1.1
Xã
hội Ấn-Độ lúc bấy giờ (năm 624 trước kỷ nguyên Tây lịch) chia ra thành nhiều
giai cấp khác nhau. Mỗi giai cấp giữ một thế sinh hoạt riêng biệt. Lịch sử còn
chứng minh có ít nhất là bốn giai cấp, trong mỗi giai cấp đều có sự bất bình
đẳng không thể tưởng tượng được trong kiếp người !
Giai
cấp đứng đầu là Bà-La-Môn (Blamon) hay giáo sĩ chuyên việc tế tự và có uy tín
tuyệt đối trong đám quần chúng. Thứ đến là giai cấp Sát-Đế-Lợi (Ksatrya) hay
dòng dõi vua chúa có uy quyền tối cao, chi phối toàn thể dân tộc Ấn-Độ. Giai
cấp thứ ba là Phệ-Xá (Vaisya) hay giới bình dân và cuối cùng là giai cấp
Thủ-Đà-La (Sudra) tức là hạng người suốt đời làm nô lệ cho ba giai cấp trên,
còn gọi là bất xúc dân (untouchables). Họ sống một cuộc đời cơ cực lầm than,
không có quyền ăn nói và cũng không được đóng góp ngang hàng với mọi người, như
một giống dân mọi rợ sống bên lề của xã hội.
Với
một tình trạng xã hội đầy bất công như thế, Đức Phật Thích-Ca thị hiện ra đời
tại thành Ca-Tỳ-La-Vệ, thuộc Trung Ấn-Độ vào ngày rằm tháng tư âm lịch 624 năm
trước kỷ nguyên (năm nay Phật lịch là 2541 - 1997 = 544 năm). Sau khi ra đời
Đức Phật nhìn thấy cảnh khổ của chúng sanh, Ngài quyết chí xuất gia tầm đạo để
giải thoát cảnh khổ cho con người trong xã hội. Ròng rã suốt sáu năm tu khổ
hạnh trong rừng sâu và 49 ngày nhập định dưới cây bồ-đề, Đức Phật đã giác ngộ
được đạo quả Vô-Thượng Chánh-Đẳng Chánh-Giác vào ngày mùng 8 tháng 12 âm lịch.
Bánh xe pháp bắt đầu chuyển lần đầu tiên tại vườn Lộc-Uyển để độ cho năm người
bạn đồng tu với Ngài lúc trước là các ông Kiền-Trần-Như bằng pháp Tứ-Đế và
chính năm vị tỳ kheo nầy liền sau đó đều chứng quả A-La-Hán.
Lịch
trình và khởi nguyên của Phật giáo qua nhiều chặng đường lịch sử do sự chứng
ngộ mà Phật đã đạt được để dẫn dắt người đời đồng tu đồng chứng qua câu nói
muôn đời bất diệt của Ngài :
"Ta
là Phật đã thành, các ngươi là Phật sẽ thành".
Nguồn:
http://www.buddhismtoday.com/viet/batdau/hoi-001-kienthuc1.htm