NHẬN THỨC VÀ KHÔNG TÁNH
Hồng Dương
Biện Chứng Pháp Apoha
Cá thể đặc thù và tổng thể khái quát
Trên phương diện luận lý học, trong các câu "Đây là cái bàn", "Đó là màu xanh", các danh từ 'cái bàn', 'màu xanh', không phải để chỉ vào cá thể đặc thù, mà là tên gọi những phẩm tính do biến kế chấp tạo và gán ghép cho cá thể đặc thù. Cá thể đặc thù là thực tại điểm vô ngôn không có danh xưng nên phải dùng đại danh từ 'đây', 'đó' để chỉ vào.
Trần Na (Dignàga), một môn đệ của Thế Thân (Vasubandhu), chủ trương chỉ có hai thứ đối tượng lượng biết. Một là cá thể đặc thù thực hữu gọi là tự tướng (svalaksana; particular) và hai là tổng thể khái quát không thật gọi là tổng tướng (sàmànyalaksana; universal). Sự phân biệt bản thể của sự vật như vậy dùng làm nền tảng cho một thứ nhận thức luận chỉ chấp nhận hai hình thái lượng biết, hiện lượng (pratyaksa; perception) và tỷ lượng (anumàna; inference). Hiện lượng trực tiếp nhận thức tự tướng bằng cảm giác đơn thuần; tỷ lượng gián tiếp nhận thức tổng tướng bằng suy luận.
Tự tướng là thực tại điểm, nên không có thể chất nhưng lại có lực tính (forces), nghĩa là có khả năng tính tác dụng trên thức để phát sinh tri giác và suy luận. Tổng tướng là hiện tượng nhất thể không sai biệt, hoàn toàn vọng tưởng, không có thật tính như tự tướng, nghĩa là không có khả năng tính tác dụng. Tuy nhiên tổng tướng không huyễn ảo như hoa đốm giữa trời hay mộng mị như trong giấc mơ.