(HỮU THỂ VÀ THỜI GIAN)
Hồng Dương Nguyễn Văn Hai
Carl Jung và Wolfgang Pauli
Khái niệm “synchronicity”, xin tạm dịch, “lý đồng thời tương ưng”, do nhà tâm lý học Carl Jung, người Thụy Sĩ, thi thiết là để diễn tả phương cách nhận thức đặc biệt của người phương Đông. Ông nói: “Đồng thời tương ưng luận là thiên kiến của người phương Đông, nhân quả quan hệ luận là thiên kiến của người phương Tây”, “Khoa học Kinh Dịch chắc chắn là căn cứ không phải trên nguyên lý quan hệ nhân quả, mà trên một nguyên lý cho đến nay chưa có tên vì không ngộ hợp với chúng ta, do đó tôi tạm gọi là nguyên lý đồng thời tương ưng”, hay “Đạo có thể bất cứ là thứ gì, tôi dùng một chữ khác để gọi tuy không hẳn đúng nghĩa. Tôi gọi Đạo là lý đồng thời tương ưng (synchronicity)”. Nói một cách ngắn gọn, đồng thời tương ưng theo ông là sự “tương phù có ý nghĩa” (meaningful coincidence). Đây là trường hợp hai biến cố xảy ra đồng thời, nhưng biến cố này không sinh xuất từ biến cố kia và chúng không cùng chung một nhân. Không quan hệ nhân quả nào giữa hai biến cố đồng thời tương ưng tuy chúng nối kết nhau, một nối kết vô nhân (acausal connection). Hơn nữa, sự tương phù ở đây không phải là tình cờ, ngẫu nhiên. Đây là trường hợp tương phù có ý nghĩa giữa một trạng thái tâm thức (psychic event) và một biến cố ngoại giới (external event).
Thường rất khó phân biệt tương phù tình cờ và tương phù có ý nghĩa. Thêm nữa, Jung áp dụng lý đồng thời tương ưng nhiều cách khác nhau tại những địa điểm khác nhau, nên không biết ông có áp dụng lý ấy cho cùng một sự cố trong những tình huống khác nhau hay không. Bởi vậy muốn thông đạt lý ấy cần phải nương vào những thí dụ. Một trong những thí dụ ông thích kể là trường hợp rất khó tiến hành công việc chữa trị cho một bà bị bệnh tâm thần, nhưng mắc phải tính hay lý luận, luôn luôn nhìn sự vật qua lý tính của chúng. Ngày nọ, trong một buổi chữa bệnh, khi bà đang kể lại vai trò nổi bật của một nữ trang bằng vàng hình con bọ hung trong một giấc chiêm bao, Jung nghe tiếng va chạm nơi cửa kính. Ông nhìn lại thấy một con ong lớn màu vàng lục hình dáng giống như con bọ hung bằng vàng bà bệnh nhân đang tả. Ông mở cửa cho con ong bay vào, chụp lấy nó, rồi đưa cho bà, và nói: “Con bọ hung của bà đây nè”. Sự cố xảy ra hết sức bất ngờ và không hợp lý khiến bà bệnh nhân đoạn tuyệt hẳn thái độ chấp chặt vào thành kiến duy lý của mình. Sau đó sự chữa bệnh cho bà tiến hành khả quan và đạt kết quả tốt đẹp.
Jung xem đó là một tương phù có ý nghĩa. Một sự cố như thế phản ánh hai biến cố nội giới và ngoại giới, quả thật khó tin có thể xảy ra, cho nên không thể bảo đó là do tình cờ, ngẫu nhiên. Ngoài ra, đó cũng chẳng phải do quan hệ nhân quả. Con ong không làm phát sinh giấc mộng và ngược lại giấc mộng không là nguyên nhân con ong bay đến. Thêm nữa, cả giấc mộng và con ong không khởi hiện do điều kiện giống nhau.
Khảo sát khoa học và nhận thức đồng thời tương ưng là hai lối nhìn không mâu thuẫn mà kỳ thật bổ túc cho nhau. Trong thiên nhiên, mọi sự vật đều ở trạng thái biến thiên, chuyển động, và thay đổi. Tuy vậy, với lối nhìn khoa học, rõ ràng không có gì đơn thuần hiện khởi từ không, không từ những cái đã hiện hữu trước đó. Cũng không có gì biến mất chẳng lưu lại dấu tích nào, tuyệt đối không xuất sinh gì về sau. Đó là đặc tính khoa học của thế giới hiện tượng được tóm lược trong một nguyên ly căn bản, nói rằng mọi sự vật đều xuất xứ từ sự vật khác và sinh xuất các sự vật khác. Nguyên lý căn bản này không phải là mà thật ra bao quát luật nhân quả.
Khi khảo sát các tiến trình diễn tiến trong nhiều trạng huống khác nhau, bên trong cái biến thiên vô thường vô cùng phức tạp sự vật này xuất khởi từ sự vật kia, nhiều mối quan hệ tồn tại bền lâu được khám phá. Tánh bền lâu đó đem lại cho các mối quan hệ một ý nghĩa cần thiết, tất nhiên, nhất định phải như thế. Những quan hệ dị thời tất nhiên giữa sự vật, biến cố, điều kiện, .... ở vào một lúc và sự vật, biến cố, điều kiện, .... ở vào thời sau được gọi là luật nhân quả. Luật nhân quả khoa học luôn luôn gắn liền với khung không thời gian dùng để phát biểu chúng.
Trái lại, khi nói đến các hiện tượng đồng thời tương ưng trong đó một trạng thái tâm thức và một biến cố ngoại giới được kết hợp qua ý nghĩa chứ không qua tương quan nhân quả, thời chữ “đồng thời” hàm ý sự không lệ thuộc thời gian, nên cần hiểu là “phi thời”. Thêm nữa, ý nghĩa là do nhận biết, cho nên có thể nói theo Duy thức đồng thời tương ưng là nhân duyên biến, một cách y thức biến.
Jung tìm cách phô diễn trực giác của ông về lý đồng thời tương ưng theo khung khái niệm vật lý học. Với sự góp ý của nhà vật lý học Wolfgang Pauli (1900-1958), người Áo, đoạt giải Nobel Vật lý năm 1945, ông vẽ ra một đồ dạng biểu tượng mẫu hình bốn yếu tố của thiên nhiên sắp xếp theo lối nhị nguyên: năng lượng bất khả hủy diệt (indestructible energy) và môi trường liên tục không thời gian (space-time continuum), tương quan nhân quả, nối kết thường xuyên qua kết quả (causality, constant connection through effect) và nối kết bất thường qua cơ duyên, tương đẳng và ý nghĩa theo cái ông gọi là lý đồng thời tương ưng (synchronicity, inconstant connection through contingence, equivalence and meaning).
Năng lượng bất khả hủy diệt
Nối kết thường xuyên qua kết quả (tương quan nhân quả)
Nối kết bất thường qua cơ duyên, tương đẳng và ý nghĩa (đồng thời tương ưng)
Môi trường liên tục Không Thời gian
Đem “ý nghĩa” (meaning) vào trong đồ dạng của thiên nhiên, Jung muốn đề xướng một đường lối hợp chỉnh phương pháp khảo sát khách quan của vật lý học (kết hợp tất yếu: tương quan nhân quả) với những tánh trọng yếu chủ quan (tương phù có ý nghĩa: đồng thời tương ưng). Khác với những mẫu hình của các biến cố ngẫu phát, mẫu hình của các biến cố đồng thời tương ưng luôn luôn đượm một ý nghĩa hay trọng yếu tánh đối với cá nhân kinh nghiệm chúng. Trong khi định luật vật lý không đả động dục ái của con người và nhu cầu của ý nghĩa, thời nguyên lý đồng thời tương ưng tác dụng như tấm gương phản ánh các tiến trình biến dịch nội tâm, và biểu hiện thành sự tướng bên ngoài. Jung tin rằng lý đồng thời tương ưng là một cuộc đối thoại giữa tâm lý học và vật lý học, dẫn nhập môn học này vào môn học kia. Đó chính là phương cách hữu hiệu tìm hiểu thiên nhiên trên hai khía cạnh bổ sung, chủ thể và khách thể, thấy được tướng sai biệt của những hiện hữu cùng chung một căn bản y.
Tư tưởng đồng thời tương ưng xuất hiện và triển khai từ những mầm mống có sẵn trong cuộc đời và sự nghiệp của Jung và Pauli. Tưởng cũng nên biết qua về nguyên nhân đã mang lại sự tương phù có ý nghĩa giữa kinh nghiệm hoàn toàn khác nhau của hai nhà tâm lý học và vật lý học nổi danh này.
Carl Jung sinh tại Thụy Sĩ năm 1875. Thuở nhỏ, ông hay đau yếu, cá tính nội khuynh, thích chuyện mộng mị, cuồng huyễn, nhưng lớn lên lại là một sinh viên y khoa tráng kiện, ghiền rượu, cá tính ngoại hướng, chuyên ngành bệnh tâm thần. Sau cuộc gặp gỡ với Sigmund Freud năm 1907, ông được Freud xem như con. Trong một thư gửi cho ông, Freud viết: “Tôi có quyền hy vọng rằng không ai tài giỏi hơn ông để tiếp tục và hoàn tất sự nghiệp của tôi.”
Nhưng vào khoảng đầu năm 1909, nảy sinh sự bất đồng ý kiến giữa hai người về khái niệm vô thức. Theo quan điểm của Freud, vô thức cốt yếu là trung tâm của phi lý tính, phần lớn gồm những cái bị dồn ép, những dục vọng bản năng như những động lực loạn luân, ham muốn về xác thịt. Đó là một cái hầm phần lớn chứa những thói xấu của con người. Trong tư tưởng của Jung, vô thức cốt yếu là trung tâm của những căn nguồn thâm trầm nhất của trí huệ, của những tiềm năng sáng tạo. Khác với Freud khảo cứu căn cứ trên trí năng và khoa học truyền thống, Jung thiên về tâm thần luận, chú trọng khía cạnh tâm linh, huyễn ảo, và quan tâm đến ý nghĩa hàm chứa trong các hình ảnh kỳ lạ do bệnh nhân của ông phác họa và mộng tưởng.
Trong tự truyện “Ký ức, Mộng huyễn, và Cảm tưởng”, ông thuật lại cuộc hành trình dẫn ông càng lúc càng sâu vào những vùng ẩn tàng của tâm thức. Trong một giấc mộng, ông đã hình dung tâm thức như một ngôi nhà có hầm kín. Tại đó, một cánh cửa sập mở đường đến tận một cái hang thời tiền sử. Ông bắt đầu phát hiện vùng sâu thẳm nhất của tâm thức là cả một thế giới bao la sau này ông gọi là vô thức tập thể (collective unconscious) hay vô thức khách quan (objective unconscious). Thế giới này là chung cho toàn nhân loại, trong đó ông tìm thấy vô số hình thái đặc biệt đặt tên là mạn-đa-la (mandala).
Trong sách “Bảy bài giảng đạo cho người chết” (VII Sermones ad Mortuos) viết theo thể tài dự ngôn, ông mô tả cấu trúc và động chuyển của toàn vũ trụ, bao gồm thế giới vật chất và tâm thức. Ông cho rằng “the creatura” tức thế giới của các sự vật được sáng tạo xuất hiện từ một nền tảng không sai biệt, mà ông gọi là “the pleroma”. Ngay quyển sách ông viết được ví như sự xuất hiện của thức (consciousness) từ vô thức tập thể (collective unconscious), cứu cánh là từ cái bản nguyên mà ông mệnh danh “the psychoid”, tạm dịch là tâm thể. Tâm thể psychoid có thể hiểu như là trật tự cội nguồn từ đó phát xuất đằng này là những trật tự ở nhiều mức khác nhau của thức, và đằng kia là trật tự phóng khai của thế giới vật chất. Jung ví tâm thể psychoid với một quang phổ gồm chấn động tần số khác nhau, hai đầu mút ứng với tâm và vật. Vừa ở giữa vừa siêu quá tâm và vật là một vùng phân bố vô số khả năng ẩn tàng. Theo ông, đồng thời tương ưng là do sự “động chuyển (movement)” của quang phổ ấy biểu hiện ở hai đầu mút thành những mẫu hình trong thế giới tâm và vật. Jung tìm cách giải thích nguồn gốc của tâm thức rập theo chủ trương vật lý học cho rằng vật chất được tạo ra từ một rỗng không vô sai biệt. Vượt quá vô thức cá nhân, trong những tầng sâu thẳm nhất, tâm thể psychoid hàm chứa cấu trúc hoành phú của các mẫu hình đối xứng và trung tâm năng lượng. Đó là nơi kết thai tri thức, cảm giác, khoa học, và nghệ thuật, tức tâm và vật.
Nói “tương phù có ý nghĩa”, chữ “ý nghĩa” ở đây không hẳn chỉ có tánh cách chủ quan, tùy thuộc cá nhân. Trong số các tác dụng tâm lý Jung thường đề cập là suy tư (thinking), thọ cảm (feelingï), xúc cảm (sensation), và trực cảm (intuition), Jung cho rằng thọ cảm liên quan trực tiếp với sự lượng định ý nghĩa hay giá trị. Sánh đôi với sự thông hiểu nguyên nhân, thọ cảm là tác dụng của tình ý. Suy tư và thọ cảm, trí tính và tình ý được điều hòa và cân bằng chỉ khi nào sự phối hợp tư duy và logic bao hàm sự phán đoán cả về sự thật và ý nghĩa hay giá trị của thế giới tâm và vật. Nhờ vậy mới so sánh đối chiếu được ý nghĩa hay giá trị của thế giới với lý tưởng cuộc sống hầu phán định một cách chính xác rồi tìm ra nguyên tắc thực hiện lý tưởng. Do đó, theo Jung, ý nghĩa hay giá trị cũng xác đáng và khách quan không kém những đối tượng khái niệm do tác dụng suy lý phán đoán thi thiết.
Ý nghĩa hay giá trị hiểu theo nghĩa khách quan cho ta nhận biết sự hiện thành các sự cố đồng thời tương ưng hay sự kết hợp có ý nghĩa giữa bên trong với bên ngoài, giữa tự ngã với thiên nhiên. Nếu ý nghĩa là thuần túy chủ quan hay được hiểu theo đặc điểm tâm lý cá nhân thời biến cố đồng thời tương ưng chỉ là những giai thoại dựng đứng. Đồng thời tương ưng chân thực ám thị một thực tại điểm, một chân như tuy không lệ thuộc sự phân biệt, không sắc tướng sai khác, bất khả đắc, nhưng vẫn xuất hiện như là những thực tại, có thể được định danh, được định nghĩa, được phân biệt, mặc dù như thế nó không còn là chân như nữa.
Để mô tả những thực tại này, Carl Jung đề khởi khái niệm nguyên hình (archetypes). Chúng là những mẫu hình và cấu trúc phổ quát nằm sâu trong tâm thể psychoid của nhân loại, là chủng tử của sự nhận biết tức thức, từ đó hiển phát những mẫu hình tâm và vật. Hai hiện tượng hay sự cố đồng thời tương ưng không tương sanh tương thuộc, không tương quan giữa cái này với cái kia theo luật nhân quả dị thời của khoa học mà theo luật biến chuyển tùy duyên, sinh diệt đồng thời: luật chuyển biến nhân quả hiện tại đồng thời. Có thể nói theo Duy thức, đó là sự hiển phát nguyên hình bởi thức gồm hai chuyển biến đồng thời và ngược chiều, chủng tử <==> hiện tượng, kàrana <==> kàrya, theo đúng “cái nghĩa nhân duyên” mà ngài Vô Trước nói trong Nhiếp Đại thừa luận.
Mọi thứ gì tàng trữ ở tầng mức sâu thẳm của nội tâm trước tiên được phóng chiếu ra ngoài, biểu hiện thành những mẫu hình vật lý ở ngoại giới, sau đó mới được nhiếp thủ và nội chuyển vào trung khu tri giác, hiện lên hình thái của đối tượng. Các hình thái này được gọi là tri giác biểu tượng, tưởng tượng biểu tượng, hay ký ức biểu tượng, như ký hiệu, mẫu hình, và pháp tắc ngôn ngữ. Trong bản chất, các hình thái đồng thời tương ưng vượt thoát giới hạn không gian và thời gian. Lý đồng thời tương ưng là một tính chất vốn có của thế giới vật chất cũng như của tâm. Vì thế không phải tình cờ mà nhà vật lý học Wolfgang Pauli bị lôi cuốn vào vấn đề đồng thời tương ưng của nhà tâm lý học Carl Jung.
Thuyết lượng tử đã thuyết phục các nhà vật lý học công nhận không có một vũ trụ khách quan tách biệt với người làm việc quan sát, không có người đứng riêng như một chủ thể quan sát đối tượng. Vật lý gia John Wheeler bảo “danh từ người quan sát xưa nay dùng trong các sách phải xóa bỏ và thay thế bằng danh từ mới là người tham gia. Như thế, ta mới nhận thấy vũ trụ là một tham gia vũ trụ (participatory universe).” Ngoài ra, công trình nghiên cứu của Pauli cho thấy các nguyên hình (archetypes) hay mẫu hình siêu phàm của Jung lan rộng từ thế giới tâm thức vào thế giới vật chất và năng lượng. Tương ưng với sự phát hiện vô thức tập thể (collective unconscious) của Jung như là khía cạnh khách quan của tâm, Pauli luận chứng rằng vật lý học cần phải nhận định khía cạnh chủ quan của vật chất mà ông gọi là “the irrational”, dịch là khía cạnh phi lý.
Đúng theo chủ trương đó, quả thật có sự đồng thời tương ưng, một sự kết hợp ở tầng mức vô cùng sâu thẳm của thực tại giữa tâm lý học Jung và một nguyên lý căn bản và khó hiểu nhất của thuyết lượng tử, nguyên lý Trừ khử (The Pauli Exclusion Principle), do Pauli khám phá (1925) và được giải Nobel Vật lý (1945). Tưởng cũng nên biết thêm chi tiết về sự kết hợp này để hiểu tại sao lý đồng thời tương ưng nương trụ trong cả tâm lẫn vật.
Hết thảy các hệ thống lượng tử đều được mô tả dưới dạng một hàm sóng. Theo nghĩa toán học, đó là một hàm số diễn biến trong một không gian trừu tượng, gọi là không gian Hilbert. Pauli khám phá ra rằng dạng hàm sóng biểu hiện hoặc nguyên lý đối xứng hoặc nguyên lý phản đối xứng. Áp dụng vào các hạt cơ bản, nói như thế có nghĩa là trên phương diện thống kê, các hạt xếp thành hai lớp tùy theo sự vận chuyển hay trạng thái lượng tử của chúng bị chi phối bởi nguyên lý đối xứng hay nguyên lý phản đối xứng. Các hạt trong mỗi lớp đều bình đẳng, bất khả khu biệt (indistinguishable). Mỗi trạng thái lượng tử được xác định bởi bốn độ lượng: vị trí, xung lượng, khối, và spin. Spin là độ đo xung lượng góc (angular momentum) của hạt. Stephen Hawking giải thích spin một cách rất dễ hiểu. Hạt có spin 0, giống như điểm chấm câu, nhìn từ phía nào nó vẫn như vậy, không đổi dáng. Hạt có spin 1, giống như mũi tên một chiều, đổi dáng khi được nhìn từ những phía khác nhau, nhưng vẫn là nó nếu quay đủ một vòng (360 độ). Hạt có spin 2, giống như mũi tên hai chiều, vẫn là nó khi quay đủ nửa vòng (180 độ). Theo cách giải thích đó, thời hạt có spin (1/2) phải quay đủ hai vòng mới được nhìn thấy vẫn là nó.
Lớp hạt gọi là boson (theo tên của nhà bác học S. N. Bose) có spin 0, hay là một số nguyên, 1, 2, 3, v..v... Thí dụ: Quang tử photon hay hạt hấp dẫn graviton có spin 1. Chúng được mô tả như những hàm sóng đối xứng. Lớp hạt do nguyên lý phản đối xứng chi phối được gọi là fermion (theo tên của nhà bác học Enrico Fermi) có spin 1/2, hay 3(1/2), hay 5(1/2), ... Thí dụ: Ba hạt cơ bản của vật chất, proton, neutron, và electron, là fermion, có spin 1/2. Chỉ có các hạt fermion mới bị chi phối bởi nguyên lý phản đối xứng, nguyên lý Trừ khử Pauli: “Hai electron, hay tổng quát hơn, hai fermion không thể có chung một trạng thái lượng tử.” Trong một hệ thống kín, chẳng hạn một nguyên tử đối với electron hay một nhân đối với proton và neutron, các fermion phân bố theo cách là mỗi lúc chỉ có một fermion ở vào một trạng thái nào đó mà thôi.
Thuyết nguyên tử chủ trương không gian lân cận nhân của nguyên tử gồm những vùng quỹ đạo (orbital), mỗi vùng chỉ có hai trạng thái riêng biệt mà thôi. Theo nguyên lý Pauli, nếu một electron với spin 1/2 ở vào một trong hai trạng thái đó, thời trạng thái kia có thể là của một electron khác có spin đối nghịch, hay spin –(1/2). Vùng quỹ đạo chấp chứa hai electron đối nghịch như vậy được coi là đủ số: không một electron nào khác có thể chui vào nếu một trong hai electron đối nghịch không rời khỏi vùng. Chính do nguyên lý phản đối xứng mà các electron không thể có chung một trạng thái lượng tử bắt buộc phải đặc trưng nhiều mẫu hình năng lượng khác biệt chung quanh nhân nguyên tử. Cũng do nguyên lý Pauli mà nguyên tử tương ưng với các nguyên tố có hóa tính riêng khác, vật chất hiện thành sai biệt, và vũ trụ trở nên sâm la vạn tượng.
Pauli có một lối nhận thức khác hẳn với các nhà vật lý học vào thời bấy giờ. Ông cho rằng các electron cũng như các hạt khác ly cách nhau hay tạo nên những mẫu hình riêng biệt không phải là do những lực tương tác giữa chúng như mọi người tưởng, mà đó là hệ quả xuất hiện từ nguyên lý phản đối xứng. Tất cả đều là kết quả hiện thành của những dạng nguyên hình thiên nhiên. Hay dùng hai chữ “toàn cơ” của Viên Ngộ mà nói: Đây là toàn cơ toàn hiện, toàn cơ hiện, toàn cơ hiện tiền. Cùng một quan điểm, Carl Jung cho rằng những nguyên hình đó cũng vận hành ở những tầng mức sâu thẳm trong vô thức tập thể của nhân loại. Như vậy, nguyên lý Trừ khử Pauli có thể gọi là “một nguyên hình của vật chất”. Và các định luật vật lý phát biểu những tương quan nhân quả, những tác dụng của lực và năng lượng đều xuất sinh từ những nguyên hình của vật chất, tức những nguyên lý về mẫu hình và tướng dạng đối xứng và phản đối xứng ẩn sâu trong thiên nhiên và vũ trụ bao la.
Nhà toán học John Bell bằng vào tính phản đối xứng của các hàm sóng chứng minh rằng các cặp electron vẫn tiếp tục hỗ tương giao thiệp ngay cả khi tách nhau ra rất xa. Những hỗ tương giao thiệp này không liên can dính dáng gì đến lực, trường, hay kết hợp nhân quả. Đó là những tương giao phi cục bộ, có tính cách tức thời, phi không gian, phi thời gian. Đó cũng là thế hiển dương của lý đồng thời tương ưng, một thí dụ làm sáng tỏ giáo lý Hoa nghiêm về sự sự vô ngại pháp giới.
Tóm lại, đồng thời tương ưng biểu dương hai mặt thể nghiệm và tượng trưng của các nguyên hình tâm và vật, cho thấy quan hệ giữa tác dụng tâm thức (một trạng thái tâm thức) và tác dụng của vật chất (một biến cố ngoại giới) một mặt là quan hệ theo luật chuyển biến nhân quả hiện tại đồng thời và mặt khác là quan hệ hỗ tức hỗ nhập.
Giải thích hay ý nghĩa?
Chữ “bời tại” hay “tại vì” thường được dùng hàng ngày trong ba trường hợp giải thích. Thứ nhất, giải thích câu hỏi “làm thế nào?” (how?), làm thế nào để phát sinh hiện tượng này? và thứ hai, giải thích câu hỏi “tại sao?” (why?), “bởi đâu?”, bởi đâu ra thế sự này? “Làm thế nào?” liên quan quá trình kết nối nhân quả hay “phương tiện”, còn “tại sao?” thời liên hệ đến mục đích hay nguyên nhân.
Trong trường hợp thứ nhất, vai trò của khoa học là giải đáp câu hỏi căn bản “Thế giới vận hành như thế nào?” Các câu trả lời đều chung đại ý là “thế giới vận hành theo cách của chúng hiện nay tại vì một sự vật làm nhân sinh xuất một sự vật khác”. Với lối nhìn như thế, thế giới bao gồm các biến cố kết nối vào nhau bởi nhân và quả. “Tại vì” ở đây có nghĩa “biến cố kết nối bởi nhân và quả”. Đó là “Tại vì quan hệ nhân quả” (causality), một thứ quan hệ nhân quả riêng biệt còn có tên gọi là “máy móc” (mechanism; giải thích trong đoạn sau).
Trường hợp thứ hai liên can đến triết học. Để trả lời những câu hỏi như “Tại sao chúng ta hiện hữu?”, “Tại sao thế giới lâm vào tình trạng như thế này (chứ không phải thế kia)?”, lý do hay nguyên nhân được nêu ra bằng chứng cứ luận lý: “Sự vật có thể, tất phải, hay không thể xuất hiện tại vì có khả năng, tất yếu, hay không có khả năng.” Đây là “Bởi tại nhiều lý do” trong bất cứ tình huống nào.
Trường hợp thứ ba khác thường, chữ “tại vì” dẫn đến những lời giải thích kỳ lạ, bí ẩn của những nhà huyền học hay Đạo sư. Cũng trả lời những câu hỏi “tại sao?”, nhưng khi trả lời, tuồng như họ có khuynh hướng làm tiêu biến câu hỏi nêu ra. Thí dụ: Đáp câu hỏi “Tại sao tình trạng thế giới như thế này?” hay “Tại sao tôi không đắc giác ngộ?”, họ bảo “Tại vì như vậy là thế đấy (That”s just the way it is).” Trả lời “là thế đấy” có giải thích gì đâu! Đây là trường họp “không tại vì”. Không nêu lý do, nguyên nhân, không máy móc. Tuy nhiên, nếu người thắc mắc đang thật sự tìm tòi và bất an trong tâm trí, thời câu trả lời có tính cách chỉ thẳng và chỉ riêng, nói lên sự bất lực của trí năng và của sự phân tích trừu tượng, khiến phải hướng vào trong những tàng ẩn sâu thẳm của tâm thức tìm kiếm ý nghĩa của điều mình đang thắc mắc.
Công trình “Đồng thời tương ưng” của Carl Jung hình như bao gồm mọi biến cố dùng bắc cấu kết nối ba trương hợp giải thích “tại vì” nói trên. Theo thuyết Đồng thời tương ưng, các biến cố không kết nối theo luật nhân quả vẫn có thể xem như kết nối qua ý nghĩa. Biến cố đồng thời tương ưng không phải máy móc khoa học thông thường có thể giải thích, cũng không phải thuần túy “là thế đấy” bắt phải thực nghiệm tự tri tự ngộ. Chúng ở vào nơi giao tiếp giữa thế giới nhân quả và thế giới tâm thức. Nói gọn theo Duy thức, chúng là thức biến. Chúng nhắc nhở ta ngoài lối nhìn theo luật nhân quả của khoa học, còn có một lối nhìn khác ở một tầng cao hơn kiến thức tương đối thường, phát xuất từ một năng khiếu bao gồm cả trí và tâm, chấp nhận những điều không thể xác định bằng trí năng, không thể giải thích một cách mạch lạc và hợp lý, vì những điều này xuất phát từ cái Vô thức vượt ngoài đối đãi.
Gần bốn thế kỷ nay khoa học Tây phương thành công lớn trong việc triển khai một phương pháp nhận thức hiệu nghiệm, giải thích tường tận cách thức vận hành của thế giới (vật lý). Căn cứ trên những khám phá và lý thuyết của Galileo và Newton, kiến thức khoa học giải thích biến cố là máy móc (mechanisms), nghĩa là mô tả như tác động của các vật thể chuyển động. Từ đấy, các định luật Newton về chuyển động trở thành nền tảng của cơ học cổ điển. Đến thời kỳ hệ phương trình Maxwell về điện từ trường thịnh hành, trọng tâm trước đặt nơi vật thể rắn chuyển động nay chuyển sang trường (fields; trường là một vùng không gian đặc trưng bởi một tính chất vật lý như lực hấp dẫn, lực điện từ, hay áp lực chất lỏng, có trị số xác định tại bất cứ điểm nào của vùng), nhưng tương tác giữa trường và hạt vẫn còn mô tả như máy móc.
Mô thức (the paradigm) bắt đầu thay đổi sau khi thuyết lượng tử được phát minh. Đây là lần đầu tiên thí nghiệm khoa học cho thấy nhiều bằng chứng về biến cố không nhân, nghĩa là không xuất phát từ một nhân hữu hiệu [một trong bốn nhân theo thuyết nguyên nhân của Aristotle: nhân hữu hiệu (efficient cause), nhân chất thể (material cause), nhân hình thể (formal cause), và nhân cứu cánh (final cause). Nhân hữu hiệu là một hiện tượng có tự tính, tự nó hay cùng với các pháp khác có năng lực dẫn sanh quả. Ngài Long Thọ không chấp nhận loại nhân này]. Chẳng hạn, những biến cố như hiện tượng phóng xạ hay sự nhảy electron bên trong nguyên tử tự nhiên hiện ra, hoàn toàn không có nguyên nhân. Hoặc thuần túy cơ hội, hoặc thuần túy sáng tạo, tùy theo quan điểm cá nhân. Tuy mô thức thay đổi, nhưng thuyết lượng tử còn gọi là cơ học lượng tử, vì vẫn tìm cách khám phá những phương cách mô tả bằng toán học, như phương trình về xác suất, cơ học ma trận hay hàm sóng, để giải thích một số hiện tượng kỳ lạ, phản trực giác thường xảy đến trong thế giới lượng tử.
Từ cơ học cổ điển và vật lý học Maxwell cho đến thuyết tương đối Einstein và cơ học lượng tử, vật lý học hiện đại nói riêng và khoa học hiện đại nói chung, tất cả đều quyết tâm khám phá và giải thích “làm thế nào” thế giới có thể vận hành như hiện nay. Mọi thuyết đều tựa vào cơ học, vật thể (hạt) hay trường (sóng) chuyển động và tương tác bằng sự trao đổi lực, lực đẩy hay lực kéo do vật thể này tác dụng trên vật thể kia. Về sau, vin vào phương trình E = mc2 biểu hiện sự tương đương giữa vật chất và năng lượng do Einstein phát minh, sự trao đổi lực được thay thế bằng sự trao đổi năng lượng. Do đó, hai chữ “máy móc” được dùng để ám chỉ cách giải thích: “Thế giới vận hành duy chỉ và luôn luôn do trao đổi năng lượng”. Nghĩa là mỗi khi gặp phải một lối giải thích máy móc, ta biết ngay có sự trao đổi năng lượng xảy ra.
Như vậy, toàn thể tòa kiến trúc kiến thức khoa học được xây dựng trên tiền đề về máy móc hay nguyên nhân cơ học, rằng hết thảy biến cố luôn luôn và duy chỉ liên can các sự trao đổi năng lượng. Khoa học không chấp nhận một biến cố xảy ra mà không có một sự truyền chuyển năng lượng. Ngay cả những nhảy lượng tử tự phát cũng được mô tả là sự phát lượng tử tức những bó năng lượng hay tác động, bởi thế mới có tên là cơ học lượng tử. Theo thuyết tương đối hay thuyết lượng tử, biến cố được định nghĩa là một sự truyền chuyển năng lượng trong không thời gian.
Một câu hỏi được nêu ra: Phải xử đoán thế nào đối với những biến cố không hoàn toàn do truyền chuyển năng lượng? Nếu đứng trước những biến cố không nêu vấn đề “thế giới vận hành ra làm sao?” mà đặt câu hỏi là “tại sao thế giới vận hành theo cách của chúng như vậy?”, thời phải trả lời như thế nào? Câu hỏi “làm sao?” đòi hỏi phải trả lời bằng cách nêu ra những nguyên nhân cơ học. Trả lời câu hỏi “tại sao?” đòi hỏi phải trưng bày mục đích hay lý do, tức tìm hiểu ý nghĩa. Đó chính là sự khám phá lớn lao của Jung đã thật sự thách thức lối giải thích “tại vì quan hệ nhân quả” của khoa học hiện đại. Ông nhận xét trong đời ông cũng như trong đời các bệnh nhân của ông, có nhiều biến cố không thể tìm ra nguyên nhân cơ học, nghĩa là những trao đổi năng lượng để giải thích, mà chỉ tựa vào những kết hợp hiện thành qua ý nghĩa. Ông gọi những kết hợp đó là đồng thời tương ưng.
Jung định nghĩa đồng thời tương ưng là “một sự tương phù trong thời gian của hai hay nhiều biến cố không quan hệ nhân quả và có ý nghĩa giống nhau hay tương tợ (“a coincidence in time of two or more causally unrelated events which have the same or similar meaning”). Điều đáng lưu ý ở đây là ý nghĩa của hai cụm từ “không quan hệ nhân quả” và “ý nghĩa giống nhau hay tương tợ”.
Cần phải hiểu “không quan hệ nhân quả” có nghĩa là hai biến cố đồng thời xuất hiện không cách gì tìm ra được một quan hệ nhân quả (máy móc) giữa chúng thế mà chúng vẫn nối kết nhau. Bởi vì nối kết mà không quan hệ nhân quả nên sự kết nối là vô nhân (acausal connection). Vấn đề ở đây là tìm hiểu làm thế nào (how?) vắng mặt quan hệ nhân quả mà hai biến cố có thể nối kết nhau. Jung đề nghị những biến cố như vậy kết nối qua ý nghĩa. Nhưng “nối kết có ý nghĩa” không phải là “chia xẻ ý nghĩa”. Thí dụ: Giả thử tôi moi trong bọc áo ra năm dồng hào đúng vào lúc năm chiếc xe chạy qua trước nhà tôi. Hai biến cố này “xảy ra đồng thời”, “không quan hệ nhân quả”, và “có một ý nghĩa giống nhau” (đại lượng năm), nhưng khó mà bảo chúng là đồng thời tương ưng theo nghĩa của Jung.
Giả thử thêm nữa khi các hào lấy ra khỏi bọc, chúng đụng nhau rơi tung tóe trên nền nhà, và đồng thời khi ấy, ngoài kia năm chiếc xe chạy đụng vào nhau. Trường hợp này cũng vẫn chưa phải hai biến cố “nối kết có ý nghĩa” mặc dầu chúng cùng chia xẻ chung một ý nghĩa (đại lượng năm và đụng chạm).
Trong trường hợp xét thấy các sự cố đồng thời tương ưng theo nghĩa của Jung, cần phải lưu ý đến một yếu tố làm sáng tỏ sự khác biệt giữa “chia xẻ ý nghĩa” và “nối kết có ý nghĩa”. Đó là trực giác về một cái gì thần kỳ, một năng lực siêu cá thể hoán khởi một hiện tượng khó tin có thể xảy ra, không do tình cờ, ngẫu nhiên, không do quan hệ nhân quả, thế mà vẫn xảy ra. Như thế, ý nghĩa vượt ngoài khung khổ cá biệt và là một thành phần của trạng huống khách quan. Ý nghĩa được hiểu là sẵn có cả trong tâm thức lẫn ở ngoại giới. Vật và tâm hình như cọng tác, kết bè để phóng khai các biến cố, do được “thuyết phục” bởi những mẫu hình rộng lớn, sâu thẳm từ đó lưu xuất trật tự và cấu trúc của toàn vũ trụ kể cả các thành phần cá biệt của chúng ta trong đó. Thuyết đồng thời tương ưng của Jung nhằm thuyết minh quan hệ giữa tâm và vật không những là quan hệ theo luật đồng quy nhất (tánh khởi) mà còn là quan hệ theo trật tự thu nhiếp (hỗ tương nhiếp nhập) chứ không phải quan hệ giữa hai hữu riêng biệt mà tương quan tác dụng.
Ý nghĩa luôn luôn phát xuất từø tri kiến trực tiếp về một cái gì siêu phàm. Đây là sự nhận biết về một quyền năng siêu cá thể không có suy lý nào được dùng đến. Tuy nhiên, những thành phần của cá thể tương quan nội tại và tham gia với quyền năng ấy hình thành một toàn thể hoạt động nhịp nhàng. Nếu một biến cố nào đó có ý nghĩa đối với tôi, đó là tại vì hoặc tâm thức tôi thu nhiếp nó hoặc nó thu nhiếp tâm thức tôi. Khi một vật có nghĩa là một vật khác, ít nhất một phần của nó tương quan nội tại với vật ấy. Do đó, ý nghĩa hàm ý nối kết tâm thức cá nhân với sự vật bên ngoài qua nhận thức hay kiến thức trực tiếp. Nói theo thuật ngữ Phật giáo, cá nhân và sự vật hỗ tương nhiếp nhập và ý nghĩa là thành quả của thức biến.
Để tiện luận chứng, hãy tạm đinh nghĩa ý nghĩa là về quan hệ trọng yếu (significant relationship) giữa tự ngã đang thể nghiệm và biến cố hay vật được thể nghiệm. Nghĩa này bao hàm một sự tìm hiểu sâu xa về tự ngã và quan hệ giữa nó với ngoại giới. Đây là về vấn đề truyền thông (communication) và lưu lượng thông tin (information flow). Là sở tại của hữu hay thể nghiệm, thân tâm của tự ngã thường xuyên truyền thông với môi trường chung quanh, thường xuyên trao đổi năng lượng và thông tin có tính cách đa dạng: thức ăn, không khí, nước, ánh sáng, âm thanh, mùi vị, bức xạ, ý tưởng, cảm xúc, khái niệm, v..v... Chúng ta thường xuyên phân thụ những thông điệp với thế giới quanh ta, nhiếp thủ chúng vào thân tâm, xử lý hay chuyển hóa chúng, và hoàn lại lượng dư phế bãi theo một tiến trình mà ta gọi là cuộc sống.
Trong trường hợp tự ngã không thích nghi môi trường, nghĩa là thân tâm của tự ngã không thể thu nhận, xử lý, hay hồi tiếp thông tin hoặc năng lượng với môi trường, thời nó không thể phát triển, sinh trưởng, và tất nhiên đi đến hoại diệt. Do đó, ý nghĩa của các thông điệp cuối cùng là về vấn đề sinh trưởng hay tồn tại trong một toàn thể hòa điệu nhịp nhàng. Ý nghĩa là sự thích nghi được thể nghiệm bởi tự ngã với môi trường, cho nên ý nghĩa mang tính cách cá thể, chủ quan. Khi tự ngã phá bỏ các ngăn ngại để giao thiệp và thích nghi toàn diện với môi trường mở rộng, thời cá thể được bao hàm trong một thế giới rộng lớn hơn và thế giới này lại thấy tham dự trong cá thể. Hơn thế nữa, mỗi hữu cá biệt bao hàm trong chính nó tất cả những hữu khác, và những hữu khác cũng như vậy. Toàn vũ trụ khi ấy vang lên ý nghĩa.
Đặc điểm của biến cố đồng thời tương ưng là vô nhân (acausal connection). Như vậy, luật nhân quả căn cứ trên đó các nhà khoa học bấy lâu giải thích sự vận hành của vũ trụ chẳng những không còn chiếm ưu thế lãnh đạo mà còn bị đặt thành vấn đề. Các hiện tượng và biến cố lượng tử đòi hỏi một lối giải thích khác biệt với máy móc, nhân quả. Jung lập luận rằng một mô hình thực tại chính xác và hợp cách phải là một mô hình trong đó hội đủ hai mặt tâm lý và vật lý của môi trường liên tục tâm thể psychoid, nơi sinh xuất hết thảy hiện tượng và biến cố trong vũ trụ. Khắp mọi nơi trong môi trường, tâm và vật hỗ tương nhiếp nhập mức độ khác nhau. Ở đầu này, vật trội hơn tâm, thời luật nhân quả và máy móc áp dụng; ở đầu kia, tâm trội hơn vật, thời máy móc nhân quả được thay thế bằng nối kết vô nhân qua ý nghĩa, hay đồng thời tương ưng. Trong khoảng trung gian, thời sử dụng hỗn hợp luật nhân quả và nối kết vô nhân, máy móc và ý nghĩa.
Theo quan điểm của số lớn các nhà khoa học hiện đại, vũ trụ căn bản là vật chất, hiện hữu, và tiến hóa hàng tỷ năm nay chẳng bao giờ có sự hiên diện của tâm thức trong nó. Họ cho rằng tâm thức là một khái niệm mới thêm sau này, sản phẩm phụ của các tiến trình hóa học phức tạp hoán khởi các sinh vật. Vì thế cần đặt câu hỏi: làm thế nào tâm thức hiện thành? Lý do: Khoa học mô tả thế giới thuần túy là những phân bố tiềm năng động lực chiếm cứ và ảnh hưởng những vùng không gian, không hề nói đến màu sắc, âm thanh, cảm giác, dự kỳ, ý nghĩa, và tư tưởng, những tác dụng nội tâm kỳ diệu bao hàm trong tâm thức. Hơn nữa, những phẩm tính thể nghiệm (qualia; experential qualities) do nhận biết chủ quan (subjective awareness) hoàn toàn khác loại so với những cấu trúc không-thời gian của khoa học vật lý không màu sắc, không âm thanh, không ý thức. Thêm vào đó, công trình nghiên cứu của Jung làm nổi bật sự khác biệt giữa ý nghĩa của biến cố do thể nghiệm và bản chất máy móc của những hệ thống vật lý. Như thế, làm sao các phẩm tính hay ý nghĩa thể nghiệm ấy có thể sinh xuất từ những hệ thống vật lý tương quan tác động nhau? Làm thế nào bất kỳ hệ thống vật lý nào, phức tạp và tổ chức hoàn bị đến đâu đi nữa, cũng khơi dậy thể nghiệm (conscious experience), sự nhận biết do tâm thức? Tại sao hết thảy những tiến trình vật lý không âm thầm diễn tiến trong bóng tối mà cứ trưng bày ra những phẩm tính chủ quan? Chính những sự kiện như thế làm cho khái niệm tâm thức trở nên cực kỳ bí ẩn. Càng ngày càng đông khoa học gia không còn tin vũ trụ có thể hiện hữu và tiến hóa một cách độc lập và không tương quan giao thiệp với tâm thức. Trong một vũ trụ hoàn toàn vật chất, làm sao biết được tâm thức phát khởi như thế nào?
Có một điều các nhà vật lỳ duy vật không thể chối cãi: toán học là phương tiện duy nhất rất công hiệu để lập công thức biểu thị các thuyết và dự đoán hậu quả. Đại số và công thức toán rõ ràng không phải là thực thể vật chất. Chúng thuần túy là tác dụng của tâm và không thể quán sát chúng một cách khách quan. Toán học hoàn toàn không vật chất. Đối tượng của toán học có tính cách phổ quát (universal), nghịch lại với tính đặc thù (particular) của tất cả mọi vật thể được vật lý học thí nghiệm và quan sát. Toán được khám phá bởi tư duy chứ không tìm thấy trong thế giới vật lý. Tính chân thật của định lý toán học hoàn toàn do tác dụng nội tâm kiểm chứng, chứ không phải do phương pháp khoa học khách quan. Vì vật lý học càng ngày càng tăng gia sự áp dụng toán để biểu thị, cho nên đối tượng của vật lý càng ngày càng thuộc giới vực các tác dụng của tâm hơn là thuộc phạm vi những hiện tượng vật chất. Bởi thế càng ngày càng nhiều công trình khảo cứu nhằm tìm hiểu bản tính và vai trò cũa tâm thức trong các hệ thống vật lý.Nếu song song với luật nhân quả một khoa học về tâm thức được phát minh, thời một thế giới văn minh cơ khí như hiện nay sẽ được bổ sung bằng tánh trọng yếu của ý nghĩa, trở thành một thế giới có lợi ích và đầy ý nghĩa.
http://thuvienhoasen.org/D_1-2_2-77_4-7237_5-50_6-1_17-87_14-1_15-1/#nl_detail_bookmark