(Đạo Phật Siêu Khoa Học)
Minh Giác Nguyễn Học Tài
NGUYÊN TỬ
Nguyên tử là đơn vị nhỏ nhiệm cấu tạo mọi vật trên thế giới này. Cái bàn, cái ghế, cái đinh, cái búa, cái kéo và những vật chung quanh chúng ta đề được cấu tạo bằng Nguyên tử.
Một bức tường là do nhiều viên gạch xây thành. Một trái núi là do vô vàn vô số những hạt bụi kết thành. Nếu phá vỡ bức tường, người ta lấy lại được từng viên gạch. Viên gạch và hạt bụi được tạm gọi là những đơn vị căn bản cấu tạo vật chất mà tiếng Pháp gọi là Unité formant corps.
Ðể hiểu rõ Nguyên tử, chúng tôi xin định nghĩa rõ ràng những danh từ căn bản như sau:
Vật thể, Vật chất, Thể chất (Matter) (1): Là bất cứ vật gì choán một chỗ trong không gian và có phương hướng như không khí, nước đá và con người. Ánh sáng và nhiệt không phải là Vật thể vì không có Trọng lượng.
Phân tử (Molecule, Particle): Là những mảnh nhỏ nhất có những đặc tính của chất nguyên thủy. Ví dụ một Phân tử đường là một mảnh nhỏ nhất, nhưng vẫn có đặc tính của đường. Dùng những dụng cụ đặc biệt, người ta có thể phân tách Phân tử thành những phần nhỏ nhiệm hơn, đó là Nguyên tử.
Một Phân tử đường có thể chia thành 12 Nguyên tử than, 22 Nguyên tử khinh khí và 11 Nguyên tử Dưỡng khí. Và nếu người ta kết hợp những Nguyên tử đó với nhau, những Nguyên tử này trở lại thành một Phân tử đường như cũ.
Các Phân tử liên kết với nhau bằng Nạp điện (Electrical charge). Chúng liên kết chặt chẽ với nhau trong những vật rắn chắc, và di chuyển nhẹ nhàng trong không khí và nước.
Ngày 10-10-1996, báo chí Mỹ đã loan tải rằng giải thưởng Nobel Hoá chất đã được trao cho ba khoa học gia có tên là Richard Smally và Robert F. Curl thuộc Ðại học Rice ở Houston, Texas; và Harold W. Kroto thuộc Ðại học Sussex ở Anh-Cát-Lợi. Họ đã có công khám phá một loại Phân tử than trong đó có 60 Nguyên tử than liên kết với nhau thành hình một trái banh.