Hiển thị các bài đăng có nhãn Chấp Không. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Chấp Không. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Tư, 8 tháng 1, 2014

Đại Thừa Phật Giáo chấp Không. Chân như hay Niết Bàn chỉ là không không

Tôi được đọc một quyển sách của một pháp sư người Trung Hoa (bản dịch) và một quyển sách khác của một vị ni sư người Việt không nhớ rõ tên. Cả hai vị đều cho rằng Đại Thừa Phật Giáo chấp Không. Chân như hay Niết Bàn chỉ là không không, chẳng có gì hết. Vậy xin ban biên tập TVHS vui lòng cho chúng tôi biết quan điểm?

(1) Cho rằng “Đại Thừa Phật Giáo chấp Không. Chân như hay Niết Bàn chỉ là không không, chẳng có gì hết.” là hoàn toàn không đúng. Ngài Bồ Tát Mã Minh là luận chủ của Luận Đại Thừa Khởi Tín đã luận biện rất rõ ràng là Đại Thừa Phật Giáo phá chấp Không.

Trong Luận Đại Thừa Khởi Tín, Ngài Mã Minh đã phá trừ 5 cái quan niệm sai lầm về chấp bản Ngã là thật và phá luôn quan niệm chấp thật về vũ trụ (chấp pháp) của chúng sinh phàm phu. Trong đó có việc phá trừ quan niệm sai lầm cho rằng Phật Giáo Đại Thừa chấp Không.

Hoà Thượng Thích Thiện Hoa đã giải thích lời của Ngài Mã Minh như sau:

[Bắt đầu trích dẫn]

“Chúng sanh chấp pháp thân của Phật có hình tướng như thế này, hoặc như thế kia v.v....Vì muốn phá các chấp sai lầm ấy, nên Phật nói: "Pháp thân của Phật rốt ráo vắng lặng, cũng như hư không".

Nghe trong kinh nói như vậy, chúng sanh trở lại chấp:"Hư không là pháp thân của Như Lai" vì phá cái chấp sai lầm này, nên Ngài Mã Minh giải thích rằng:"Hư không là cái không thật thể, do các sắc tướng mà thấy có hư không. Nếu không có sắc tướng thì cũng không có hư không. Cả sắc tướng và hư không đều do vọng tâm biến hiện; rồi chúng sanh lầm chấp là thật có. Nếu vọng tâm hết thì sắc tướng và hư không cũng không còn. Lúc bấy giờ bản thể chơn tâm hiện ra, rộng lớn bao la và trùm khắp tất cả. Đó là pháp thân thanh tịnh của Như Lai. Đây thuộc về phần tâm trí, không phải như hư không, không có tri giác.”

“…Chúng sanh thường lầm tưởng:"Các pháp thật có". Vì phá trừ quan niệm sai lầm ấy, nên trong kinh Phật nói:"các pháp thế gian hư giả không thật, cho đến các pháp xuất thế gian như Chơn như, Bồ Đề, Niết bàn v.v...rốt ráo cũng không có thật thể, vì không có các hình tướng".

Chúng phàm phu nghe nói như vậy không hiểu, trở lại chấp:"Chơn như hay Niết bàn v.v...là cảnh giới hư vô ảo tưởng, chẳng có chi hết".

Để đối trị sự chấp sai lầm này, nên Ngài Mã Minh Bồ Tát giải thích rằng:"Chơn như, Pháp thân hay Bồ Đề, Niết bàn không phải là cảnh giới ảo tưởng hư vô, không có gì cả, mà nó sẵn có đầy đủ vô lượng đức tánh, nhiều hơn số cát sông Hằng, như: thiện, thường, lạc, ngã, tịnh, giải thoát v.v....