Hiển thị các bài đăng có nhãn Lạy Phật. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Lạy Phật. Hiển thị tất cả bài đăng

Chủ Nhật, 16 tháng 2, 2014

Thờ Phật, Lạy Phật, Cúng Phật

HT Thích Thiện Hoa

A. Mở Ðề

Xưa nay, những bậc có công ơn lớn đối với Quốc gia, xã hội đều được tôn sùng, nhưỡng mộ. Sự tôn sùng ngưỡng mộ này do nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chính là lòng tri ân và sự mong muốn được noi theo gương sáng. Tục ngữ có câu: “Ăn trái phải nhớ kẻ trồng cây, uống nước phải nhớ người đào giếng”.

Lòng tri ân là một đức tính quí báu, mà những người có chút công bằng không thể thiếu được. Một xã hội gồm những phần tử phi ân bội nghĩa,ăn cháo đá bát, không có thể tồn tại được lâu dài, vì nó làm chán nản những kẻ có lòng, và làm khô cạn nguồn hy sinh. Vả lại, nếu con người thấy điều tốt, người hiền mà chẳng hâm mộ, thấy điều xấu, người ác mà không tránh xa, thì con người ấy là người thiếu căn bản đạo đức,
thiếu mầm thiện, khó có thể tiến bộ. Vì những lý do trên, ta thấy trên thế giới, bất luận ở phương trời nào, dân tộc nào, thời đại nào, hễ kẻ có công với làng xóm, thì được làng xóm tôn thờ, kẻ có công với quốc gia, dân tộc, thì được quốc gia, dân tộc tôn thờ, kẻ có công đức với nhân loại, thì được nhân loại sùng thượng.

Sự thờ cúng trong các tôn giáo cũng không ra ngoài những lý do đã kể trên. Nhưng ở các tôn giáo, sự thờ cúng có tính cách thường trực và thiết tha hơn, vì các vị Giáo chủ là những bậc có công ơn lớn đối với nhân loại và là những gương sáng mà tín
đồ cần đặt luôn luôn ở trước mắt để soi sáng đời mình. Trong các vị Giáo chủ, thì Ðức Phật là Vị được nhiều tín đồ sùng mộ nhất. Sự sùng mộ ở đây biểu hiện trong sự thờ, lạy và cúng Phật.

Thứ Tư, 7 tháng 8, 2013

Lạy Phật (*)

Tôi đến thăm Hòa thượng Trí Quang đúng lúc nhà in đem đến quyển sách đầu tiên vừa in xong, còn thơm giấy. Quyển sách nhan đề: "Ba ngàn hiệu Phật", dịch một bản kinh đại thừa. Tôi xin phép mở ra xem: Ba ngàn danh hiệu của Phật, trong quá khứ, trong hiện tại, trong vị lai, ba ngàn danh hiệu khác nhau, chú tâm mà đọc từng danh hiệu, và lạy.

Ba ngàn lạy! Ví thử mỗi buổi sáng tôi chỉ lạy năm trăm lạy, cả tuần tôi khỏi cần tập khí công mà vẫn mạnh. Mạnh cả thân lẫn tâm.


Nhưng Phật đâu mà nhiều vậy? Tôi đọc lướt vài trang và hiểu: Ba ngàn danh hiệu chẳng thấm vào đâu, vì Phật nhiều vô số kể, nói mấy cũng không hết. Kinh này cụ thể hóa điều mà các kinh khác đã nói: Phật ở khắp nơi và trong mọi lúc. Bao nhiêu danh hiệu là bấy nhiêu cách nói về Phật; Phật ở trong đời, tự tại với đời, như là người thân và thương mến đời. Phật nhiều như vậy lại cũng có nghĩa rằng ai cũng có thể thành Phật, và để thành Phật thì phải bắt đầu diệt trừ những gì làm trở ngại, xoay cái tay làm việc ác thành cái tay làm việc lành. Lạy mỗi danh hiệu là xoay mỗi cái tay. Và như vậy, lạy là tâm niệm, tín niệm: thân này tâm này lạy Phật tức là thân này tâm này là Phật, thân này tâm này làm Phật.