Written by Thư Viện Quang Minh
Tuesday, 12 July 2011 16:07
Mahayana có tên gọi khác là Phật giáo Đại thừa. Từ thế kỉ thứ 1 TCN các tư tưởng Đại thừa đã bắt đầu xuất hiện và thuật ngữ Mahayana, hay Đại thừa, chỉ thực sự có khi nó được đề cập trong bộ kinh Diệu Pháp Liên Hoa (Saddharma pundarika sutra). Nói chung, ý tưởng Mahayana là có xu hướng rộng rãi và tự do hơn là các phép tắc ràng buộc của Theravada.
Đến thế kỉ thứ 3 khái niệm Mahayana mới được xác định rõ ràng qua các trước tác của bồ tát Long Thọ (Nagarjuna) trong Trung Luận (hay Trung Quán Luận), chứng minh tính không của vạn vật. Các ý này đã được Long Thọ khai triển dựa trên khái niệm "Vô ngã" và "Duyên sinh" đã có từ trong các kinh điển Pali.
Vài đặc điểm chính của Mahyana bao gồm:
Nhấn mạnh đặc điểm vị tha và giác ngộ để trở thành bồ tát hay thành phật mà độ cho chúng sinh thành phật. Từ bi và trí huệ trở thành hai điểm song song tồn tại và hỗ trợ nhau.
Bồ tát đạo (Bodhisattva path): bao gồm việc thực hiện rốt ráo các đức tính bố thí, trì giới, nhẫn nhục, thiền định và trí huệ.
Nhiều hình ảnh phật ngoài Phật Thích Ca cũng đã được nêu lên và các vị phật này thị hiện ở nhiều nơi trong nhiều dạng khác nhau. Chẳng hạn như Phật A Di Đà (Amitabha).
Như là sự phát triển của các tư tưởng có sẵn trong Phật giáo, Mahayana cho rằng Phật hiện hữu 3 ứng thân: hoá thân, pháp thân và báo thân.