Giận 16
Thích Nhất Hạnh
Khi cơn giận phát hiện, ta phải nhận diện và chấp nhận rằng sân hận có mặt trong ta và cần được chăm sóc. Trong những lúc này ta đã được dạy là không vì giận mà nói gì hay làm gì. Phải tức khắc trở về tự thân và mời năng lượng chánh niệm lên để nhận diện, ôm ấp và chăm sóc cơn giận.
Nhưng chúng ta cũng được dạy rằng phải nói cho người kia biết là ta đang giận, ta đang khổ. "Người thương ơi! Tôi đang giận. Tôi đang khổ. Xin biết cho tôi điều đó." Và nếu bạn thực tập giỏi thì bạn có thể nói thêm "Tôi đang cố gắng hết lòng để chăm sóc cơn giận của tôi." Và câu thứ ba "Xin giúp tôi đi!" Bạn nói được ba câu đó là vì người kia là người thương, là người gần gũi nhất của bạn. Bạn còn cần đến người ấy. Bày tỏ cơn giận như thế là rất khôn ngoan, là rất thành thực, rất chung thủy bởi vì ngày nào ta đã có lời cam kết cùng nhau chia ngọt xẻ bùi.
Ngôn ngữ ấy, truyền thông ấy sẽ làm cho người kia thêm kính nể và thúc đẩy người ấy nghï lại và tu tập như bạn. Người kia sẽ thấy rằng bạn là người tự trọng. Bạn đã chứng tỏ rằng khi giận bạn biết chăm sóc cơn giận. Bạn đã cố gắng hết lòng để ôm ấp cơn giận, bạn không còn coi người làm cho bạn giận là kẻ thù đáng bị trừng phạt. Bạn xem người kia như là một đồng minh sẵn sàng có đó để hỗ trợ, nâng đỡ bạn. Ba câu nói ấy là ba câu nói rất tích cực.
Hãy nhớ rằng phải nói cho người đã làm cho bạn giận biết trong vòng hai mươi bốn giờ. Bụt dạy rằng một ông thầy tu có quyền giận nhưng không được giận quá đêm. Ôm giữ cơn giận quá lâu sẽ có hại cho sức khỏe. Đừng bao giờ ôm giữ cơn giận trong lòng quá một ngày. Bạn phải nói các câu đó trong bình tĩnh, yêu thương. Bạn phải tập để nói được như thế. Nếu bạn chưa đủ bình tĩnh sau hai mươi bốn giờ thì bạn phải viết ba câu đó lên giấy và trao cho người kia: "Người thương ơi! Tôi đang giận. Tôi đang khổ. Xin biết cho tôi điều đó. Tôi đang cố gắng để chăm sóc cơn giận của tôi. Xin giúp tôi." Hãy trao tận tay thông điệp hòa bình ấy cho người kia. Ngay khi mà bạn nói lên những câu nói đó hay trao bức thư đó thì bạn đã cảm thấy nhẹ đi phần nào.
Hẹn Nhau Tối Thứ Sáu
Bạn có thể thêm vào sau ba câu của thông điệp hòa bình trên câu sau đây: "Tối thứ sáu này chúng ta hãy ngồi lại với nhau để cùng nhìn sâu vào sự việc đã xẩy ra." Nên nói câu này vào ngày Thứ Hai hay Thứ Ba. Như vậy bạn sẽ có ba hay bốn ngày để thực tập. Trong những ngày ấy bạn và người kia sẽ có cơ hội nhìn lại và hiểu rõ hơn nguyên nhân của xung đột. Bạn và người kia có thể gặp nhau bất cứ lúc nào nhưng chọn ngày Thứ Sáu là hay nhất vì nếu làm hòa được thì bạn và người kia sẽ có được những ngày cuối tuần tuyệt diệu với nhau.
Trong khi chờ ngày hẹn tối Thứ Sáu, bạn hãy thực tập hơi thở chánh niệm và nhìn sâu vào gốc rễ của cơn giận của bạn. Dầu cho là đang khi lái xe, đi bộ, nấu ăn, giặt rũa bạn hãy tiếp tục ôm ấp cơn giận của bạn trong chánh niệm. Như vậy bạn sẽ có cơ hội quán chiếu bản chất cơn giận. Bạn sẽ khám phá ra rằng nguyên nhân chính của đau khổ của bạn chính là hạt giống giận trong bạn. Có lẽ hạt giống giận ấy trong quá khứ đã được tưới tẩm quá nhiều lần bởi chính bạn hay những người khác.
Cơn giận có trong ta dưới hình thức một hạt giống. Chúng ta cũng còn có những hạt giống của thương yêu, hiểu biết. Trong tâm thức chúng ta có rất nhiều hạt giống tích cực cũng như tiêu cực. Phép thực tập là tránh tưới tẩm những hạt giống tiêu cực mà phải nhận diện và tưới tẩm những hạt giống tích cực. Đây là phép thực tập yêu thương.
Thích Nhất Hạnh
http://www.thuvien-thichnhathanh.org/index.php/tac-phm/130-gin/774-gin-chng-04-chuyn-hoa?start=1