Thích Chánh Thống
(Bài giảng hôm rằm tháng 10 (10 November 1935) tại hội Phật học chùa Từ Quang, Huế)
Nam mô A Di Đà Phật
Năm trước giảng về Đạo đế đã nói có 37 phép trợ bồ đề phần là:
Tứ niệm xứ
Tứ chánh cần
Tứ như ý túc
Ngũ căn
Ngũ lực
Thất giác chi
Bát chánh đạo
Trong kỳ ấy giảng về Bát chánh đạo mà thôi. Song, bát chánh đạo là lối tu hành của những bậc đã kiến đạo, cốt yếu nơi chữ “chánh”. Đối với người sơ cơ, nếu không biết chỗ chơn chánh là gì thì sao cho khỏi cái hại lấy giả làm chơn, lấy tà làm chánh. Vì vậy nên cần phải giảng về những phương tiện ban đầu để cho những ai muốn tu theo Thanh văn thừa, theo từng bực mà tu lần lên, tu cho đặng “Thất giác chi” rồi thì mới có thể tu hành “Bát chánh đạo”.
37 phép trợ bồ đề phần không thể giảng đủ trong một kỳ, vậy kỳ hôm nay tôi xin giảng riêng về “Tứ niệm xứ”.
Toàn thể pháp giới vẫn là như như bình đẳng, không tự, không tha, không năng, không sở. Lẽ ra không có chi đáng gọi là tâm niệm, chỉ vì chúng ta mê lầm không rõ bản tánh mà lại phân biệt nào tâm nào cảnh, nào ngã nào nhơn. Nên chi thường thường khi niệm chấp có ngã, chấp có pháp, chấp cái thân này là mình, nhận hoàn cảnh là khác với mình, rồi nương theo thân mà có già đau sống chết, nương theo cảnh mà có ưa ghét buồn sợ, luân hồi đời đời kiếp kiếp trong ba cõi.
Tâm niệm lầm lạc đã làm cho chúng ta mê, chúng ta muốn hết mê phải làm thế nào?
Thưa các ngài, người đạp gai thường thấy gai mà lể, vậy chúng ta nên lấy cái tâm niệm không lầm lạc để dứt trừ cái tâm niệm lầm lạc, đến khi tâm niệm không lầm lạc nữa là ngộ.
Tâm niệm không lầm lạc là chi? Tức là “Tứ niệm xứ”.
Tứ niệm xứ là phép tối tiên của người tu hành, là bước ban đầu trên đường giải thoát, dù Tiểu thừa hay Đại thừa cũng đều phải trải qua bước đường này cả.
Thân bất tịnh
Thọ thị khổ
Tâm vô thường
Pháp vô ngã