Thứ Bảy, 26 tháng 1, 2013

A-HÀM – KHÔNG VÀ CON ĐƯỜNG GIẢI THOÁT


NGHIÊN CỨU VỀ 
TRIẾT HỌC TÁNH KHÔNG

Nguyên tác: Pháp sư Ấn Thuận 
Chuyển ngữ: Tỳ-kheo Thích Nhuận Thịnh

CHƯƠNG I. 

A-HÀM – KHÔNG VÀ CON ĐƯỜNG GIẢI THOÁT

1.      Dẫn nhập
Không (śūnya, suñña) và tánh không (śūnyatā, suññatā) là thuật ngữ quan trọng trong Phật pháp. Trong quá trình truyền bá và lưu thông Phật pháp, nghĩa “không” không ngừng được phát huy, từ sự đức Phật được tôn xưng là Không vương, Phật giáo được tôn xưng là Không môn thì có thể hình dung được sự rộng lớn và sâu xa của nghĩa “không” này. Nhưng ý nghĩa của không và tánh không vào thời kỳ đầu, rốt cục biểu thị điều gì? Trong trường hợp cụ thể nào đó, tánh không biểu thị cho chân lý rất phổ biến, hoặc chỉ cho chân lý tuyệt đối vậy!

Vấn đề được Phật pháp giải quyết, vốn là vấn đề chung của giới tôn giáo đương thời tại Ấn độ. Đối mặt với sự thật sanh ra rồi chết, chết rồi tái sanh – sanh tử lưu chuyển, nên tìm cầu được giải thoát triệt để đối với sanh tử - niết-bàn, cũng chính là thực hiện lý tưởng tối cao. Sự thật và lý tưởng, trên nguyên tắc vốn là gần nhau, mà làm sao để thự hiện sự giải thoát thì mỗi giáo phái đều có nêu ra quan điểm và phương pháp của mình, nhưng lại không giống nhau. Đức Thích tôn đặt nền tảng nơi sự giác ngộ triệt để về ý nghĩa thật sự của nhân sanh, đã đề xuất ra con đường chân chánh độc đáo – trung đạo. Giáo thuyết nguyên thỉ của đức Thích tôn, trên thật tế,  đều không có lấy không làm chủ đề để tuyên dương, nhưng đặc tính của Phật pháp, chính xác là có thể lấy không để biểu đạt. Cho nên, trong Phật pháp, nghĩa “không” càng quan trọng hơn, cuối cùng trở thành luận đề chủ yếu thâm sâu của Phật pháp.



Không và tánh không, trước hết là căn cứ trên Thánh điển Sơ kỳ để xem xét. Những loại nào là Thánh điển thuộc Sơ kỳ? Khế kinh đại biểu cho Sơ kỳ là bốn bộ A-hàm hiện còn lưu giữ trong Hán dịch và năm bộ thuộc tạng Pāli.

Bốn bộ A-hàm trong Hán dịch là: 1. Kinh Tạp A-hàm, do ngài Cầu-na-bạt-đà-la (Guṇabhadra) dịch vào đời Tống (mất 2 quyển); 2. Kinh Trung A-hàm, do ngài Tăng-già-đề-bà (Saṃgha-deva) dịch vào đời Đông Tấn. Hai bộ này là tụng bản của Thuyết nhất thiết hữu bộ (Sarvāstivādin). 3. Kinh Trường A-hàm, do ngài Phật-đà-da-xá (Buddha-yaśas) cùng ngài Trúc Phật-niệm dịch vào đời Hậu Tần, là tụng bản của Pháp tạng bộ (Dharmaguptaka). 4. Kinh Tăng nhất A-hàm, do ngài Đàm-ma-nan-đề (Dharma-nandi) dịch vào đời Phù Tần, do ngài Tăng-già-đề-bà hiệu đính vào đời Đông Tấn, là tụng bản của phái ngọn Đại chúng bộ (Mahāsāṃghika), đã có tư tưởng Đại thừa. Ngoài ra, có Biệt dịch kinh Tạp A-hàm, mất tên người dịch, là một bộ phận của Tạp A-hàm, có thể là tụng bản của Ẩm quang bộ (Kāśyapīya).

Năm bộ thuộc tạng Pāli là: 1. Trường bộ; 2. Trung bộ; 3. Tương ưng bộ (tương đương với kinh Tạp A-hàm); 4. Tăng chi bộ. Bốn bộ này tương đương với bốn bộ A-hàm. 5. Tiểu bộ, tổng cộng 15 quyển. Trong đó, quyển thứ hai là Pháp cú, quyển thứ 5 là Kinh tập. Kinh tập chia thành phẩm Rắn, phẩm Nhỏ, phẩm Lớn, phẩm Nghĩa, phẩm Con đường đến bờ kia: là những phẩm được biên tập sớm nhất trong Tiểu bộ. Năm bộ này là tụng bản của Xích đồng diệp bộ (Tāmraśāṭīya).

Trong những giáo thuyết thuộc thời kỳ đầu này, Tạp A-hàm là căn bản của ba bộ kia. Có thể chia kinh Tạp A-hàm làm 3 loại: 1. Tu-đa-la, là những bài tản văn ngắn. Những người kết tập ban đầu, đem mỗi mỗi bài Phật thuyết, tùy theo loại mà biên tập thành bốn bộ: năm uẩn, sáu xứ, nhân duyên, đạo phẩm. Đây là tùy theo loại mà biên tập, cho nên gọi là Tương ưng giáo, tương ưng cũng có nghĩa là hỗn hợp. Đây là những giáo thuyết xưa nhất, nhưng hiện tại đã có lẫn lộn những thành phần của thời kỳ sau thêm vào. 2. Kỳ-dạ, tương đương với phẩm Có kệ của Tương ưng bộ. Kỳ-dạ vốn là tên gọi chung của tất cả kệ tụng, nên phẩm Có kệ tương đương một phần với Tu-đa-la, các kệ tụng còn lại, như Pháp cú, Kinh tập v.v. được gọi là Già-đà, Ưu-đà-na. 3. Ký thuyết, có Đệ tử ký thuyết và Như lai ký thuyết. Đệ tử ký thuyết, chú trọng việc phân tích nghĩa của Pháp, đã giải thích phần Kỳ-dạ của kinh. Kinh Tạp A-hàm có ba phần, biên tập trước sau khác nhau.[1] Bản Hán dịch và tạng văn Pāli hiện nay không chỉ biên tập trước sau khác nhau, vả lại, đều là tụng văn của bộ phái, trong đó có chứa thành phần tư tưởng của bộ phái, đây là điều không thể không chú ý. Bây giờ, trước hết theo thông thường, nói đến nghĩa không một cách tóm tắt, làm lời dẫn nhập cho toàn tác phẩm này.

Trong Thánh điển thuộc Sơ kỳ, không và trú xứ có liên quan với nhau, như Tương ưng hơi thở vào ra của Tương ưng bộ nói:

“Này các tỳ-kheo! Hãy đi đến nơi a-lan-nhã, đi đến dưới gốc cây, đi đến ngôi nhà trống, ngồi kiết già, giữ thân thẳng, đặt niệm trước mặt, thở vào trong chánh niệm, thở ra trong chánh niệm.(a)”[2]

Về nơi tu hành của Phật và chúng đệ tử xuất gia, trong kinh từng nói đến là nơi a-lan-nhã, dưới gốc cây, trong căn nhà trống. Ba nơi này là thông thường nhất, còn có nơi hang núi, gò mả, v.v.  Căn phòng trống (không ốc - suññagāra), hoặc dịch là không nhàn xứ, không xá, không sở, tĩnh thất, v.v. Các cách dịch này đại thể tương đồng với từ suññagāra, lại còn dịch là không xá (suññageha).[3] Không ốc, không xá là căn phòng nhỏ thoáng mát, là trú xứ thích hợp cho việc tu tập thiền quán.[4] Ngoài ra, đương thời trong tôn giáo còn có truyền thuyết về cung điện trống không (không cung điện), như kinh Ba-lê(I) nói:

“Khi thế giới mới hình thành, cung điện trống không của Phạm thiên hiện ra. Bấy giờ có hữu tình hết thọ mạng, hoặc công đức hết, chết nơi trời Quang âm rồi sanh xuống cung điện trống không của Phạm thiên.”(b)

Cung điện trống không của Phạm thiên (suñña-brahma-vimāna), kinh Trường A-hàm dịch là “không Phạm xứ.”[5] Điều này thích hợp với tín ngưỡng Phạm thiên là thần sáng tạo của Ấn độ, mà do Phật giáo giải thích. Lại có truyền thuyết vua Tệ-túc (Pāyāsi), do bố thí không thanh tịnh nên sau khi chết, sinh ra nơi cung điện trống không trong rừng cây nhung (Suññavimāna).[6] Cung điện trống không, chỉ cho sự không có con người nào trong ấy, như kinh A-nậu-di nói: “Ta đến đây đầu tiên, một mình không có bạn bè.”[7]

Cung điện trống không trên trời và căn nhà trống ở nhân gian vốn là ngôn ngữ thế tục, đều không có ý nghĩa đặc thù gì cả, “không” chỉ là không có người nào, chỉ có vật mà thôi. Nhưng trú xứ làm nơi của người tu hành – không ốc, không xá, đã mở ra một ý nghĩa sâu xa. Ở trong ngôi nhà trống, không có sự ồn ào đến từ bên ngoài, đương nhiên là yên tĩnh, thư thái. Tu tập thiền định và trí tuệ tại nơi này, không bị ngoại cảnh làm nhiễu loạn, không khởi lên ưu phiền (dao động) và buồn não (bấn loạn) trong tâm, loại cảnh giới của tâm này, há không giống như trạng thái của ngôi nhà trống kia sao? Kinh Tạp A-hàm nói: “Giống như căn nhà trống, tâm Mâu-ni rỗng lặng”; “Sao gọi là vô sở cầu, ở nơi trống vắng này, một mình chỗ thanh vắng, mà tâm được an lạc?”[8] Chứng tỏ rõ ràng rằng, lấy căn nhà trống để tượng trưng cho tâm thiền định rỗng lặng. Cho nên tu hành tại căn nhà trống, căn nhà trống là nơi ở của người tu hành; chỗ ở của người tu thiền định và trí tuệ giống như căn nhà trống, do vậy nên gọi là trú nơi không (suññatā-vihāra), định trú nơi không (suññatā-vihāra samāpatti) vậy.

Như vậy, từ tỳ-ha-la (vihāra), hình như sau này là từ gọi chung cho các tự viện. Nhưng vào thời cổ đại, vihāra cũng là căn nhà nhỏ nơi đồng trống, người tu hành làm chỗ ở nghỉ ngơi để tránh gió mưa, nắng nóng. Đây là chỗ ở của người tu hành cho nên là nơi chốn để an trụ trong thiền định và trí tuệ, cũng gọi là trụ, nhưng còn gọi bằng những tên khác như không trụ, tịch tĩnh trụ (śāntivihāra) v.v. Tóm lại, tu hành nơi trống vắng, dẫn đến sự lấy “không”để tượng trưng cho cảnh giới của thiền định và trí tuệ, vậy thì nghĩa “không” không ngừng được phát huy vào thời kỳ đầu.

Trụ nơi không, là thiền định và trí tuệ được Phật giáo thời kỳ đầu tôn trọng, như kinh Tạp A-hàm(II) nói:

“Xá-lợi-phất bạch Phật rằng: Thưa Thế tôn! Hôm nay con ở trong khu rừng vắng, nhập vào thiền định không tam-muội và an trụ. Phật bảo Xá-lợi-phất: Lành thay! Lành thay! Này Xá-lợi-phất! Hôm nay ngươi đã nhập trụ vào thiền định của bậc Thượng tọa và an trụ mà tọa thiền.”

Kinh này, tạng Pāli biên tập vào Trung bộ, gọi là kinh Khất thực thanh tịnh. Làm sự so sánh thì thấy văn cú của Tạp A-hàm ngắn gọn hơn nhiều, hẳn là được biên tập sớm hơn. Trong kinh Khất thực thanh tịnh, ngài Xá-lợi-phất (Śāriputra) nói: “Hôm nay con an trụ nhiều trong không trụ”. Đức Phật khen rằng: “Không trụ là sự an trụ của bậc Đại nhân.(c)”[9] Sự an trụ của bậc Đại nhân, kinh Tạp A-hàm gọi là sự an trụ của bậc Thượng tọa. Thượng tọa (sthavirathera), hoặc dịch là Tôn giả, cho nên luận Du-già gọi là “trụ nơi không của bậc Tôn thắng.”[10] Dù là sự an trụ của bậc Đại nhân hay trụ nơi không của bậc Tôn thắng thì đều biểu thị rằng trong tất cả thiền định và trí tuệ, trụ nơi không là vĩ đại, đáng tôn sùng nhất.

Theo truyền thuyết, sau khi Phật nhập diệt 100 năm, lúc cử hành cuộc kết tập gồm 700 vị, trưởng lão Nhất thiết khứ (Sabbakāmi) an trụ nhiều trong không trụ. Bộ luật của phái Phân biệt thuyết (Vibhajyavādin) cũng gọi nó là tam-muội của bậc Đại nhân; luật Thập tụng gọi là “hành tam-muội bậc thượng.”[11] Có thể thấy, không trụ - không tam-muội, trong thời kỳ đầu của Phật giáo, nó đã được giới Phật giáo đề cao. Không trụ của ngài Xá-lợi-phất và ngài Nhất thiết khứ đều là trong lúc tĩnh tọa, nhưng Phật bảo ngài Xá-lợi-phất rằng: Phải nhập vào sự an trụ của bậc Thượng tọa, khi đi ra, đi vào, đi khất thực (đi, đứng, nằm, ngồi) cần phải chánh tư duy như thế này: khi mắt thấy sắc, …, ý biết pháp, ta có hay không có “sinh tâm yêu mến, mê đắm chăng?”[12] Nếu có sanh tâm yêu mến, mê đắm thì phải “vì đoạn ác bất thiện nên siêng năng tìm cầu phương tiện thì mới có thể buộc chặt ý niệm để tu học”. Nếu không có, thì phải “nguyện đem thiện căn an vui này, ngày đêm siêng năng buộc chặt ý niệm để tu tập.” Có thể thấy sự tu tập không trụ này, không chỉ là tu lúc tọa thiền, mà còn phải ứng dụng cả trong sinh hoạt hằng ngày, an trụ trong sự viễn ly khỏi yêu mến, mê đắm. Trừ bỏ sự yêu mến mê đắm, đó là không; sự thanh tịnh không có yêu mến mê đắm, cũng là không, biểu thị trạng thái đã ly sự yêu mến mê đắm nên được thanh tịnh. Kinh Tiểu không và kinh Đại không của Trung bộ là căn cứ theo cái không trụ mà kinh này nói, trải qua quá trình tu tập, hoằng truyền mà lại biên tập khác nhau. Trong sự tu tập không trụ, hai kinh nói về không này đã được tôn trọng đề cao.

Trong phẩm Nghĩa, Phật đáp lại kệ mà Ma-kiền-đề (Māgandiyā) hỏi, đã nói đến không có các thứ dục.[13] Không có các thứ dục nghĩa là gì? Kệ tụng quá ngắn gọn không rõ ràng, ngài Ma-ha Ca-chiên-diên (Mahākaccāna) giải thích rằng:[14]

“Thế nào là người không còn các thứ dục? Này cư sĩ! Như một người mà từ bỏ sự tham lam, từ bỏ sự ham muốn, từ bỏ sự yêu thích, từ bỏ sự khao khát, từ bỏ sự cuồng nhiệt, từ bỏ sự khát ái đối với các thứ dục, thì này cư sĩ, như vậy đó là người không còn các thứ dục.”(d)

Không còn các thứ dục, kinh Tạp A-hàm nói lược là 5 thứ dục, thật ra không chỉ giới hạn trong 5 thứ dục đó. Chữ “dục” trong các dục, bao hàm cả tham, dục, ái, khát, nhiệt phiền, khát ái, chính là thứ làm cho bị trói buộc trong sinh tử. Các loại tướng trạng của chi khát ái (taṇhā) trong các chi duyên khởi, cũng chính là “ái” của Tập đế trong Tứ đế. Ý nghĩa của sự không có các thứ dục và không trụ là thông với nhau, đều là chú trọng sự ly ái để không còn nhiễm trước.

Bài kệ của phẩm Con đường đến bờ kia trong Kinh tập, đã nói đến sự “quán thế gian là không.”[15] Thế gian là không (suñña-loka) được nói đến ấy, hoặc dịch là “không thế gian”. Ngài A-nan (Ānanda) từng nêu ra vấn đề này để hỏi Phật: “Thế gian là không, nghĩa là gì?” Như Tương ưng sáu xứ trong Tương ưng bộ(II) nói:

“Này A-nan, đối với con mắt, quán rằng nó không phải là tôi, không phải của tôi; đối với sắc quán rằng nó không phải là tôi, không phải của tôi; đối với nhãn thức, quán rằng nó không phải là tôi, không phải của tôi; đối với nhãn xúc, quán rằng nó không phải là tôi, không phải của tôi; đối với những cảm thọ sinh ra do nhãn xúc làm nhân duyên, hoặc khổ, hoặc lạc, hoặc không khổ không lạc, quán rằng nó không phải là tôi, không phải của tôi…; đối với những cảm thọ sinh ra do ý xúc làm nhân duyên, hoặc khổ, hoặc lạc, hoặc không khổ không lạc, quán rằng nó không phải là tôi, không phải của tôi. Này A-nan! Vì không có ngã và ngã sở nên gọi là thế gian không.”(e)

Thế gian, Phật ước lược thành thuyết 6 nội xứ như con mắt, v.v., thuyết 6 ngoại xứ như sắc, v.v., thuyết 6 thức, thuyết 6 xúc, thuyết 6 thọ. Những thứ này đều có thể bị phá hoại (khaya), vì pháp bị phá hoại nên gọi là thế gian.[16] Sáu xứ, v.v., là không có ngã và ngã sở, gọi là thế gian không. Bởi vô ngã và vô ngã sở là không, là ý nghĩa thông thường của không tam-muội.

Tương ưng chất-đa của Tương ưng bộ, đã nói đến bốn loại tâm giải thoát (cetovimutti) – vô lượng tâm giải thoát, vô sở hữu tâm giải thoát, không tâm giải thoát, vô tướng tâm giải thoát (kinh Tạp A-hàm gọi là 4 loại tam-muội của tâm). Bốn loại tâm giải thoát này có tên gọi khác nhau thì đương nhiên ý nghĩa cũng khác nhau. Nhưng chúng đều là sự giải thoát của tâm nên cũng có thể nói là văn tuy khác nhưng nghĩa lại đồng. Về mặt ý nghĩa không giống nhau mà nói, thì không tâm giải thoát (suññatā-cetovimutti) là ngã và ngã sở đều là không và thế gian không có ý nghĩa nhất trí với nhau. Nếu như về mặt ý nghĩa tương đồng mà nói, thì vô lượng, vô sở hữu, vô tướng – ba loại tâm giải thoát, tu đến chỗ tối cao, thì đều là bất động tâm giải thoát (akuppā-cetosamādhi). “Người được giải thoát vì có tâm bất động, thì không có tham lam, không có sân hận, không có ngu si.(f)”[17] Ở đây là nói, các tâm giải thoát như vô lượng, v.v., khi tu đến chỗ rốt ráo thì là tâm được giải thoát vì bất động, cũng chính là tâm giải thoát vì không [tham, sân, si]. Tham, sân, si là ba loại phiền não lớn, có thể bao hàm tất cả loại phiền não khác.

Tâm giải thoát vì bất động do lìa tất cả phiền não ấy, chính là cái thấy pháp niết-bàn (diṭṭhadhammanibbāna) của bậc A-la-hán. Niết-bàn (nibbāna) hoặc vô vi (asaṃskṛta), kinh A-hàm là lấy sự tiêu diệt của tham dục, sân nhuế, ngu si – sự tiêu diệt hết của tham, sân, si để biểu thị cho niết-bàn.[18] Cho nên nghĩa chung của bốn loại tâm giải thoát chính là tâm giải thoát không còn tham, sân, si. Các loại tâm giải thoát tuy có tên khác nhau nhưng không ngoài không tâm giải thoát, thay đổi đa dạng trên phương tiện tu tập. Căn cứ theo những gì đã trình bày ở trên (trình bày về sự không có năm dục, không có thế gian, không tâm giải thoát, đều thuộc phần Đệ tử ký thuyết), có thể thấy rằng không và sự thanh tịnh giải thoát do lìa phiền não, là không thể tách rời.

‘Không còn các thứ dục,’ ‘không có thế gian’ – ngã và ngã sở là không, ‘không còn tham, sân, si,’ đều là căn cứ trên sự sanh tử của thế gian mà nói là không. Nếu không có tham, không có sân, không có si triệt để, tham, sân, si bị tiêu diệt vĩnh viễn thì cũng chính là đã hiển thị niết-bàn (nirvāṇa, nibbāna) xuất thế gian. Văn bản của Tương ưng bộ đã nói như thế này:[19]

“Những pháp mà Như lai thuyết đã ấy, là sâu xa, nghĩa lý sâu xa, tương ưng với tánh không xuất thế gian.”(g)

Pháp của Phật thuyết, vì sao lại sâu xa? Bởi vì nó tương ưng với ‘tánh không xuất thế gian’. Tánh không xuất thế gian là sự tự chứng của bậc Thánh giả; pháp mà Như lai thuyết thì tương ưng với cảnh giới tự chứng đó, nên nó cũng sâu xa.

Tánh không xuất thế gian là khó thấy, khó biết, duy chỉ là niết-bàn sâu xa của sự tự chứng. Phật căn cứ trên duyên khởi (pratītyasamutpāda, paṭiccasamuppanna) mà thuyết pháp, pháp ấy có khả năng dẫn đến niết-bàn, cho nên duyên khởi cũng là sâu xa. Ngài A-nan cho rằng: “Phật nói ‘pháp duyên khởi này rất diệu kỳ, rất sâu xa, ánh sáng cũng sâu xa, nhưng ta quán sát thấy rất nông cạn rất nông cạn,”(h) bởi có nhận xét như thế nên đã nhận được sự dạy dỗ của Phật.[20] Như vậy, pháp sâu xa có 2: duyên khởi sâu xa và niết-bàn sâu xa, như kinh A-hàm(III) nói:

“Đây là chỗ sâu xa, được gọi là duyên khởi. Sự sâu xa khó thấy càng gấp bội, đó là sự xả ly tất cả chấp thủ, diệt hết ái, không còn tham dục, tịch diệt, niết-bàn. Hai pháp như thế này gọi là hữu vi và vô vi.”

Tương ưng Phạm thiên của Tương ưng bộ, kinh Thánh cầu của Trung bộ, v.v, cũng đều có nói đến duyên khởi và niết-bàn – hai loại sâu xa.[21] Niết-bàn sâu xa, duyên khởi như thế có tương ưng với nó không? Căn cứ theo nguyên lý “cái này có nên cái kia có, cái này sanh nên cái kia sanh” của duyên khởi, trình bày rõ sự tập khởi của sanh tử; căn cứ theo nguyên lý “cái này không nên cái kia không, cái này diệt nên cái kia diệt” của duyên khởi, chỉ rõ sự tịch diệt của sanh tử - niết-bàn. Duyên khởi là hữu vi, là thế gian, là không, cho nên tu “không” (lìa bỏ phiền não) để thực hiện niết-bàn; niết-bàn là vô vi, là xuất thế gian, cũng là “không” – tánh không của xuất thế gian. Kinh Tạp A-hàm khi nói đến hai loại sâu xa này, thì nói: “Nói pháp tùy thuận duyên khởi, phù hợp với cái không xuất thế của bậc Hiền Thánh.”[22] “Pháp tùy thuận duyên khởi, phù hợp với cái không xuất thế gian,” rõ ràng “không” là căn cứ trên duyên khởi mà quán triệt đối với sanh tử và niết-bàn. Đây tuy là kinh được truyền thừa bởi Thuyết nhất thiết hữu bộ, nhưng giá trị của nó được xem trọng đặc biệt.

2.      Bàn thêm về con đường giải thoát
Không (śūnya, suñña) và tánh không (śūnyatā, suññatā), là trọng tâm của con đường giải thoát của Phật pháp, nó cùng với con đường giải thoát là không thể tách rời. Khi khai triển Phật pháp, con đường giải thoát được triển khai theo nhiều phương diện, không và những phương tiện liên quan đến không, cũng vì triển khai theo nhiều phương diện nên có nhiều loại. Ở đây, căn cứ theo những giáo thuyết trong kinh điển của Tảo kỳ, tùy theo các con đường giải thoát đó, nghiên cứu rộng hơn đối với “không”.

Con đường giải thoát theo Phật thuyết, nguyên thỉ là lấy tám chánh đạo làm căn bản. Tùy theo căn cơ mà thiết lập giáo pháp, thành lập nên các đạo phẩm khác nhau. Cổ nhân căn cứ trên số thứ tự số mục của các đạo phẩm mà sắp xếp chung lại làm: bốn niệm xứ, bốn chánh cần, bốn thần túc, năm căn, năm lực, bảy phần bồ-đề, tám phần Thánh đạo. Bảy loại này tổng cộng có 37 đạo phẩm, trở thành nguyên tắc cố định của giới Phật giáo.1 Các Luận sư của Thuyết nhất thiết hữu bộ dùng nó làm thứ tự cho toàn bộ lịch trình tu tập, chưa hẳn là đã phù hợp với sự thật, đây chẳng qua là sắp xếp cho trật tự mà giải thích như vậy mà thôi. Nội dung của tám chánh đạo thì không ngoài giới (śīla), tâm (citta), huệ (paññā) – tam học. Trong kinh nói: giới, định, tuệ, giải thoát;2 giới thanh tịnh (sīla-pārisuddhi), tâm thanh tịnh (citta-pārisuddhi), kiến thanh tịnh (diṭṭhi-pārisuddhi), giải thoát thanh tịnh (vimutti-pārisuddhi),3 chính là lấy sự tu tập giới, định (samādhi), tuệ để thực hiện giải thoát. Nhưng từ sự tu tập Thánh đạo mà nói, trong kinh, hoặc nói đầu tiên là nghe pháp, hoặc nói đầu tiên là trì giới, thì mới thật sự có thể đoạn trừ từng phần hoặc triệt để phiền não, đó chính là định và tuệ. Hóa địa bộ (Mahīśāsaka) nói: “đạo chỉ có 5 chi;(a)”4 không lấy chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng (ba chi này bao hàm trong giới) làm thể của đạo, cũng không phải là không có ý nghĩa.

Định và tuệ thì cần phải tu tập mới thành. Nói rõ hơn: tu chỉ - xa-ma-tha (samatha) có thể đắc định, tu quán – tỳ-bát-xá-na (vipassanā) có thể thành huệ. Chỉ là trụ tâm vào một chỗ, quán là quán xét sự lý, trên mặt tu trì, phương pháp là không tương đồng. Nhưng không phải không hỗ trợ tương quan nhau, mà là hỗ trợ, giúp nhau thành tựu, như kinh Tạp A-hàm(I) nói:

“Tu tập chỉ, cuối cùng thành tựu quán; tu tập quán rồi, cũng thành tựu chỉ. Nghĩa là vị Thánh đệ tử cùng tu cả chỉ và quán, đạt được giải thoát giới.”

Theo lời kinh, có người trước tiên tu chỉ, sau đó thành tựu quán; có người trước tiên tu quán, sau đó thành tựu chỉ. Nhất định phải chỉ - quán song tu mới có thể đắc (sâu cạn khác nhau) các loại giải thoát giới. Tăng chi bộ chia làm 4 loại: 1. Trước tu chỉ, sau đó tu quán; 2. Trước tu quán, sau đó tu chỉ; 3. Chỉ quán song tu; 4. Nếu người có tâm trạo cử nặng, trong khi tu chỉ-quán thì phải đặt nặng sự tu chỉ.5 Ở đây có thể thấy, chỉ và quán, định và tuệ, có thể căn cứ theo phương pháp tu trì mà trình bày khác nhau, mà trên sự tu trì, chúng có mối quan hệ hỗ trợ thành tựu lẫn nhau không thể thiếu được. Cho nên luận Đại Tỳ-bà-sa dẫn kinh Pháp cú nói: “Thiếu tuệ thì không có tĩnh lự (thiền), thiếu tĩnh lự thì không có tuệ; người có đủ cả hai, đạt niết-bàn không xa.(a)”6  

Nói đến định, tên gọi và số lượng của nó trong kinh nói không giống nhau. Khi trình bày ‘mười lực’ công đức của Phật, kinh đã liệt kê 4 loại: 1. Thiền (jhāna), dịch nghĩa là tĩnh lự, cựu dịch là tư duy tu. 2. Giải thoát (vimokkha), cựu dịch là bối xả. 3. Tam-ma-địa – tam-muội (samādhi), dịch nghĩa là đẳng trì, định. 4. Tam-ma-bát-để (samāpatti), dịch nghĩa là đẳng chí, cựu dịch là chánh thọ. Trong 4 loại này, thiền là từ dùng riêng gọi từ sơ thiền đến tứ thiền. Tứ thiền cũng là đẳng chí, nếu thêm bốn tầng thiền ở cõi vô sắc (arūpāyatana), cọng lại thành 8 đẳng chí. Lại thêm diệt tận định (nirodha-samāpatti) nữa thì gọi là cửu thứ đệ (định) đẳng chí. Chín loại định này là thứ tự tăng dần lên trên. Lại nữa, nếu tứ thiền, tứ vô lượng (appamaññā), tứ vô sắc định, đều là đẳng chí, thì gộp chung gọi là 12 môn cam lồ (amata-dvāra).

Tam-ma-địa là ba loại tam-ma-địa như không tam-ma-địa, v.v., ba loại tam-ma-địa như có tầm có tứ tam-ma-địa, v.v.(b) Tam-ma-địa cũng là tên gọi chung cho các định pháp. Giải thoát là tám thứ giải thoát. Bốn loại này có tên gọi và ý nghĩa khác nhau, đều bao hàm nhiều tầng bậc hoặc nhiều loại định pháp bất đồng. Ngoài ra, như tam-ma-hi-đa (samāhita), dịch nghĩa là đẳng dẫn; tâm chuyên chú vào một cảnh (citta-ekaggatā); tâm (citta); trụ (vihāra), cũng đều là một tên của định (đều không có sắp xếp thành từng loại từng loại).

Các định pháp được Phật giáo nói đến ấy, đa số là căn cứ theo sự thành tựu của quán tưởng mà đặt tên. Trong đó, định pháp nguyên thỉ nhất, căn bản nhất, phải là bốn loại thiền, lý do là:

1. Phật nương nơi tầng thiền thứ tư mà thành chánh giác, cũng từ tầng thiền thứ tư xuất rồi sau đó nhập niết-bàn; truyền thuyết nói rằng, khi Ngài còn tại gia, lúc đi ra ngoài xem lễ hạ điền, cũng ngồi dưới gốc cây mà nhập thiền định.

2. Theo cách giải thích kinh văn, trong các loại đạo phẩm thì chánh định là tứ thiền;7 định giác chi là tứ thiền;8 định căn là tứ thiền;9 định lực cũng là tứ thiền.10

3. Tứ thiền là sự an định của tâm, có quan hệ mật thiết với thân – các hoạt động sinh lý như hô hấp, v.v. Trong khi tu tập thiền định, dùng tâm lực để đạt thành sự an định của thân và tâm, cũng dùng hơi thở của thân để giúp cho sự thành tựu an định, tịch tĩnh của tâm. Tiến tu một cách thứ tự, đạt đến trạng thái dung hòa tịnh tĩnh cao nhất. Tu học thiền định, lấy sự “lìa năm dục và (năm triền cái, v.v.) các pháp ác bất thiện” làm tiền đề, và tương ưng với cái (không) giải thoát do lìa khỏi phiền não, không phải như thế tục, lấy sự tu tinh luyện khí làm mục đích. Theo quá trình tu hành mà nói, sơ thiền là do ngữ ngôn diệt mà được khinh an (passaddhi), nhị thiền là do tầm tư diệt mà được khinh an, tam thiền là do hỉ diệt nên được khinh an, tứ thiền (lạc diệt) hơi thở vào ra diệt mà được khinh an,11 trong các pháp thế gian mà đạt đến được, thì thân tâm khinh an, là trạng thái tịch tĩnh nhất. Tứ thiền có thiền chi (jhānaṅga) công đức, các định pháp khác không thể bì kịp.

4. Trong thứ tự tu hành giải thoát của giới, định, tuệ, như các kinh (38) Ái tận đại kinh, (39) Mã ấp đại kinh, (51) Ca-ni-đạt-lạp kinh, (53) Hữu học kinh, (76) Tát-ni-đạt-ca kinh, (112) Lục tịnh kinh, (125) Điều ngự địa kinh của Trung bộ; (65) Ô điểu dụ kinh, (80) Ca-hi-na kinh, (144) Toán số Mục-kiền-liên kinh của Trung A-hàm. Các kinh này đều nhất trí nói rằng: “đắc tứ thiền” sau đó được lậu tận giải thoát. Hoặc nói rằng có đủ ba minh, hoặc nói rằng đắc sáu thần thông, chủ yếu là được minh tuệ lậu tận. Căn cứ vào 4 điểm này, trong con đường giải thoát, tứ thiền là định pháp căn bản do Phật thuyết, điều này chắc chắn không thể hoài nghi vậy!

Nói đến tuệ, chính là nói đến bát-nhã (paññā). Bát-nhã là thứ dẫn đầu con đường giải thoát, cũng là chủ thể của con đường giải thoát; không có bát-nhã thì không thể giải thoát sanh tử. Như kinh nói: “Ta nói rằng do biết và thấy mới có thể đắc lậu tận, chứ không phải không do thấy và biết;”(c) “Ta không nói do không tri không biết một pháp nào mà lại được chấm dứt khổ trọn vẹn.”12 Thấy và biết đúng sự thật (yathābhūta-ñāṇadassana) trong con đường giải thoát là tất yếu, mà vả lại còn là ưu tiên hàng đầu, cho nên nói: “Năm căn này, tất cả đều được bao hàm trong huệ căn. Giống như các vật liệu của cái nhà, lấy cây cột làm đầu, tất cả vật liệu đều nương nơi cây cột, nhờ cây cột giữ vững vậy.”13 Danh từ liên quan với huệ, trong kinh nói rất nhiều, như chánh kiến (sammādiṭṭhi), chánh tư duy (sammāsaṅkappa) của tám chánh đạo, trạch pháp (dhammavicaya) của bảy phần bồ-đề, quán (vīmaṃsā) của bốn thần túc; quán (vipassanā), tùy quán (anupassanā), tri (aññā), kiến (diṭṭhi), trí (ñāṇa), v.v. Biểu thị phương diện chứng trí, như nói: “Như thật tri, kiến, minh, giác, ngộ, huệ, vô gián đẳng (hiện quán), đó gọi là minh.”14

Nhiều chỗ trong kinh nói đến, đầu tiên là biết đúng sự thật, sau đó thì chán (bỏ), ly dục, tịch diệt mà đắc giải thoát. Rốt cục biết đúng sự thật cái gì? Thế nào là biết đúng sự thật? Đem lời của nhiều kinh tóm tắt lại, không ngoài mấy vấn đề như sau:



Trong quá trình tu tám chánh đạo (lấy chánh kiến làm đầu), cần phải biết nguyên nhân tập khởi của sự khổ của sanh tử, cái có thể chấm dứt sự khổ sanh tử, cũng chính là biết “cái khối thuần khổ lớn hình thành như thế”, “cái khối thuần khổ lớn chấm dứt như thế” của duyên khởi (paṭicca-samuppanna).

Khổ (dukkha) là gì? Là pháp sanh tử, là năm uẩn (pañca-khandhā), là sáu xứ (chāyatanāni) như con mắt, v.v, hoặc là sáu giới (chadhātuya), tóm lại, là tự thể của thân và tâm hiện tại của hữu tình, trong kinh đã phân tích nói rõ từng cái cụ thể. Nếu như căn cứ trên thế Tục đế mà nói, thì thế gian là có khổ có vui. Kinh Tạp A-hàm nói: “Đức Thế tôn nói khổ hay vui là do duyên khởi sanh;”15 lại nói: “Ta luận về nguyên nhân và nói về nguyên nhân.”16 Phật đối với khổ, vui, không khổ không vui, mà thật sự là sanh tử hiện thật của “các thọ đều là khổ”, luôn luôn căn cứ trên nhân duyên mà nói. Phật thường nói: “Lìa hai bên, ở nơi ‘trung’ mà thuyết pháp” (hoặc dịch là “lìa hai bên, thuyết trung đạo),(d) đó chính là sự hình thành khổ và sự chấm dứt khổ của duyên khởi (không nhất định là 12 chi). Khổ tập, nếu phân chia ra mà nói, thì cái khổ là khối khổ của thân và tâm; nguyên nhân tạo thành khối khổ ấy gọi là tập (samudaya).

Nếu như lại thêm vào con đường tu hành, thì chính là khổ (dukkha), nguyên nhân của khổ (dukkha-samudaya), sự diệt khổ (dukkha-nirodha), con đường dẫn đến diệt khổ (dukkha -nirodha-gāminī-paṭipadā) - nói gọn là Tứ đế (cattāri-saccāni): khổ, tập, diệt, đạo. Cho nên biết duyên khởi và biết Tứ đế, chẳng qua là trình bày khác nhau chút ít mà thôi.

Thế gian, không phải chỉ là ưu khổ, mà cũng có khía cạnh đáng hỉ đáng ưa, cho nên ngoài cái khổ thọ ra, còn có lạc thọ. Do vì là cái đáng hỉ, đáng ưa, cho nên tâm sẽ sanh đắm trước vào cái vị ấy, đây là biết vị (assāda). Cái ưu khổ của thế gian là đáng chán ghét, cái đáng hỉ đáng ưa mà tâm sanh đắm trước vào vị đó, cũng không thể giữ gìn mãi được, cuối cùng cũng phải biến hoại, khả năng tồn tại của cái đáng đắm trước vào vị và khả năng gây tai hại của cái đáng chán ghét, rồi nhất định phải đến lúc biến hoại, đây là biết sự tai hại (ādīnava).

Khổ là cái đáng chán, cái đáng hỉ đáng ưa cũng có tai họa, thế gian là nối tiếp nhau như thế không dứt, thật là đáng thương! Nhưng cái này có thể siêu thoát xuất ly được, bởi vì sự sanh tử của thế gian là “cái này có nên cái kia có, cái này sanh nên cái kia sanh”, cũng sẽ đến lúc “cái này không có nên cái kia không có, cái này diệt nên cái kia diệt”. Cho nên, nếu biết nguyên nhân tập khởi của nó rồi tiến hành trừ khử, thì rồi nhân không có nên quả cũng không có. Xuất ly cái khổ của sanh tử là có thể được, là biết sự thoát ly (nissaraṇa). Biết vị, biết sự tai hại, biết sự thoát ly, là một cách trình bày về nguyên nhân của khổ và sự chấm dứt của khổ. Tổng hợp lại để trình bày nó, là bảy xứ khéo biết, như kinh Bảy xứ, ba quán đã nói.

Tứ đế, v.v., đều cần phải biết đúng như thật, mà Khổ đế lại cần phải biết hoàn toàn [biến tri], như kinh Tạp A-hàm(II) nói:

“Cần phải biết, cần phải hiểu đối với Khổ thánh đế; cần phải biết, cần phải đoạn đối với Khổ tập thánh đế; cần phải biết, cần phải chứng đối với Khổ diệt thánh đế; cần phải biết, cần phải tu đối với Con đường diệt khổ thánh đế.”

Tứ đế đều cần phải biết, mà Khổ đế lại cần phải hiểu. Tham chiếu Tương ưng bộ và luận Du-già sư địa, thì biết chữ ‘giải’ [hiểu] là cách dịch khác của biết hoàn toàn.17 Biết hoàn toàn (pariññā) về khổ, cắt đứt (pahāna) nguyên nhân của khổ, chứng trong hiện thực (sacchikiriyā) sự diệt khổ, tu tập (bhāvanā) con đường diệt khổ; đây chính là trong quá trình tu tập chánh đạo, biết hoàn toàn về khổ, cắt đứt nguyên nhân của khổ và chứng được sự diệt khổ, đạt thành mục đích giải thoát sanh tử.

Con đường giải thoát là từ sự biết khổ mà thực hành.18 Biết về khổ là biết về 5 uẩn, sáu xứ, còn tất cả pháp hữu lậu, cần phải quán sát đúng sự thật như thế nào? Trong kinh có nói, chủ yếu là:

Vô thường      khổ                  vô ngã
Vô thường      khổ                  vô ngã và vô ngã sở19
Vô thường      khổ    không    vô ngã
Vô thường (anicca); khổ (dukkha); vô ngã (anattan), hoặc nói là không có ngã và không có ngã sở (anattan-attaniya). Quán sát vô thường, khổ, vô ngã (và ngã sở) mà nên được giải thoát, là điều thường thấy trong Tương ưng bộ và kinh Tạp A-hàm. Sự truyền bá của Phật giáo Nam truyền chú trọng điểm này. Thuyết nhất thiết hữu bộ dùng ý nghĩa vô thường, khổ, không, vô ngã, cũng là giống với điều mà kinh Tạp A-hàm nói. Như kinh Tạp A-hàm nói: “Như bệnh, như ung nhọt, như gai nhọn, như sát hại; vô thường, khổ, không, chẳng phải là ngã.”20 Tương ưng bộ chép: “Vô thường, khổ, đau ốm, ung nhọt, gai nhọn, đau đớn, bệnh tật, kẻ lạ (hoặc dịch là kẻ địch), hư hoại; không, vô ngã.(e)”21 Trung bộ và Tăng chi bộ cũng có văn cú giống như vậy.22 Giữa vô thường và không, có khổ, bệnh, ung nhọt, gai nhọn, đau đớn, bệnh tật, kẻ địch, hư hoại, đều là diễn tả về khổ. Cho nên Tương ưng bộ đem ung nhọt, v.v., liệt kê sau khổ, kinh Tạp A-hàm riêng liệt kê ung nhọt, v.v., ở trước, tuy thứ tự khác nhau, nhưng thực chất của vô thường, khổ, không, vô ngã đều không có sai biệt. Vô thường, khổ, vô ngã (ngã sở); vô thường, khổ, không, vô ngã, đều là điều mà kinh Tạp A-hàm và Tương ưng bộ đã nói đến; chẳng qua là do giữa các bộ phái chấp nhận khác nhau nên sự giải thích cũng sai biệt chút ít, trở thành cái đặc sắc khác nhau giữa các bộ phái Phật giáo.

Vì vô thường, cho nên khổ, vô thường và khổ là pháp biến dịch, cho nên là không có ngã và ngã sở. Vô ngã và ngã sở là ý nghĩa trọng yếu của không, nghĩa rộng là sự tịch lặng do lìa tất cả phiền não. Mối liên hiệp của không và vô ngã, chỉ biểu thị là không có ngã và không có ngã sở; vô ngã và ngã sở là nghĩa hẹp của không. Cho nên tôi từng nói: “Nghĩa ban đầu của Phật pháp, dường như chỉ có ba cú nghĩa là vô thường, khổ, vô ngã. Đem không thêm vào thành ra 4 hành tướng (của Khổ đế), dường như là thêm vào nghĩa của không, mà thật sự là đã làm hẹp nghĩa của không.23 Vô thường nên khổ, vì vô thường và khổ nên không có ngã và ngã sở, vì thế nó là không, đây là bất nhị môn giải thoát. Người xưa căn cứ vào vô thường, khổ, vô ngã lập nên ba giải thoát môn, có thể thấy, không là trọng yếu trong sự tu chứng định và tuệ vậy!

3.      Không và tâm giải thoát
Trong sự tu tập định và tuệ, phương tiện có bất nhất, tùy sự quán tưởng bất đồng, khi tu tập thành tựu rồi, đã hình thành nhiều loại định pháp; đây không phải đặt nặng đối với định, mà là theo định mà đặt tên. Trong phong cách học tập mà chia loại và phân biệt của giới Phật giáo (vốn là lời Phật dạy, trải qua sự phát triển của chúng đệ tử, đã trở thành A-tỳ-đạt-ma), từ nhiều phương diện mà truyền ra định pháp, hoặc trải qua biện luận, sau đó thành định luận [kết luận]. Nội dung mà các bậc tu chứng truyền lại, không chỉ tên gọi bất nhất, mà ngay cả tên gọi dù tương đồng, thì hàm nghĩa của nó cũng có cạn có sâu. Bởi vì những tên gọi này, tuyệt đại đa số đều là những danh từ có sẵn của thế tục, chữ “không” cũng không ngoại lệ; tùy theo tập tục mà lập danh, lại thêm trình độ của người truyền bá khác nhau, ý nghĩa cũng sẽ khó mà thống nhất. Đây là điều tất yếu phải chú ý khi lý giải các định pháp.

Định pháp có liên quan mật thiết với không, chủ yếu là 4 loại tâm tam-muội (citta-samādhi), Tương ưng bộ gọi là tâm giải thoát (ceto-vimutti). Kinh Tạp A-hàm(I) nói:

“Trưởng giả Chất-đa-la hỏi Tôn giả Na-dà-đạt-đa rằng: Các tam-muội này có phải là do đức Thế tôn nói không? Hay là do Tôn giả tự ý nói? Tôn giả Na-dà-đạt-đa đáp rằng: Đây là lời của đức Thế tôn.”

Theo lời vấn đáp của Tôn giả Na-dà-đạt-đa (Nāgadatta) và Trưởng giả Chất-đa-la (Citra), có thể thấy, các định pháp được truyền bá lúc bấy giờ, có một số là do Phật thuyết, có một số là do các đệ tử trong khi truyền thọ đã tự lập nên định pháp mới. Bốn loại tâm tam-muội (hoặc tâm giải thoát) này, bấy giờ vẫn còn có người chưa đạt đến trình độ hiểu biết hết toàn bộ chúng, cho nên mới có sự vấn đáp này. Kinh Tương ưng bộ, tương đương với đoạn này, người vấn đáp là Ngưu-đạt-đa (Godatta) và Trưởng giả Chất-đa (Citta).1 Lại có Hữu minh đại kinh được biên tập vào Trung bộ, là Xá-lợi-phất nói cho Đại Câu-hi-la.2

Căn cứ theo Tương ưng bộ, thì 4 loại tâm giải thoát là: vô lượng tâm giải thoát (appamāṇa-cetovimutti), vô sở hữu tâm giải thoát (ākiñcaññā-cetovimutti), không tâm giải thoát (suññatā-cetovimutti), vô tướng tâm giải thoát (animitta-cetovimutti). Vấn đề là, bốn loại tâm giải thoát này, rốt cục là văn khác nghĩa khác hay văn khác mà nghĩa đồng? Căn cứ theo kiến giải của Trưởng giả Chất-đa, có thể từ hai phương diện mà nói:

1. Tên gọi khác nhau, ý nghĩa cũng sẽ khác nhau. Điểm khác nhau là, vô lượng tâm giải thoát là từ, bi, hỉ, xả - 4 vô lượng (catasso-appama-ññāya) định; vô sở hữu tâm giải thoát là vô sở hữu xứ (ākiñcaññāyatana) định của bốn vô sắc; không tâm giải thoát, là tư duy rằng ngã và ngã sở là không; vô tướng tâm giải thoát là không tác ý về tất cả tướng, đắc vô tướng tâm tam-muội (animitta-cetosamādhi).

2. Tên gọi tuy khác nhau mà ý nghĩa có thể nói là đồng nhất. Đây là nói, tham, sân, si (đại biểu cho tất cả phiền não) là nhân của lượng (pamāṇa-karaṇa ), trong vô lượng tâm giải thoát mà vị tỳ-kheo lậu tận đắc được, bất động tâm giải thoát (akuppā-cetovimutti) là tối đệ nhất; bất động tâm giải thoát là không có tham, không có sân, không có si, không có tham, sân, si tức là siêu việt mọi hạn lượng, là sự giải thoát rốt ráo (bất động A-la-hán) của vị tỳ-kheo lậu tận. Theo ý nghĩa tương đồng, thì tham, sân, si là chướng ngại (papañca), không còn tham, sân, si tức là siêu việt mọi sở hữu,3 bất động tâm giải thoát là tối thượng trong vô sở hữu tâm giải thoát. Tham, sân, si là nhân của tướng (nimitta-karaṇa), không còn tham, sân, si là siêu việt mọi tướng, bất động tâm giải thoát là tối thượng trong vô tướng tâm giải thoát.

Trong kinh nói đến vô lượng, vô sở hữu, vô tướng, nhưng lại không có nói đến không tâm giải thoát, nguyên nhân ở đây là vì bất động tâm giải thoát mà không còn tham, sân, si, chính là tên gọi khác của không tâm giải thoát.

Từ mặt văn khác mà nghĩa đồng mà nói, thì vô lượng tâm giải thoát, vô sở hữu tâm giải thoát, vô tướng tâm giải thoát, khi đạt đến chỗ rốt ráo, đều cùng với không tâm giải thoát – bất động tâm giải thoát, là ngang nhau ngang nhau. Căn cứ trên phương tiện quán tưởng khác nhau, có danh mục gồm 4 tâm giải thoát, mà từ sự không còn tất cả phiền não để nói, thì đây là mục tiêu giống nhau, như muôn dòng đều về biển, đều là vị mặn giống nhau.

Bốn loại tâm tam-muội của kinh Tạp A-hàm, từ mặt tên gọi khác nhau thì ý nghĩa cũng khác nhau mà nói, thì cùng với điều mà Tương ưng bộ đã nói là nhất trí với nhau. Nhưng từ mặt tên gọi khác nhau nhưng ý nghĩa giống nhau mà nói, thì văn cú của kinh Tạp A-hàm và Tương ưng bộ có thêm bớt chút ít. Như kinh Tạp A-hàm(II) nói:

“Thế nào là pháp chỉ có một nghĩa mà có nhiều vị (vị là cựu dịch của danh)? Đáp rằng: Thưa Tôn giả! Đó là tham có lượng, (nhuế, si là có lượng), nếu như vô tránh ấy là đệ nhất vô lượng. Nghĩa là, tham là có tướng, nhuế, si là có tướng, vô tránh là (đệ nhất) vô tướng. Tham là sở hữu, nhuế, si là sở hữu, vô tránh là (đệ nhất) vô sở hữu. Lại nữa, vô tránh ấy, là không có tham, không có nhuế, si; không ấy là thường trụ chẳng biến đổi, không ấy chẳng phải ngã, chẳng phải ngã sở. Đó gọi là pháp có một nghĩa mà có nhiều vị.”

Bất động tâm giải thoát của Tương ưng bộ, kinh Tạp A-hàm gọi là vô tránh (araṇa), đó phải là nói lược của vô tránh trụ hoặc vô tránh tam-muội.4

Tránh có 3 loại, phiền não cũng gọi là tránh – phiền não tránh, cho nên vô tránh là không có tất cả phiền não, cùng với bất động tâm giải thoát của sự không còn tất cả phiền não tương đương. Tương ưng bộ đã nói, tối đệ nhất trong ba loại tâm giải thoát như vô lượng, v.v., là không tham, không sân, không si, mà không lặp lại không tâm giải thoát, đó là vì lấy bất động tâm giải thoát làm không tâm giải thoát vậy.

Kinh Tạp A-hàm trình bày rằng, trong ba loại gồm vô lượng, v.v., thì vô tránh là tối đệ nhất, sau đó lại giải thích vô tránh là: “không có tham, không có nhuế, không có si; không ấy là thường trụ chẳng biến đổi, không ấy chẳng phải ngã, chẳng phải ngã sở.” Giải thích về vô tránh cũng chính là giải thích về không tâm tam-muội. Vô tránh và không là có mối quan hệ, như phần cuối của kinh Câu-lâu-sấu vô tránh thuộc kinh Trung A-hàm đã nói: “Này Tộc tánh tử Tu-bồ-đề, bởi do đạo vô tránh, rồi sau đó biết được pháp đúng như pháp. Biết pháp đúng như thật, Tu-bồ-đề nói kệ, hành chân thật không này, bỏ đây, trụ tịch tịnh.”5

Tóm lại, tối thượng trong 4 loại tâm giải thoát, là bất động tâm giải thoát của sự không còn có tham, nhuế, si, hoặc trụ nơi vô tránh, cũng chính là tâm giải thoát (hoặc tâm tam-muội) mà đạt được rốt ráo, không ngoài sự hoàn thành rốt ráo của không. Vô lượng, vô sở hữu, vô tướng, vô tránh, bất động, từ sự không còn phiền não nên được thanh tịnh mà nói, thì đều có thể xem là tên gọi khác của không.

Vô tránh – a-lan-nhã, vốn là trú xứ của người tu hành. Do vì sống nơi trú xứ yên tĩnh, không có phiền lụy, tượng trưng cho trạng thái của thiền định và trí tuệ, mà gọi là trụ nơi vô tránh, vô tránh tam-muội. Điều này cùng với không, vốn dùng để diễn tả sự trống vắng của trú xứ, không có sự phiền lụy của người và vật, cũng chính là dùng tượng trưng cho thiền định và trí tuệ, nên có các danh mục như không trụ, không tam-muội, v.v., trạng thái là hoàn toàn giống nhau.

4.      Vô lượng
Nội dung của 4 tên gọi: vô lượng, vô sở hữu, vô tướng, không, sau đây nghiên cứu thêm để phân tích.

Từ (mettā), bi (karuṇā), hỉ (muditā), xả (upekkhā) – bốn vô lượng (catasso-appama-ññāyo) định, cũng gọi là vô lượng tâm giải thoát (appamāṇa-cetovimutti), vô lượng tâm tam-muội (appamāṇa cetosamādhi), hoặc gọi là bốn Phạm trụ (brahmavihāra). Bốn vô lượng trang trải đến khắp vô lượng hữu tình, cho nên là: vì thắng giải tác ý cùng sanh với giả tưởng để khởi.1 Hoặc nương nơi định mà quán tưởng khởi lên lòng từ, v.v., hoặc nương theo lòng từ, v.v. quán tưởng mà thành định. Trong các định pháp, thì đây là một tổ hợp quan trọng. Trong ấy, “từ là mẹ của tất cả công đức,” lòng từ rất được xem trọng trong văn hóa Ấn độ; trong kinh Phật có thể chứng minh đầy đủ ý nghĩa này, như kinh Tạp A-hàm(I) nói:

“Ta tự nhớ lại đời trước… từng trong bảy năm tu tập tâm từ, trải qua bảy kiếp thành hoại, không tái sanh trở lại thế giới này (Dục giới). Trong bảy kiếp hoại, sanh lên cõi trời Quang Âm. Trong bảy kiếp thành, lại sanh trong cung điện trống không của Phạm thiên, làm Đại Phạm vương, không ai hơn, không ai trên, thống lãnh ngàn thế giới.”

Đây là một truyện truyền thuyết bổn sanh của Phật, kinh Trung A-hàm, Tăng chi bộ, kinh Tăng nhất A-hàm đều nói đến giống như vậy.2 Còn có, câu truyện Phật bản sanh về Đại sư Thiện nhãn (Sunetta), đã dạy đệ tử tu tập tâm từ bi, sanh trong thế giới Phạm thiên. Thiện nhãn lại tu tăng thượng từ, nên sau khi mạng chung, sanh lên trời Hoảng Dục (tức trời Quang Âm). Khi kiếp thành, sanh trong cõi Phạm, làm Đại Phạm thiên (Mahābrahmā), đây là chuyện được nói đến nhiều lần trong kinh Trung bộ và Tăng chi bộ.3 Đại Phạm thiên vương của cõi Phạm thiên là bậc thống lãnh một ngàn thế giới, cũng chính là vị thần tối cao, là vị thần sáng tạo – Đại Phạm, của Bà-la-môn giáo. Vị thần sáng tạo mà được thế tục tín ngưỡng, theo lời Phật, là quả báo của tu tập định tâm từ bi. Tu tâm từ bi có thể sanh nơi trời Phạm thiên, công đức rất lớn, hơn hẳn công đức của bố thí và trì giới, như kinh Tu-đạt-đa trong Trung A-hàm(II) nói:

“Phạm-chí Tùy-lam thực hành sự bố thí to lớn như vậy; …, quy mạng Tam tôn – Phật, Pháp, Chúng tỳ-kheo, và thọ giới. Nếu có người vì tất cả chúng sanh mà thực hành tâm từ bi, cho đến trong khoảnh khắc như vắt sữa bò, thì sự bố thí này tối thắng hơn sự bố thí (trì giới) kia vậy.”

Truyện bản sanh của bà-la-môn Tùy-lam (Vailāma, Velāma) cũng thấy trong Tăng chi bộ.4 Liên quan đến công đức thù thắng của tâm từ bi, ngoài sự thù thắng hơn bố thí, trì giới, còn có công đức khác là không bị các loại quỷ thần độc ác làm tổn hại, như kinh Tạp A-hàm và Tương ưng bộ đã nói.5 Tăng chi bộ nói đến 8 công đức,6 11 công đức7 của tâm từ bi. Luận Trí độ nói: “Vì từ tâm là ban sự an vui cho chúng sanh, nên trong Tăng nhất A-hàm nói có 5 công đức,”8 cùng với điều được luận Đại tỳ-bà-sa nói gần giống nhau,9 đây hẳn phải là tụng bản của Nhất thiết hữu bộ (Sarvāstivādin).

Định nghĩa của tâm từ bi là “cho chúng sanh sự an vui”, cùng với chữ “nhân” của Nho gia, chữ “ái” của Da-tô giáo gần giống nhau. Trong đức tánh của nhân loại, đây chính thật là tối cao. Nếu có thể “đem tâm nhân đức làm thấm nhuần tất cả,”(a) “xem nhân dân là ruột thịt, muôn vật là bạn bè,”(b) “khí hạo nhiên đầy ắp khắp trời đất,”(c) thì đó đã cùng với tâm từ vô lượng tương tợ vậy.

Từ là ban sự an vui, quán tưởng chúng sanh đạt đến an lạc; bi là cứu khổ, muốn chúng sanh xa rời mọi khổ não, hỉ là muốn chúng sanh lìa đau khổ được an lạc nên tâm sanh vui vẻ; xả là xem kẻ oán cũng giống như người thân, “dùng nhân từ mà nhìn như nhau.”(d) Theo phân tích mà nói, cách quán và thực hành của bốn tâm này là mỗi thứ không giống nhau; theo tổng hợp lại mà nói, thì đây là diện mạo toàn vẹn của tâm từ. Vốn chỉ là tâm từ, căn cứ theo nghĩa mà chia làm 4 loại, như kinh Tạp A-hàm(III) nói:

“Có tỳ-kheo tu quán bất tịnh để đoạn tham dục, tu từ tâm để đoạn sân nhuế, tu quán tưởng về vô thường để đoạn ngã mạn, tu an-na-bát-na niệm (niệm hơi thở vào ra) để đoạn giác tưởng (tầm tư).”

Tu tập bốn loại quán tưởng để đối trị bốn loại phiền não, cũng là điều mà kinh Trung A-hàm và Tăng chi bộ đã nói.10 Vốn chỉ nói đến tu từ, nhưng trong Đại kinh Giáo giới La-hầu-la của Trung bộ, pháp tu giống như thế, lại nói tu từ, bi, hỉ, xả, bất tịnh, vô thường, niệm hơi thở vào ra - 7 hạnh,11 đây là đã đem hạnh từ chia làm từ, bi, hỉ, xả - 4 hạnh. Phật pháp xem trọng tâm từ có giá trị tối cao trong các đức hạnh của thế gian, cho nên căn cứ trên ý nghĩa mà chia làm bốn tâm; nếu quán tưởng được thành tựu, thì chúng chính là bốn vô lượng định.12

Bốn vô lượng tâm lấy tâm từ làm căn bản, là phù hợp với Bà-la-môn giáo. Như ngài Xá-lợi-phất khuyến khích người bạn lớn tuổi của mình là Phạm-chí Đà-nhiên (Dhānañjāni) tu bốn vô lượng tâm, sau khi mạng chung sanh nơi thế giới Phạm thiên, nguyên nhân vì “các Phạm-chí đó, ngày đêm yêu mến Phạm thiên.”13 Truyện bản sanh truyền thuyết về vua Đại thiện kiến (Mahāsudarśana, Mahāsudassana), cũng là tu bốn Phạm trụ mà sanh trong thế giới Phạm thiên.14 Cho nên, căn cứ theo điều mà kinh văn thông thường nói, thì bốn vô lượng tâm là định pháp của thế gian, là hữu lậu, là định của thế tục (kullakavihāra). Nhưng trong thời Sơ kỳ của Phật pháp, 4 loại định từ, bi, hỉ, xả, hiển nhiên nó đã được tịnh hóa rồi đề cao làm con đường giải thoát, cam lồ môn;(e) từ sự bốn vô lượng tâm cũng được gọi là vô lượng tâm giải thoát, mà tối thượng chính là bất động tâm giải thoát mà nói, thì có thể xác định được ý nghĩa của Sơ kỳ vậy. Như kinh Tạp A-hàm(IV) nói:

“Nếu tỳ-kheo tu tập tâm từ, tu tập nhiều rồi, đắc quả lớn, phước lợi lớn. … Tỳ-kheo này có tâm đi đôi với từ, tu niệm giác phần, nương nơi sự viễn ly, nương nơi sự vô dục, nương nơi sự tịch diệt, hướng đến xả; cho đến tu tập xả giác phần, nương nơi sự viễn ly, nương nơi sự vô dục, nương nơi sự tịch diệt, hướng đến xả.”

Kinh nói tâm từ, đó là sự giản lược của người dịch, thật tế là từ, bi, hỉ, xả - 4 tâm.15 “Quả lớn, phước lợi lớn” được nói đó, hoặc là 2 quả, 2 phước lợi – A-na-hàm và A-la-hán; hoặc là 4 quả, 4 phước lợi – từ Tu-đà-hoàn đến A-la-hán; hoặc là 7 quả, 7 phước lợi – 2 loại A-la-hán và 5 loại A-na-hàm.

Từ, bi, hỉ, xả và bảy giác phần (satta-bojjhaṅgā) mà tu đồng thời, thì có thể được quả lớn, phước đức lớn, đương nhiên là thông với con đường giải thoát vô lậu. Vô lượng tâm giải thoát đã bao hàm sự thích ứng với hai loại khác nhau là thế tục và Phật pháp. Các học giả Thanh văn, thông thường đều cho rằng: bốn vô lượng tâm là ban rải rộng lớn đến vô lượng chúng sanh, vô lượng là rất nhiều không thể tính kể được, là thắng giải – giả tưởng quán, cho nên là loại định thuộc thế gian. Nhưng “lượng” là căn cứ theo tánh giới hạn mà có; nếu như quán tất cả chúng sanh mà tâm siêu việt cái tâm có hạn lượng, không khởi phân biệt tự - tha, thì chính là tương ưng với không tuệ của vô ngã và vô ngã sở. Trưởng giả Chất-đa-la cho rằng: tối thượng trong vô lượng tâm giải thoát là bất động tâm giải thoát của sự không có tham, sân, si, không chính là vô lượng. Ý nghĩa này, “vô duyên từ” mà trong Đại thừa đã nói đến, mới biểu đạt nhiều lần ra nữa.

5.      Vô sở hữu
Lại nói đến vô sở hữu (ākiñcañña). Liên quan với vô sở hữu, có 2 kinh:

1. Kinh Thiện tinh của Trung bộ nói: “Tâm của chúng sanh, hoặc có khuynh hướng theo năm thứ dục của thế gian; hoặc có khuynh hướng bất động nên lìa khỏi sự trói buộc của dục; hoặc có khuynh hướng đến vô sở hữu xứ nên lìa khỏi sự trói buộc của bất động; hoặc có khuynh hướng đến phi tưởng phi phi tưởng xứ nên lìa sự trói buộc của vô sở hữu xứ; hoặc có khuynh hướng đến niết-bàn nên lìa khỏi sự trói buộc của phi tưởng phi phi tưởng xứ.1 Năm loại này là khuynh hướng của tâm con người thế gian; cũng là thứ lớp thăng tiến của người tu hành, xem niết-bàn là lý tưởng tối cao. Khi tâm có khuynh hướng về bốn loại trước thì không thể xuất ly, cho nên vô sở hữu xứ mà tâm hướng đến của kinh Thiện tinh chỉ là cảnh giới của định vô sở hữu xứ, không có ý nghĩa tương đồng với không (śūnya, suñña).

2. Kinh Bất động lợi ích của Trung bộ, kinh Trung A-hàm gọi là kinh Tịnh bất động đạo. Trong kinh chia làm tịnh bất động đạo, tịnh vô sở hữu xứ đạo, tịnh vô tưởng đạo (Trung bộ gọi là phi tưởng phi phi tưởng xứ lợi ích hành đạo), niết-bàn vô dư, Thánh giải thoát.2 Ba loại tịnh đạo đầu tiên, thì tên gọi và thứ tự đều nhất trí với kinh Thiện tinh. Ba loại tịnh đạo đầu tiên, tổng cộng chia làm bảy loại, nay căn cứ theo kinh Trung A-hàm (tham khảo Trung bộ), lập bảng liệt kê như sau:



Ba loại tịnh đạo đầu tiên mà kinh Tịnh bất động đạo nói là có tầng lớp (tương đồng với tầng lớp trong kinh Thiện tinh), có quán tưởng theo thứ tự, có tầng lớp của thứ tự siêu việt tức diệt, cho nên được gọi là “thứ lớp vượt qua bộc lưu”.4 Nhưng kinh này có điểm bất đồng với kinh Thiện tinh, từ tịnh bất động đạo trở lên, đều là có khả năng giải thoát. Trong đó, dục (kama) là 5 loại dục trong Dục giới; bất động (āṇañja), nói theo cách thông thường, là Tứ thiền. Ở trong ấy, có hai điểm cần thiết phải chú ý: bất động – từ Tứ thiền trở lên, là vô sở hữu xứ, vô tưởng xứ - phi tưởng phi phi tưởng xứ, vì sao từ Tứ thiền trở lên, cùng với khoảng trung gian giữa vô sở hữu xứ, vô tưởng xứ, không có không vô biên xứ và thức vô biên xứ? Đây là điểm thứ nhất. Phi tưởng phi phi tưởng xứ trong Trung bộ, kinh Trung A-hàm gọi là vô tưởng, vô tưởng xứ.5 Vô tướng tâm định (animitta-cetosamādhi), kinh Trung A-hàm thường dịch là vô tưởng định. Vô tưởng (vô tướng tâm) định với phi tưởng phi phi tưởng xứ, vô tưởng định, diệt tận định, có mối quan hệ phức tạp. Ba loại định: bất động, vô sở hữu, vô tưởng – vô tướng của kinh này, nói theo thứ tự, thì không đúng với những Luận của Thuyết nhất thiết hữu bộ (Sarvāstivādin) nói, từ diệt tận định khởi, khởi bất động, vô tướng, vô sở hữu – tên gọi của ba loại xúc này có tương đồng không?6 Đây là điểm thứ hai.

Nói đến tịnh vô sở hữu xứ đạo, trong kinh chia làm 3 loại:

1. Trung bộ nói: Vị Thánh đệ tử tư duy như thế nầy: Dục trong hiện tại,… bất động tưởng, tất cả thứ này được diệt tận không còn sót, đó là tịch tĩnh, thù diệu, chính là vô sở hữu xứ. Chuyên tâm an trụ như thế, bấy giờ tâm được thanh (tịnh). Trung bộ nói: vô sở hữu xứ là tịch tĩnh, thù diệu; kinh Trung A-hàm nói: “Tất cả các loại tưởng kia là pháp vô thường, là khổ, là diệt.” Đây có thể là cách nói thông thường: pháp tu của quán hạ là khổ, thô, (chướng), quán thượng là tĩnh, diệu (ly), chán hạ mà ưa thượng. Chán hạ nên chuyên chú đến vô sở hữu xứ tưởng, thành tựu vô sở hữu xứ định. Nhưng theo lời kinh ở trên nói: tu tập vô sở hữu xứ, hoặc đắc vô sở hữu xứ định, hoặc nương nơi huệ mà được giải thoát, có thể thấy rằng đây không chỉ là loại định thuộc thế tục. Căn cứ theo kinh Trung A-hàm nói: “Tất cả các loại tưởng kia là pháp vô thường, là khổ, là diệt” – hoại pháp, khi ở trong ly dục…, bất động tưởng, trí huệ có được do quán vô thường, khổ, diệt, là có thể được giải thoát.

2. Vị Thánh đệ tử tư duy như vầy: ngã và những gì thuộc về ngã đều là không. Chuyên tâm an trụ như thế thì tâm được thanh tịnh, cũng có đắc hai loại là vô sở hữu xứ định, hoặc nương nơi huệ mà đắc giải thoát. Kinh Trung A-hàm nói: “Vị Thánh đệ tử quán xét như vầy: thế gian này là không: không có thần, sở hữu của thần (cựu dịch của ngã và ngã sở hữu); không có thường, không có hằng, không trường tồn, không bất biến dị.”7 Đây là kinh luận của Thuyết nhất thiết hữu bộ, từ sự không có pháp thường, hằng, bất biến dị - vô thường, để giải thích ý nghĩa ngã và ngã sở hữu là không. Tu pháp quán ngã và ngã sở là không, đắc vô sở hữu xứ định, tuy người xưa có nhiều cách giải thích, kỳ thật, không và vô sở hữu là đồng nhất ý nghĩa với nhau.

3. Kinh Bất động lợi ích(I) của Trung bộ nói: “Vị Thánh đệ tử tư duy như vầy: tôi không hiện hữu nơi nào, chẳng ở nơi ai, cũng không ở trong bất cứ vật gì. Sở hữu của tôi không hiện hữu nơi nào, không ở trong người nào, cũng không ở tại vật gì.”(a)

Kinh Trung A-hàm nói: “Vị Thánh đệ tử quán xét như vầy: Ta chẳng phải được tạo ra vì cái khác, cũng chẳng phải được tạo ra vì chính mình,”8 ý nghĩa không được rõ ràng lắm. Luận Đại tỳ-bà-sa dẫn kinh này, nói: “chẳng phải ta có nơi chốn, có thời gian, có thuộc sự vật, cũng không có nơi chốn, thời gian, sự vật thuộc ngã của ta,”9 cùng với điều Trung bộ nói gần giống nhau. Căn cứ theo điều Tỳ-bà-sa nói: dù cho ở xứ nào, thời nào, đều không có vật làm sở hữu của ta; cũng dù cho ở xứ nào, thời nào, đều không có vật nào là của ta. Từ trong mối tương quan của ngã và ngã sở mà thông đạt vô sở hữu, đây cũng là sự tương đồng của không và vô sở hữu. Nhờ đây mà đắc được tâm thanh tịnh, cũng có đắc hai loại là vô sở hữu xứ định, hoặc nương nơi huệ mà đắc giải thoát.

Thiền định – tứ thiền, tám loại định, thông thường nói là pháp của thế gian, tợ hồ là định pháp có sẵn của thế gian, đệ tử của Phật y theo các loại định pháp này để tu quán huệ xuất thế gian. Nhưng ý nghĩa thuộc Tảo kỳ của định huệ trong Phật pháp, vị tất là như thế. Như bất động, vô sở hữu xứ, vô tưởng xứ - phi tưởng phi phi tưởng xứ được nói đến ấy, kinh trên đều nói như thế này: Vị Đa văn Thánh đệ tử tư duy như vầy, đây là pháp được Hiền thánh đệ tử tu. Do vì sự dụng tâm khác nhau của người tu tập, mà có đắc định, hoặc nương nơi huệ mà đắc giải thoát khác nhau.

Căn cứ theo pháp tắc nhân quả của Phật pháp, thì tu đắc loại định nào đó, mà nếu như không thể nương nơi nó mà phát sanh huệ để được giải thoát, thì người đó sau khi mạng chung, sanh nơi cõi trời của định cảnh thuộc loại định ấy. Nói theo cách thông thường, loại định thuộc thế gian là chán hạ thích thượng mà tu đắc, nhưng như 3 loại của tịnh vô sở hữu xứ đạo đều không phải như thế. Loại thứ hai là quán ngã và ngã sở là không mà tu đắc. Loại thứ ba, quán không có ngã sở hữu mà tu đắc. Đây đều là loại giải thoát xuất thế - chánh quán ngã và ngã sở hữu là không. Chỉ là trên sự tu tập có một số vấn đề, mới không thể nương nơi huệ mà đắc giải thoát, trở thành vô sở hữu xứ định, sanh lên cõi trời Vô sở hữu xứ. Ngay cả loại thứ nhất, theo kinh Tịnh bất động đạo, cũng là quán tất cả dục, dục tưởng, sắc, sắc tưởng, bất động tưởng ‘là pháp vô thường, là khổ, là diệt’. Vô thường, khổ, (vô ngã và vô ngã sở), chính là ba cửa chính yếu của con đường giải thoát xuất thế (ba giải thoát môn cũng theo đây mà lập), cho nên loại thứ nhất cũng có dựa trên huệ mà đắc giải thoát. Như vậy, vô sở hữu xứ đạo, đều nương vào quán huệ thuộc xuất thế mà thành định, nhưng vì trên sự tu trì có vấn đề nào đó, nó mới trở thành định thuộc thế gian.

Tu quán huệ thuộc xuất thế mà trở thành định thuộc thế gian, vấn đề rốt cuộc là tại đâu? Trong kinh văn sau chỗ nói về vô tưởng – tịnh phi tưởng phi phi tưởng đạo, căn cứ vô tưởng xứ mà có sự giải thích, ý nghĩa là thông với bất động và vô sở hữu xứ đạo. Kinh Tịnh bất động đạo(II) của kinh Trung A-hàm nói:

“Này A-nan! Nếu tỳ-kheo thực hành như vầy: không có ta, không có cái của ta; ta sẽ (tiến đến) sự không tồn tại, cái của ta sẽ (tiến đến) sự không tồn tại, những gì có trước kia liền xả ly hết thảy. Này A-nan! Nếu tỳ-kheo ưa thích cái xả kia, chấp trước cái xả kia, trụ trong cái xả kia, thì này A-nan, tỳ-kheo hành như thế, ắt sẽ không đắc được niết-bàn. … Nếu tỳ-kheo có sự chấp thủ, thì vị ấy ắt không đắc niết-bàn.”

“Này A-nan! Nếu tỳ-kheo thực hành như vầy: không có ta, không có cái của ta; ta sẽ không tồn tại, cái của ta sẽ không tồn tại. Những gì có trước kia liền xả ly hết thảy. Này A-nan! Nếu tỳ-kheo không ưa thích cái xả kia, không chấp trước cái xả kia, không trụ trong cái xả kia, thì này A-nan, tỳ-kheo thực hành như thế, ắt đắc được niết-bàn. … Nếu tỳ-kheo không có sự chấp thọ, ắt đắc được niết-bàn.”

Lấy phi tưởng phi phi tưởng xứ để nói, thì ta và cái của ta sẽ không tồn tại nữa trong tương lai, xả ly hoàn toàn những gì có trước kia (bản hữu) – sự tồn tại trong hiện tại, điều này biểu thị cho niết-bàn hoàn toàn. Nhưng nếu như đối với sự ‘xả’ đó mà có ưa thích, chấp trước, trụ vào (Trung bộ, bản Nhật dịch là: hỉ, hoan nghênh, chấp trước), thì sẽ không thể đắc niết-bàn. Ưa thích, chấp trước, trụ vào, nói tóm lại là ‘có chấp thọ’, thọ là cựu dịch của thủ (upādāna). Cho nên, dù sự tu của người tu hành chính là chánh quán, mà chỉ cần tâm có sự ưa thích, chấp trước thì sẽ không đắc được giải thoát. Như người tu chánh quán về vô sở hữu, sẽ liền chiêu cảm quả báo thuộc vô sở hữu xứ. Vô sở hữu xứ định và quả báo cõi trời, là ở tại tình huống này mà thành lập.

Vô sở hữu – vô sở hữu xứ đạo, tu vô thường, khổ, vô ngã và ngã sở không, là tên gọi khác của không quán. Vô sở hữu xứ định, là thiền định hóa của không quán.

6.      Vô tướng
Vô tướng (animitta), trong giải thoát đạo, có nhiều tên gọi, như vô tướng tâm giải thoát (animitta-cetovimutti), vô tướng tâm tam-muội (animitta-cetosamādhi), vô tướng giải thoát (animitta-vimokkha), vô tướng tam-muội (animitta-samādhi), vô tướng đẳng chí (animitta-samāpatti), vô tướng trụ (animitta-vihāra). Ứng dụng của những thuật ngữ này, trong thời Sơ kỳ của Phật giáo, so với không (śūnya, suñña) và vô sở hữu (ākiṃcanya, ākiñcañña), phải nhiều hơn một chút. Đương nhiên, nếu như lấy sự vô ngã và ngã sở làm không, thì kinh văn nói về cái không đó, vẫn nhiều hơn so với vô tướng. Vô tướng định, dựa vào sự dụng tâm khác nhau của người tu hành, nên có sâu cạn không nhất định; cùng với phi tưởng phi phi tưởng xứ (nevasaññā-nāsāññāyatana), diệt tận định (nirodha-samāpatti), vô tưởng định (asañña-samāpatti) mà đã trở thành định luận ấy, đều có quan hệ, cho nên so sánh nội dung là rất phức tạp. Luận A-tỳ-đạt-ma Đại tỳ-bà-sa(I) nói:

“Từ vô tướng, được giải thích theo nhiều nghĩa: hoặc là đối với không tam-ma-địa mà nói là vô tướng, cũng như vậy, hoặc đối với địa vị kiến đạo, hoặc đối với bất động tâm giải thoát, hoặc đối với phi tưởng phi phi tưởng xứ, hoặc đối với chính vô tướng tam-ma-địa mà nói là vô tướng.”

Luận Bà-sa cho rằng, “vô tướng” – đây là một tên gọi , có 5 ý nghĩa khác nhau, nhưng từ kinh văn mà nói, cũng không hẳn là chỉ có 5 nghĩa được nói đó.

Vô tướng tâm tam-muội là trí quả và trí công đức. Trình bày vấn đề này, trong kinh Tạp A-hàm (Đệ tử ký thuyết), tổng cộng có 4 kinh (căn cứ theo số thứ tự được sắp xếp trong tạng Đại chánh, là các kinh từ 556-559, kỳ thật nên chia làm 6 kinh), đều có liên quan với ngài A-nan (Ānanda). Có một vị tỳ-kheo, đã tu đắc vô tướng tâm tam-muội, nhưng không biết là mình đã đắc quả gì, công đức gì. Bấy giờ, vị ấy “đi theo tôn giả A-nan, nếu như có người khác hỏi ý nghĩa này, nhờ đó mà được nghe. Tỳ-kheo ấy liền theo tôn giả A-nan, trải qua suốt 6 năm, không có người nào hỏi ý nghĩa này,” cuối cùng, vị ấy tự mình nêu ra câu hỏi để thỉnh vấn.1 Trong suốt 6 năm không có người nào hỏi, chứng tỏ vô tướng tâm tam-muội, ban đầu, có rất ít người bàn luận đến. Trong kinh Tạp A-hàm nói đến: vô tướng tâm tam-muội, là Phật vì chúng tỳ-kheo-ni mà thuyết; các tỳ-kheo-ni lại hỏi ngài A-nan, ngài A-nan nói các tỳ-kheo-ni biết. Điều này chứng tỏ, chủ yếu là: “Đại sư và đệ tử, cùng một câu, cùng ý vị, cùng nghĩa lý”;2 chỉ là vì đức Như lai đã từng nói đến, để khẳng định địa vị của vô tướng tâm tam-muội trong Phật pháp. Phẩm 9 pháp, kinh 37 của Tăng chi bộ trong Tạng Pāli, cũng nói đến trí quả và trí công đức, thật tế, đó là sự kết hợp hai kinh 557 và 559 của kinh Tạp A-hàm.3 Tóm lại, vô tướng tâm tam-muội là trải qua sự tu đắc của hàng đệ tử Phật rồi được truyền ra, mỗi ngày ánh sáng càng thêm rực rỡ.

Vô tướng tâm tam-muội, theo lời của trưởng giả Chất-đa (Citra) đã nói, là tam-muội do “không niệm (tác ý) đối với tất cả tướng” mà tu thành.4 Tác ý (manasikāra), hoặc dịch là tư duy, niệm, ức niệm. Vô tướng tâm tam-muội mà do không tác ý tất cả tướng ấy, là có sâu có cạn. Vô tướng rốt ráo, như kinh Tạp A-hàm(II) (Kỳ-dạ) nói:

“Tu tập về vô tướng, diệt kiết sử kiêu mạn, đạt được hiện quán mạn, rốt ráo tận khổ biên.”

Bài kệ này là của ngài A-nan nói cho Bà-kỳ-xá (Vaṅgīsa), Tương ưng bộ cũng nói giống như vậy.5 Luận Du-già giải thích rằng: “Do vì đoạn được cái này, nên gọi là vô học.”6 Vô tướng tâm tam-muội của trí quả và trí công đức, luận Tỳ-bà-sa cho rằng nó là tên khác của không tam-ma-địa.7 Luận Du-già sư địa giải thích đối với vô tướng tâm tam-ma-địa, như quyển 12(III) nói:

“Sao gọi là vô tướng tâm tam-ma-địa? Tức là đối với sự diệt của các thủ uẩn kia, tư duy tĩnh lặng, tâm trụ vào một duyên. Như kinh nói: vô tướng tâm tam-ma-địa không xuống thấp không lên cao… Lại do hai nhân duyên mà nhập vô tướng định: 1. vì không tư duy về tất cả tướng; 2. vì chánh tư duy về vô tướng giới. Do không tư duy về tất cả tướng nên đối với các tướng kia không có sự chán bỏ, không phá hủy, chỉ không tác ý tư duy thêm, nên gọi là không xuống thấp. Do chánh tư duy về vô tướng giới, đối với vô tướng kia không cố chấp, nên gọi là không lên cao.”

Vô tướng tâm tam-muội không thấp không cao đó, chính là điều mà kinh nói, là tam-muội mà không có vọt lên không có chìm xuống, là trí quả và trí công đức. Điều luận Du-già nói và điều luận Tỳ-bà-sa nói, là tên gọi khác của không tam-ma-địa, mà do sự nhận thức bất đồng [nên tên gọi bất đồng].

Căn cứ theo lời mà kinh văn nói, vô tướng tâm tam-muội, hoặc tại vô lượng tâm giải thoát trở xuống, đó là ‘thoát khỏi tất cả tướng’, tâm ‘không bị trói buộc theo tướng được nhận thức.’8 Hoặc y theo Tứ thiền mà nói là vô tướng tâm tam-muội, nếu như không cầu tiến thêm nữa, cùng với mọi người qua lại nơi hỗn tạp, cười nói bỡn cợt, thì cái định đó sẽ bị thoái lui và mất, có thể sẽ hoàn tục.9 Cho nên, tam-muội thông với hữu lậu; vô tướng tâm tam-muội của trí quả và trí công đức cũng chính là vô tướng tâm giải thoát, duy chỉ là (Sơ quả đến Tứ quả) của vô lậu.

Định, có hai loại là định có tưởng (hữu tưởng) và định không có tưởng (vô tưởng), như kinh Tạp A-hàm(IV) nói:

“Tôn giả A-nan bảo tỳ-kheo Ca-ma rằng: Nếu một vị tỳ-kheo ly dục, ly các pháp ác bất thiện, có giác, có quán, có ly sanh hỉ lạc, có đủ và an trụ sơ thiền; như vậy… có đủ và an trụ vô sở hữu nhập xứ: như vậy tỳ-kheo có tưởng, có pháp nhưng không giác tri. … Tỳ-kheo không ức niệm tất cả tưởng, tự thân tác chứng, có đủ và an trụ nơi vô tưởng tâm tam-muội, thì đó gọi là tỳ-kheo vô tưởng, mà không giác tri đối với pháp mình có.”

Từ vô sở hữu xứ (ākiñcaññāyatana) trở xuống là sơ thiền đến vô sở hữu xứ định, là có tưởng mà không giác tri; vô tưởng tâm định là không có tưởng mà không có giác tri. Đoạn trong Tăng chi bộ và đoạn này tương đương, cũng nói là từ vô sở hữu xứ trở xuống là có tưởng mà không giác tri; tiếp theo nói đến tam-muội không vọt lên không chìm xuống (không xuống thấp, không lên cao).10 Ở đây có thể thấy rằng, từ vô sở hữu xứ trở lên chính là vô tướng tâm tam-muội của vô tưởng. Kinh Tĩnh lự của Tăng chi bộ, trước hết nói tổng quan rằng: “Nương nơi sơ tĩnh lự mà diệt tận các lậu, nương nơi phi tưởng phi phi tưởng xứ mà diệt tận các lậu”, rồi sau đó phân tích cụ thể. Nhưng trong phần phân tích cụ thể, từ sơ tĩnh lự nói đến vô sở hữu xứ định, ‘như vậy đẳng chí có tưởng’. Ở đây là nói, từ vô sở hữu xứ định trở xuống là định có tưởng, cùng với lời trong kinh Tạp A-hàm tương đồng. Phần kinh văn ở sau không có nói là nương nơi phi tưởng phi phi tưởng xứ mà được diệt tận các lậu, chỉ nói phi tưởng phi phi tưởng xứ và tưởng thọ diệt đẳng chí (sañña-vedayita-nirodha-samāpatti) là thiện xảo;11 phi tưởng phi phi tưởng xứ và tưởng thọ diệt định không phải chính là định không có tưởng mà cùng với vô tướng tâm tam-muội tương đương sao?

Vô tướng tâm tam-muội mà được giải thích là phi tưởng phi phi tưởng xứ, như luận A-tỳ-đạt-ma Đại tỳ-bà-sa(V) nói:

“Đối với phi tưởng phi phi tưởng xứ cho là tên gọi vô tướng, như nói: Ta khởi nhiều gia hành, dùng nhiều nỗ lực nên đắc vô tướng tâm định, không nên ưa thích và đắm chìm ở trong ấy. Người nói điều này không khởi hữu đảnh vị định, chỉ khởi tịnh định. Hỏi: Vì sao Phi tưởng phi phi tưởng xứ được gọi là vô tướng vậy? Đáp: Bởi vì nó không có nhận thức rõ ràng về tướng của tưởng, cũng không nhận thức rõ ràng về tướng của vô tưởng, chỉ có sự mê mờ nên không nhận thức rõ về cái tưởng nhỏ nhiệm đang hiện hành, như nghi ngờ mà thay đổi, nên gọi là vô tướng.”

Kinh nói về vô tướng định, mà được giải thích là phi tưởng phi phi tưởng xứ định, là kinh Tịnh bất động đạo của Trung A-hàm. Kinh trên nói: dục tưởng, sắc tưởng, bất động tưởng, vô sở hữu xứ tưởng, “tất cả tưởng đó, là pháp vô thường, là khổ, là diệt. Bấy giờ vị ấy đắc vô tưởng. Vị ấy thực hành như vậy, học như vậy, tu tập như vậy mà phát triển, liền ở ngay đó mà tâm được thanh tịnh. … Hoặc ở ngay đó mà nhập vào vô tưởng, hoặc dùng huệ để giải thoát.” Người đã đắc vô tưởng định này mà nếu có chấp thọ (thủ) – ham thích, đắm trước, trụ, liền thọ quả báo của (phi) hữu tưởng và vô tưởng xứ.12 Vì đã đắc vô tướng tâm định mà có sự tham đắm, cho nên là vô tưởng mà lại có sự không nhận thức rõ ràng các tưởng vi tế đang hiện hành, nhân đó nên gọi là Phi tưởng phi phi tưởng xứ định. Nếu tâm không tham đắm, thì đó là vô tướng tâm giải thoát vậy.

Tưởng thọ diệt định, hoặc gọi là diệt (tận) định, hoặc gọi là tăng thượng tưởng diệt trí định (abhisaññanirodha-sampajāna-samāpatti). Nó cùng với vô tướng tâm tam-muội tương đương, như trong Tương ưng Mục-kiền-liên của Tương ưng bộ nói: từ sơ thiền nói đến tứ thiền, từ không vô biên xứ đến phi tưởng phi phi tưởng xứ; ở định thứ tám trở lên, gọi là vô tướng tâm định.13 Nhưng Tương ưng Xá-lợi-phất, cũng từ sơ thiền nói đến phi tưởng phi phi tưởng xứ định, rồi sau đó nói là tưởng thọ diệt định.14 Có thể thấy địa vị của vô tướng tâm tam-muội với tưởng thọ diệt định là tương đương. Còn nữa, trong khoảng năm mà Phật nhập niết-bàn, Phật bị bệnh tại thành Tỳ-xá-ly (Vesālī), Ngài nhập vào vô tướng tam-muội nên được khỏe lại, như kinh Du hành(VI) trong Trường A-hàm nói:

“Ta nay già rồi, tuổi đã tám mươi. … Tự lực tinh tấn, nhẫn chịu được cơn đau của (bệnh) này, không nghĩ đến tất cả tưởng, khi nhập vào Vô tưởng định, thân Ta an ổn, không có đau đớn.”

Trong Tạp sự cũng nói như vậy: “Dùng vô tướng tam-muội, quán xét nỗi đau về thân của Ngài, khiến nó được chấm dứt”. Kinh Đại Bát-Niết-bàn trong Trường bộ lại nói: “Này A-nan! Như lai không nhớ nghĩ hết thảy tướng, khi nhập vào nhất thiết thọ diệt tướng tâm tam-muội và an trụ trong đó, thân thể của Như lai được khỏe lại.”15 Trường bộ nói không nhớ nghĩa hết thảy tướng, lại nói “nhập vào nhất thiết thọ diệt tướng tâm tam-muội”, rõ ràng là vô tướng tâm tam-muội còn có ý nghĩa của tưởng thọ diệt.

Tưởng thọ diệt định là từ trong vô tướng tâm định mà phân hóa ra, đương nhiên đã được giới Phật giáo công nhận từ lâu, nhưng mà từ phi tưởng phi phi tưởng xứ trở lên, lập nên một loại nữa là diệt tận định, như (25) kinh Tản nhị (kinh Bẫy mồi), (26) kinh Thánh cầu, (30) Tâm tài dụ tiểu kinh [tiểu kinh Ví dụ lõi cây), (31) Ngưu giác dụ tiểu kinh [tiểu kinh Ví dụ sừng bò], (66) Thuần kinh [kinh Con chim cáy], (113) Thiện sỹ kinh [kinh Chân nhân] trong Trung bộ, nhưng ở trong Trung A-hàm chỉ có kinh (178) Lạp sư kinh [kinh Người thợ săn] tương đương với kinh Tản nhị, từ phi tưởng phi phi tưởng xứ trở lên, lập thêm tưởng tri diệt, còn lại đều không có, có thể thấy trong kinh giáo được truyền tụng giữa các bộ phái, tưởng thọ diệt định vẫn còn trong trạng thái bất xác định. Diệt tận định và vô tưởng – vô tưởng tâm định, Trung A-hàm chia rõ làm hai loại định khác nhau là nhập định và xuất định,16 nhưng Trung bộ lại không có chia như vậy.

Tưởng thọ diệt định ở trong giới Phật giáo có nhiều tranh luận. Như Ô-đà-di (Udāyin) phản đối lời của Xá-lợi-phất (Śāriputra): “Nếu như đối với pháp hiện tiền mà không đắc trí cứu cánh, thì sau khi thân hoại mạng chung, vượt qua trời Đoàn thực, sanh nơi cõi trời Ý sanh khác, ở đó xuất nhập tưởng tri diệt định, ắt có sự này xảy ra.”17 Trong các bộ phái, hoặc cho rằng tưởng thọ diệt định là hữu vi; hoặc cho là vô vi, hoặc cho là chẳng phải hữu vi chẳng phải vô vi. Hoặc họ cho là người đắc tưởng thọ diệt là hữu tình không có tưởng; hoặc cho là chẳng phải hữu tình không có tưởng, hoặc cho tưởng thọ diệt của thế gian là hữu tình không có tưởng, tưởng thọ diệt của xuất thế gian là hàng Thánh giả. Kinh Đại thừa cho rằng: Nếu Bồ-tát không có đủ hạnh nguyện từ bi mà nhập diệt [tận] định thì sẽ chứng quả nhỏ; nếu như có đủ hạnh nguyện từ bi thì liền nhập vào định thâm sâu của pháp tánh như như. Các quan điểm khác nhau rối ren như thế này, đủ để nói lên rằng, diệt tận định có liên quan đến vô tướng tâm định, điểm này trong giới Phật giáo là vô cùng mập mờ.

Y cứ vào vô tướng tâm tam-muội, ngoài diễn giải thành phi tưởng phi phi tưởng xứ định (và nơi chốn thọ nhận quả báo), và diệt tận định ra, còn có hữu tình không có tưởng (asaññasatta), và vô tưởng định. Vô tướng tâm tam-muội là không tác ý mọi tướng, cũng chính là không khởi hết thảy tưởng. Kinh Đại duyên của Trường bộ lập nên bảy loại thức trụ và hai xứ, hai xứ là nơi của hữu tình không có tưởng và nơi của phi tưởng phi phi tưởng.18 Vô tưởng định và diệt tận định tương tợ nhau, cho nên từ sự khác nhau khi khởi định mà phân biệt thêm.19 Bảy thức trụ và hai xứ, tổng hợp lại gọi là chín nơi cư trú của hữu tình.20 Căn cứ theo kinh Ba-lê của Trường bộ nói: Theo thuyết về sự khởi nguyên của thế giới trong truyền thuyết, thì thuyết ‘vô nhân luận’ mà trong ấy nói, là từ hữu tình vô tưởng sau khi chết rồi sanh xuống đây, cho nên nói vô nhân mà có.21 Vô tưởng định và hữu tình không có tưởng, có thể là ngoại đạo có kinh nghiệm tu tập và truyền thuyết tương tợ như vô tưởng, Phật pháp vì nhằm cần có sự giải thích về điều ấy, mới từ trong vô tưởng định và diệt tận định phân chia ra, vị trí cư trú là trời Quảng quả thuộc Tứ thiền. Đây là sự thành lập có lẽ trễ một chút.

Kinh Tạp A-hàm(VII) (Tu-đa-la) nói:

“Này các tỳ-kheo! Tham tưởng, nhuế tưởng, hại tưởng, tham giác, nhuế giác, hại giác, và vô lượng loại bất thiện khác, làm sao diệt trừ được rốt ráo hết thảy? Hãy buộc tâm nơi bốn niệm xứ, trụ nơi vô tướng tam-muội, tu tập, tu tập càng nhiều, các pháp ác bất thiện theo đây mà bị diệt trừ, hết vĩnh viễn không còn thừa sót.”

“Vị Thánh đệ tử đa văn tư duy như vầy: Có thể nào ở thế gian có một pháp gì đáng chấp thủ mà không có tội lỗi không? Sau khi tư duy như vậy, vị ấy đều không thấy một pháp nào đáng chấp thủ mà không có tội lỗi. … Biết như thế rồi, đối với các pháp thế gian thời không có chấp thủ; người không có chấp thủ thì tự giác ngộ được niết-bàn.”

Điều mà Tương ưng uẩn của Tương ưng bộ nói, cùng với đoạn trên đại để tương đồng.22 Theo kinh này nói: Nương vào ba loại tưởng mà có ba loại giác (giác – cách dịch mới là tầm tư) bất thiện, dẫn đến phát sanh nhiều loại pháp bất thiện khác, người tu tập nhiều về vô tướng tam-muội, có thể vĩnh viễn diệt trừ không còn sót lại các loại bất thiện đó.

Vô tướng tam-muội là nương theo bốn niệm xứ mà tu. Bốn niệm xứ là: quán thân này là không thanh tịnh, quán các loại thọ đều là khổ, quán tâm mình là vô thường, quán các pháp là vô ngã, đó là đạo nhất thừa của sự giải thoát. Y cứ vào đây mà tu vô tướng tam-muội, không chấp thủ mọi tướng, không chấp thủ pháp là có, cũng không chấp thủ pháp là vô, thật sự có thể tu đến không còn chấp thủ bất cứ pháp gì, thì có khả năng tự chứng niết-bàn. Trong kinh thường nói: nương theo bốn niệm xứ, tu tập bảy giác chi mà được giải thoát. Tu tập mỗi một giác chi, đều là “nương vào sự viễn ly, nương vào sự ly dục, nương vào sự tịch diệt, mà hướng đến sự xả (xả tức là không chấp trước mọi thứ).”(a) Vô tướng tam-muội mà không chấp thủ hết thảy tướng ấy, có thể nói đó chính là tu tập “nương vào sự tịch diệt, mà hướng đến sự xả” vậy.

Tam-muội mà không chấp thủ mọi pháp ấy, cùng với con ngựa chưa được huấn luyện – loại thiền ương ngạnh (cương lương thiền - khaluṅka-jhāna) mà Phật dạy cho Săn-đà-ca-chiên-diên (Sandha-kātyāyana-gotra), nhất định phải có mối quan hệ ở mức độ nào đó, như trong kinh Tạp A-hàm(VIII) (Như lai ký thuyết) nói:

“Như vậy, này Săn-đà! Vị tỳ-kheo tu thiền như vậy (không nghĩ đến năm triền cái, an trú nơi sự biết như thật về xuất ly), không y cứ nơi đất mà tu thiền, không y cứ nơi nước, lửa, gió, không, thức, vô sở hữu, phi tưởng phi phi tưởng mà tu thiền; không y cứ vào đời này, không y cứ vào đời khác, không phải mặt trời (không phải) mặt trăng, không phải thấy, nghe, cảm nhận, hiểu biết, không đắc, không cầu, không đi theo giác (tầm), không đi theo quán (tư) mà tu thiền. Này Săn-đà! Vị tỳ-kheo tu thiền như vậy, thì các thiên chủ như Y-thấp-ba-la, Bà-xà-bà-đề, cung kính chắp tay, cúi đầu làm lễ mà nói kệ rằng: Nam-mô Đại sỹ phu, nam-mô bậc Thượng sỹ! Bởi tôi chẳng thể biết, nương đâu mà thiền định?”

“Phật bảo Bạt-ca-lợi: Vị tỳ-kheo đối với địa tưởng mà điều phục địa tưởng, đối với nước, gió,… nếu giác, nếu quán, thì thảy đều hàng phục được các tưởng kia. Này Bạt-ca-lợi! Vị tỳ-kheo tu thiền như vậy, không y cứ nơi đất, nước, lửa, gió, cho đến không y cứ nơi giác, quán mà tu thiền.”

Đối với đất, v.v. mà có thể điều phục tưởng về đất, v.v., không y cứ vào tất cả thứ như đất, v.v., mà tu, đó là vô tướng thiền. Biệt dịch Tạp A-hàm mở rộng nghĩa thành: “(Mọi pháp) thảy đều hư ngụy, không có pháp nào là thật, chỉ vì giả đặt, do nhân duyên hòa hợp nên có nhiều tên, quán nó là trống rỗng, không thấy có [bất cứ thứ gì là] pháp cho đến chẳng phải pháp.”23 ‘Không thấy có pháp cho đến chẳng phải pháp’, cùng với lời Phật dạy trong kinh Giáo giới Ca-chiên-diên là ‘không khởi quan niệm về có, quan niệm về không’ phù hợp nhau; cũng cùng với thuyết ‘ly quan niệm về có, quan niệm về không, không thấy bất một pháp nào có thể chấp trước mà không có tội lỗi’ phù hợp nhau.24 Không nương tựa vào đâu mà tu thiền, thấy rằng ở trong chương 11 pháp của Tăng chi bộ25 đã diễn ra thành 10 kinh tương tợ nhau. Kinh văn được truyền tụng bởi các bộ phái đã có không ít sự thêm bớt, đại để là nhằm phù hợp với giáo nghĩa của tông phái mình.26 Nhưng từ mặt tương đồng giữa Tạp A-hàm và Tăng chi bộ mà nói, thì ở đây là không nương tựa vào mọi tưởng mà tu tập vô tướng thiền.

Luận A-tỳ-đạt-ma Đại tỳ-bà-sa(IX) nói:

“Này Đại Mục-kiền-liên! Phạm thiên Để-sa không nói đến hạng vô tướng trụ thứ sáu phải không?... Nếu có Bí-sô không tư duy thêm nữa đối với hết thảy tướng, thì chứng đầy đủ và an trụ nơi vô tướng tâm tam-ma-địa, đó gọi là hạng vô tướng trụ thứ sáu.”

Trong luận dẫn chứng nhiều kinh văn (chắc hẳn kinh Tăng nhất A-hàm là của Hữu bộ): Phạm thiên Để-sa (Tissa) nói với Đại Mục-kiền-liên (Mahāmoggallāna) rằng: Một bộ phận trong chúng Phạm thiên, có thể biết ai là câu giải thoát,… ai là tín thắng giải. Mục-kiền-liên đã trình bày lại với đức Như lai điều này, đức Như lai bảo rằng: “Tất cả Thánh giả, tổng cộng có bảy hạng người.” Phạm thiên Để-sa đã trình bày từ câu giải thoát đến tín thắng giải, chỉ mới nói có 5 hạng, không có nói hạng thứ sáu là hạng vô tướng trụ. Vị đạt được vô tướng trụ (an trụ nơi vô tướng) là vị đã chứng đắc đầy đủ và an trụ nơi vô tướng tâm tam-ma-địa, đây là điều mà Phạm thiên không thể biết được; điều này với sự không biết của các thiên chủ về loại thiền ương ngạnh là y cứ nơi nào mà tu thiền giống nhau.

Hạng thứ sáu là vô tướng trụ mà Phật nói, luận Đại tỳ-bà-sa giải thích rằng: “Tất cả Thánh giả, tổng cộng có bảy hạng người”, Để-sa đã nói đến năm hạng, cho nên hạng vô tướng trụ chính là người hành theo pháp và hành theo tín. Hành theo pháp [tùy pháp hành] và hành theo tín [tùy tín hành] là người đạt đến địa vị kiến đạo. Địa vị kiến đạo có 15 tâm, là đạo nhanh chóng, là đạo vi tế, không thể đặt để thiết lập ra, cho nên hành theo pháp và hành theo tín, tổng hợp gọi là hạng vô tướng trụ.27

Kinh văn mà Tỳ-ba-sa dẫn chứng, thấy trong Tăng chi bộ, nhưng về sơ lược thì có khác nhau. Phạm thiên Để-sa đã nói 6 hạng người – câu giải thoát… tùy hành pháp, không có nói đến hạng thứ bảy là vô tướng trụ bổ-đặc-già-la (sattama-animitta-vihārin-puggala),28 thế thì hạng thứ bảy là người trụ nơi vô tướng, là chuyên chỉ cho người đã hành theo tín. Vì sao người hành theo tín đặc biệt được gọi là người trụ nơi vô tướng vậy?

Liên quan đến hạng người vô tướng trụ thứ sáu mà kinh đã nói, luận Đại tỳ-bà-sa nói đến: “Có người không hiểu rõ ý nghĩa mà kinh ấy nói, liền chấp do duyên vào Diệt đế mà nhập vào chánh tánh ly sanh, vì kiến đạo gọi là vô tướng trụ, và vì chỉ có ở trong Diệt đế mới không thấy có các tướng.”29 Đây là kiến giải của Pháp tạng bộ (Dhamma-guttika), như luận A-tỳ-đạt-ma Đại tỳ-bà-sa(XI) nói:

“Có quan điểm rằng: Chỉ có vô tướng tam-ma-địa mới có thể nhập vào chánh tánh ly sanh, như Đạt-ma-cấp-đa bộ đã nói. Họ cho là dùng vô tướng tam-ma-địa, ở trong Niết-bàn, khởi tác ý tịch tĩnh, rồi nhập vào chánh tánh ly sanh.”

Nhập vào chánh tánh ly sanh (samyaktva-niyāma) chính là kiến đạo. Căn cứ theo văn rõ ràng ở trong kinh, người hành theo tín, v.v., sở dĩ được gọi là hạng vô tướng trụ, đó là vì ‘không tư duy thêm nữa đối với hết thảy tướng, thì có đầy đủ và an trụ nơi vô tướng tâm tam-ma-địa’, chứ không phải là như điều mà luận Đại tỳ-bà-sa đã nói. Thấy được Tứ đế là đắc đạo hay thấy được Diệt đế là đắc đạo, là hai hệ thống [hai luồng tư tưởng] lớn của bộ phái Phật giáo. Căn cứ theo hạng thứ sáu được gọi là vô tướng trụ mà nói, thì trong quá trình tu tập Thánh đạo, biết Khổ, đoạn Tập nên chứng được Diệt đế, gọi là Thánh giả, có lẽ thuyết thấy Diệt đế thì đắc đạo càng phù hợp hơn với nghĩa của kinh vậy!

Vô tướng tâm tam-muội là có sâu cạn: cạn thì còn có thể bị thối đọa; sâu thì có thể thấy Diệt đế và đắc đạo, thành bậc Thánh giả; tối rốt ráo nhất, đương nhiên là không còn tất cả phiền não, là bất động tâm giải thoát của bậc A-la-hán vậy.

7.      Không và tánh không
Tiểu không kinh và Đại không kinh(a) của Trung A-hàm cùng với Không tiểu kinh và Không đại kinh(b) của Trung bộ tương đương nhau, đều là những kinh điển lấy không làm chủ đề để biên tập nên. Hai bộ kinh nói về không này, đều có nguồn gốc sâu xa từ ‘an trú nơi không’ (suññatā-vihāra) trong kinh Tạp A-hàm,1 trải qua sự truyền bá khác nhau nên sự biên tập thành ra khác nhau. Chúng đều căn cứ theo sự tiến tu của quán về không (suññatā-vipassanā) để đạt đến giải thoát cứu cánh. Trên mặt phương tiện tu tập, hai bộ kinh này là khác nhau, nhưng đều đã có ảnh hưởng sâu sắc đến Phật giáo trong quá trình phát triển.

Trước hết xin nói đến Tiểu không kinh.2 Bởi vì Phật từng nói với A-nan (Ānanda) rằng “Ta phần nhiều hành nơi không” (trụ nơi không) làm duyên khởi mở đầu của kinh; bởi chư Như lai trong ba đời đều kết luận “hành cái chân thật không này, không điên đảo, đó là lậu tận, vô lậu, tâm giải thoát vô vi.(c)”3 Đây là nơi được tất cả chư Phật an trụ nhiều trong ấy, cho nên pháp Đại thừa của con đường thành Phật, đặc biệt đề cao sự tu chứng tánh không, là có thể từ đây mà biết được đầu mối của nó.

Căn cứ theo Tiểu không kinh nói: không, chẳng phải là cái gì cũng không có, mà là không của cái không, có của cái có. Như nói ‘giảng đường Lộc tử mẫu là không’, đây là nói trong giảng đường Lộc tử mẫu (Migāramātu-pāsāda ), không có bò, dê, người, vật, nhưng giảng đường Lộc tử mẫu là có – chẳng phải không (bất không - asuññatā). Y theo giải thích này, về sau Đại thừa Du-già (Yogācāra) nói: “Do ở trong này, cái kia không có mặt, tức là do cái kia [không có] nên quán chánh xác rằng nó là không. Lại nữa, do ở trong này, cái khác thật sự có mặt, tức do cái khác có nên biết đúng như thật là nó có: như vậy được gọi là ngộ nhập vào tánh không, đúng như thật không có điên đảo”. Cho nên “nếu quán tự tánh của các pháp rốt ráo đều là không, thì gọi là ở trong sự không có điên đảo mà nhập vào”,4 đã trở thành nghĩa căn bản của Đại thừa Hữu tông. (Tánh) không mà được nói trong kinh Tiểu không ấy, là căn cứ theo tên gọi mà giải thích nghĩa; đề xuất ra từ ‘chẳng phải không’ (bất không), tạo nên sự đối lập giữa không và chẳng phải không để trình bày, quả thật đây là một hình thức giải thích mới vậy.

An trú nơi không mà Tiểu không kinh nói là phù hợp pháp tu của người trú nơi a-lan-nhã (arañña) mà khai triển ra, cho nên từ a-lan-nhã – nơi vô sự, mà nói. Người tu hành chuyên tâm nhớ nghĩ (tức là tác ý) đến tưởng vô sự (arañña-saññā), không khởi tưởng về thôn ấp, không khởi tưởng về người, thì nguyên nhân do khởi tưởng về thôn ấp và tưởng về người dẫn đến lao nhọc phát sanh sẽ không có.5 Như vậy, cái tưởng về thôn ấp là không và tưởng về người là không, nhưng cái tưởng về vô sự chẳng phải là không, “đó gọi là thực hành về (tánh) không chân thật, chẳng điên đảo”.

Tiến thêm bước nữa, không nhớ nghĩ cái tưởng về người, cái tưởng về vô sự nữa, mà chuyên nhất nhớ nghĩ cái tưởng về đất, quán đất bằng phẳng như lòng bàn tay; cái tưởng về người là không, cái tưởng về vô sự là không, (nguyên nhân do khởi tưởng về người và tưởng về vô sự dẫn đến lao nhọc phát sanh sẽ không có), mà cái tưởng về đất thì chẳng phải không, “đó gọi là thực hành về (tánh) không chân thật, chẳng điên đảo.”

Tiến tu theo thứ tự như vậy, chuyên niệm về cái tưởng không vô biên xứ, mà cái tưởng về đất, v.v., là không. Chuyên niệm về cái tưởng thức vô biên xứ, mà cái tưởng về không vô biên xứ, v.v., là không. Chuyên niệm về cái tưởng vô sở hữu xứ, không nhớ nghĩ về cái tưởng thức vô biên xứ, v.v, thì cái tưởng thức vô biên xứ, v.v là không, mà cái tưởng vô sở hữu xứ là chẳng phải không, “đó gọi là thực hành về (tánh) không chân thật, chẳng điên đảo.” Ở trên là căn cứ về con đường thế gian mà tu về không, “thực hành tánh không chân thật” như vậy, là hữu lậu, có tầng lớp sâu cạn khác nhau. Về sau, y theo Thánh đạo mà tu tập không, Tiểu không kinh(I) nói như thế này:

“Nếu muốn thực hành nhiều về không ấy, thì vị tỳ-kheo kia chớ nhớ nghĩ đến cái tưởng về vô lượng thức xứ, chớ nhớ nghĩ đến cái tưởng về vô sở hữu xứ, phải luôn luôn nghĩ nhớ duy nhất về vô tưởng tâm định. Vị tỳ-kheo kia biết như thế này: không có cái tưởng về vô lượng thức xứ, không có cái tưởng về vô sở hữu xứ, nhưng có cái không phải không có, đó là có duy nhất vô tưởng tâm định.”

“Vị ấy suy nghĩ rằng: ta vốn có vô tưởng tâm định, có sự thực hành, có tư duy, nếu đối với sự thực hành, sự tư duy ấy, ta không ham thích chúng, không mong cầu chúng, không nên trụ trong chúng. Biết như vậy rồi, thấy như vậy rồi, tâm giải thoát khỏi dục lậu, (tâm giải thoát khỏi) hữu lậu, tâm giải thoát khỏi vô minh lậu. … Vị ấy biết như vầy: ta không có dục lậu, không có hữu lậu, không có vô minh lậu, nhưng có cái không phải không có, đó là duy chỉ có thân của ta và sự tồn tại của sáu xứ và mạng căn. … Nếu cái gì không có trong vị ấy, thì vì cái đó không có nên vị ấy nhìn nhận nó là không có; nếu trong vị ấy có cái khác, thì vị ấy nhìn nhận là nó có thật. Này A-nan! Đó gọi là hành (tánh) không chân thật, chẳng điên đảo, đó là lậu tận, vô lậu, tâm vô vi giải thoát.”

Vô tưởng tâm định, theo Không tiểu kinh, được biết nó là cách dịch khác của vô tướng tâm tam-muội (animitta-cetosamādhi). Kinh nói ‘nhưng có cái không phải không có, đó là có duy nhất vô tưởng tâm định’ và ‘nhưng có cái không phải không có, đó là có duy nhất cái tưởng về vô sở hữu xứ’ v.v. của đoạn kinh văn ở trên là khác nhau, không có nói lại về cái ‘tưởng’ chẳng phải không có [bất không], bởi vì vô sở hữu xứ, v.v., là loại định có tưởng, còn vô tướng tâm định là loại định không có tưởng. Nhưng vô tưởng tâm định vẫn là pháp hữu vi, vẫn là “có sự lao nhọc” – mệt nhọc bởi phiền não [não hoạn], cho nên nếu như đắm trước vào vô tưởng tâm định, liền trở thành phi tưởng phi phi tưởng xứ.

Nếu như quán vô tưởng tâm định là pháp hữu vi vốn là do thực hành tạo ra, nên không ham thích, không cầu, không trụ, thì đó là dùng huệ để đắc giải thoát – không có dục lậu, không có hữu lậu, không có vô minh lậu, đắc giải thoát rốt ráo, cũng chính là bất động tâm giải thoát (akuppā-cetovimutti) tối thượng trong vô tướng tâm giải thoát.

Vô tưởng tâm định có hai loại là loại có lao nhọc và loại không ưa thích trụ trong đó, không có phi tưởng phi phi tưởng xứ biệt lập, cùng với kinh Tịnh bất động đạo là tương đồng. Luận Du-già chia làm hai loại là tu theo con đường thế gian [thế gian đạo tu] và tu theo con đường bậc Thánh [Thánh đạo tu], rằng: “Dùng thế gian đạo để tu tập tánh không, phải biết rằng tiến tới cho đến vô sở hữu xứ cao nhất, dần dần theo thứ tự mà ly dục. Từ đây về sau, tu tập theo Thánh đạo, dần dần theo thứ tự trừ khử các hành vô thường, v.v, có thể tiến đến phi tưởng phi phi tưởng xứ, ly dục hoàn toàn.”6 Ở phi tưởng phi phi tưởng xứ ly dục hoàn toàn, cùng với vô tưởng tâm định của Tiểu không kinh phù hợp nhau.

Trong Tiểu không kinh, từ vô sở hữu xứ trở lên, lập riêng phi tưởng phi phi tưởng xứ. Rồi sau đó, nói đến vô tướng tâm tam-muội, không nói đến phi tưởng phi phi tưởng xứ; lại nương nơi vô tướng tâm tam-muội, quán các pháp hữu vi là pháp vô thường, hoại diệt, nên chấm dứt được các lậu. Điều này là đối với sự nương nơi vô tướng tâm tam-muội mà phân lập ra ý nghĩa cổ của phi tưởng phi phi tưởng xứ, đã bị ẩn khuất không thấy trở lại.

Sự ngộ nhập tánh không theo Tiểu không kinh là ngộ nhập theo thứ tự, nó thông với định hữu lậu. Cái không ấy là gì? Là không có tưởng, là không có sự nương nơi tưởng mà sanh lao nhọc, cho nên vô tưởng tâm tam-muội là tối thượng. Vô tưởng tâm tam-muội là không có tất cả phiền não, hoàn toàn ly dục, mà thân tâm – sáu (nội) xứ (chāyatanāni) của chúng ta, vào lúc trước khi mệnh chung là không phải không có, nhưng không bị phiền não làm loạn động trở lại nữa, tâm được giải thoát tự tại. Và tự mình biết rằng: “Sự sanh đã chấm dứt, Phạm hạnh đã thành tựu, điều cần làm đã làm xong, không thọ lại hữu [thân tái sanh] về sau nữa”. Không trụ và vô tướng tâm tam-muội, về phương tiện tu hành ban đầu, tuy có khác nhau chút ít nhưng chỗ rốt ráo vẫn quy về một mối. Cho nên luận Đại tỳ-bà-sa nói: “Vô tướng tâm tam-ma-địa của trí quả và trí công đức là tên gọi khác của không tam-ma-địa.”7

Lại nói đến Đại không kinh.8 Đại không kinh và Tiểu không kinh đều là pháp môn mà đức Như lai và chúng đệ tử cùng tu chứng. Tiểu không kinh là do từ thấp mà tiến dần lên cao, vượt qua từng tầng theo chiều dọc, thuận theo thứ tự của thiền định, sau cùng dùng vô tướng tâm tam-muội, không chấp thủ, nên được lậu tận giải thoát. Đại không kinh lại do từ bên ngoài mà vào bên trong, nêu lên sự tác ý bốn loại không – bốn loại quán về không theo chiều ngang, tu tập thành tựu nên được rốt ráo.

Tác ý về bốn loại không là: tác ý về không bên ngoài [ngoại không] (bahiddhā-suññatā-manasikāra), tác ý về không bên trong [nội không] (ajjhatta-suññatā-manasikāra), tác ý về cả hai [bên trong và ngoài] đều không (dubh-atosuññatāma-manasikāra) (Trung A-hàm chép là ‘nội ngoại không’), tác ý về sự bất động (āṇañja-manasikaroti). Sự tu tập của bốn loại tác ý này, Đại không kinh và Không đại kinh, trên mặt giải thích, đại khái có khác nhau.

Căn cứ theo Đại không kinh nói: người tu học, trước hết phải “giữ cho nội tâm an trụ, tĩnh chỉ, khiến tâm chuyên nhất và định,” cũng chính là tu đắc Sơ thiền (Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền), đắc bốn loại tâm tăng thượng (tứ tăng thượng tâm - carrāro adhicitta), sau đó nương vào định mà khởi quán. Niệm (tức tác ý) về nội không, nếu như “tâm ấy di động, không hướng đến gần, không được lắng trong, không an trụ, không biết rõ về nội không,”9 thế thì niệm về ngoại không. Nếu như ngoại không lại cũng không an trụ, không biết rõ, thế thì niệm nội-ngoại không. Nếu lại không trụ, không biết rõ, thế thì niệm về không (di) động. Tóm lại, phải tu tập, tu tập nhiều, đạt đến tâm không di động, hướng đến gần, tâm được thanh tịnh, an trụ, biết rõ về nội không, …biết rõ về không (di) động. Luận Du-già cũng nói tương tự như thế.

Không đại kinh giải thích bốn loại tác ý cụ thể riêng từng loại một, không có ý nghĩa nối tiếp nhau theo thứ tự. Định nghĩa của bốn loại tác ý này, kinh văn không có trình bày rõ ràng. Luận Du-già giải thích rằng:10



Y theo bốn loại tác ý của kinh văn nói mà phân chia ra làm sở chứng không [cái không được chứng] và sở tu không (cái không dùng để tu), trước hết là chứng rồi sau đó mới tu, chẳng qua đó là một kiểu giải thích của Luận sư vậy! Nhưng từ giải thích của luận Du-già, cũng có thể tìm thấy đầu mối ý nghĩa của kinh, như Đại không kinh(II) của Trung A-hàm nói:

“Có các tính chất của năm loại dục(d) mà đáng ưa thích, (đáng vừa) ý, đáng được (chữ ‘sở’ ở đây là chép sai của chữ ‘khả’) nhớ, đáng yêu mến, tương ưng với sắc dục.11 Mắt biết sắc, tai biết âm thanh, mũi biết mùi hương, lưỡi biết vị, thân biết xúc chạm. Nếu tỳ-kheo với tâm chuyên chú (chí đáo?), quán các tính chất của năm loại dục này,… quán vô thường…, khi tỳ-kheo quán như vậy thì biết rằng, đối với các tính chất của năm loại dục này, mà mình đã có ham muốn, đã bị nhiễm ô bởi nó, nay đã đoạn trừ được chúng rồi, đó gọi là biết chân chánh.”

“Có năm thịnh (thịnh-盛 là cách dịch xưa của thủ-取) ấm: sắc thịnh ấm, giác (giác-覺 là cách dịch xưa của thọ-受), tưởng, hành, thức thạnh ấm. Tỳ-kheo quán sự hưng suy của năm thịnh ấm như thế,… Nếu như khi tỳ-kheo quán như vậy, thì biết rằng đối với trong năm ấm, ngã mạn đã diệt, đó gọi là biết chân chánh.”

Căn cứ theo điều kinh văn nói, quán các tính chất của năm loại dục, là lìa ham muốn (chanda-rāga) đối với bên ngoài [ngoại ly dục tham]; quán năm thủ ấm, là lìa ngã mạn (asmimāna) bên trong [nội ly ngã mạn]. Năm thủ ấm hòa hợp là tự thể của một con người; quán năm ấm sanh diệt vô thường, (vì vô thường nên khổ, vì bị vô thường và khổ nên vô ngã), cho nên có thể nói rằng, chứng nội không nên lìa được ngã (kiến, ngã ái, ngã) mạn. Các tính chất của năm loại dục là năm căn - mắt, tai, mũi, lưỡi, thân; đối với sắc, âm thanh, hương, vị, xúc cảnh, mà khởi sự đáng ưa thích, đáng vừa ý, đáng được nhớ, đáng yêu mến, cùng tương ưng với sự ham muốn; quán năm loại dục này là vô thường, có thể nói là chứng ngoại không mà nên được ham muốn.

Thứ tự của bốn loại tác ý này, luận Du-già nói đến ngoại không trước, rồi nội không sau; Không đại kinh và Đại không kinh lại nói đến nội không trước, ngoại không sau. Nhưng mà, Đại không kinh nêu rõ nơi mà Như lai an trú khi Ngài nói: “Ta trụ nơi dị (dị có nghĩa là thù thắng) này, biết chân chánh, biết hết thảy, đó là vượt qua tất cả sắc tưởng, hành nơi ngoại không.” Ngoại không vượt qua tất cả sắc tưởng được nêu lên trước, cùng với ngoại không được nêu lên trước trong luận Du-già là phù hợp nhau. Nhưng Không đại kinh chép: “Như lai trụ nơi đẳng giác thù thắng,(e) tức là không tác ý về tất cả các tướng, thành tựu và an trú nơi nội không.”

Không đại kinh nói tường tận về tác ý nội không và tác ý bất động, còn tác ý ngoại không và tác ý cả hai thì chỉ đề cập đến tên gọi một cách ngắn gọn. Cho nên việc hướng dẫn pháp tu không này, ban đầu có khả năng chỉ có hai loại: 1. (không đối với năm dục) năm dục không; 2. (không đối với ngã và ngã sở) năm uẩn không. Bởi vì năm dục là sự tương quan liên hệ giữa các căn bên trong [nội căn] và các cảnh bên ngoài [ngoại cảnh] mà phát sanh ra, cho nên quán năm dục thì có thể chia ra là cảnh bên ngoài vô thường, căn bên trong vô thường, dục tham do trong và ngoài làm duyên phát sanh ra là vô thường. Trong quá trình truyền thụ, đã chia làm nội không, ngoại không, nội ngoại không. Cái không là do quán xét phân tích về năm dục, kỳ thật là nội – ngoại liên quan với nhau, quán ngoại không trước hoặc nội không trước, đều có thể được. Cái không do quán năm dục là không, chia làm ngoại không, nội không, nội ngoại không, đó là quán đối với năm dục là không mà đã vốn có ý nghĩa của nội không trong đó, quán năm thủ ấm mà không còn ngã mạn, gọi đó là bất động vậy.

Hành nơi không (trụ) của Đại không kinh, vốn đã có nói trong kinh Tạp A-hàm, nó được xưng tán là không trụ của sự an trú thiền bậc Thượng tọa. Nhập vào sự an trú thiền bậc Thượng tọa là khi đi vào thành khất thực, trên đường đi, thấy sắc, v.v., nếu như có tâm niệm yêu thích đắm nhiễm, thì phải vì đoạn trừ nó mà tinh cần tu tập; nếu biết rõ là không có đắm nhiễm, thì bằng thiện căn hỉ lạc như thế mà tinh cần tu tập. Gọi là “khất thực thanh tịnh” cũng nói tóm lược gồm khi đi, đứng, nằm, ngồi.12

Cùng tương đương với kinh này là kinh Khất thực thanh tịnh trong Trung bộ, giải thích rộng hơn rất nhiều. Nội dung là: khi đi vào thành khất thực và trở về, sáu căn đối với sắc, …, pháp, cần phải lìa các phiền não như dục tham, v.v., (cùng với Tạp A-hàm phần lớn giống nhau). Nhưng đoạn sau nói đến sự đoạn năm loại diệu dục, đoạn năm triền cái, biết rõ năm thủ uẩn, tu tập bốn niệm trụ…, tám chi đạo, chỉ quán, chứng được minh giải thoát.13 Trụ nơi không, đương nhiên là thiền quán; nhưng phải ứng dụng vào trong sinh hoạt hằng ngày. Kinh Khất thực thanh tịnh và Không đại kinh của Trung bộ là vô cùng gần gũi nhau.

Đại không kinh gần với kinh Khất thực thanh tịnh, nhưng lấy bốn loại tác ý làm trung tâm, đặt nặng vào sự ứng dụng trong đời sống hằng ngày, nội dụng lại rộng hơn.

1. Nếu như tỳ-kheo ham thích tụ tập chỗ đông người thì không thể đắc “an lạc do xuất ly, an lạc do viễn ly, an lạc do tịch tĩnh, an lạc của bậc Đẳng giác,” cũng không thể đắc giải thoát rốt ráo của bậc A-la-hán. Đây là lời sách tấn chúng tỳ-kheo, “thường thích ở một mình nơi xa vắng,” ở nơi mà thích hợp cho sự tu hành an trụ nơi không.

2. Phật nêu lên sự chứng đắc của chính mình: “Ta không thấy có một sắc nào khiến ta (sanh) ham muốn,” cho nên sự biến đổi của tất cả sắc pháp sẽ không dẫn đến ưu sầu khổ não. Phật tự trụ nơi đẳng giác thù thắng (abhisambuddha - sự giác ngộ hoàn toàn), tức vượt qua tất cả tưởng về sắc (Không đại kinh chép là ‘tất cả các tướng – sabbanimitta’), thành tựu sự an trụ nơi không. Vì đã thành tựu sự an trú nơi không rồi, chi nên khi các tỳ-kheo đến yết kiến, tâm Ngài trụ nơi hỉ lạc do viễn ly và tịch tĩnh; nếu vì đại chúng mà thuyết pháp, thì tâm cũng tuyệt đối không có phiền não. Đây là Phật dùng sự chứng ngộ của chính mình làm chứng minh, cho thấy người trụ nơi không thì tâm luôn hỉ lạc tự tại với mọi cảnh.

3. Chính yếu là nói về an trú nơi không, nương theo Tứ thiền mà tu tác ý về nội không, tác ý về ngoại không, tác ý về nội-ngoại không, tác ý về bất động để tu tập thành tựu.

4. Trụ nơi không trụ, khi đi, (đứng), ngồi, (nằm) – trong bốn oai nghi, có chánh tri thì sẽ không dẫn đến sự phát sinh của các ác biết thiện pháp như là tham lam, ưu sầu… Nếu như vì đại chúng thuyết pháp, không nói đến các loại lý luận thế tục không phải của bậc Thánh và vô nghĩa, mà nói về các lý luận chân chánh như giới, định, tuệ, v.v. Khi tầm tư, có chánh tri để không khởi lên ba loại tầm bất thiện, mà khởi lên ba loại tầm thiện, thảy đều không phát sinh của các ác biết thiện pháp như là tham lam, ưu sầu… Khi đối diện với năm cảnh dục bên ngoài, thì quán vô thường để không phát sinh tham lam ô nhiễm; khi quán năm thủ uẩn bên trong thì quán chúng là vô thường để đoạn trừ ngã mạn. Đây là sự hướng thiện, xuất thế gian vô lậu, không rơi vào tay của ác ma (giải thoát rốt ráo).

5. Các phiền khổ của thầy, đệ tử, đồng phạm hạnh. Nói đơn giản rằng: như khi trú tại nơi a-lan-nhã, đắc bốn tâm tăng thượng, nhân vì có mọi người qua lại nên phát sinh các ác bất thiện pháp mà bị thối chuyển, thì đó chính là phiền khổ. Điều này đã chứng tỏ thiền định là có thể bị thối chuyển, tu hạnh xuất ly, cần lấy sự tu thành tựu sự an trụ nơi không làm việc chính của mình.

6. “Bậc Tôn sư thuyết pháp cho đệ tử, thì vị ấy phải có ý niệm thương xót, lo lắng, vì cầu ý nghĩa (mục đích) và lợi ích,” xuất phát từ tâm từ bi vì lợi ích cho tha nhân. Còn hàng đệ tử cần phải “thọ trì chánh pháp, không trái lời thầy.”

Tiến thêm bước nữa, luận cứu về không và tánh không. Trong cựu dịch đều dịch giống nhau là ‘không’. Từ khi Huyền trang dịch ra các luận điển của hệ Du-già, mới phân biệt nghiêm ngặt không và tánh không; bởi vì không là trừ bỏ vọng chấp, tánh không là không do tánh được hiển bày, là lìa vọng chấp nên pháp tánh được hiển hiện, cho nên nó là có đúng như thật.

Trong các kinh điển Phật giáo thời Sơ kỳ, không và tánh không có gì phân biệt? Như ‘không các dục’, ‘không thế gian’, ‘không tham, không sân, không si, ‘không dục lậu, không hữu lậu, không vô minh lậu’, ‘ngã và ngã sở không’, ‘vô thường, khổ, không, vô ngã’, trong văn Pāli, đều là không – suñña. Như ‘không tâm giải thoát’, ‘không giải thoát’, ‘không tam-muội’, ‘không đẳng chí’, ‘không trụ’, ‘nội không, ngoại không, câu không’ (ba loại không ở trên, ở trong Vô ngại đạo luận, cũng là không), Không tiểu kinh, Không đại kinh: Phàm cái gì được gọi là quán, gọi là định hoặc gọi là kinh, đều là không tánh – suññatā. Tôi cho rằng, ‘không’ không chỉ là một từ phủ định, lìa vọng chấp phiền não là không, mà cũng biểu thị sự thanh tịnh, tịch tĩnh của sự không có phiền lụy. Tánh không là danh từ hóa của không. Tánh không trong các Thánh điển Sơ kỳ, đều không có ý nghĩa là ‘cái không do tánh được hiển bày’; chỉ có ‘tánh không xuất thế’ là niết-bàn sâu xa.

“Thực hành cái không chân thật, không có điên đảo” mà Tiểu không kinh nói, thì Không tiểu kinh gọi là: “tánh như thật, chẳng điên đảo, là loại không thanh tịnh.(f)”14 Loại không (suññatāvakka), thì không này là có (chuỗi) cạn sâu khác nhau. Không ở trong Thánh điển Sơ kỳ là có liên quan đến sự lìa phiền não. Theo Tiểu không kinh nói, không khởi lên cái tưởng về người, cái tưởng về thôn làng, mà tưởng đến nơi a-lan-nhã; thành tựu cái tưởng về nơi a-lan-nhã, thì không có sự phiền toái của cái tưởng về người, cái tưởng về thôn làng, đó gọi là không. Tiến thêm bước nữa, không khởi cái tưởng về người, cái tưởng về a-lan-nhã, mà quán tưởng về đại địa, khởi tưởng rằng đại địa là bằng phẳng, nhìn không thấy bờ mé, tự mình có cái cảnh giới không yên tĩnh, không có dính mắc, cũng gọi đó là không. Loại không này dùng một loại tưởng để trừ dẹp các loại tưởng khác, giống như dùng một niệm thanh tịnh để trừ dẹp các tạp niệm vậy.

Như vậy, dùng cái không phải không để trừ dẹp cái không, là điểm đặc sắc của Tiểu không kinh. Kinh Đại thừa Nhập Lăng-già gọi loại không này là “mọi cái kia đều là không (bỉ bỉ không - itaretara-śūnyatā),(b) và bình luận rằng: “loại ‘bỉ bỉ không’ này là thô (cạn) nhất trong (bảy loại) không, cần phải viễn ly nó.”15 Dùng “không phải không có” (bất không) để nói về cái “không có” (không), bị xem là thô nhất, cần phải viễn ly.

Tóm lại, sự biên tập của Đại – Tiểu không kinh, trong bốn loại tâm giải thoát, không phải là vô lượng, vô sở hữu, vô tướng – ba cái này có thể bằng được; trong Phật pháp, “không” là càng siêu việt, càng được xem trọng.

8.      Không là dẫn đường cho Ba tam-muội
Trong kinh Tạp A-hàm, trưởng giả Chất-đa-la (Citra) đối với cách phân loại mà tập hợp bốn loại tâm tam-muội (citta-samādhi ) thành một tổ vào lúc bấy giờ, cũng gọi là tâm giải thoát (ceto-vimutti), luận cứu từng cái giống và khác của chúng, mà quy kết nhất trí cuối cùng vào “không có tham, không có sân, không có si”. Trong đó, bốn vô lượng (appamāṇa) là trang trải đến khắp chúng sanh trong mười phương thế giới, bị Kinh luận định là loại tam-muội thô cạn, và bị xem thường. Như vậy, con đường quan trọng nhất của giải thoát sanh tử, chủ yếu chính là ba tam-muội – không (suññatā), vô tướng (animitta), vô sở hữu (ākiñcañña). Không, vô tướng, vô sở hữu, tuy có cùng chung ý nghĩa rốt ráo, nhưng trên phương pháp tu tập, xét cho cùng thì có chỗ bất đồng.

Như đã phân biệt và luận cứu ở đoạn văn trên, có thể thấy được tình hình phân tích truyền thụ tu tập ba loại này trong giới Phật giáo. Nguyên nhân mà làm chúng sanh sanh tử lưu chuyển, thì tất cả chúng sanh đều tương đồng, nên phương pháp giải thoát sanh tử đương nhiên cũng là nhất trí. Thế thì, ba loại tam-muội - không, vô tướng, vô sở hữu, trong quá trình truyền thụ tu tập, rốt cục là có mối quan hệ như thế nào?

Kinh Tạp A-hàm của Thuyết nhất thiết hữu bộ (dịch vào thế kỷ thứ 5 A.D), có kinh gọi là Thánh pháp ấn tri kiến thanh tịnh, chính là đã đề xuất một cách giải thích đối với vấn đề trên.1 Bản dịch khác, có kinh Phật thuyết Thánh pháp ấn,2 do Trúc Pháp hộ (Dharmarakṣa) dịch tại Tửu Tuyền, vào đời Tây Tấn, niên hiệu Nguyên Khang năm thứ 4 (294 A.D), là bản dịch sớm nhất, văn tự rất tối nghĩa, nội dung thì cùng với kinh Tạp A-hàm tương đồng. Kinh Phật thuyết pháp ấn3 do Thi Hộ dịch vào đời Triệu Tống, thời đại dịch ra kinh này rất trễ, nội dung đã có thêm bớt rất nhiều. Căn cứ theo lời kinh Tạp A-hàm đã nói, thì ta có thể chia toàn bộ kinh này làm 3 đoạn, nội dung là:

“Nếu người chưa đắc được không mà nói là ta đắc được vô tướng, vô sở hữu, được tri kiến ly mạn, được vô sở hữu xứ. … Nếu đã đắc được không rồi, có thể khởi vô tướng, vô sở hữu, tri kiến ly mạn, điều này có xảy ra.”

“Hãy khéo quán sát sắc là pháp vô thường, hoại diệt, không thể truy cầu,(a) cũng như thế, quán sát thọ, tưởng, hành, thức là pháp vô thường, hoại diệt, không thể truy cầu,… trong tâm được an lạc, thanh tịnh, giải thoát, đó gọi là không; người tu quán như vậy rồi, nếu cũng không thể lìa mạn để được tri kiến thanh tịnh. Lại có loại chánh tư duy tam-muội, quán sự đoạn tận của tướng sắc, sự đoạn tận của tướng thanh, hương, vị, xúc, pháp, đó gọi là vô tướng; nếu tu quán như vậy rồi mà vẫn chưa ly mạn để được tri kiến thanh tịnh. Lại có chánh tư duy tam-muội, quán sát sự đoạn tận của tướng tham, sự đoạn tận của tướng sân nhuế, si, đó gọi là vô sở hữu; tu quán như vậy rồi, vẫn chưa ly mạn để được tri kiến thanh tịnh.”

“Lại có chánh tư duy tam-muội, quán sát,… ngã và ngã sở, từ sự hoặc thấy, hoặc nghe, hoặc ngửi, hoặc nếm, hoặc xúc, hoặc thức sanh ra. Lại quán sát rằng: … hoặc do nhân, hoặc do duyên nào sanh ra thức, thì nhân kia, duyên kia thảy đều vô thường. Lại nữa, nhân kia, duyên kia thảy đều vô thường, thì thức được sanh ra kia cớ gì lại là thường được? Pháp vô thường là hữu vi, là hành, do duyên nên sinh khởi, là pháp tai hại, pháp hoại diệt, pháp không thể truy cầu, là pháp làm đoạn mất con đường chánh tri. Đó gọi là Thánh pháp ấn, là tri kiến thanh tịnh.”

1. Có thể tu đắc không tam-muội, mới có thể tiến tu để đắc vô tướng tam-muội, vô sở hữu tam-muội; nếu như không tu đắc không tam-muội, thì vô tướng, vô sở hữu là không thể tu đắc. Như vậy, trong không, vô tướng, vô sở hữu – ba loại tam-muội, không tam-muội có địa vị làm dẫn đường, làm cơ sở. Điều này không phải nói không là cao sâu nhất, mà là nói: nếu như không có chánh kiến về không, vô ngã và ngã sở thì không thể có hai tam-muội chân chánh là vô tướng và vô sở hữu; giả sử có kinh nghiệm tu giống nhau, cũng là không thể giải thoát rốt ráo được.

2. Không thể lìa ngã mạn mà đắc ba loại tam-muội thanh tịnh, thì đó là tam-muội thuộc hữu lậu. Không tam-muội quán năm ấm là pháp vô thường, hoại diệt. Luận Du-già giải thích rằng: “Nhờ sự quán các pháp có tánh vô thường mà đắc tánh nhẫn (trí), do nó là trí thế gian nên phát sinh thắng giải đối với tánh vô ngã,”4  tâm hướng về sự giải thoát thanh tịnh.

Vô tướng tam-muội quán sự đoạn tận của tướng sắc, thanh, v.v. Chữ ‘đoạn’ có nghĩa là gì? Luận Đại tỳ-bà-sa dẫn kinh Pháp ấn nói: Nếu quán tướng của sắc, thanh, hương, vị, xúc mà xả ly hết các tướng ấy, thì gọi là vô tướng định. Quán tướng của các cảnh giới đó để xả ly tướng của hữu tình.” Luận Du-già nói: “Đối với sắc mà mắt nhận biết, cho đến pháp mà ý nhận biết, v.v., tùy theo đó mà quán xét chúng, thì vì cái tướng ngã và ngã sở không hiện hành, nên gọi là đoạn.”5 Theo ý kiến của Luận sư, thì xả ly và đoạn tận tướng hữu tình. Nhưng căn cứ theo ý nghĩa phổ biến của vô tướng tam-muội, thì tướng của cảnh không ngoài sáu cảnh như sắc, v.v.; sự đoạn tướng của cảnh chính là loại vô tướng tam-muội mà “không tác ý đến hết thảy tướng” ấy. Vô sở hữu tam-muội là quán sự đoạn tận của tướng tham – sân – si, quán xét mà không khởi hiện hành, đó gọi là đoạn. Ba tam-muội như thế này đều vẫn không có lìa mạn, tri kiến cũng không có thanh tịnh. Mạn (māna), Luận sư giải thích là ‘tăng thượng mạn’, ‘thô ngã mạn’, chính là người tu hành tự cho mình là có tu, có chứng, có tâm kiêu mạn cảm thấy hình hơn người khác.

3. Tam-muội do ly mạn và được tri kiến thanh tịnh, theo kinh nói, là từ nhân duyên sanh diệt mà quán xét trở lại tâm của mình. Theo lời đoạn trước đã nói: quán năm ấm là vô thường, vô ngã, quán sự đoạn tận của tướng sắc, v.v., quán sự đoạn tận của tướng tham, v.v., đều là quán về không, vô tướng, vô sở hữu của pháp được quán. Nhưng tam-muội của giải thoát đạo lấy vô ngã và ngã sở làm căn bản. Ngã và ngã sở sanh khởi như thế nào? Từ sự thấy, nghe, cảm giác, biết mà sanh ra thức, thức thuộc thế tục này là hữu lậu, có chấp thủ, có thức thì không lìa ngã và ngã sở. Cho nên lìa mạn để có tam-muội có tri kiến thanh tịnh cần phải quán xét trở lại tâm thức của chính mình, nó từ nhân duyên sanh.

Thức từ nhân duyên vô thường sanh ra, đương nhiên nó cũng là vô thường. Quán pháp (thức) vô thường là hữu vi (do nghiệp và phiền não tạo ra), hành (sự tạo tác do tư duy và mong muốn), pháp do duyên sanh. Pháp do duyên sanh thì có thể bị diệt, cuối cùng sẽ diệt, cho nên nó là pháp không nên truy cầu (ly dục pháp), là pháp làm đoạn chánh tri. Quán xét như thế, từ trên mặt nguồn gốc thông đạt về không và tính vô ngã, mới lìa ngã mạn để đắc tri kiến thanh tịnh – trí vô lậu. Điều này cùng với đầu tiên quán năm dục bên ngoài là không, thứ đến quán năm thủ ấm để bên trong không có ngã mạn của Đại không kinh có ý nghĩa giống nhau. Đây là con đường tất yếu của hết thảy Thánh giả tu chứng, nó trở thành đặc chất mà nhân đó Phật pháp là Phật pháp, cho nên được gọi là Thánh Pháp ấn (ariya-dhamma-mudda). 

9. Ba tam-muội, ba xúc, ba Pháp ấn
Không tam-muội (śūnyatā-samādhi), vô sở hữu tam-muội (ākiñcanya-samādhi), vô tướng tam-muội (animitta-śūnyatā) mà Tạp A-hàm đã nói, tập hợp thành một nhóm, được gọi là Thánh pháp ấn. Về sau, căn cứ vào đây mà triển khai ý nghĩa ra thành 3 tổ tương quan: 1. Không tam-muội, vô nguyện tam-muội (apraṇihita-samādhi), vô tướng tam-muội – ba loại tam-muội, cũng gọi là ba giải thoát môn (trīṇiviṃkṣa-mukhāni). 2. Bất động xúc (aniñjya-sparśa), vô tướng xúc (animitta-sparśa), vô sở hữu xúc (ākiñcanya-sparśa) – ba loại xúc. 3. Các hành là vô thường (anitya-sarva -saṃskārāḥ), các pháp là vô ngã (nirātman-sarva-dharmāḥ), niết-bàn là tịch tĩnh (santa-nirvāṇa) – ba Pháp ấn.

Trong không, vô tướng, vô sở hữu – ba loại tam-muội, trừ ra vô sở hữu, thêm vào vô nguyện, ba tam-muội như vậy tổ hợp thành một nhóm, là điều mà giới Phật giáo nhất trí. Nhưng đối chiếu giữa tạng Hán dịch và Pāli được truyền thừa thì vô cùng không nhất trí. Như kinh Đại Câu-hi-la của Trung A-hàm nói: “Không, vô nguyện, vô tướng – ba pháp này nghĩa khác, văn khác,”1 đây chính là tên gọi bất đồng, ý nghĩa cũng bất đồng. Cùng tương đương với kinh này trong Trung bộ là Hữu minh đại kinh, không có đoạn kinh văn này. Tương ưng vô vi trong Tương ưng bộ có ba loại tam-muội là không, v.v.,2 kinh Tạp A-hàm (tạng Đại chánh, kinh 890) tương đương với nó lại không có. Kinh Đẳng tụng của Trường bộ và kinh Chúng tập của Trường A-hàm, trong phần nói về ba pháp, có nói về ba tam-muội là không, v.v.,3 mà bản luận của kinh này – A-tỳ-đạt-ma Tập dị môn luận, lại không có.

Ở trên, là cả hai có hoặc không có không nhất định. Về phương diện thứ tự, như kinh Trung A-hàm, kinh Trường A-hàm, luận Đại tỳ-bà-sa, luận Du-già đều lấy không, vô nguyện, vô tướng làm thứ tự;4 mà Tương ưng bộ, Trường bộ, Tăng chi bộ của Nam truyền đều lấy không, vô tướng, vô nguyện làm thứ tự.5 Thứ tự trước sau như thế không nhất định, cả hai có hoặc không có cũng không nhất định, có thể suy đoán là: Đây tuy là sự truyền thừa chung của giới Phật giáo, nhưng do sự thành lập muộn hơn một chút nên đã chịu ảnh hưởng của bộ phái. Nhưng rốt cục là vì sao mà trong ba tam-muội lại lược đi vô sở hữu mà thêm vào vô nguyện vậy? Có thể là, vô sở hữu đã thành vô sở hữu xứ, cùng tương thông ý nghĩa với không, dần dần đã bị lược bớt đi.

Đồng thời, ý nghĩa trọng yếu của Phật pháp là biết như thật về vô thường, khổ, vô ngã và ngã sở - không; chán bỏ, ly dục, tịch diệt để đắc giải thoát. Đối với các hành hữu vi – khổ, của thế gian, chán bỏ và xa lìa nên không mong muốn thọ hữu về sau, là tâm lý của người tu tập đạo giải thoát cần có. Đây là lý do mà vô nguyện được dùng để thay thế cho vai trò của vô sở hữu chăng! Còn nữa, không, vô sở hữu, vô tướng - ba tam-muội, rốt ráo là đặt nặng nơi không – ly hết thảy phiền não, là quán đúng đắn về pháp hữu vi. Nhưng trong quá trình khai triển Phật pháp, đối với niết-bàn siêu việt tất cả, cũng phải chú ý thêm. Như kinh Đại Câu-hi-la của Trung A-hàm(I) nói:

“Có hai nhân, hai duyên để trụ được trong định vô tưởng. Những gì là hai? Một là, không tác ý về hết thảy tướng; hai là, tác ý về vô tưởng giới. Đó gọi là hai nhân hai duyên để trụ được trong định vô tưởng.”

Trong Trung bộ, cùng với kinh này tương đương là Hữu minh đại kinh,6 thì định vô tưởng là cách dịch khác của định vô tướng tâm. Vô tướng được nói đó, có hai phương diện: một là vô tướng của sự không tác ý về hết thảy tướng, một là cảnh giới vô tướng của sự siêu việt hết thảy tướng – niết-bàn. Tu vô tướng tam-muội cần phải không tác ý đến hết thảy tướng, lại cần phải tác ý về vô tướng. Như lời của Phật trong kinh Giáo hóa Sần-đà-ca-chiên-diên, vốn chỉ là không nương tựa vào hết thảy tướng – không có hết thảy tướng, mà y theo kinh này khai triển thành, ngoài vô tưởng ra, lại phải có tưởng. Có tưởng ấy là: “Ðây là tịch tĩnh, đây là thù diệu, tức là sự tịch tĩnh chấm dứt tất cả hành, sự từ bỏ tất cả nơi nương tựa của định, sự chấm dứt ái, ly tham, sự diệt tận, niết-bàn”; “hữu (bhava) diệt là niết-bàn.”7

Như vậy, không là đặt trọng ở vô thường, vô ngã của thế gian; vô tướng là ngoài sự lìa tướng, còn biểu thị niết-bàn xuất thế; vô nguyện là sự chán lìa đối với thế gian, hướng đến niết-bàn tịch diệt: không, vô nguyện, vô tướng – ba loại tam-muội, ba môn giải thoát, đã được thành lập như thế.

Ba loại xúc cũng có liên quan với không, vô sở hữu (hoặc vô nguyện), vô tướng. Hữu minh tiểu kinh của Trung bộ nói: “Vị tỳ-kheo khởi dậy từ tưởng thọ diệt (sañña-vedayita-nirodha) thì tiếp xúc ba loại xúc (tayo-phassā): không xúc, vô tướng xúc, vô nguyện xúc.(a)”8 Kinh trong Trung A-hàm tương đương với kinh này, nói như vầy: “Khi khởi lên từ diệt tận định, tiếp xúc với ba loại xúc. Những gì là ba? Một là, bất di động xúc; hai là, vô sở hữu xúc; ba là, vô tướng xúc.”9 Luận Đại tỳ-bà-sa và luận Du-già cũng nói như vậy.10 Ba loại tam-muội và ba loại xúc, đương nhiên ý nghĩa bất đồng, nhưng danh mục lại tương thông, là điều có thể thấy rõ ràng. Thử liệt kê thành biểu đồ so sánh như dưới đây:



Không là từ sự quán huệ mà có tên gọi; bất động là không bị khổ, vui, v.v., làm dao động, là từ định mà có tên gọi. Bất động cùng với vô sở hữu, vô tướng là một nhóm, đã khiến cho chúng ta liên tưởng đến kinh Thiện tinh, kinh Bất động lợi ích – bản Hán dịch gọi là kinh Bất động đạo, của Trung bộ.11 Cả hai bộ kinh này đều nói đến bất động (āṇañja), từ bất động trở về sau là vô sở hữu xứ (ākiñcaññ-āyatana), phi tưởng phi phi tưởng xứ (nevasaññānāsaññ-āyatana) – Hán dịch là vô tưởng xứ (tức là Vô tưởng tâm xứ). Nó cùng với thứ tự của bất động, vô sở hữu, vô tướng – ba loại xúc, là hoàn toàn phù hợp.

Trong kinh Tịnh bất động đạo, bất động, vô sở hữu, vô tướng đều là căn cứ theo huệ để lập nên tên gọi của định. Theo kinh Tịnh bất động đạo, nếu như không thể nương nơi huệ để được giải thoát thì sẽ sanh tại ‘bất động’. Bất động là thuộc cõi Dục và cõi Sắc trở lên. Theo Đại không kinh nói: “Đắc bốn tâm tăng thượng (Tứ thiền), tu nội không, ngoại không, nội-ngoại không, bất động, dùng “sự không di động” làm mục tiêu.12 Cho nên, bất động là nương nơi đệ Tứ thiền để hướng đến không tam-muội của giải thoát; không được giải thoát mà sanh ở bất động, chính là đệ Tứ thiền mà thông thường đã nói.

Ba loại xúc có liên quan với điều này, các Luận sư có nhiều cách giải thích, trong ấy, “có thuyết nói rằng: không là bất động xúc, vô nguyện là vô sở hữu xúc, vô tướng là vô tướng xúc.”13 Đây là căn cứ theo sự quán huệ mà giải thích cho hợp lý. Bất động và đệ Tứ thiền có liên quan, lại dẫn kinh Đại Câu-hi-la(II) của kinh Trung A-hàm để chứng minh:

 “Có bốn nhân và bốn duyên sanh định bất động, những gì là bốn? Nếu tỳ-kheo ly dục, ly pháp ác bất thiện, cho đến đắc đệ Tứ thiền, thành tựu mà an trú trong ấy. … Có ba nhân và ba duyên sanh nơi vô sở hữu xứ định, những gì là ba? Nếu tỳ-kheo vượt qua tất cả sắc tưởng, cho đến vô sở hữu xứ, thành tựu và an trú trong ấy. … Có hai nhân và hai duyên sanh vô tưởng định, những gì là hai? Một là không tác ý [niệm] tất cả tưởng; hai là tác ý về vô tưởng giới.”

Tu tập (bốn) nhân-duyên từ Sơ thiền đến Tứ thiền đắc định không (di) động. Tu tập (ba) nhân-duyên để từ vượt qua tất cả sắc tưởng (không vô biên xứ) đến vô sở hữu, đắc được định vô sở hữu xứ. Nương nơi hai nhân-duyên đắc được định vô tưởng – vô tướng tâm định; nếu không đắc giải thoát thì thành định phi tưởng phi phi tưởng xứ. Nếu như căn cứ theo cảnh của định mà nói ba loại xúc, thì đó chính là đệ Tứ thiền, định vô sở hữu xứ và định vô tưởng.

Lại nói đến ba Pháp ấn. Kinh Tạp A-hàm(III) nói:

“Sự tưởng về vô thường ấy có thể xây dựng nên tưởng về vô ngã. Vị Thánh đệ tử an trụ nơi tưởng về vô ngã, thì tâm lìa ngã mạn, tùy thuận và chứng đắc niết-bàn.”

“Tất cả các hành đều vô thường, tất cả các pháp đều vô ngã, niết-bàn là sự tịch diệt.”

Kinh Tạp A-hàm tuy tập hợp lại thành ba mệnh đề, nhưng không có gọi đó là Pháp ấn. Tập hợp lại thành một nhóm mà gọi là ba Pháp ấn là xuất phát từ Căn bản Thuyết nhất thiết hữu bộ tỳ-nại-da.14 Ở đoạn trên đã nói, tôn xưng không, vô sở hữu, vô tướng - ba loại tam-muội, là Thánh pháp ấn, là trọng nơi thực tiễn của đạo, đã biểu thị đặc tướng của trí huệ bậc Thánh xuất thế gian, là căn cứ theo phương diện quán huệ mà nói. Loại quán huệ mà có thể dẫn dắt hướng đến niết-bàn giải thoát là chánh tri kiến, thông đạt đúng như thật về chân lý, nên cùng với chân lý khế hợp nhau.

Như vậy, từ phương diện đối tượng được quán (sở quán) và đối tượng chứng đắc (sở chứng) mà nói, thì nó đủ để biểu thị cho chân lý của Phật pháp, cũng không trở ngại gì khi gọi nó là Pháp ấn. Phật thuyết pháp có tri (hiểu biết) và hành (tu tập) (cũng có thể nói tri là một phần của hành). Biết như thật “vì vô thường cho nên là khổ, vì vô thường và khổ nên không có ngã và ngã sở;” hoặc nói: “vô thường, khổ, không, vô ngã.” Chính hiểu biết rồi mới thực hành, như kinh Tạp A-hàm nói: “Người có chánh quán (chữ ‘quán’nên chép là ‘kiến’) thì sanh sự chán lìa, có chán lìa thì chấm dứt hỉ tham, hỉ tham chấm dứt thì gọi là tâm giải thoát;” “quán như vậy thì nhàm chán đối với sắc, nhàm chán thọ, tưởng, hành, thức, do nhàm chán nên không thích thú với chúng, vì không thích thú với chúng cho nên được giải thoát;” “phát sanh sự nhàm chán đối với sắc (v.v.), ly dục, diệt tận, không khởi các lậu, chánh tâm giải thoát;” “đó gọi là biết như thật. Này Thâu-lũ-na! Phát sanh sự nhàm chán đối với sắc, thọ, tưởng, hành, thức như vậy, thì ly dục, giải thoát.”15

Trong sự tu hành Thánh đạo, kinh nhiều lần nói: “Nhờ vào sự viễn ly, nhờ vào sự vô dục, nhờ vào sự diệt mà hướng đến xả ly.”16 Luận Đại tỳ-bà-sa dẫn kinh giải thích rằng: “Nhờ vào sự chán lìa đối với ô nhiễm, nhờ vào sự lìa ô nhiễm nên giải thoát, nhờ giải thoát mà có niết-bàn.”17

Từ sự tuyên thuyết nhiều lần của kinh và luận, có thể nhận biết để sau đó có thể thực hành; tầng bậc trọng yếu của sự tu hành, chủ yếu là sự chán lìa (yểm ly - nibbidā), ly dục (virāga), tịch diệt (nirodha), giải thoát (vimutti). Vô thường, khổ, vô ngã (không), đương nhiên cũng có thể nói là Pháp ấn, nhưng toàn thể Phật pháp mà từ sự hiểu biết rồi thực hành, rồi chứng đắc để nói, thì vô thường, v.v. là nghiêng về sự quán sát đúng như thật về hiện thực của thế gian, mà không có nói đến lý tưởng – hiện thực của niết-bàn giải thoát.

Như vậy, các hành là vô thường và sự chán lìa, các pháp là vô ngã và lìa các dục nhiễm, niết-bàn tịch tĩnh và sự diệt tận, giải thoát, cố nhiên là đối ứng lẫn nhau, mà các hành đều vô thường và các pháp đều vô ngã, là chân lý hiện thật, còn niết-bàn tịch tĩnh là sự chứng đắc lý tưởng. Ba Pháp ấn như vậy, đã biểu trưng cho tính đặc sắc của toàn bộ Phật pháp.

Mối quan hệ giữa ba loại tam-muội là không, v.v., với ba Pháp ấn là vô thường, v.v., như sau:

Không                            Không                    Các pháp đều vô ngã

Vô sở hữu                      Vô nguyện            Các hành đều vô thường

Vô tướng                       Vô tướng               Niết-bàn là tịch tĩnh

Từ ba tam-muội gồm không, vô sở hữu, vô tướng, đặt nặng đối với chánh quán mà khai triển thành ba tam-muội là không, vô nguyện, vô tướng, chỉ là đặt nặng vào phát sanh ra sự chán lìa của con đường xuất thế, cuối cùng là không mong muốn tiếp nối của hậu hữu sanh tử để được giải thoát. Trong Thánh đạo, y trên vô thường (khổ) mà dẫn đến sự chán lìa (vô nguyện) phát sanh, là có ý nghĩa quan trọng. Bản dịch khác là kinh Phật thuyết pháp ấn do Thi Hộ dịch, đối với phần lìa mạn để đắc tri kiến thanh tịnh, giải thích rằng: “Thức uẩn đã là không, không có tạo tác ra cái gì, gọi đó là vô tác (cách dịch khác của vô nguyện) giải thoát môn. … Như vậy gọi là Thánh pháp ấn, tức là ba giải thoát môn.”18 Ba Pháp ấn và ba giải thoát môn hợp nhất, tuy là kinh này được dịch vào thời kỳ sau, văn nghĩa đã có sự thay đổi, nhưng vì xem trọng vô thường, vô nguyện, nên không làm mất đi ý nghĩa căn bản của Phật giáo nguyên thỉ.

10.  Thắng giải quán và chân thật quán
Tất cả định pháp như bốn loại thiền, tám loại định, chín thứ đệ định, v.v., nguyên gốc chỉ là bốn loại thiền (cattāri-jhānāni), còn lại là do quán tưởng mà thành lập nên. Tính trọng yếu của bốn loại thiền trong Phật pháp thì văn ở trên đã dẫn kinh để chứng minh rồi. Từ tên gọi khác nhau của bốn loại thiền đã được kinh văn nói đến, cũng có thể hiểu được tính ưu việt của bốn loại thiền này, như luận Du-già sư địa(I) nói:

“Các tên gọi khác nhau của các tĩnh lự là: hoặc gọi là tăng thượng tâm, nghĩa là do tâm thanh tịnh làm tăng lên lực cho sự tư duy chân chánh; hoặc gọi là lạc trụ, nghĩa là ở trong ấy thọ nhận được sự rất an lạc, vì sao vậy? Vì nương vào các tĩnh lự nên lãnh thọ được sự hỉ lạc, an lạc, xả lạc, thân và tâm đều vui vẻ. Lại nữa, người đắc được định thì ở trong các tĩnh lự, luôn luôn xuất nhập, lãnh thọ được sự trụ trong an lạc đối với hiện pháp. … Hoặc lại gọi là một phần của niết-bàn, cũng được gọi là sai biệt của niết-bàn. Do vì đoạn được một phần của phiền não, vì chẳng phải quyết định [hoàn toàn], nên gọi là một phần của niết-bàn; vì chẳng phải là niết-bàn rốt ráo nên gọi là sai biệt của niết-bàn.”

Chúng tỳ-kheo y theo bốn loại thiền nên được tận trừ các lậu, đắc giải thoát, là điều thường được thấy trong kinh. Như kinh nói có 5 loại trụ an ổn (pañca-phāsurihārā), cũng chính là bốn loại thiền và sự trừ sạch các lậu.1 Ở trên đã nói đến kinh Thiện tinh và kinh Bất động lợi ích (Hán dịch tên là Tịnh bất động đạo kinh), đều dùng bất động (āṇañja), vô sở hữu (ākiñcañña), vô tướng (animitta) làm thứ lớp. Tầng thiền thứ tư gọi là bất động, ở giữa bất động và vô sở hữu, vì sao không có không vô biên xứ (ākāsānañcāyatana), thức vô biên xứ (viññāṇañcāyatana) vậy? Vốn dĩ, bất động, vô sở hữu, vô tướng, là tam-muội của sự quán như thật, mà không vô biên xứ và thức vô biên xứ đều là tam-muội của loại quán giả tưởng của thế tục.

Phân biệt về hai loại quán tưởng này, như luận Đại tỳ-bà-sa nói: “Có 3 loại tác ý, đó là tác ý về tự tướng, tác ý về cộng tướng, tác ý về thắng giải. … Tác ý về thắng giải là, như quán bất tịnh, trì ức niệm [giữ hơi thở], (bốn) vô lượng, (tám) giải thoát, (tám) thắng xứ, (mười) biến xứ, v.v.”2 Luận Du-già sư địa nói: “Tác ý về thắng giải, nghĩa là người tu về tĩnh lự, tùy theo điều mong muốn, mà tăng thêm sự tác ý đối với các sự tướng. Tác ý về chân thật, nghĩa là lấy tự tướng, cộng tướng và chân như tướng, tư duy đúng như lý mà tác ý về các pháp.”3 Theo đây có thể biết rằng: tác ý về tự tướng (svalakṣaṇa-manaskāra), tác ý về cộng tướng (sāmānya-lakṣaṇa-manaskāra), tác ý về chân như (tathatā-manaskāra), là tác ý về sự lý chân thật của tất cả pháp; tác ý về thắng giải (adhimokṣa-manaskāra) là quán giả tưởng, ở trong sự mà có tăng trưởng lợi ích. Như quán bất tịnh (asubha-bhāvanā) là tưởng đến đờm xanh hoặc mủ nhừ, v.v., quán tự thân cho đến khi thân thành tử thi, đờm xanh hoặc mủ nhừ, đây là cùng với sự thật không phù hợp nhau. Là cảnh trong định do sự tưởng tượng khoa trương mà thành, cho nên nói là ‘tăng ích’.

Tám loại giải thoát (aṣṭau-vimokṣāḥ), tám loại thắng xứ (aṣṭāv-abhibhv-āyatanāni), mười loại biến xứ (daśa-kṛtsn-āyatanāni) ở trong Phật pháp đều là tác ý về thắng giải. Mối quan hệ lẫn nhau của chúng, so sánh như sau:




Giải thoát, biến xứ (niệm bất tịnh ở trong ấy), thắng xứ, ba loại định pháp này tương thông với nhau nhưng lại có chỗ bất đồng; đều xuất phát từ sự quán tưởng về sắc, trong quá trình truyền bá bất đồng, nên phát triển thành ba loại định pháp bất đồng. Cổ nhân đem ba loại này, tập hợp chung lại, giải thích làm thứ lớp sâu cạn khác nhau.4

Bốn thắng xứ đầu tiên của thắng xứ, cùng với hai loại giải thoát đầu tiên của giải thoát, tương đương nhau, đều là quán bất tịnh. Bốn thắng xứ sau của thắng xứ, cùng với ‘tịnh giải thoát thân tác chứng’ của giải thoát thứ ba, tương đương nhau, đều là tịnh quán (subha-bhāvanā); tám biến xứ đầu của biến xứ cũng là tịnh quán.

Xanh, vàng, đỏ, trắng là những sắc được tạo ra [sở tạo sắc]; sắc được tạo ra nhờ vào bốn đại năng tạo – đất, nước, lửa, gió, cho nên có bốn biến xứ đầu tiên. Ba giải thoát đầu tiên, tám biến xứ đầu, tám thắng xứ, đều là dựa vào thiền định ở sắc giới, duyên vào sắc của dục giới làm cảnh, đều là quán giả tưởng của thắng giải.

Trong mười biến xứ, từ đất, nước, lửa, gió (và dựa vào bốn đại mà có màu sanh, vàng, đỏ, trắng) biến xứ trở lên, có (hư) không biến xứ (ākāsa-kasiṇa), thức biến xứ (viññāṇa-kasiṇa), đây không phải là đất, nước, lửa, gió, hư không, thức – sáu giới (chadhātuya) ư? Sáu giới là giải thích đặc chất mà tự thể của chúng sanh có và là nhân tố cấu thành nên tự thể của chúng sanh. Bốn đại là sắc pháp, thân thể gồm máu, thịt, v.v.; hư không là những khe hở như lỗ mũi, yết hầu, lỗ chân lông, v.v., có thể thấy, có thể xúc chạm được, là có tính hạn chế; thức là tác dụng tâm lý của tự thân. Tự thể của chúng sanh chỉ là sự tổng hòa của sáu giới này; nếu như thứ nào mà không có thức giới, thì đó chính là khí thế giới ở bên ngoài.

Những người tu hành thời cổ đại, quán sự bất tịnh của sắc pháp (đối trị tham dục), tiến tới quán sự thanh tịnh của sắc pháp, chính là ba giải thoát đầu tiên, tám biến xứ đầu tiên, tám thắng xứ. Hoặc khi đã siêu việt được sắc tướng, thì quán tướng của hư không, hiểu rõ rằng nó bàng bạc khắp mọi xứ, nếu như không thể nhờ đó mà phát sanh ra huệ để đắc được giải thoát, thì sanh tại hư không vô biên xứ. Hoặc tiến thêm một bước quán về tướng của thức, giả tưởng là nó bàng bạc khắp mọi xứ (tâm bao trùm thái hư, tâm rộng khắp mười phương mà người đời sau nói, đều do cảnh định này mà ra), mà không thể giải thoát thì sanh tại thức vô biên xứ. Hai cõi trời (và định) đầu tiên của vô sắc giới (arūpa-dhātu) là dựa vào cảnh giới định do tu pháp này đắc được mà ra.

Tứ thiền gọi là bất động (āneñja, ānejja, āṇañja). Trong kinh Đại không của Trung A-hàm, thì nội không (adhyātma-śūnyatā), ngoại không (bahirdhā-śūnyatā), nội ngoại không (adhyātma-bahirdhā-śūnyatā) và bất động, đều có liệt kê. Nội không, ngoại không, nội ngoại không, là từ trong mối tương quan của căn, cảnh và thức, mà không có năm thứ dục; bất động là quán sự vô thường, vô ngã của năm ấm, để lìa ngã mạn bên trong. Tu tập thành tựu bất động chính là thành tựu không trụ (suññatāvihāra). Nếu như chấp trước vào không mà không được giải thoát, thì gọi tứ thiền là bất động. Kinh Thiện tinh, kinh Bất động lợi ích, v.v., nói: lấy bất động, vô sở hữu, vô tướng làm thứ tự, là quán như thật về đế lý. Nếu như chấp trước nên không được giải thoát, thì sanh tại (tứ thiền), vô sở hữu xứ, vô tưởng xứ - phi tưởng phi phi tưởng xứ (lại tiến thêm lập nên diệt thọ tưởng định).

Tại khoảng giữa của tứ thiền và vô sở hữu xứ, vốn không có không vô biên xứ, thức vô biên xứ. Do tu đắc được mười biến xứ ấy, dựa vào sự lần lượt tấn tu về sáu giới, nên ở trong khoảng giữa của tứ thiền và vô sở hữu xứ, kết hợp với không vô biên xứ, thức vô biên xứ, nên thành tứ thiền, tứ vô sắc định – tám đẳng chí; lại thêm vào diệt thọ tưởng định, trở thành chín thứ đệ đẳng chí (định). Tổng thảy liệt kê như sau:




Con đường giải thoát của Phật pháp là dựa vào tứ thiền, phát ra huệ chân thật, ly dục để được giải thoát. Huệ chân thật dựa vào sự quán như thật: “vì vô thường cho nên khổ, vì vô thường khổ nên không có ngã;’ ‘không có ngã, không có ngã sở’ – không, là chánh quán về bất nhị một cách nhất quán.

Có thể lìa hết thảy phiền não, lìa tất cả tướng, thì khế nhập vào được sự tịch diệt siêu việt. Căn cứ vào gia hành về quán và huệ bất đồng, nên gọi là không, gọi là vô sở hữu, gọi là vô tướng. Nếu như tương ưng với chỉ quán nên thành tựu loại huệ chân thật, thì dựa vào quán và huệ ấy mà lập nên tên gọi, gọi là không (tánh) tâm tam-muội (suññatā-cetosamādhi), vô sở hữu tâm tam-muội (ākiñcaññāceto-samādhi), vô tướng tâm tam-muội (animitta-cetosamādhi). Tâm tam-muội, hoặc cũng gọi là tâm giải thoát (ceto-vimutti). Tuy nhân vì gia hành bất đồng mà lập nên ba tên gọi này, nhưng không có đối với hết thảy phiền não, là nhất trí. Kỳ thật, gia hành cũng có chỗ cùng chung với nhau, như Đại không kinh nói: “Không tác ý đến hết thảy tướng, thành tựu sự trụ trong nội không.”5 Kinh Bất động lợi ích nói: “Không có đối với ngã và ngã sở là vô sở hữu xứ đạo thứ nhì.”6 Không và vô tướng, vô sở hữu và không, chẳng phải là tương thông với nhau rõ ràng ư? Cho nên có thể đắc được huệ chân thật để giải thoát, thì tuy có tên gọi bất đồng, rốt cục đều chẳng qua là tên gọi khác của không huệ mà thôi.

Thắng giải về giả tưởng quán là không thể đắc được giải thoát rốt ráo, nhưng cũng có tác dụng đối trị phiền não, đoạn trừ (một phần) phiền não, tăng cường tâm lực, cho nên đức Thích tôn ứng dụng nhiều phương tiện khác nhau để dẫn dắt hàng đệ tử. Trong giả tưởng quán, chủ yếu là quán bất tịnh, như tưởng về đờm dãi, tưởng về máu mủ, tưởng về xương cốt, v.v.

Loại phiền não mạnh mẽ mà làm chướng ngại cho hàng đệ tử xuất gia là dâm dục ái, nhằm đối trị tham dâm, Phật đã khai thị pháp môn quán bất tịnh. Bất tịnh, cùng với vô thường, khổ, vô ngã liên hợp nhau, trở thành tứ niệm xứ (carrāro sati-paṭṭhānā). Trong tứ niệm xứ, quán thân bất tịnh là phải tu tập đầu tiên. Quán giả tưởng về bất tịnh đã dẫn đến phát sinh ra tác dụng phụ, do vì cảm giác nhàm chán quá thâm thiết, có một số tỳ-kheo đã tự sát, hoặc tự nguyện nhờ người khác giết mình, đây là điều mà Kinh, Luật ghi chép nhất trí với nhau.7 Để cải thiện sự tu tập về quán bất tịnh, một mặt, Phật lại khai thị pháp môn niệm hơi thở vào ra; một mặt, do quán bất tịnh rồi chuyển sang quán tịnh. Như loại giải thoát thứ ba của tám loại giải thoát, bốn thắng xứ sau của tám loại thắng xứ, tám biến xứ đầu của mười loại biến xứ, đều thuộc loại quán tịnh. Quán bất tịnh và quán tịnh, đều là duyên vào sắc pháp, thành tựu thắng giải về giả tưởng.

Liên quan đến quán bất tịnh và quán tịnh, có thể đề cập đến một vài đoạn kinh văn.

1. Tạp A-hàm(II) nói:

 “Đức Thế tôn bảo các tỳ-kheo rằng: có quang giới, tịnh giới, vô lượng không nhập xứ giới, vô lượng thức nhập xứ giới, vô sở hữu nhập xứ giới, phi tưởng phi phi tưởng nhập xứ giới, hữu diệt giới.”(a)

“Quang giới ấy là, bởi vì giới này làm cho nhận biết được sự tối tăm. Tịnh giới ấy là, bởi vì nó làm cho nhận biết được sự bất tịnh.”8(b)

Trong kinh lập nên bảy loại giới (dhātu), từ hư không vô biên xứ trở về trước, có quang giới (ābhā-dhātu), tịnh giới (subha-dhātu). Thứ tự của quang giới và tịnh giới, cùng với tầng thiền thứ hai gọi là Quang thiên, tầng thiền thứ ba gọi là Tịnh thiên, là phù hợp với nhau. Tên gọi của thiền thiên là có liên quan với điều này. Căn cứ theo sự thành tựu của tu quán để nói, thì ánh sáng là quán tướng ánh sáng hiện tiền trong tâm, nếu như thắng giải nên có thể thấy được dòng ánh sáng của xương trắng, thì có thể do bất tịnh mà chuyển thành quán tịnh; quán đất, nước, lửa, gió, xanh, vàng, đỏ, trắng, v.v., ánh sáng và tịnh, đều dựa vào thắng giải quán để thành tựu. Nội dung của quán tịnh, như sự thanh tịnh của đất, v.v., là tướng quốc độ trong sạch; sự thanh tịnh của màu xanh, v.v., là thông với tướng sắc trong sạch của khí thế giới hoặc chúng sanh. Thắng giải về tướng tịnh, ở trong định, hiện tiền thấy thân, đất trong sạch, dần dần dẫn đến phát sanh thuyết đất thanh tịnh, thân thanh tịnh trong lý tưởng.

2. Kinh Thiên trong Trung A-hàm(III) nói:

“Ta vì muốn đạt được tri kiến cực kỳ trong sáng ấy, nên bèn sống một mình nơi xa vắng, tâm không có phóng dật, tinh cần tu hành,… tức khắc đắc được ánh sáng, liền thấy được hình sắc; và cùng với các vị thiên ấy đồng tụ hội, cùng chào hỏi nhau, luận bàn cùng nhau, đối đáp với nhau; cũng biết được các vị tiên ấy có dòng họ như thế, tên như thế, sanh ra như thế; cũng biết được các vị tiên ấy ăn như thế, thọ khổ, vui như thế; cũng biết các vị thiên ấy trường thọ như thế, sống lâu như thế, mạng tận như thế; cũng biết các vị thiên ấy tạo nghiệp như thế như thế rồi, chết ở nơi đây, sanh ở nơi kia; cũng biết các vị thiên ấy (thuộc) ở trong các cõi trời khác nhau ấy; cũng biết ở trên cõi trời ấy, Ta đã từng sanh trong (cõi ấy), hay chưa từng sanh trong cõi ấy.”

Kinh này, tạng Pāli biên tập vào phẩm Tám pháp trong Tăng cho bộ (thành lập có thể chậm hơn một chút), tiếp theo sau là các bài kinh nói về thắng xứ và giải thoát.9

Đắc được tri kiến thù thắng, là một trong bốn mục đích lớn của việc tu tập thiền định. Quá trình tu hành tinh tấn theo kinh này nói, tổng cộng có 8 tầng thứ. Đầu tiên là thắng giải về tướng ánh sáng, nếu như thành tựu tướng ánh sáng, thì có thể ở trong ánh sáng ấy thấy được tướng sắc rõ ràng, tướng sắc là tướng sắc của trời (thanh tịnh). Tướng ánh sáng hiện tiền, thì thấy rõ ràng tướng sắc trong sáng của chư thiên, cùng với sự thành tựu về quán tịnh của giải thoát và thắng xứ tương đương.

Tiến thêm bước nữa, cùng với chư thiên hội họp, vấn đáp lẫn nhau. Cảnh định như thế, khiến chúng ta liên tưởng đến đức Phật A-di-đà (Amitābhabuddha) hiện ra trước mặt trong kinh Ban-chu tam-muội (Pratyutpanna-buddha-sammukhāvasthita-samādhi-sūtra) nói, Phật và người tu hành vấn đáp nhau (không chỉ thấy được sắc tướng, mà còn nghe được âm thanh). Vô trước (Asaṅga) tu theo pháp của Di-lặc (Maitreya), lên trời Đâu-suất (Tuṣita), gặp Bồ-tát Di-lặc, thọ học luận Du-già sư địa. Sự tu hành thành tựu của Mật tông, là Bổn tôn hiện tiền, cũng có thể được khai thị. Nguyên tắc là giống nhau, chỉ là người tu hành tín ngưỡng vào đối tượng khác nhau mà thôi.10

Theo kinh Ban-chu tam-muội nói: Phật mà thấy được, đó chẳng phải là Phật chân thật, mà là do định tâm của chính mình hiện ra.11 Nhiếp Đại thừa luận bổn nói: “Các Sư Du-già đối với một sự vật, đều có nhiều thắng giải bất đồng, nhưng các thứ được nhận thấy đều được thành tựu, cho nên biết rằng sự nhận lấy [cảnh được nhận thức ấy] duy chỉ có bởi thức.”12 Quán giả tưởng của thắng giải có muôn màu muôn vẻ, trong sự diễn tiến của Phật giáo, sự thần giáo hóa nhanh chóng, cũng đã góp phần phát huy cao độ cho tư tưởng duy tâm.

3. Kinh Hữu thắng thiên của Trung A-hàm, Trung bộ gọi là kinh A-na-luật.13 Kinh Hữu thắng thiên nói: “Có ba loại trời: Quang thiên, Tịnh quang thiên, Biến tịnh quang thiên.”14 Ba loại trời này, ‘nhân vì tâm của con người có hơn [thắng], có bằng [như] (như là chẳng bằng; thắng – như, tức là trội hơn và yếu kém), nên sự tu tập liền có tinh, có thô; nhân vì tu có tinh, có thô nên sự chứng đắc (đến cõi trời) của người ở cõi trời ấy có hơn, có bằng.’ Không chỉ có sai biệt, mà người trời của mỗi một cõi trời cũng có thắng diệu hơn và không bằng nhau. Cho nên có sai biệt là do nguyên nhân ở trong sự tu hành có tinh, có thô bất đồng.

Lấy Quang thiên để nói, nhân vì trong ‘ý cởi mở, quán tưởng về ánh sáng, thành tựu du (thành tựu du là cách dịch khác của an trụ đầy đủ), tâm quán tưởng về ánh sáng cực thịnh.’ Nhưng do ở trong sự tưởng về ánh sáng của thắng giải, có lớn, có nhỏ, cho nên ‘những người thuộc cõi Quang thiên kia khi tập hợp tại một nơi, tuy thân có khác nhau mà ánh sáng thì không khác nhau.’ Như mỗi ‘khi mỗi người đi tản ra, thì thân của các người ấy đã khác nhau, mà ánh sáng cũng khác nhau.’

Sự sai biệt của Tịnh quang thiên là nhân vì trong ‘ý cởi mở, thành tựu du trải khắp Tịnh quang thiên,’ nếu như không tu tập thêm nữa, sanh trong Tịnh quang thiên, sẽ ‘không đắc được tịch tĩnh tột cùng, cũng không hưởng được hết tuổi thọ,’ nếu như ‘luôn luôn tu, luôn luôn tập’ thì khi sanh trong cõi trời sẽ có thể ‘đắc được tịch tĩnh cùng tột, cũng được sống trọn tuổi thọ.’

Ở Biến tịnh quang thiên, dù cùng sanh tại một nơi, cũng là có sai biệt, đó là tuy ‘tâm cởi mở, thành tựu du trải khắp Biến tịnh quang thiên’ như nhau, nếu như ‘không đình chỉ thụy miên cực độ, không khéo chấm dứt điều hối (điều, là các dịch xưa của trạo cử),’ thì ‘sau khi sanh vào cõi (trời) ấy, ánh sáng không được tịnh tột cùng,’ nếu như ‘đình chỉ thụy miên cực độ, khéo chấm dứt điều hối,’ thì ‘sau khi sanh vào cõi (trời) ấy, ánh sáng được tịnh tột cùng.’

Ba loại trời của kinh Hữu thắng thiên, kinh A-na-luật nói có 4 loại: Thiểu quang thiên (Parittābha-deva), Vô lượng quang thiên (Appamāṇābha-deva), Tạp nhiễm quang thiên (Saṅkiliṭṭhābhā-deva), Thanh tịnh quang thiên (Pari-suddhabhā-deva). Thiểu quang thiên và Vô lượng quang thiên, cùng với hai loại Quang thiên của kinh Hữu thắng thiên, tương đương. Tạp nhiễm quang thiên và Thanh tịnh quang thiên, cùng với hai loại ‘ánh sáng không được tịnh tột cùng’ và ‘ánh sáng được tịnh tột cùng’ của Thanh tịnh quang thiên trong kinh Hữu thắng thiên, tương đương. Ba loại trời hoặc bốn loại trời đều không ngoài quang và tịnh, cùng với quang giới, tịnh giới của 7 giới, tương đương. Kỳ thật, thanh tịnh (sắc tướng) là không thể rời ánh sáng.15

Thành tựu Tứ thiền mà không giải thoát được, nên chiêu cảm được quả báo của Tứ thiền thiên. Tên gọi của các cõi trời thuộc Tứ thiền cũng là dần dần được lập nên. ‘Thiên, Ma, Phạm’ mà thường thấy trong kinh, thì: từ Ma (māra) trở xuống có nhiều trời, nếu vượt qua được cõi Ma, thì gọi là Phạm thiên (Brahmā), điều này thích hợp với Ấn-độ giáo. Trong Phật giáo, cõi Dục lấy Thiên ma (Tha hóa tự tại thiên) làm tối cao, nếu như vượt qua được cõi Ma, thì cũng chính là Thiền thiên mà ly khỏi cõi Dục, cho nên Sơ thiền thiên được gọi là Phạm thiên.

Hàng đệ tử Phật tu thắng giải quán, dựa vào tướng ánh sáng để hiện khởi, cho nên duyên vào sắc pháp để tu thắng giải, không ngoài tướng ánh sáng và tướng sắc thanh tịnh. Tu pháp này nên cảm lấy quả báo, cũng chính là Quang thiên và Tịnh thiên, làm tên gọi của Nhị thiền thiên và Tam thiền thiên. Do vì tướng ánh sáng, v.v, có trội hơn, có yếu hơn, cho nên lại chia mỗi một thiền thiên ra làm ba cõi trời (hoặc hai cõi trời). Nhưng ở trong Thánh điển thuộc sơ kỳ, tên gọi của Tứ thiền thiên là Phạm thiên, hoặc Phạm chúng thiên (Brahmakayika); Quang âm thiên (Ābhāsvāra); Biến tịnh thiên (Subhakiṇhā); Quảng quả thiên (Vehapphala). Tầng thiền thứ tư chỉ là Quảng quả thiên, tên gọi này, có thể là thời sơ kỳ lấy nó làm nơi tối cao, định hoặc nhờ huệ để được giải thoát, thì tầng thiền thứ tư là quả rộng lớn vậy!

Sự phát đạt của pháp quán giả tưởng và quán như thật của Phật giáo, đối với sự đặt để của chư thiên ở hai giới trên, là có mối quan hệ trực tiếp.


[1] Xin xem cụ thể trong tác phẩm của tôi: Nguyên thỉ Phật giáo Thánh điển chi tập thành, (9) Nguyên thỉ tập thành chi tương ưng giáo.

(a) Pāli: Idha, bhikkhave, bhikkhu araññagato vā rukkhamūlagato vā suññāgāragato vā nisīdati pallaṅkaṃ ābhujitvā ujuṃ kāyaṃ paṇidhāya parimukhaṃ satiṃ upaṭṭhapetvā. S.5.54.310.

[2] Tạp A-hàm 29, T. 2, tr. 206a.

[3] Tương ưng bộ, (4) Ác ma tương ưng, Nam truyền 12, tr. 181-182. Tạp A-hàm 39, T. 2, tr. 285b.

[4] Tham duyệt: Hayashima Kyōshō [早島鏡正], Sơ kỳ Phật giáo dữ xã hội sanh hoạt, tr. 253.

(I) Trường bộ, (24) Ba-lê kinh, Nam truyền 8, tr. 36-37.

(b) Pāli: Hoti kho so, āvuso, samayo yaṃ kadāci karahaci dīghassa addhuno accayena ayaṃ loko vivaṭṭati. Vivaṭṭamāne loke suññaṃ brahmavimānaṃ pātubhavati. Atha kho aññataro satto āyukkhayā vā puññakkhayā vā ābhassarakāyā cavitvā suññaṃ brahmavimānaṃ upapajjati. D.III.24.

[5] Trường A-hàm, (15) A-nậu-di kinh, T. 1, tr. 69b.

[6] Trường bộ, (23) Tệ-túc kinh, Nam truyền 7, tr. 406-408. Trung A-hàm, (71) Bi-tứ vương kinh, T. 1, tr. 532a.

[7] Trường A-hàm, (15) A-nậu-di kinh, T. 1, tr. 69b.

[8] Tạp A-hàm 39, T. 2, tr. 285b; và quyển 44, tr. 318b.

(II) Tạp A-hàm 9, T. 2, tr. 57b.

(c) Pāli: ‘‘Suññatāvihārena kho ahaṃ, bhante, etarahi bahulaṃ viharāmī’’ti. ‘‘Sādhu, sādhu, sāriputta! Mahāpurisavihārena kira tvaṃ, sāriputta, etarahi bahulaṃ viharasi. Mahāpurisavihāro eso, sāriputta, yadidaṃ – suññatā. M.3,9.

[9] Trung bộ, (151) Khất thực thanh tịnh kinh, Nam truyền 11 hạ, tr. 426.

[10] Du-già sư địa luận 90, T. 30, tr. 812b.

[11] Xích đồng diệp bộ luật, Tiểu phẩm, Nam truyền 4, tr. 454. Di-sa-tắc bộ hòa-ê ngũ phần luật 30, T. 22, tr. 193c. Tứ phần luật 54, T. 22, tr. 970c. Thập tụng luật 60, T. 23, tr. 453a.

[12] ‘Ái niệm nhiễm trước’, Trung bộ, (151) Khất thực thanh tịnh kinh, Nam truyền 11 hạ, tr. 426-428, chép: ‘tâm có dục, hoặc tham, hoặc nhuế, hoặc si, hoặc sân.’

[13] Kinh tập, (4) Nghĩa phẩm, Nam truyền 24, tr. 327. Phật thuyết nghĩa túc kinh, quyển thượng, T. 4, tr. 180b.     

[14] Tương ưng bộ, (22) Uẩn tương ưng, Nam truyền 14, tr. 16-17. Tạp A-hàm 20, T. 2, tr. 144c.

(d) Pāli: Kathañca, gahapati, kāmehi ritto hoti? Idha, gahapati, ekacco kāmesu vigatarāgo hoti vigatachando vigatapemo vigatapipāso vigatapariḷāho vigatataṇho. Evaṃ kho, gahapati, kāmehi ritto hoti. S.III,9.

[15] Kinh tập, (5) Bỉ ngạn đạo phẩm, Nam truyền 24, tr. 425.

(II) Tương ưng bộ, (35) Lục xứ tương ưng, Nam truyền 15, tr. 87-88.

(e) Pāli: Kiñca, ānanda, suññaṃ attena vā attaniyena vā? Cakkhu kho, ānanda, suññaṃ attena vā attaniyena vā. Rūpā suññā attena vā attaniyena vā, cakkhuviññāṇaṃ suññaṃ attena vā attaniyena vā, cakkhusamphasso suñño attena vā attaniyena vā…pe…  yampidaṃ manosamphassapaccayā uppajjati vedayitaṃ sukhaṃ vā dukkhaṃ vā adukkhamasukhaṃ vā tampi suññaṃ attena vā attaniyena vā. Yasmā ca kho, ānanda, suññaṃ attena vā attaniyena vā, tasmā suñño lokoti vuccatī”ti. 1.2.4.2 Suññatalokasutta

[16] Tương ưng bộ, (35) Lục xứ tương ưng, Nam truyền 15, tr. 83-84. Tạp A-hàm 9, T. 2, tr. 56b, nói: ‘nguy thúy bại hoại, đó gọi là thế gian.’

(f) Pāli: Sā kho pana akuppā cetovimutti suññā rāgena, suññā dosena, suññā mohena. S.IV,3.

[17] Tương ưng bộ, (41) Chất-đa tương ưng, Nam truyền 15, tr. 450-453. Tạp A-hàm 21, T. 2, tr. 149c-150a.

[18] Tương ưng bộ, (43) Vô vi tương ưng, Nam truyền 16 thượng, tr. 77. Tạp A-hàm 31, T. 2, tr. 224b.

[19] Tương ưng bộ, (20) Thí dụ tương ưng, Nam truyền 13, tr. 395; và (55) Dự lưu tương ưng, Nam truyền 16 hạ, tr. 319.

(g) Pāli: ye te suttantā tathāgatabhāsitā gambhīrā gambhīratthā lokuttarā suññatappaṭisaṃyuttā. S.ii,166.

(h) Nguyên văn Pāli: ‘‘acchariyaṃ, bhante, abbhutaṃ, bhante! Yāva gambhīro cāyaṃ, bhante, paṭiccasamuppādo gambhīrāvabhāso ca, atha ca pana me uttānakuttānako viya khāyatī’’ti. D.2.15, p.54. “Bạch Thế tôn! Hi hữu thay! Bất khả tư nghị thay! Pháp duyên khởi này rất sâu xa, có vẻ sâu xa. Nhưng chúng con quán sát thì thấy rất rõ ràng.” Từ avabhāsa có nghĩa là ánh sáng, mà cũng có nghĩa là xuất hiện, vẻ bề ngoài, sự biểu lộ ra ngoài; từ gambhīrāvabhāsa, theo từ điển Pāli-English của PTS, có nghĩa là: có vẻ (trông) sâu xa - looking deep. Từ uttānaka có nghĩa là nằm ngửa (supine), cũng có nghĩa là rõ ràng (manifest), cạn cợt hoặc nông cạn (shallow). Xem thêm: Kinh Trung A-hàm, Tuệ Sỹ dịch và chú, Nxb Phương Đông, Sài gòn, 2009, tập 2, tr.161, chú thích 2 và 3.

[20] Trung A-hàm, (97) Đại nhân kinh, T. 1, tr. 578b; Trường A-hàm, (13) Đại duyên phương tiện kinh; Trường bộ, (15) Đại duyên kinh, phần lớn tương đồng nhau.

(III) Tạp A-hàm 12, T. 2, tr. 83c.

[21] Tương ưng bộ, (6) Phạm thiên tương ưng, Nam truyền 12, tr. 234. Trung bộ, (26) Thánh cầu kinh, Nam truyền 9, tr. 301.

[22] Tạp A-hàm 12, T. 2, tr. 83c; và quyển 47, tr. 345b, nói: ‘Tu-đa-la mà được Như lai thuyết ấy, là sâu xa, chiếu rọi, là pháp tương ưng với không và tùy thuận với duyên khởi.’

1 Chỉ có các nhà thuộc Phân biệt luận, ngoài 37 đạo phẩm ra, còn thêm 4 Thánh chủng, lập 41 đạo phẩm, xem: A-tỳ-đạt-ma Đại tỳ-bà-sa luận 96, T. 27, tr. 499a.

2 Trường bộ, (16) Đại Bát-niết-bàn kinh, Nam truyền 7, tr. 103. Trường A-hàm, (2) Du hành kinh, T. 1, tr. 17b.

3 Tạp A-hàm 21, T. 2, tr. 148c-149a. Tăng chi bộ, phẩm 4 pháp, Nam truyền 18, tr. 342-344.

(a) Pāli: pañcaṅgiko maggo. ABH.5,20. 

4 Luận sự, Nam truyền 58, tr. 397-399.

(I) Tạp A-hàm 17, T. 2, tr. 118b.

5 Tăng chi bộ, phẩm 4 pháp, Nam truyền 18, tr. 276. Tạp A-hàm 21, T. 2, tr. 146c-147a.

(a) Pāli: Yogā ve jāyatī bhūri, ayogā bhūrisaṅkhayo; Etaṃ dvedhā-pathaṃ ñatvā, bhavāya vibhavāya ca; Tathāttānaṃ niveseyya, yathā bhūri pavaḍḍhati. K. 2, Dh. 20, p. 40.

6 A-tỳ-đạt-ma Đại tỳ-bà-sa luận 134, T. 27, tr. 693b.

(b) Tam-ma-địa hay tam-muội (samādhi), theo kinh Tăng-nhất A-hàm thì nó có ba loại: 1. Không tam-muội (śūnyatā-samādhi); 2. Vô tướng tam-muội (animitta-samādhi); 3. Vô nguyện tam-muội (apraṇihita-samādhi). Theo luận Đại Tỳ-bà-sa, Câu-xá… thì nói có ba loại tam-muội khác là: 1. Hữu tầm hữu tứ tam-ma-địa (S: savitarka-savicāra-samādhi,Pl: savitakka-savicāra-samādhi); 2. Vô tầm duy tứ tam-ma-địa (avitarka-vicāramātra-samādhi); 3. Vô tầm vô tứ tam-ma-địa (avitarka-avicāra-samādhi).

7 Tương ưng bộ, (45) Đạo tương ưng, Nam truyền 16 thượng, tr. 153-154. Trung bộ, (141) Đế phân biệt kinh, Nam truyền 11 hạ, tr. 355.

8 Tạp A-hàm 27, T. 2, tr. 193a.

9 Tương ưng bộ, (48) Căn tương ưng, Nam truyền 16 hạ, tr. 10. Tạp A-hàm 26, T. 2, tr. 183b-184a. 

10 Tạp A-hàm 26, T. 2, tr. 185c, 188a, 188c. Tăng chi bộ, phẩm 5 pháp, Nam truyền 19, tr. 15-16.

11 Tương ưng bộ, (36) Thọ tương ưng, Nam truyền 15, tr. 336-337.

(c) Pāli: jānato ahaṃ, bhikkhave, passato āsavānaṃ khayaṃ vadāmi, no ajānato no apassato. S.ii,29.

12 Tương ưng bộ, (12) Nhân duyên tương ưng, Nam truyền 13, tr. 42; và thêm: Đế tương ưng, Nam truyền 16 hạ, tr. 360. Tạp A-hàm 8, T. 2, tr. 55b.

13 Tạp A-hàm 26, T. 2, tr. 183b. Tương ưng bộ, (48) Căn tương ưng, Nam truyền 16 hạ, tr. 57.

14 Tạp A-hàm 9, T. 2, tr. 60c.

15 Tạp A-hàm 14, T. 2, tr. 93c. Tương ưng bộ, (12) Nhân duyên tương ưng, Nam truyền 13, tr. 55.

16 Tạp A-hàm 2, T. 2, tr. 12c.

(d) Pāli: ‘Sabbaṃ atthī’ti kho, kaccāna, ayameko anto. ‘Sabbaṃ natthī’ti ayaṃ dutiyo anto. Ete te, kaccāna, ubho ante anupagamma majjhena tathāgato dhammaṃ deseti. S.ii,16.  

(II) Tạp A-hàm 15, T. 2, tr. 104b.

17 Tương ưng bộ, (56) Đế tương ưng, Nam truyền 16 hạ, tr 341. Du-già sư địa luận 95, T. 30, tr. 843b.

18 Biến tri, là biết nhưng có thể đoạn được, cho nên cổ nhân lập ‘trí biến tri’ và ‘đoạn biến tri’ – hai biến tri.

19 Không có ngã và ngã sở, Tạp A-hàm đối với mỗi trường hợp làm 3 cú: chẳng phải là ngã, chẳng phải khác với ngã, chẳng phải ở trong nhau (như sắc ở trong ngã, ngã ở trong sắc). Tương ưng bộ cũng làm 3 cú: chẳng phải ngã sở, chẳng phải ngã, chẳng phải ngã của ngã.

20 Như Tạp A-hàm 10, T. 2, tr. 25b.

(e) Pāli: Sīlavatāvuso, koṭṭhika, bhikkhunā pañcupādānakkhandhā aniccato dukkhato rogato gaṇḍato sallato aghato ābādhato parato palokato suññato anattato yoniso manasi kātabbā. S.iii,167.

21 Tương ưng bộ, (22) Uẩn tương ưng, Nam truyền 14, tr. 262.

22 Trung bộ, (64) Ma-la-ca đại kinh, Nam truyền 10, tr. 237-238; Tăng chi bộ, phẩm 4 pháp, Nam truyền 18, tr. 226, v.v.

23 Xin xem tác phẩm của tôi: Diệu vân tập, (11) Tánh không học thám nguyên, tr. 33.

(I) Tạp A-hàm 21, T. 2, tr. 149c.

1 Tương ưng bộ, (41) Chất-đa tương ưng, Nam truyền 15, tr. 450-452. Xem thêm chú thích 4.

2 Trung bộ, (43) Hữu minh đại kinh, và Trung A-hàm, (211) Đại Câu-hi-la kinh, tương đương, nhưng Trung A-hàm không có phần vấn đáp này.

3 Du-già sư địa luận 87, T.30, tr.792a, nói: ‘Phải biết rằng, trong đây là nghĩa cực thô bỉ, vì vậy nên nghĩa là sở hữu.’

(II) Tạp A-hàm 21, T. 2, tr. 150a.

4 A-tỳ-đạt-ma Đại tỳ-bà-sa luận 105, T. 27, 542a, nói: “Này đại đức Cù-đạt-đa! Phải biết rằng tham dục, sân nhuế, ngu si là tướng, mà có tâm giải thoát bất động là tối thắng vô tướng.” Luận này nói Cù-đạt-đa, tức là Ngưu-đạt-đa, và Tương ưng bộ tương đồng; ngược lại, không khớp với Tạp A-hàm.

5 Trung A-hàm, (169) Câu-lâu-sấu vô tránh kinh, T. 1, tr. 703c. Trung bộ, (139) Vô tránh phân biệt kinh, Nam truyền 11 hạ, tr. 332, chỉ nói: ‘Thiện nam tử Tu-bồ-đề hành đạo vô tránh.’

1 A-tỳ-đạt-ma Đại tỳ-bà-sa luận 82, T. 27, tr. 423a.

(I) Tạp A-hàm 10, T. 2, tr. 67c.

2 Trung A-hàm, (61) Ngưu phẩn dụ kinh, T. 1, tr. 496b. Và (138) Phước kinh, T. 1, tr. 645c. Tăng chi bộ, phẩm 7 pháp, Nam truyền 20, tr. 340. Tăng nhất A-hàm, (10) Hộ tâm phẩm, T. 2, tr.565b-c.

3 Trung A-hàm, (8) Thất nhật kinh, T. 1, tr. 429b-c. Và (130) Giáo Đàm-di kinh, T. 1, tr. 619c. Tăng chi bộ, phẩm 6 pháp, Nam truyền 20, tr. 123. và phẩm 7 pháp, Nam truyền 20, tr. 358.

(II) Trung A-hàm, (155) Tu-đạt-đa kinh, T. 1, tr. 677c.

4 Tăng chi bộ, phẩm 9 pháp, Nam truyền 22 thượng, tr.65.

5 Tạp A-hàm 47, T. 2, tr. 344b-345a. Tương ưng bộ, (20) Thí dụ tương ưng, Nam truyền 13, tr. 390-393.

6 Tăng chi bộ, phẩm 8 pháp, Nam truyền 21, tr. 2-3.

7 Tăng chi bộ, phẩm 11 pháp, Nam truyền 22 hạ, tr. 322-323. Tăng nhất A-hàm, (49) Phóng ngưu phẩm, T. 2, tr. 806a.

8 Đại trí độ luận 20, T. 25, tr. 211b.

9 A-tỳ-đạt-ma Đại tỳ-bà-sa luận 83, T. 27, tr. 427a.

(a) Nguyên Hán ngữ là: 仁心普洽 nhân tâm phổ hiệp.

(b) Nguyên Hán ngữ là: 民胞物與 dân bào vật dữ.

(c) Nguyên Hán ngữ là: 浩然之氣充塞於天地之間 hạo nhiên chi khí sung tắc ư thiên địa chi gian.

(d) Nguyên Hán ngữ là: 一視同仁 nhất thị đồng nhân.

(III) Tạp A-hàm 29, T. 2, tr. 209c-210a.

10 Trung A-hàm, (56) di-hề kinh, T. 1, tr. 492a. Và, (57) Tức vi tỳ-kheo thuyết kinh, T. 1, tr. 492b. Tăng chi bộ, phẩm 9 pháp, Nam truyền 22 thượng, 4, tr. 11-12.

11 Trung bộ, (62) Giáo giới La-hầu-la đại kinh, Nam truyền 10, tr. 219-220.

12 Thành thật luận 12, T. 32, tr. 336b-c, nói: ‘tâm từ, chia ra khác nhau thành bi, hỉ, …, có thể khiến cho ba thứ này bình đẳng, cho nên gọi là xả.’

13 Trung A-hàm, (27) Phạm-chí Đà-nhiên kinh, T. 1, tr. 458b. Trung bộ, (97) Đà-nhiên kinh, Nam truyền 11 thượng, tr. 256.

14 Trung A-hàm, (68) Đại Thiện kiến vương kinh, T. 1, tr. 518a-c. Trường bộ, (17) Đại Thiện kiến vương kinh, Nam truyền 7, tr. 184-197. Trường A-hàm, (2) Du hành kinh, T. 1, tr. 23c-24a.

(e) Cam lồ (甘露), cũng có nghĩa là bất tử (Skt: amṛta; Pāli: amata), đồng nghĩa với niết-bàn.

(IV) Tạp A-hàm 27, T. 2, tr. 197c.

15 Tương ưng bộ, (46) Giác chi tương ưng, Nam truyền 16 thượng, tr. 339-340. A-tỳ-đạt-ma Đại tỳ-bà-sa luận 83, T. 27, tr. 427c.

1 Trung bộ, (105) Thiện Tinh kinh, Nam truyền 11 thượng, tr. 331 – 333.

2 Trung bộ, (106) Bất động lợi ích kinh, Nam truyền 11 thượng, tr. 340-346. Trung A-hàm, (75) Tịnh bất động đạo kinh, T.1, tr. 542b-543b.

3 Trung A-hàm, (75) Tịnh bất động đạo kinh, T.1, tr. 542c, nguyên tác dịch là ‘ở đây nhập được bất động,’ nay y căn cứ theo văn nghĩa trên dưới và Trung bộ để sửa lại.

4 Trung bộ, (106) Bất động lợi ích kinh, Nam truyền 11 thượng, tr. 345.

5 Trung A-hàm, (75) Tịnh bất động đạo kinh, T. 1, tr. 543a.

6 Tạp A-hàm 21, T. 2, tr. 150c. Trung A-hàm, (211) Đại Câu-hi-la kinh, T. 1, tr. 792a. A-tỳ-đạt-ma Đại tỳ-bà-sa luận 153, T. 27, tr. 781b.

7 Trung A-hàm, (75) Tịnh bất động đạo kinh, T. 1, tr. 542c.

(I) Trung bộ, (106) Bất động lợi ích kinh, Nam truyền 22 thượng, tr. 343.

(a) Pāli: Puna caparaṃ, bhikkhave, ariyasāvako iti paṭisañcikkhati – ‘nāhaṃ kvacani kassaci kiñcanatasmiṃ, na ca mama kvacani kismiñci kiñcanaṃ natthī’ti. M.III,6.

8 Sđd 7. 

9 A-tỳ-đạt-ma Đại tỳ-bà-sa luận 84, T. 27, tr. 433b.

(II) Trung A-hàm, (75) Tịnh bất động đạo kinh, T. 1, tr. 543a-b.

(I) A-tỳ-đạt-ma Đại tỳ-bà-sa luận 104, T.27, tr. 541b.

1 Tạp A-hàm 20, T. 2, tr. 146b.

2 Tạp A-hàm 20, T. 2, tr. 146a. 

3 Tăng chi bộ, phẩm 9 pháp, Nam truyền 22 thượng, tr. 125-126.

4 Tạp A-hàm 21, T. 2, tr. 149c. Tương ưng bộ, Chất-đa tương ưng (41), Nam truyền 15, tr.451.

(II) Tạp A-hàm 45, T. 2, tr. 331b.

5 Tương ưng bộ, (8) Bà-kì-sa trưởng lão tương ưng, Nam truyền 12, tr. 325.

6 Du-già sư địa luận 17, T.30, tr. 372b-c.

7 A-tỳ-đạt-ma Đại tỳ-bà-sa luận 104, T.27, tr.541b-c.

(III) Du-già sư địa luận 12, T. 30, tr. 337b.

8 Tăng chi bộ, phẩm 6 pháp, Nam truyền 20, tr. 20-21. A-tỳ-đạt-ma Tập dị môn túc luận 15, T. 26, tr. 431a.

9 Tăng chi bộ, phẩm 6 pháp, Nam truyền 20, tr. 156-157. Trung A-hàm, (82) Chi-ly-di-lê kinh, T. 1, tr. 559a. 

(IV) Tạp A-hàm 21, T. 2, tr. 146c.

10 Tăng chi bộ, phẩm 9 pháp, Nam truyền 22 thượng, tr. 127.

11 Tăng chi bộ, phẩm 9 pháp, Nam truyền 22 thượng, tr. 112-124.

(V) A-tỳ-đạt-ma Đại tỳ-bà-sa luận 105, T. 27, tr. 542a.

12 Trung A-hàm, (75) Tịnh bất động đạo kinh, T. 1, tr. 543a. Trung bộ, (106) Bất động lợi ích kinh, ‘vô tưởng’ chép là ‘Phi tưởng phi phi tưởng xứ’.

13 Tương ưng bộ, (40) Mục-kiền-liên tương ưng, Nam truyền 15, tr. 405-414.

14 Tương ưng bộ, (28) Xá-lợi-phất tương ưng, Nam truyền 14, tr. 380-385.

(VI) Trường A-hàm, (2) Du hành kinh, T. 1, tr. 15b.

15 Căn bản Thuyết nhất thiết hữu bộ Tỳ-nại-da tạp sự 36, T. 24, tr. 387b. Trường bộ, (16) Đại Bát-niết-bàn kinh, Nam truyền 7, tr. 68.

16 Trung A-hàm, (210) Pháp lạc tỳ-kheo-ni kinh, T. 1, tr. 789a. Xem thêm: (211) Đại Câu-hi-la kinh, T. 1, tr. 791c-792a.

17 Trung A-hàm, (22) Thành tựu giới kinh, T. 1, tr. 449c. Tăng chi bộ, phẩm 5 pháp, Nam truyền 19, tr. 268-269.

18 Trường bộ, (15) Đại duyên kinh, Nam truyền 7, tr. 22-24. Trường A-hàm, (13) Đại duyên phương tiện kinh, T. 1, tr. 62b. Trung A-hàm, (97) Đại nhân kinh, T. 1, tr. 582a.

19 Trung A-hàm, (210) Pháp lạc tỳ-kheo-ni kinh, T. 1, tr. 789a. Xem thêm: (211) Đại Câu-hi-la kinh, T. 1, tr. 792a.

20 Trường bộ, (33) Đẳng tụng kinh, Nam truyền 8, tr. 343-344. Trường A-hàm, (9) Chúng tập kinh, T. 1, tr. 52b-c. Tăng chi bộ, phẩm 9 pháp, Nam truyền 22 thượng, tr. 77-78. Tăng nhất A-hàm, Cửu chúng sanh cư phẩm, T. 2, tr. 764c-765a.

21 Trường bộ, (24) Ba-lê kinh, Nam truyền 8, tr. 43. Trường A-hàm, (15) A-nậu-di kinh, T. 1, tr. 69c.

(VII) Tạp A-hàm 10, T. 2, tr. 72a-b.

22 Tương ưng bộ, (22) Tương ưng uẩn, Nam truyền 14, tr. 150.

(a) Tạp A-hàm 29, T. 2, tr. 208c4-5, và nhiều nơi khác.

(VIII) Tạp A-hàm 33, T. 2, tr. 236a-b.

23 Biệt dịch Tạp A-hàm kinh 8, T. 2, tr. 431a.

24 Tạp A-hàm 12, T. 2, tr. 85c. Xem thêm quyển 10, T. 2, tr. 72b.

25 Tăng chi bộ, phẩm 11 pháp, Nam truyền 22 hạ, tr. 291.

26 Xin xem tác phẩm của tôi: Sơ kỳ đại thừa Phật giáo chi khởi nguyên dữ khai triển, tr. 278-284.

(IX) A-tỳ-đạt-ma Đại tỳ-bà-sa luận 40, T. 27, tr. 209b.

27 A-tỳ-đạt-ma Đại tỳ-bà-sa luận 40, T. 27, tr. 209c. Xem thêm quyển 104, T. 27, tr. 541c.

28 Tăng chi bộ, phẩm 7 pháp, Nam truyền 20, tr. 326-328.

29 A-tỳ-đạt-ma Đại tỳ-bà-sa luận 40, T. 27, tr. 209b.

(XI) A-tỳ-đạt-ma Đại tỳ-bà-sa luận 185, T. 27, tr. 927c.

(a) Tiểu không kinh là bài kinh ngắn nói về không và Đại không kinh là bài kinh dài nói về không.

(b) Không tiểu kinh (空小經) và Không đại kinh (空大經) là Hán dịch từ bản Pāli của Cūḷa-suññatasutta (bài kinh nhỏ nói về không) và Mahā-suññatasutta (bài kinh lớn nói về không) thuộc Trung bộ (Majjhima-nikāya).

1 Tạp A-hàm 9, T. 2, tr. 57b.

2 Trung A-hàm, (190) Tiểu không kinh, T. 1, tr. 737a-c. Trung bộ, (121) Không tiểu kinh, Nam truyền 11 hạ, tr. 119-127.

(c) Pāli: Evampissa esā, ānanda, yathābhuccā avipallatthā parisuddhā suññatāvakkanti bhavati.

3 ‘Vô tận, vô lậu, vô vi tâm giải thoát’, A-tỳ-đạt-ma Đại tỳ-bà-sa luận 105, T. 27, tr. 543a, dẫn kinh nói: ‘có thể nhanh chóng trừ sạch các lậu, chứng đắc vô lậu, vô gia hành giải thoát.’

4 Du-già sư địa luận 36, T. 30, tr. 488c-489a; và quyển 90, tr. 812c.

5 ‘Bì lao’, Trung bộ, (121) Không tiểu kinh, gọi là ‘hoạn não’ (daratha). Du-già sư địa luận 90, T. 30, tr. 812c, giải thích rằng: ‘thô trọng, không sống trong tịch tĩnh, và rạo rực [xí nhiên].’

(I) Tiểu không kinh, T. 1, tr. 737c.

6 Du-già sư địa luận 90, T. 30, tr. 812c-813a.

7 A-tỳ-đạt-ma Đại tỳ-bà-sa luận 104, T. 27, tr. 541b.

8 Trung A-hàm, (191) Đại không kinh, T. 1, tr. 738a-740c. Trung bộ, (122) Đại không kinh, Nam truyền 11 hạ, tr. 127-139.

9 Trung bộ, (122) Không đại kinh, Nam truyền 11 hạ, tr. 130, nói: ‘tâm không lao chao, không hớn hở, không trụ trong định, không giải thoát.’

10 Du-già sư địa luận 90, T. 30, tr. 813a-b.

(II) Trung A-hàm, Đại không kinh, T. 1, tr. 739b.

(d) Bản Hán chép là 五欲功德 (ngũ dục công đức). Pāli: pañca kāma-guṇa, Hán dịch: 五種欲 (năm loại dục), 五妙欲 (năm loại diệu dục). Guṇa, Hán dịch là đức hạnh (德行), đặc chất (特質), trùng (重), chủng (種), chủng loại (種類). Theo Phật học đại từ điển của Đinh Phúc Bảo giải thích: Năm cảnh là sắc, thanh, hương, vị, xúc có tính hữu lậu, tự tánh của nó tuy là khổ và bất tịnh, nhưng với tâm ham muốn của kẻ phàm phu thì cảm nhận nó là cái vui tốt đẹp.

11 Tham chiếu: Tạp A-hàm 13, T. 2, tr. 89b, chép: ‘Con mắt thấy được thứ sắc mà đáng yêu thích, đáng nhớ, đáng suy nghĩ, thì làm lớn mạnh sự ham muốn.’

(e) Thắng đẳng giác勝等覺, Skt: abhisambuddha – sự giác ngộ hoàn toàn.

12 Sđd 1.

13 Trung bộ, (151) Khất thực thanh tịnh kinh, Nam truyền 11 hạ, tr. 426-432.

(f) Pāli: Evampissa esā, ānanda, yathābhuccā avipallatthā parisuddhā suññatāvakkanti bhavati. M.3,121.

14 Trung A-hàm, (190) Tiểu không kinh, T. 1, tr. 737a-c. Trung bộ, (121) Không tiểu kinh, Nam truyền 11 hạ, tr. 120 trở xuống.

(b) Skt: itaretaraśūnyatā punarmahāmate katamā ? yaduta yadyatra nāsti tattena śūnyamityucyate | tadyathā mahāmate śṛgālamātuḥ prāsāde hastigavaiḍakādyā na santi | aśūnyaṁ ca bhikṣubhiriti bhāṣitaṁ mayā | sa ca taiḥ śūnya ityucyate | na ca punarmahāmate prāsādaḥ prāsādabhāvato nāsti, bhikṣavaśca bhikṣubhāvato na santi | na ca te'nyatra hastigavaiḍakādyā bhāvā nāvatiṣṭhante | idaṁ mahāmate svasāmānyalakṣaṇaṁ sarvadharmāṇām | itaretaraṁ tu na saṁvidyate | tenocyate itaretaraśūnyateti | eṣā mahāmate saptavidhā śūnyatā | eṣā ca mahāmate itaretaraśūnyatā sarvajaghanyā | sā ca tvayā parivarjayitavyā || “Sao gọi là ‘bỉ bỉ không’? Vì ở trong đây không có cái kia nên gọi là ‘bỉ bỉ không’. Giống như trong giảng đường Lộc tử mẫu không có voi, ngựa, bò, dê, v.v., Ta nói rằng, chúng không có trong giảng đường, chẳng phải là không có chúng tỳ kheo. Này Đại huệ! Chẳng phải nói giảng đường không tự tánh giảng đường, chẳng phải nói tỳ-kheo không có tự tánh tỳ-kheo, chẳng phải nói ở nơi khác không có voi, ngựa, bò, dê. Này Đại huệ! Đối tự tướng và cộng tướng của tất cả các pháp, không thể suy tìm được (tự tánh) mỗi mỗi cái đó, cho nên gọi là ‘bỉ bỉ không’.  Đại thừa Nhập Lăng-già 2, T. 16, no. 672, tr. 599a8-14.

15 Đại thừa nhập Lăng già kinh 2, T. 16, tr. 599a.

1 Tạp A-hàm 3, T. 2, tr. 20a-b.

2 Phật thuyết Thánh Pháp ấn kinh, T. 2, tr. 500a-b.

3 Phật thuyết Pháp ấn kinh, T. 2, tr. 500b-c.

(a) Nguyên văn là ly dục (離欲), ở đây phải được hiểu rằng, sắc là pháp không thể truy cầu, không thể đạt được.

4 Du-già sư địa luận 87, T. 30, tr. 792a.

5 A-tỳ-đạt-ma Đại tỳ-bà-sa luận 104, T. 27, tr. 541c. Du-già sư địa luận 87, T. 30, tr. 792a.

1 Trung A-hàm, (211) Đại Câu-hi-la kinh, T. 1, tr. 792a.

2 Tương ưng bộ, (43) Vô vi tương ưng, Nam truyền 16 thượng, tr. 79.

3 Trường bộ, (33) Đẳng tụng kinh, Nam truyền 8, tr. 298. Trường A-hàm, (9) Chúng tập kinh, T. 1, tr. 50b.

4 Trung A-hàm, (211) Đại Câu-hi-la kinh, T. 1, tr. 792a. Trường A-hàm, (9) Chúng tập kinh, T. 1, tr. 50b. A-tỳ-đạt-ma Đại tỳ-bà-sa luận 104, T. 27, tr. 538a. Du-già sư địa luận 12, T. 30, tr. 337a-c.

5 Trường bộ, (33) Đẳng tụng kinh, Nam truyền 8, tr. 298. Tương ưng bộ, (43) Vô vi tương ưng, Nam truyền 16 thượng, tr. 79. Tăng chi bộ, phẩm 3 pháp, Nam truyền 17, tr. 495.

(I) Trung A-hàm, (211) Đại Câu-hi-la kinh, T. 1, tr. 792b.

6 Trung bộ, (43) Hữu minh đại kinh, Nam truyền 10, tr. 27.

7 Tăng chi bộ, phẩm 11 pháp, Nam truyền 22 hạ, tr. 291; và: phẩm 10 pháp, Nam truyền 22 thượng, tr. 209-210.

(a) Pāli: ‘‘Saññāvedayitanirodhasamāpattiyā vuṭṭhitaṃ kho, āvuso visākha, bhikkhuṃ tayo phassā phusanti – suññato phasso, animitto phasso, appaṇihito phasso’’ti. M.1,44.

8 Trung bộ, (44) Hữu minh tiểu kinh, Nam truyền 10, tr. 27.

9 Trung A-hàm, (211) Đại Câu-hi-la kinh, T. 1, tr. 792a. Nhưng theo A-tỳ-đạt-ma Đại tỳ-bà-sa luận 153, T. 27, tr. 781b, thì Pháp lạc tỳ-kheo-ni kinh, và Trung bộ nói phù hợp nhau.

10 A-tỳ-đạt-ma Đại tỳ-bà-sa luận 153, T. 27, tr. 781b. Du-già sư địa luận 12, T. 30, tr. 341a.

11 Trung bộ, (105) Thiện tinh kinh, Nam truyền 11 thượng, tr. 331-332. Trung bộ, (106) Bất động lợi ích kinh, Nam truyền 11 thượng, tr. 341-343. Trung A-hàm, (75) Tịnh bất động đạo kinh, T. 1, tr. 542b-543a.

12 Trung A-hàm, (191) Đại không kinh, T. 1, tr. 738b-739a.

13 A-tỳ-đạt-ma Đại tỳ-bà-sa luận 153, T. 27, tr. 781b.

(II) Trung A-hàm, (211) Đại Câu-hi-la kinh, T. 1, tr. 792a-b.

(III) Tạp A-hàm 10, T. 2, tr. 71a và 66c.

14 Căn bản Thuyết nhất thiết hữu bộ tỳ-nại-da 9, T. 23, tr. 670c.

15 Tạp A-hàm 1, T. 2, tr. 1a, 2a, 6a, 6b.

16 Như Tạp A-hàm 27, T. 2, tr. 195b-c.

17 A-tỳ-đạt-ma Đại tỳ-bà-sa luận 28, T. 27, tr. 145c.

18 Phật thuyết pháp ấn kinh, T. 2, tr. 500c.

(I) Du-già sư địa luận 11, T. 30, tr. 331a.

1 Tăng chi bộ, phẩm 5 pháp, Nam truyền 19, tr. 165.

2 A-tỳ-đạt-ma Đại tỳ-bà-sa luận 11, T. 27, tr. 53a.

3 Du-già sư địa luận 11, T. 30, tr. 332c.

4 A-tỳ-đạt-ma Đại tỳ-bà-sa luận 85, T. 27, tr. 442b.

5 Trung bộ, (122) Đại không kinh, Nam truyền 11 hạ, tr. 129. Trung A-hàm, (191) Đại không kinh, T. 1, tr. 738b, nói: ‘Vượt qua tất cả sắc tưởng, đi trong nội không.’

6 Trung bộ, (106) Bất động lợi ích kinh, Nam truyền 11 thượng, tr. 343. Trung A-hàm, (75) Tịnh bất động đạo kinh, T. 1, tr. 542c.

7 Tạp A-hàm 29, T. 2, tr. 207b-208a. Tương ưng bộ, (54) Nhập xuất tức tương ưng, Nam truyền 16 hạ, tr. 193-196. Giới tự sát của bốn ba-la-di trong các bộ Quảng luật đều có chép nguyên nhân này.

(II) Tạp A-hàm 17, T. 2, tr. 116c.

(a) Pāli: “Ābhādhātu, subhadhātu, ākāsānañcāyatanadhātu, viññāṇa-ñcāyatana-dhātu, ākiñcaññāyatanadhātu, nevasaññānāsaññāyatana-dhātu, saññāvedayitanirodhadhātu.” S. 14. 11. Sattimā.

8 Tương ưng bộ, (14) Giới tương ưng, Nam truyền 13, tr. 222-223.

(b) Pāli: “Yāyaṃ, bhikkhu, ābhādhātu – ayaṃ dhātu andhakāraṃ paṭicca paññāyati. Yāyaṃ, bhikkhu, subhadhātu – ayaṃ dhātu asubhaṃ paṭicca paññāyati.” S. 14. 11. Sattimā.

(III) Trung A-hàm, (73) Thiên kinh, T. 1, tr. 540b-c.

9 Tăng chi bộ, phẩm 8 pháp, Nam truyền 21, tr. 241-245.

10 Xin xem tác phẩm của tôi: Sơ kỳ Đại thừa Phật giáo chi khởi nguyên dữ khai triển, tr. 847-848.

11 Ban-chu tam-muội kinh, quyển thượng, T. 13, tr. 905c-906a.

12 Nhiếp Đại thừa luận bổn, quyển thượng, T. 31, tr. 137b.

13 Trung A-hàm, (79) Hữu thắng thiên kinh, T. 1, tr. 549b-550c. Trung bộ, (127) A-na-luật kinh, Nam truyền 11 hạ, tr. 179-190.

14 Thuyết nói về ba cõi trời, lại thấy trong: Trung A-hàm, (78) Phạm thiên thỉnh Phật kinh, T. 1, tr. 548a.

15 Tu tập về quang minh tưởng [quán tưởng về ánh sáng] được ứng dụng rất rộng rãi, như khi ngủ cũng có quán tưởng về ánh sáng, hoặc giải thích ánh sáng là ‘pháp quang minh’ [pháp dùng ánh sáng để tu tập]. 

http://thuvienhoasen.org/D_1-2_2-77_4-17605_5-9_6-1_17-86_14-2_15-2/#nl_detail_bookmark