Hiển thị các bài đăng có nhãn LÊ THỊ ÁNH. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn LÊ THỊ ÁNH. Hiển thị tất cả bài đăng

Chủ Nhật, 8 tháng 9, 2013

Pháp Tứ Niệm Xứ Áp Dụng Vào Đời Sống Hiện Đại

THE SATIPATTHANA SUTTA AND ITS APPLICATION TO MODERN LIFE
Tác giả: V. F. GUNARATNA, 1963
Dịch giả: LÊ THỊ ÁNH, 1964

“Áp dụng Pháp TỨ NIỆM XỨ vào đời sống hiện đại” là đề mục buổi nói chuyện của tôi chiều nay. Trước tiên tôi sẽ cố gắng trình bày cùng quí vị vài ý niệm về TỨ NIỆM XỨ, rồi sau tôi sẽ vạch rõ tình trạng đặc biệt và phức tạp của thời đại hiện tại như thế nào, để quí vị nhận thức rằng hơn lúc nào cả, Pháp TỨ NIỆM XỨ rất cần thiết cho thời đại của chúng ta.

Cũng như quí vị đã biết, Pháp TỨ NIỆM XỨ đề cập đến sự phát triển một khả năng rất quí của Tâm, là “Sati” hay “Niệm” (chú tâm). Sự phát triển ấy có bốn cách. TỨ NIỆM XỨ có nghĩa là củng cố Niệm hoặc thực hành Niệm. Bốn cách Niệm mà ta thấy trong Kinh là:

1.Niệm-thân: Kayanupassana (niệm hơi thở thuộc về khoản này)
2.Niệm-thọ: Vedananupassana
3.Niệm-tâm: Cittanupassana 
4.Niệm-pháp: Dhammanupassana

Niệm là một trong tám Chi của Bát-Chánh-Đạo; nó là một trong Ngũ-Căn (Indriya) và cũng là một trong Thất-Giác-Chi (Bojjhanga). Như vậy quí vị cũng đủ thấy là Niệm (Sati) có một vị trí rất quan trọng trong giáo lý nhà Phật. Thật vậy, Đức Phật đã gọi nó là “Ekayano Maggo” -- con đường duy nhất – “sattanam visuddhiya” – làm cho chúng sanh trở nên thanh tịnh – “soka pariddavanam samatikkamaya” – làm cho ta vượt qua phiền não và ta thán – “dukkha domanassanam atthangamaya” – làm cho ta diệt khổ não và u sầu – “nayassa adhigamaya” -- đem ta vào Chánh-Đạo – “nibbanassa sacchikiriyaya” – để chứng quả Niết-Bàn. Bởi thế nên dù theo quan điểm của người thường, Niệm cũng là một đức độ rất đáng kỳ vọng. Lẽ thường cho ta hiểu rằng thực hành niệm sẽ làm cho ta trở nên tinh tường, đúng mực hơn, nhặm lẹ hơn và làm giảm bớt tối đa những điều sai lạc, những lỗi lầm, những sơ xuất, những tai ương. Và lẽ thường cũng cho ta hiểu thêm rằng nếu thực hành Niệm thành một thói quen, Tâm ta sẽ được quân bình, ta sẽ ý thức được sự tương quan trong mọi việc, ta sẽ có một tinh thần minh mẫn và luôn luôn ta sẽ thận trọng. Nhưng xin quí vị nên nhớ rằng Đức Phật còn cho ta biết nhiều hơn nữa về kết quả của Niệm. Đức Phật với những lời lẽ hết sức rõ ràng, như tôi vừa trích trên đây, dạy ta rằng Niệm có tác dụng làm cho chúng sanh trở nên thanh tịnh, làm cho ta vượt qua phiền não, đưa ta vào Bát-Chánh-Đạo và cuối cùng làm cho ta chứng được quả Niết-Bàn. Song le, làm thế nào để đạt được những kết quả cao quí và tốt đẹp ấy? Cho đặng thành tựu như thế thì cái Niệm mà ta thực hành không phải chỉ thuộc về thế gian này, không phải là Niệm “tại thế” (lokiya), nhưng phải là Niệm ”siêu thế” (lokuttara), nghĩa là phải có một đặc tính riêng biệt thuộc về tinh thần, và do đó phải có một “kỹ thuật” đặc biệt để thực hành Niệm. Pháp TỨ NIỆM XỨ đề cập đến bốn cách Niệm và những phương pháp cần thiết để thực hiện. Như vậy, khi ta hành về một trong TỨ NIỆM XỨ bằng phương pháp đặc biệt của nó, ta có thể thu nhập được những kết quả hứa hẹn.