Hiển thị các bài đăng có nhãn Phật giáo căn bản. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Phật giáo căn bản. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Ba, 11 tháng 9, 2012

Bát chánh đạo là gì?

Bát-Chánh-Đạo là 8 con đường chơn chánh hay 8 phương cách thực tiển để giúp cho việc tu hành đạt đến thành tựu viên mãn.


Bát-Chánh-Đạo nằm trong các phương pháp tu tập của 37 Phẩm-Trợ-Đạo Bồ-Đề. Tám pháp môn chính đáng nầy là động cơ của mắt, miệng, hành vi, tư tưởng và ngay cả thân thể nữa cũng ảnh hưởng dây chuyền hợp thành. Thấy biết đúng để nhận ra được sự vật không lầm thuộc về chánh kiến, suy nghĩ ngay thật (Chánh-tư-duy) không mang tâm niệm xấu có hại cho kẻ khác. Miệng luôn luôn nói lời chân thật, hòa nhã, không cố ý thêm bớt, đặt điều vô ích (Chánh-ngữ). Hành động, việc làm chân chính (Chánh-nghiệp) luôn luôn chuyên cần để đẩy mạnh công việc làm đạt tới kết quả tốt (Chánh-tinh-tấn), lúc nào cũng nhớ nghĩ tới điều hay lẽ thật (Chánh-niệm), chọn lựa những công việc nào thích hợp với khả năng và trình độ của mình không làm phương hại tới kẻ khác trong việc mưu sinh (Chánh-mạng). Lòng lúc nào cũng hướng tới những tư tưởng hay, những điều bổ ích thiết thực cho đời sống của mình là ta đã theo đúng chánh định. Nếu hiểu biết suy nghĩ chân chánh theo như tám phương pháp nầy, chúng ta có thể rút tỉa ra được từ đó một bài học thực tiển thật hữu ích để ứng dụng vào đời sống hầu cải tạo cho riêng cá nhân mình và tư tưởng theo đúng con đường chánh đáng, là con đường duy nhất chân thật làm kim chỉ nam cho cuộc sống đúng nghĩa, hữu ích và an lạc.

Sống là một nghệ thuật mà mỗi người phải tự tạo ra cho cuộc đời mình tốt đẹp hay xấu xa. Người Phật tử biết sống đúng theo chánh pháp sẽ tạo được hạnh phúc an vui trong chánh đạo.

http://www.buddhismtoday.com/viet/batdau/hoi-001-kienthuc1.htm

Thứ Hai, 10 tháng 9, 2012

KHỔ TRONG PHẬT GIÁO CÓ PHẢI LÀ MỘT HÌNH THỨC THAN THÂN TRÁCH PHẬN ĐỂ CHÁN ĐỜI ?

Cái khổ của con người có muôn mặt thuộc về tâm sinh lý, là một sự thực hiển nhiên ta không thể chối cải được. Phật chỉ nói khổ, vì thấy rõ được chân tướng của nó và chỉ bày phương pháp để diệt khổ.

Trong mỗi sinh hoạt hàng ngày, chúng ta chưa thấy có ai hài lòng với chính mình. Chẳng hạn người buôn bán hơi bận rộn một chút đã than bận quá, còn như lúc rãnh lại than ế ẩm. Học trò tới kỳ thi vùi đầu vào sách vở thì than bận đã đành, nhưng khi đã thi xong thì cũng còn bao nhiêu mối bận rộn khác như nghỉ hè ở đâu, tiệc vui bè bạn... Như thế con người từ khi sinh ra đời, lớn lên, già rồi chết, chúng ta gặp biết bao nhiêu cảnh khổ, không được toại ý. Khổ về tinh thần và khổ về vật chất mà Phật giáo chia làm 8 loại khổ khác nhau là : Khổ về sanh, già, bịnh, chết, yêu nhau phải xa lìa, mong cầu không được toại nguyện, thù ghét nhau nhưng phải sống chung đụng và các phần thuộc sắc, thọ, tưởng, hành, thức (5 uẩn) có sự bất bình thường cũng gây ra sự khổ.

Nêu ra cái khổ không phải để chán nản, bi quan mà là để tìm cách thoát ra nó, đạo Phật không chủ trương khổ để đưa người vào chỗ mê lộ không lối thoát, như có người cho rằng đó là tư tưởng chán đời, yếm thế ... Chữ khổ có nghĩa là DUKKHA (suffering), tức là chồng chất lẫn lộn những điều bất như ý vào trong các sinh hoạt thường ngày của chúng ta. Muốn diệt khổ, chúng ta phải biết kiên nhẫn (perseverance) và trì chí hay nhẫn nại (patience), tận tâm (thoroughness) và chăm chỉ (industry) làm hết bổn phận của mình mỗi ngày, tâm hồn sẽ an vui, thư thái. Kinh 42 Chương, phẩm "Thiểu dục và tri túc" nói :

"Người biết đủ dù ở bất cứ chỗ nào trên mặt đất, tâm trí cũng được thỏa mãn, còn người không biết đủ dù cho có ở trên thiên đường cũng không vừa ý".

Chúng ta biết được khổ để tìm cách tiêu diệt, vì không thể chạy trốn được. Người chạy trốn cái khổ mới chính là kẻ bi quan, yếm thế vậy.

Chủ Nhật, 9 tháng 9, 2012

Xá lợi là gì? Ai có được Ngọc Xá Lợi?

Chư Phật, Bồ-Tát, các vị Tổ sư khi viên tịch (nhắm mắt lìa đời), xác thân được đem thiêu và còn lại phần tinh ba gọi là Xá-lợi.


Như thế, Xá-lợi có khác với xương cốt mà người thường chúng ta khi chết cũng đốt và thu lại trong một cái bình để thờ không ? Nói một cách khác dễ hiểu hơn, Xá-lợi là do cái tinh túy của con người dồn lại. Người tu do sức thiền định, cũng như tinh tủy không dùng vào việc ân ái nên tích tụ lại và kết thành một chất sáng long lanh như kim cương sau khi xác thân đã được thiêu đốt. Chất sáng ấy chính là ngọc Xá-lợi. Chư Phật, các vị Tổ sư đã tu chứng đắc đạo, lúc nhập Niết-bàn mới có được ngọc Xá-lợi. Đức Phật Thích-Ca lúc nhập diệt, Xá-lợi của Ngài được chia thành 8 phần để cho các hàng đệ tử phụng thờ. Hiện nay, Xá-lợi Phật vẫn còn tại một vài nơi như Népal, Tích-Lan và được dân chúng hết sức kính ngưỡng. Việt-Nam có chùa Xá-Lợi Sàigòn, thành lập vào năm 1952 cũng có rước được một phần Xá-lợi Phật từ Tích-Lan về thờ. Ngọc Xá-lợi nguyên thủy có lẽ đã bị biến dạng và hiện nay có còn lại chăng một phần (của ngọc Xá-lợi) đều do sáng tạo của hàng Phật tử sùng kính muốn ghi ơn đức Phật nên tìm cách duy trì. Tại Pháp vào năm 1979, chùa Việt-Nam tại Nice có tổ chức một cuộc rước đất thiêng do phái đoàn hành hương đến Ấn-Độ chiêm bái các nơi Phật tích mang về.

Đức tin của con người rất quan trọng, những gì đã được tôn thờ đều có một giá trị tinh thần rất cao !

Ngày nay, Xá-lợi Phật vẫn còn sáng ngời trong lòng mỗi chúng ta qua mọi thời đại, nếu biết tùy hoàn cảnh của mỗi quốc độ mà duy trì chánh pháp để tạo cho người đời một lòng tin tưởng mãnh liệt vào ánh sáng của đạo mầu giải thoát là chúng ta đã cúng dường Xá- lợi Phật một cách đúng nghĩa vậy.