Hiển thị các bài đăng có nhãn Chúc Phú. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Chúc Phú. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Ba, 29 tháng 10, 2013

Mười chuẩn mực đạo đức cơ bản của Phật giáo

Chúc Phú

Từ thực tiễn đời sống, để đạo đức Phật giáo dễ dàng lan tỏa, thì việc làm sáng tỏ những chuẩn mực đạo đức Phật giáo là yêu cầu bức thiết. Trong vô vàn những chuẩn mực đạo đức Phật giáo được thể hiện rải rác trong các bộ kinh, luật, luận, sớ giải… người viết tạm thời đề xuất mười chuẩn mực đạo đức cơ bản. Đó là:khiêm hạ, tàm quý, trung thực, kiên định, không phóng dật, nhẫn nhục, biết ơn, buông xả, dấn thân và tiết tháo.

1. Khiêm hạ

Trước hết, khiêm hạ là một hành xử đạo đức vắng bóng tự ngã, dẹp tan kiêu mạn. Kiêu mạn là một tập khí sâu dày của chúng sanh nói chung. Kinh Tăng chi nêu ra ba thứ kiêu mạn căn bản(1). Theo kinh Tập, khi cái tôi nhỏ lại thì mọi sự va chạm do kiêu mạn ít xảy ra: Ai phá hoại kiêu mạn/ Không còn chút dư tàn/ Như nước mạnh tàn phá/ Cây cỏ lau yếu hèn(2). Và theo Đức Phật, chỉ những ai chinh phục được tự ngã thì mới có thể nhiếp phục lòng kiêu mạn.Câu chuyện khoác lác của chàng thanh niên Saccaka khi dõng dạc tuyên bố: Dầu ta có đối thoại với một cột trụ vô tình, cột trụ ấy khi đối thoại với ta cũng run sợ, cũng hoảng sợ, cũng khiếp sợ, huống nữa là một người thường(3). Sau khi được Phật thuyết giảng, thanh niên Saccaka đã nhận ra sai lầm và biết cách ứng xử khiêm hạ với Đức Phật và chúng Tỳ-kheo. Chuyện tiền thân Đức Phật số 125 cũng đề cập câu chuyện khoác lác tương tự, nhưng nhân thân là một vì Tỳ-kheo(4).