C.S. Quảng Tuệ - Lương Gia Tĩnh
Tạp chí Giáo dục & Thời đại số 12 (ra ngày 18/ 3/ 2012) có đăng bài Ngày xuân nói chuyện chữ “TÂM” của tiến sĩ Ngô Thị Lan Anh (Khoa Giáo dục Chính trị trường ĐHSP Thái Nguyên).
Mặc dù tiêu đề là “nói chuyện chữ Tâm” nhưng nội dung bài viết tác giả chỉ bàn đến chữ “Tâm” trong Phật giáo, do vậy, chúng tôi cũng chỉ trao đổi trong phạm vi giới hạn của bài viết, đặc biệt về bản chất lập trường, quan điểm của Triết học Phật giáo.
Như chúng ta đã biết, Phật giáo không chỉ là một tôn giáo mà nó còn là một hệ thống triết học – văn hóa - đạo đức - lối sống có ảnh hưởng cực kì sâu rộng không chỉ trong tiến trình lịch sử tư tưởng triết học mà còn trong mọi mặt của đời sống văn hóa, xã hội của các nước Phương Đông nói chung và Việt Nam nói riêng. Như vậy, việc hiểu chính xác những phạm trù, khái niệm căn bản của Triết học Phật giáo (cũng như khi muốn tìm hiểu bất cứ hệ thống triết học nào khác) là việc làm không thể thiếu trước khi bàn, nhận định về nó. Xét cả trên hai phương diện bản thể luận và nhận thức luận, “Tâm” là phạm trù căn bản của Triết học Phật giáo.