DUY BIỂU HỌC
Thích Nhất Hạnh
Nhà xuất bản Lá Bối
CHƯƠNG KẾT: NHỮNG NỖ LỰC ĐỂ HỆ THỐNG HÓA DUY BIỂU
CHƯƠNG KẾT: NHỮNG NỖ LỰC ĐỂ HỆ THỐNG HÓA DUY BIỂU
Nói tới những cố gắng, những nỗ lực để hệ thống hóa tư tưởng Duy Biểu, trước hết chúng ta phải nói tới Thầy Vô Trước (Asanga). Thầy Vô Trước là anh của Thầy Thế Thân (Vasubandhu). Thầy Vô Trước viết Nhiếp Đại Thừa Luận. Trong chương đầu của Nhiếp Đại Thừa Luận Thầy gọi thức A-lại-gia thức là Sở Tri Y, tức là nền tảng của đối tượng nhận thức: núi, sông, cây, cỏ, người, vật, tâm thức. Sau đó là Thầy Thế Thân. Thầy Thế Thân rất nổi tiếng,nổi tiếng hơn cả anh của thầy (là thầy Vô Trước). Đó là nhờ tác phẩm Ba Mươi Bài Tụng Duy Biểu.
Sau Thầy Thế Thân có nhiều thầy khác, nhưng mà nổi bật nhất là Thầy Trần Na (Dignāga). Thầy Trần Na sáng tác rất nhiều trong đó có Quán Sở Duyên tức là quán chiếu về đối tượng của nhận thức. Thầy Trần Na là người khai mở Duy Thức Mới. Thầy đưa vào trong Duy Biểu Học của Thầy Vô Trước và Thầy Thế Thân yếu tố luận lý học (logic) và yếu tố nhận thức luận (epistemology). Trong đạo Bụt có một môn học về lý luận học gọi là Nhân Minh Học (năm xưa tác giả có viết một tập sách về vấn đềnày ). Nhận thức luận là một phần trong triết học đã đặt vấn đề tâm thức con người có thể đạt đến chân lý tối hậu hay không, có biết được sự thật về thực tại hay không? Nếu tâm con người không có khả năng đó thì không nên cố gắng, chỉ mất công sức và thì giờ. Trong Duy Biểu Học của Thầy Trần Na có mầu sắc của luận lý học và nhận thức luận nhưng tất cả đều có bản chất tâm học (the study of mind) của Phật giáo.