KHẢO NGHIỆM DUY THỨC HỌC
TÂM LÝ HỌC THỰC NGHIỆM
Thích Thắng Hoan
TÂM LÝ HỌC THỰC NGHIỆM
Thích Thắng Hoan
Chương 7
KẾT LUẬN
Duy Thức Học là một môn học về Tâm. Môn học này khởi điểm từ nơi Thức (sự hiểu biết) để tìm hiểu nguồn gốc Tâm. Nguyên vì theo Phật Giáo, Thức chính là sự tác dụng của Tâm và lấy Tâm làm thể cho mình. Người học Duy Thức nếu như hiểu biết được Thức tác dụng thì có thể ngộ được Tâm bản thể. Muốn hiểu Duy Thức, những học giả, trước hết phải hiểu được những Thức căn bản trong nhận thức và xây dựng vạn pháp. Theo Duy Thức Học, người cũng như các loài hữu tình khác đều có hai loại Tâm Thức căn bản là Ý Thức và Tạng Thức (Thức Alaya).
I.- Ý THỨC:
Ý Thức là một loại hiểu biết bằng cách phân biệt. Ý Thức mặc dù đứng về hạng thứ sáu trong tám Tâm Thức nhưng nó đóng vai chính trong sự hiểu biết vạn pháp trong thế gian nên gọi là căn bản. Vạn pháp trong thế gian nếu như không có Ý Thứ thứ sáu góp mặt để hiểu biết thì trở nên vô nghĩa, nguyên vì vạn pháp tự nó không thể biểu lộ được giá trị của mình trước mọi người và mọi loài chúng sanh. Chỉ có Ý Thức thứ sáu thì mới có khả năng phân biệt tính chất giá trị và ý nghĩa của vạn pháp để hiểu biết. Ngày nay bao sự văn minh của khoa học cơ giới và sự tiến bộ của loài người trong mọi lãnh vực xã hội, kể từ vật chất cho đến tinh thần v.v... có thể nói đều là thành quả của Ý Thức sáu sáng tạo. Ngoài Ý Thức này ra, không ai có thể thay thế nó trong công việc chỉ đạo phát minh khoa học để cung ứng nhu cầu cho loài người. Sự tiến bộ của khoa học hiện đại chính là nhờ sự đóng góp rất lớn của Ý Thức thứ sáu nên gọi là Duy Thức, nhưng khả năng của Ý Thức thứ sáu được nhận định như sau: