NSGN - Du-già (Yoga), trong quá khứ xa xưa, vốn là một phương pháp tu hành của các tín đồ thuộc nhiều tôn giáo ở Ấn Độ. Phạn ngữ Yoga, mà tiếng Tây Tạng đọc là Rnal-ḥbyor, có nghĩa là ‘tương ưng’, tức là dùng phương pháp điều hòa hơi thở để nhiếp tâm khiến cho đạt được trạng thái tương ưng với chánh lý.
Yoga là một danh từ nam tính phái sinh từ gốc động từ √yuj, bao hàm các nghĩa liên tiếp, tiếp hợp. Thuật ngữ này được tìm thấy trong các sách thuộc thời đại Lê-câu-phệ-đà (Ṛg-Veda) và Áo nghĩa thư (Upaniṣad), nó ám chỉ phương pháp điều hòa hơi thở và quán sát nhằm đạt đến lý tưởng ‘Ngã Phạm nhất như’ (hiệp thông với Phạm thiên). Như vậy, trong tôn giáo và triết học Ấn Độ xa xưa, việc tu tập nhằm kết hợp với Phạm thiên hoặc sẽ cộng trú với Phạm thiên được gọi là Yoga.
Trước khi Siddhārtha thành Phật, Ngài đã từng thực tập phương pháp này với các bậc thầy Yoga như Ārāḍa Kālāma, UdrakaRāmaputra. Sau khi thành Phật, Ngài cũng sử dụng phương pháp này làm tiền đề cho các pháp môn tu tâm, tu tuệ mà Ngài đã khám phá ra, nhưng Đức Phật sử dụng phương pháp điều hòa hơi thở không nhằm đến chứng đắc các tầng thiền và càng không phải để cộng trú với Phạm thiên mà hướng tâm đến tuệ quán duyên khởi nhằm chứng các thánh quả vượt ra ngoài ba cõi.