Hiển thị các bài đăng có nhãn Diệt đế. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Diệt đế. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Năm, 10 tháng 10, 2013

DIỆT ĐẾ (Nirodha Dukkha)

HT Thích Thiện Hoa 


SAU KHI NÓI VỀ PHƯƠNG DIỆN ĐAU KHỔ XONG, ĐỨC PHẬT NÓI VỀ PHƯƠNG DIỆN AN LẠC 

Sau khi giải bày đầy đủ hiện tượng nhân quả về phần nhiễm, về phương diện đau khổ xong, đức Phật liền thuyết minh các hiện tượng nhân quả về phần tịnh, về phương diện an lạc. Nói một cách khác dau khi dạy xong Khổ đế và tập đế, đức Phật liền dạy Diệt đế và đạo đế. Có người chỉ thấy hai phần đầu của Tứ đế là Khổ và Tập, nên đã tưởng Phật là đạo yếm thế, bi quan.

Họ cho rằng Phật giáo gieo vào lòng người sự chán đời và tuyệt vọng. Họ đã lầm lớn! Kẻ bi quan, chán đời là kẻ thấy cuộc đời xấu xa, đau khổ, mà không tìm ra phương pháp để giải thoát ra khói cảnh ấy, mà chỉ buông xuôi tay ngồi nhìn và khóc than, sầu khổ. Ðạo Phật không làm như thế. Ðạo Phật trình bày cho mọingười nhìn thấy cái hiện tại đen tối của mình, cái hoàn cảnh xấu xa, có nhiều sự sự khuyết điểm, để cải đổi nó, kiến tạo lại một cuộc sống đẹp đẽ, an vui hơn. Một giáo lý như thế, không thể gọi là yếm thế, bi quan được mà chính là yêu đời, lạc quan, vì còn tin tưởng ở khả năng kiến tạo của mình và chúng sinh. Cảnh giới mà Ðức Phật trình bày cho chúng ta thấy ở đầy là một cảnh giới hoàn toàn trái ngược với cảnh giới tối tăm, sầu khổ, đớn đau mà chúng ta đang sống. Cảnh giới ấy là cảnh giới huy hoàng, an lạc, mà chỉ những người diệt tục, hết mê mới đạt được.

Thứ Tư, 5 tháng 12, 2012

Diệt đế (Bài 3)



         Bài 1: KHỔ ĐẾ

         Bài 2: TẬP ĐẾ

         Bài 3: DIỆT ĐẾ


Hòa thượng WALPOLA RAHULA




Chân lý cao cả thứ ba là có một lối thoát cho khổ đau, ra khỏi sự tiếp nối của dukkha. Ðây là chân lý cao cả về sự chấm dứt khổ, gọi là Niết-bàn (Pàli Nibbàna, hay thông dụng hơn, Sanskrit Nirvàna.)

Muốn tận diệt dukkha người ta phải diệt cội gốc chính của dukkha là khát ái tanhà, như đã nói trên. Bởi thế Niết-bàn còn gọi là ái diệt (tanhakkhaya) sự dứt tiệt dục vọng.

Bây giờ bạn sẽ hỏi: "Nhưng Niết-bàn là gì?" Ðể trả lời câu hỏi khá tự nhiên và đơn giản ấy, nhiều sách vở đã được viết ra nhưng chỉ làm vấn đề thêm rắc rối hơn là sáng tỏ. Giải đáp hợp lý duy nhất cho câu hỏi ấy là, ta không thể nào dùng ngôn từ để giải đáp đầy đủ và thỏa đáng, vì ngôn ngữ con người quá nghèo nàn để diễn đạt thực chất của Niết-bàn, Chân lý tuyệt đối hay Thực tại tối hậu. Ngôn ngữ được con người đặt ra và sử dụng để mô tả những sự vật và ý tưởng thuộc kinh nghiệm giác quan và ý thức. Nhưng một kinh nghiệm siêu việt con người như kinh nghiệm về thực tại tuyệt đối, thì không thuộc vào phạm vi giác quan, ý thức. Bởi thế không có từ ngữ nào để diễn đạt kinh nghiệm ấy, cũng như trong ngữ vựng của con cá không có danh từ để diễn tả tính chất của đất cứng. Khi rùa trở lại trong nước kể cho cá nghe nó vừa đi dạo trên đất liền, cá bèn hỏi: "Dĩ nhiên là anh muốn nói anh bơi lội trên đó chứ?" Rùa cố giải thích rằng người ta không thể bơi lội trên đất cứng, mà đi trên ấy; nhưng cá vẫn khăng khăng một mực rằng không thể có chuyện như thế, đấy phải là chất lỏng như hồ ao của nó, có sóng nước, và ta phải có thể nhào lộn bơi lội trong đó.