Hiển thị các bài đăng có nhãn KINH VU LAN. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn KINH VU LAN. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Hai, 27 tháng 10, 2014

THỨC BIẾN | ĐẠI Ý KINH VU LAN


THỨC BIẾN
Hòa thượng Thích Thiện Siêu
Nhà Xuất Bản TP. HCM, 2003


ĐẠI Ý KINH VU LAN
CÁCH BÁO HIẾU TRONG ĐẠO PHẬT

Công ơn nuôi dưỡng cha mẹ thật như trời cao biển rộng khó nghĩ tận cùng. Đạo Nho đã nói: "Công ơn cha mẹ trời cao khó kịp". Kẻ làm con dĩ nhiên phải nghĩ đến cách báo đáp công ơn sanh thành của cha mẹ, vì đây là một bổn phận cao quý trong đạo làm người; bất luận thời nào hoặc phương sở nào cũng không thể xao lãng đi được.
Nếu có người nương nhờ ơn cha mẹ mà đến ngày công thành danh toại, lại chỉ biết có một mình mình chứ không đoái hoài gì đến cha mẹ, xem cha mẹ như người khách lạ qua đường... Nếu có người con như thế dĩ nhiên gọi là người con bất hiếu, đã trốn tránh bổn phận thiêng liêng vậy.
Song sự báo ơn cha mẹ có rất nhiều cách, nó không thể giống nhau theo một quy tắc, thể thức nhất định làm cho cha mẹ nhẹ bớt thống khổ, tăng thêm vui lành... Có người báo ơn cha mẹ bằng cách làm cho cha mẹ an hưởng thứ vui tinh thần khoan khóai hoặc hưởng cái vui ngắn ngủi, vui lâu dài, vui nặng nề hay vui siêu thoát. Tóm lại, đàng nào cũng gọi là hiếu, đàng nào cũng tìm cách đem lại sự an vui cho cha mẹ, nhưng xét kỹ thì chỉ có cách đem lại cho cha mẹ sự an vui siêu thoát đời đời mới thật hoàn toàn đạt thấu mục đích báo hiếu mà thôi.
Kinh Vu Lan Bồn chính là một kinh Phật dạy chúng ta cách báo hiếu ấy, báo hiếu chính đáng, cứu độ viên mãn để các tiền nhân nhẹ gánh oan khiên, lần thoát vòng luân hồi đau khổ. Chúng ta không thể không hiểu qua đại ý của kinh trong khi chúng ta muốn tìm một phương pháp chơn chán để báo bổ thâm ân.