Thích Nhất Hạnh
Tâm sự với một nhà khoa học trẻ tuổi
Hiểu và Thương
Là nhà khoa học, anh (chị) có nhu yếu khám phá. Là người tu thiền, tôi cũng có nhu yếu khám phá. Vì vậy tôi muốn viết thư cho anh.
Tôi nghĩ khám phá là một nhu yếu lớn của con người. Đó là nhu yếu hiểu. Hiểu và thương là hai nhu yếu căn bản. Hạnh phúc là cái có thể có nếu ta làm thỏa mãn được hai nhu yếu căn bản ấy.
Cái hiểu có liên hệ gì đó với cái thương, tôi chắc anh cũng cảm nhận điều này. Cái hiểu, dù là cái hiểu trong khoa học, có công năng đem tới cái thương. Tôi thấy có hiểu mới có thương, nếu không hiểu thì không thể thương, nếu có thương thì đã có hiểu, và sẽ có thêm hiểu. Hiểu và thương là hai mặt của một thực tại, cũng như hai mặt sấp ngửa của một đồng bạc, hay hai dạng sóng và hạt của một điện tử.
Tôi gọi anh là một nhà khoa học trẻ bởi vì anh có rất nhiều thao thức muốn khám phá. Khám phá trước hết là để thỏa mãn cái nhu yếu muốn hiểu của mình. Và nếu anh khám phá ra được một cái gì thật mới thì anh sẽ trở thành một nhà khoa học nổi tiếng, và tên anh sẽ được ghi lại trong lịch sử khoa học, có thể dưới dạng của một lý thuyết hay một phương trình. Viễn tượng trở thành một nhà khoa học nổi tiếng có thể đem tới cho anh rất nhiều năng lượng để làm việc. Anh có thể ngồi hàng giờ trong phòng thí nghiệm, không nghĩ gì tới chuyện ăn uống và đi chơi, tâm trí để hết vào việc tìm tòi khảo cứu. Cái say mê khảo cứu ấy tuy đem lại cho anh nhiều năng lượng nhưng cũng có thể làm cho anh mệt mỏi và không cho anh nhiều cơ hội để tiếp xúc với những mầu nhiệm của cuộc sống hàng ngày trong anh và chung quanh anh.