HỎI: Quan điểm về Nghiệp của Phật giáo có sự khác biệt như thế nào so với quan điểm Số mệnh của Nho giáo ?
ĐÁP: Đời sống của con người vốn rất đa dạng, muôn màu và vô cùng sai biệt. Mỗi cá nhân có một cấu trúc tâm sinh lý và hoàn cảnh, điều kiện sống hoàn toàn khác biệt nhau.
Cùng là con người, nhưng có sự bất đồng rõ rệt giữa giàu nghèo, xấu đẹp, khoẻ mạnh và đau yếu, trường thọ và chết yểu, thành công và thất bại, hạnh phúc và khổ đau… Để trả lời câu hỏi nhân sinh vĩ đại này, các tôn giáo và triết học đều có những kiến giải theo quan niệm của riêng mình. Phật giáo giải thích căn nguyên của sự dị biệt đó bằng thuyết Nghiệp hoàn toàn khác biệt với quan niệm Số mệnh của Nho giáo.
Số mệnh hay số phận là quan niệm của các trường phái triết học như Túc mệnh luận, Định mệnh luận và Thiên mệnh luận của Nho giáo.
Túc mệnh luận cho rằng, mỗi con người đều có một số mệnh do quá khứ an bài và xếp đặt. “Nhất động nhất tác giai do tiền định”, mỗi cử chỉ, mỗi động tác đều được quyết định trước ở quá khứ. Mọi cố gắng hay nỗ lực của con người đều vô ích.
Định mệnh luận có cùng quan niệm như Túc mệnh luận nhưng cường điệu hơn tính chất bất khả kháng của số mệnh. Số mệnh là quyết định, không thể thay đổi, phủ nhận hoàn toàn mọi nỗ lực cá nhân.