NGHIÊN CỨU VỀ
TRIẾT HỌC TÁNH KHÔNG
Nguyên tác: Pháp sư Ấn Thuận
Chuyển ngữ: Tỳ-kheo Thích Nhuận Thịnh
CHƯƠNG I.
A-HÀM – KHÔNG VÀ CON ĐƯỜNG GIẢI THOÁT
1. Dẫn nhập
Không (śūnya, suñña) và tánh không (śūnyatā, suññatā) là thuật ngữ quan trọng trong Phật pháp. Trong quá trình truyền bá và lưu thông Phật pháp, nghĩa “không” không ngừng được phát huy, từ sự đức Phật được tôn xưng là Không vương, Phật giáo được tôn xưng là Không môn thì có thể hình dung được sự rộng lớn và sâu xa của nghĩa “không” này. Nhưng ý nghĩa của không và tánh không vào thời kỳ đầu, rốt cục biểu thị điều gì? Trong trường hợp cụ thể nào đó, tánh không biểu thị cho chân lý rất phổ biến, hoặc chỉ cho chân lý tuyệt đối vậy!
Vấn đề được Phật pháp giải quyết, vốn là vấn đề chung của giới tôn giáo đương thời tại Ấn độ. Đối mặt với sự thật sanh ra rồi chết, chết rồi tái sanh – sanh tử lưu chuyển, nên tìm cầu được giải thoát triệt để đối với sanh tử - niết-bàn, cũng chính là thực hiện lý tưởng tối cao. Sự thật và lý tưởng, trên nguyên tắc vốn là gần nhau, mà làm sao để thự hiện sự giải thoát thì mỗi giáo phái đều có nêu ra quan điểm và phương pháp của mình, nhưng lại không giống nhau. Đức Thích tôn đặt nền tảng nơi sự giác ngộ triệt để về ý nghĩa thật sự của nhân sanh, đã đề xuất ra con đường chân chánh độc đáo – trung đạo. Giáo thuyết nguyên thỉ của đức Thích tôn, trên thật tế, đều không có lấy không làm chủ đề để tuyên dương, nhưng đặc tính của Phật pháp, chính xác là có thể lấy không để biểu đạt. Cho nên, trong Phật pháp, nghĩa “không” càng quan trọng hơn, cuối cùng trở thành luận đề chủ yếu thâm sâu của Phật pháp.