(PGVN)
Trong truyền thống Phật giáo Việt Nam, ngài Di Lặc có một vị trí khá quan trọng. Người Việt đã tôn thờ ngài gần cả nghìn năm kể từ thời Lý cho đến ngày nay.
Bồ tát Di Lặc, vị Phật tương lai, có một vị trí quan trọng trong nền tín ngưỡng vàvăn hoá Phật giáo. Di Lặc là vị Bồ tát duy nhất được các tông phái Phật giáo, từ Tiểu thừa, Đại thừa và Mật tông tôn kính.
Các kinh điển trong cổ ngữ tiếng Phạn Pali và Sanskrit, cũng như kinh tạng Đại thừa chữ Hán và tiếng Tây Tạng đều có nói đến vị Phật tương lai này.
Tượng Phật Di Lặc trên đỉnh núi Cấm với nụ cười an nhiên, từ bi hỉ xả |
Các bộ sử lớn trong truyền thống Phật giáo Tích Lan, các bộ luận đại thừa trong truyền thống Phật giáo Tây Tạng đã đề cập rất nhiều về Di Lặc. Trên mặt tạc tượng mỹ thuật Phật Giáo, hình ảnh Bồ tát Di Lặc đã xuất hiện khá sớm từ thế kỷ thứ hai Tây lịch và trải qua gần 2000 năm lịch sử phát triển, hình ảnh Di Lặc đã phát triển rất đa dạng, có khi là Bồ tát qua hình tướng một vị thái tử, có khi là một vị Bồ tát đang ngồi trầm tư, cũng có lúc được thờ cúng như một vị Phật, có khi được diễn tả như một vị Hoà thượng thiền sư.
Trong truyền thống Phật giáo Việt Nam, Ngài Di Lặc có một vị trí khá quan trọng. Người Việt đã tôn thờ ngài gần cả nghìn năm kể từ thời Lý cho đến ngày nay. Phật giáo Việt Nam chịu ảnh hưởng khá lớn nền văn hoá Phật giáo Đại thừa từ Trung Hoa du nhập vào, do vậy tín ngưỡng và hình tượng thờ Di Lặc tại Việt Nam, chịu ảnh hưởng nền văn hoá Phật giáo Trung Quốc, nhất là nền văn hoá Phật giáo từ thời Minh do các vị tăng người Trung Quốc cuối thời Minh qua truyền vào Việt Nam.