâm thần.

Thứ Hai, 28 tháng 4, 2014

Những lời cuối cùng của Đức Phật

 Những lời cuối cùng của Đức Phật


KHỔ ĐAU PHÁT SINH VÀ VẬN HÀNH 
NHƯ THẾ NÀO
Hoang Phong biên soan và dịch
Nhà xuất bản Phương Đông 2012

NHỮNG LỜI CUỐI CÙNG CỦA PHẬT
Hoang Phong

Dưới đây là tóm tắt những lời dặn dò cuối cùng của Phật. Thật ra Phật đã đau yếu từ ba tháng trước và đã khởi sự dặn dò người đệ tử thân cận nhất là A-nan-đà. Phật bảo A-Nan-Đà tập họp các đệ tử để nghe giảng và thông báo trước sự tịch diệt của mình. Lúc ấy Phật đã 80 tuổi. Trong những tháng cuối cùng, Phật đã gầy còm và mệt mỏi, nhưng vẫn đi thuyết giảng như thường, tuy không còn đi xa được nữa. A-Nan-Đà xin Phật hãy tĩnh dưỡng trong những ngày còn lại, nhưng Ngài khoát đi và dạy rằng :
« Thân ta tuy có kém mạnh khoẻ, nhưng lòng từ bi của ta, trí sáng suốt của ta không kém sút. Ta còn tại thế ngày nào thì ngày ấy không phải là một ngày vô ích ». 

Thứ Bảy, 19 tháng 4, 2014

Tư tưởng của Đức Phật đã được người sau biến đổi như thế nào?

Tư tưởng của Đức Phật đã được người sau biến đổi như thế nào?


NHÌN LẠI BẢN CHẤT CON NGƯỜI
Hoang Phong biên soạn và dịch
Nhà xuất bản Phương Đông 2012

TƯ TƯỞNG CỦA ĐỨC PHẬT
ĐÃ ĐƯỢC NGƯỜI SAU BIẾN ĐỔI NHƯ THẾ NÀO?
Philippe Cornu - Hoang Phong chuyển ngữ


Các bài thuyết giảng của Đấng Giác Ngộ lưu lại sau khi Ngài tịch diệt đã được người sau bình giải, thêm thắt và mang ra ứng dụng vào mọi hoàn cảnh. Và cũng từ đó đã phát sinh ra Phật giáo Nguyên thủy (Theravada), Phật giáo Đại thừa (Mahayana) và Phật giáo Tantra thừa (Vajrayana).

Lời giới thiệu của người dịchTất cả mọi hiện tượng đều biến động và đổi thay, đó là quy luật của vô thường. Giáo lý của Đức Phật cũng không tránh khỏi quy luật ấy. Sự diễn đạt và bình giải của con người có thể đã góp phần giúp cho Đạo Pháp phong phú hơn nhưng đồng thời cũng mang lai lắm điều phức tạp hơn. Bài được chuyển ngữ dưới đây tuy sơ lược nhưng cũng có thể mang lại cho chúng ta một tầm nhìn bao quát hơn về con đường Đạo Pháp. Thật vậy, tu tập cũng cần biết mình đang tu tập cái gì và đang bám víu vào những cành lá nào đang vươn ra từ gốc cây Phật Pháp. Bài viết được đăng trong một số ngoại lệ của tạp chí Le Point của Pháp (số 5, tháng 2 và 3, năm 2010) với chuyên đề là Đức Phật. Tác giả là ông Philippe Cornu, hiện là viện trưởng đại học Phật giáo Âu châu, (Hoang Phong).

Chủ Nhật, 13 tháng 4, 2014

Đức Phật được tượng trưng bằng trăm nghìn cách khác nhau

Đức Phật được tượng trưng bằng trăm nghìn cách khác nhau

Tác giả : Hoang Phong

NHÌN LẠI BẢN CHẤT CON NGƯỜI
Hoang Phong biên soạn và dịch
Nhà xuất bản Phương Đông 2012

ĐỨC PHẬT ĐƯỢC TƯỢNG TRƯNG
BẰNG TRĂM NGHÌN CÁCH KHÁC NHAU
Gilles Béguin - Hoang Phong chuyển ngữ

Trong suốt một thời gian dài sau khi Đức Phật tich diệt thì người sau chỉ gợi nhớ đến Ngài bằng cách tôn kính xá lợi. Nhiều thế kỷ sau đó khi giáo lý của Đức Phật đã được truyền bá rộng rãi thì hình ảnh của Ngài mới được tượng trưng bằng nhiều biểu tượng khác nhau. Hầu hết các biểu tượng của Đức Phật đều xuất phát từ nghệ thuật Ấn độ, sau này mới biến đổi đi để thích ứng với các nền văn hóa địa phương.
Lời giới thiệu của người dịch: Dưới đây là một bài ngắn trình bày các biểu tượng khác nhau của Đức Thích-ca Mâu-ni và của các chư Phật suốt trên dòng lịch sử phát triển của Phật giáo. Tác giả là ông Gilles Béguin, hiện là giám đốc Bảo tàng viện Cernuschi, một bảo tàng viện chuyên về nghệ thuật Á châu, được khánh thành vào năm 1898 và là một trong các bảo tàng viện xưa nhất của thủ đô Paris. Bài viết được đăng trong một số đặc biệt của tạp chí Le Point (số 5, tháng 2 và 3, năm 2010) với chuyên đề Đức Phật. Hoang Phong chuyển ngữ.

Chủ Nhật, 30 tháng 3, 2014

Những điểm chính yếu nhất trong giáo huấn của Đức Phật

 Phần I. Những điểm chính yếu nhất trong giáo huấn của Đức Phật


Buddhadasa Bhikkhu 
CỐT LÕI CỦA CỘI BỒ ĐỀ 
Hoang Phong chuyển ngữ
Nhà xuất bản Phương Đông 2012

Phần I
Những điểm chính yếu nhất 
trong giáo huấn của Đức Phật

Cuộc hội ngộ giữa chúng ta hôm nay quả là một dịp may hiếm có, do đó tôi nghĩ rằng cũng nên nêu lên các đề tài trọng yếu nhất hầu có thể tóm lược được những điểm giáo lý căn bản trong Dhamma (Đạo Pháp). Vì thế đề tài của buổi nói chuyện hôm nay sẽ là "Những điểm chính yếu nhất trong giáo huấn của Đức Phật", với hy vọng là nếu thấu hiểu được tường tận những điểm ấy thì quý vị nhất định cũng sẽ bước được một quãng thật dài trên đường tu học. Thật vậy, nếu không nắm vững được các điểm trọng yếu này thì quả rất khó cho quý vị có thể tránh khỏi mọi sự hoang mang: quý vị sẽ luôn thắc mắc là tại sao lại có quá nhiều thứ (giáo lý) cần phải học đến thế, chúng cứ tiếp tục nhân lên đến độ không sao có thể nhớ hết, hiểu hết và mang ra ứng dụng hết được (Phật Pháp quá nhiều và quá đa dạng). Đấy là nguyên nhân thường thấy nhất đã khiến cho nhiều người phải bỏ cuộc trên Con Đường: họ thấy nản chí và sau đấy thì mối quan tâm đến Đạo Pháp của họ cũng sẽ dần dà bị phai nhạt đi. Họ cảm thấy việc ấy trở thành một gánh nặng phải mang trên vai và cũng chẳng biết phải xử trí với nó như thế nào nữa.

Thứ Tư, 12 tháng 2, 2014

Lược Sử Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni (từ thành đạo đến nhập Niết bàn)

H.T Thích Thiện Hoa 

A – Mở Ðề:

Trong bài trước chúng ta đã thấy Ðức Phật Thích Ca vì một đại nguyện lớn lao, vì một lòng từ bi vô bờ bến mà xuất gia tìm Ðạo. Ðại nguyện và lòng từ bi lớn lao ấy là:”cầu thành Phật quả để trên đền đáp bốn ơn sâu, dưới cứu vớt ba đường khổ”.

Cho nên sau khi giác ngộ, Ngài không vội nhập Niết bàn, mà nghĩ ngay đến sứ mạng của Ngài là: Thay thế chư phật đời trước, tiếp tục chuyển mê khai ngộ cho tất cả mọi người.

Sứ mạng ấy Ngài biết trước không phải dễ dàng, vì cái Ðạo của Ngài thì cao thâm huyền diệu, mà chúng sanh căn cơ lại không đều, và từ muôn kiếp đã lặn hụp trong si mê lầm lạc, khó có thể nhận hiểu được ngay ý nghĩa cao thâm của Giáo lý Ngài. Chúng sanh từ lâu đời lâu kiếp quen sống trong bóng tối của si mê, ngày nay chắc không khỏi choá mắt, hoảng sợ khi tiếp xúc với ánh sáng bừng chói của trí tuệ. Nhưng Ngài xét biết rằng mặc dù sống trong tăm tối, nhưng mỗi chúng sanh đều có mầm Phật tánh, như hoa sen, mặc dù sống trong bùn tanh hôi, nhưng vẫn tỏa nhụy vàng thơm ngát. Ngài cương-quyết thực-hiện sứ mạng của mình.

Thứ Ba, 11 tháng 2, 2014

Lược Sử Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni (từ Giáng Sanh đến Thành Ðạo)

HT. Thích Thiện Hoa


Mở Ðề:

Ðời Ðức Phật Thích Ca Là Một Tấm Gương Sáng

Bắt nguồn một tôn giáo nào, vị giáo chủ bao giờ cũng là một tấm gương sáng cho tín đồ soi chung để tiến bước. Nhưng trong các vị giáo chủ của các tôn giáo hiện có trên thế giới này, không có một vị* nào đầy đủ ý nghĩa cao đẹp, một đời sống sâu xa bằng đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Mỗi hành động, mỗi cử chỉ, mỗi lời nói, cho đến mỗi im lặng của Ngài đều là những bài học quý báu cho chúng ta. Nếu chúng ta học giáo lý của Ngài mà không hiểu rõ đời sống của Ngài, thì sự học hỏi của chúng ta còn phiến diện, thiếu sót.

Ðời Ngài chính là những biểu hiện giáo lý của Ngài. Ngài nói và Ngài thực hành ngay những lời Ngài đã nói. Ðời Ngài là một bằng chứng hiển nhiên để người đời nhận thấy rằng giáo lý của Ngài có thể thực hiện được, chứ không phải là những lời nói suông, những không tưởng, những lâu đài xây dựng trên mây, trên khói.

Vậy cho nên khi chúng ta học hỏi đời Ngài, chúng ta không nên có cái quan niệm học cho biết để thỏa mãn tánh hiếu kỳ, mà chúng ta cần phải tìm hiểu ý nghĩa thâm túy của đời sống ấy để đem áp dụng cho đời sống của chúng ta.

Làm được như thế mới khỏi phụ ý nguyện lớn lao của đức Phật khi giáng sanh xuống cõi Ta Bà này và đã cam chịu bao nỗi đau khổ, gian lao trong kiếp sống như mỗi người chúng ta.