Vấn đề giải thoát trong pháp môn Niệm Phật
GN - Tịnh độ chân nghĩa là gồm sức tự lực và tha lực, tạo thành sức mạnh tâm linh, dễ đạt được vãng sanh và chứng đắc Niết-bàn.
1.1 Khái niệm về pháp niệm Phật và cảnh giới Tịnh độ
Niệm Phật được xem là pháp môn căn bản trong các pháp môn được Đức Phật dạy trong Kinh tạng Nguyên thủy và Kinh tạng Đại thừa. Thực tiễn tu tập hiện nay cho thấy có khá nhiều người quan tâm đến pháp tu niệm Phật và cảnh giới Tịnh độ.
Niệm Phật (niệm Tam bảo) là một phương pháp mầu nhiệm giúp tâm an định, dứt trừ sợ hãi và bất an
Tịnh độ là cõi giới thanh tịnh. Kinh Phật giới thiệu nhiều cõi Tịnh độ, như Tịnh độ Phật A Di Đà, Tịnh độ Phật Dược Sư, Tịnh độ Phật Di Lặc, Tịnh độ Nhân gian (theo quan điểm kinh Duy Ma Cật), Duy tâm Tịnh độ và nhiều cảnh Tịnh độ khác.
Luận về kết quả sau cùng của sự tu niệm, thì các pháp tu đều đưa đến giải thoát trực tiếp hoặc gián tiếp. Tùy theo mục đích tu tập mà có thành quả khác nhau về sự chứng ngộ hoặc vãng sanh.
Bài viết này nhấn mạnh ý nghĩa giải thoát từ pháp Niệm Phật theo quan niệm của Tịnh Độ tông.