Geshe Michael
Roach:
LTS: Michael
Roach là người đã áp dụng giáo lý Đức Phật trong 17 năm để điều hành Tập đoàn
kinh doanh kim cương Andin International, với doanh thu hơn 100 triệu đô la Mỹ
mỗi năm. Ông đã từng tốt nghiệp cử nhân tại Đại học Princeton với hạng danh dự,
vinh hạnh nhận được Huy chương Học tập do Tổng thống Hoa Kỳ tặng và học bổng Mc
Connell từ Học viện Quốc tế vụ Woodrow Wilson của Princeton.
Ông là một học
giả về Phạn ngữ, Tạng ngữ và Nga ngữ và còn là người phương Tây đầu tiên nhận
được học vị cao nhất của Phật giáo theo truyền thống Tây Tạng (Geshe, tương
đương tiến sĩ Phật học) từ tu viện Sera Mey sau hơn 20 năm tu học. Ông có rất
nhiều tác phẩm dịch ra nhiều thứ tiếng mà trong đó tác phẩm được giới doanh
nhân Việt Nam biết đến nhiều nhất là "The Diamond cutter" (Năng đoạn
kim cương – bản dịch Việt ngữ của Trần Tuấn Mẫn) - Cuốn sách nổi tiếng về chia
sẻ những áp dụng trí tuệ Phật giáo vào quản trị doanh nghiệp và đời sống. Nhân
dịp đầu năm mới Canh Dần 2010, Giác Ngộ có cuộc trao đổi với ông về những đó
góp của giáo lý Đức Phật vào việc kinh doanh và làm giàu chân chính.
Geshe Michael Roach
- Là một người
sinh trưởng và được giáo dục trong môi trường văn hóa phương Tây, cơ duyên gì
đã đưa ông đến với việc thực tập các trí tuệ Phật giáo tại một tu viện ở Tây Tạng?
Tôi là một người
có tuổi thơ không được vui vẻ khi cha mẹ chia tay sau một vụ ly dị thiếu sự
thân thiện. Là người con trong gia đình, tôi đã chứng kiến sự thay đổi tận gốc
rễ các trạng thái cảm xúc của cha mẹ tôi, từ yêu nhau tha thiết đến ghét nhau
thậm tệ. Thời trung học, tôi cũng trải qua một hoàn cảnh tương tự với một người
bạn gái. Từ đó, tôi nhận ra rằng giữa yêu đến ghét không có nhiều khoảng cách.
Tất cả những
hình ảnh đầu đời này đã ám ảnh và thôi thúc tôi đi tìm câu hỏi tại sao con người
lại hành động như vậy. Đây cũng chính là lý do khiến tôi tìm kiếm và bắt đầu
nghiên cứu Phật học. Cũng may mắn với tôi, khi tốt nghiệp Đại học Princeton - Mỹ
với hạng ưu, tôi đã nhận được tài trợ đến châu Á học về trí tuệ cổ xưa của Tây
Tạng. Việc này khởi đầu năm 1983 và kết thúc sau 20 năm kiên trì tu tập và thực
hành lời Phật dạy trong tu viện. Qua đó,
tôi được biết Phật giáo giải thích sự bất hòa hợp trong mối liên hệ là do ý tưởng
tiêu cực của những người trong cuộc đối với nhau và khi những ý tưởng này thay
đổi thì tình cảm cũng thay đổi. Tiêu cực ở đây có nghĩa là cái nhìn của
chúng ta đối với người kia bị ảnh hưởng quá nặng ái dục nên không chính xác,
không thực.
- Vậy từ một tu
sĩ Phật giáo, ông đã dấn thân vào con đường kinh doanh như thế nào?
Sau một thời
gian dài hướng dẫn sự tu tập của tôi, Thầy tôi là Lạt ma Khen Rinpoche như nhận ra một điều gì đó đã bảo với
tôi nên đi vào lĩnh vực kinh doanh. Ngài đã đưa ra lý do rất thuyết phục rằng,
tu viện là nơi thích hợp để học những tư tưởng lớn của trí tuệ Phật giáo nhưng
thương trường mới chính là "phòng thí nghiệm" để tôi kiểm nghiệm những
tư tưởng ấy trong thực tế cuộc sống.
Thoạt đầu tôi
hơi bị sốc với lời dạy ấy dù thừa biết khó có thể trái lại lời Thầy vì đó truyền
thống trong môi trường tu học tại tu viện Phật giáo. Tuy vậy, tôi đã tìm cách
trì hoãn việc này đến hơn 1 năm khi luôn ngụy trang thông tin với thầy rằng mọi
thứ đang được xúc tiến thực hiện mỗi khi gặp, nhận câu hỏi về tiến độ công việc
từ Thầy.
Nhưng rồi, chuyện
gì đến cũng phải đến. Tôi bắt đầu đầu dấn thân vào thương trường như lời dạy của
Thầy mình và cũng là cách để thực tập lời dạy của Đức Phật.
- Có mâu thuẫn
không khi đang thực tập theo giáo lý Phật giáo – tôn giáo luôn dạy việc xả ly,
ông lại chấp nhận tiến hành các công việc kinh doanh, cố kiếm ra nhiều tiền?
Theo tôi, trong
Phật giáo, tiền bạc không xấu, một người có nhiều tiền bạc có thể làm được nhiều
việc thiện trên đời hơn là không có. Vấn đề làm ra tiền bằng cách nào; làm sao
để tiền tiếp tục đến và chúng ta có giữ được một thái độ lành mạnh về tiền hay
không.
Kiếm tiền lương
thiện, hiểu rõ nó từ đâu ra để tiền đừng dừng lại và giữ quan điểm lành mạnh
khi ta có nó đều bắt nguồn từ những lời dạy về chánh niệm của Đức Phật. Cái
quan trọng nhất vẫn là tâm ý của mỗi người chứ không phải ở việc kinh doanh và
có nhiều tiền.
Ngoài ra, cũng phải học cách hưởng thụ tiền bạc -
tức là học cách giữ cho tinh thần và thân thể lành mạnh khi làm ra tiền. Kiếm
tiền không được làm cho mỗi người mệt mỏi cả thể xác và tinh thần, một doanh nhân tàn phá sức khỏe khi kinh
doanh tức là làm tiêu tan mục đích thực sự của việc kinh doanh.
Bản thân tôi,
làm ra rất nhiều tiền nhưng nhìn lại mình vẫn không có gì. Nhà sang trọng cũng
không, xe đắt tiền cũng không, tài sản quý giá cũng không,…tất nhiên là tôi có
cái laptop để theo dõi công việc kinh doanh của mình (cười).
- Như vậy theo
ông, Đức Phật đã dạy những gì về kinh doanh và làm giàu?
Áp dụng lời Phật
vào kinh doanh, một nguyên tắc không thể bỏ qua là phải dành thời gian quay
nhìn lại sự nghiệp kinh doanh của mình. Tôi nghĩ, bao năm làm kinh doanh của mỗi
người đều đã có một ý nghĩa nào đó. Khi nhìn lại tất cả những gì đã đạt được, cần
phải thấy và định hướng rằng chúng ta đã điều hành chính chúng ta và điều hành
doanh nghiệp theo một cách có ý nghĩa lâu dài, để lại dấu ấn tốt cho đời.
Geshe Michael
Roach hướng dẫn thiền cho doanh nhân Việt Nam
Chúng ta cần biết
rằng, kinh doanh cũng như cuộc đời là một chuỗi các mục tiêu và quyết định được
đưa ra. Có thuận lợi, có khó khăn, có thành, có bại... Đó không phải là sự ngẫu
nhiên mà là kết quả của một loạt tác nhân chúng ta đã tạo ra trước đó mà đạo Phật
gọi là nhân quả.
Ý thức được việc
này, tự mỗi người sẽ đề ra các quy luật hướng thượng để điều khiển sự thành bại
của mọi công việc. Ngoài ra, doanh nhân cũng phải luôn nhớ rằng, sự giàu có
không chỉ dồi dào về tài chính mà còn mạnh khỏe cả thể chất và tinh thần mà ở
đó phải có niềm tin vào thiện tâm.
Làm được như thế, doanh nhân mới cảm nhận được niềm vui và hạnh phúc thực sự.
- Trong tu viện,
chắc chắn ông thường được dạy về sống từ bi và yêu thương nhưng thương trường
luôn được xem là chiến trường buộc con người phải thâm độc, hiểm ác. Ông đã giải
quyết, dung hòa hai mặt của lý tưởng và công việc mà mình đang đi như thế nào?
Đây quả là một
câu hỏi hay! Tôi luôn cho rằng, đồng tiền được làm ra phải là đồng tiền lương
thiện và chân chính mà Đức Phật luôn đúc kết thành hai nội dung lớn: làm điều
thiện, tránh làm điều ác.
Nói như vậy
nhưng để áp dụng vào cuộc sống, nhất là trong công việc kinh doanh thì không phải
là điều dễ dàng. Nó đòi hỏi người ta phải có sự thấu hiểu về thể cách vận hành
của nhân quả, từ đó khéo léo và tinh tế trong việc ngăn chặn những hạt giống xấu
để chúng không tiến triển. Đồng thời, biết
cách gieo trồng và nuôi dưỡng những hạt giống tốt, thứ sẽ đem đến những điều
như ý cho ta.
Có làm ra nhiều
tiền nhưng tâm vẫn luôn đầy các tham ái, dục vọng thì cũng chẳng có ích gì. Vì
thế, trong việc kinh doanh, những gì tôi cảm nhận chỉ mang lợi về mình mà làm
cho người khác khổ đau thì tôi không bao giờ thực hiện.
- Trong sự nghiệp kinh doanh của mình, ông đã
bao giờ bị đối tác lừa gạt không? Lúc đó, ông sẽ giải quyết như thế nào?
Có chứ, nhưng
chỉ một vài lần. Trong những trường hợp như thế, tôi luôn xem đó như là nghiệp
mình phải trả để không tức giận. Ngoài ra, tôi cũng cố gắng dành thời gian đánh
giá lại những gì mình làm và tìm cách trao đổi, khuyên đối tác đừng làm việc xấu
ấy nữa.
- Lời chúc mừng
năm mới của ông đến với độc giả báo Giác Ngộ, đặc biệt đối với giới doanh nhân
là gì?
Mỗi năm mới,
tôi luôn có thói quen đưa ra một lời hứa tốt lành nào đó để bắt đầu thực hiện.
Trong niềm vui chung, tôi mong bạn đọc báo Giác Ngộ và giới doanh nhân Việt Nam
cũng như thế. Cuối cùng, kính chúc một năm mới thật an lành và hạnh phúc đến với
tất cả mọi người.
- Chân thành cảm
ơn ông về buổi nói chuyện rất thú vị đầu năm này!
Bảo Thiên thực
hiện
https://giacngo.vn/phathoc/2010/02/28/7BD202/