INAGAKI HISAO - NHẬT NGUYÊN dịch
LỜI MỞ ĐẦU
Đã có một thời gian dài trong tâm tôi có ý định viết về Shinjin (Tín Tâm) – sự chứng nghiệm chính trong Chân Tông Phật Giáo. Trong khi rất bận rộn trong công việc chuyển dịch các thuật ngữ của Chân Tông và Tự Điển Phật Học, sự thôi thúc để viết về nó đã ngủ yên trong tâm trí nhưng không mai một. Vả lại, nó lại còn mạnh mẽ hơn là để tìm dịp để diễn đạt nó ở một thời điểm nào thích hợp.
Thời gian ấy cuối cùng đã đến khi một đạo hữu từ Úc Châu, Hòa Thượng John Paraskevopoulos đến Nhật Bản vào mùa thu này (2008) để làm nghiên cứu tại Đại Học Ryukoku [龍谷大学- Long Cốc Đại Học] trong một vài tháng. Mỗi tuần, chúng tôi gặp nhau khoảng hai tiếng đồng hồ trước khi tham dự khóa họp về dịch thuật tại Trung Tâm Quốc Tế Honganji. Trong khi trao đổi những quan điểm trên nhiều lãnh vực trong Phật Giáo, chúng tôi đã gặp nhau trước ngưỡng cửa của shinjin [tín tâm]. Ngài đã nhắc rằng tôi chưa hề viết gì trong một cuốn sách nói về shinjin [tín tâm], trong khi đã xuất bản những cuốn sách và bài viết nói về hàm ý giáo lý của shinjin [tín tâm]. Trong khi giải thích với ngài về những điểm vi tế và khó khăn trong việc diễn tả thực chất của shinjin [tín tâm], tôi cảm nhận tự trong thâm tâm rằng tôi phải cho sự thúc đẩy tiềm tàng của tôi cơ hội để diễn tả lấy trước khi shinjin [tín tâm] của tôi trở nên phai mờ trong ký ức.
Trong sự thảo luận về shinjin [tín tâm] bao gồm nhiều lãnh vực khác nhau trong đời sống tâm linh của chúng ta và những nguyên tắc căn bản của Phật Giáo Đại Thừa, bao gồm bản chất căn bản của chính mình, vấn đề nghiệp báo, sư liên hệ giữa Đức Phật A Di Đà và chính mình, ý nghĩa về sự vãng sanh trong Tịnh Độ, sự liên hệ giữa shinjin [tín tâm] và tri thức căn bản của con người, và sự liên quan giữa shinjin [tín tâm] và Phật Tánh. Vấn đề shinjin không bị giới hạn trong giáo lý của Chân Tông Phật Giáo. Chúng ta không thể nói đến quá nhiều rằng nó hiện hữu trong mọi lãnh vực của đời sống hàng ngày chúng ta.