Hiển thị các bài đăng có nhãn Tứ niệm xứ. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Tứ niệm xứ. Hiển thị tất cả bài đăng

Chủ Nhật, 8 tháng 9, 2013

Pháp Tứ Niệm Xứ Áp Dụng Vào Đời Sống Hiện Đại

THE SATIPATTHANA SUTTA AND ITS APPLICATION TO MODERN LIFE
Tác giả: V. F. GUNARATNA, 1963
Dịch giả: LÊ THỊ ÁNH, 1964

“Áp dụng Pháp TỨ NIỆM XỨ vào đời sống hiện đại” là đề mục buổi nói chuyện của tôi chiều nay. Trước tiên tôi sẽ cố gắng trình bày cùng quí vị vài ý niệm về TỨ NIỆM XỨ, rồi sau tôi sẽ vạch rõ tình trạng đặc biệt và phức tạp của thời đại hiện tại như thế nào, để quí vị nhận thức rằng hơn lúc nào cả, Pháp TỨ NIỆM XỨ rất cần thiết cho thời đại của chúng ta.

Cũng như quí vị đã biết, Pháp TỨ NIỆM XỨ đề cập đến sự phát triển một khả năng rất quí của Tâm, là “Sati” hay “Niệm” (chú tâm). Sự phát triển ấy có bốn cách. TỨ NIỆM XỨ có nghĩa là củng cố Niệm hoặc thực hành Niệm. Bốn cách Niệm mà ta thấy trong Kinh là:

1.Niệm-thân: Kayanupassana (niệm hơi thở thuộc về khoản này)
2.Niệm-thọ: Vedananupassana
3.Niệm-tâm: Cittanupassana 
4.Niệm-pháp: Dhammanupassana

Niệm là một trong tám Chi của Bát-Chánh-Đạo; nó là một trong Ngũ-Căn (Indriya) và cũng là một trong Thất-Giác-Chi (Bojjhanga). Như vậy quí vị cũng đủ thấy là Niệm (Sati) có một vị trí rất quan trọng trong giáo lý nhà Phật. Thật vậy, Đức Phật đã gọi nó là “Ekayano Maggo” -- con đường duy nhất – “sattanam visuddhiya” – làm cho chúng sanh trở nên thanh tịnh – “soka pariddavanam samatikkamaya” – làm cho ta vượt qua phiền não và ta thán – “dukkha domanassanam atthangamaya” – làm cho ta diệt khổ não và u sầu – “nayassa adhigamaya” -- đem ta vào Chánh-Đạo – “nibbanassa sacchikiriyaya” – để chứng quả Niết-Bàn. Bởi thế nên dù theo quan điểm của người thường, Niệm cũng là một đức độ rất đáng kỳ vọng. Lẽ thường cho ta hiểu rằng thực hành niệm sẽ làm cho ta trở nên tinh tường, đúng mực hơn, nhặm lẹ hơn và làm giảm bớt tối đa những điều sai lạc, những lỗi lầm, những sơ xuất, những tai ương. Và lẽ thường cũng cho ta hiểu thêm rằng nếu thực hành Niệm thành một thói quen, Tâm ta sẽ được quân bình, ta sẽ ý thức được sự tương quan trong mọi việc, ta sẽ có một tinh thần minh mẫn và luôn luôn ta sẽ thận trọng. Nhưng xin quí vị nên nhớ rằng Đức Phật còn cho ta biết nhiều hơn nữa về kết quả của Niệm. Đức Phật với những lời lẽ hết sức rõ ràng, như tôi vừa trích trên đây, dạy ta rằng Niệm có tác dụng làm cho chúng sanh trở nên thanh tịnh, làm cho ta vượt qua phiền não, đưa ta vào Bát-Chánh-Đạo và cuối cùng làm cho ta chứng được quả Niết-Bàn. Song le, làm thế nào để đạt được những kết quả cao quí và tốt đẹp ấy? Cho đặng thành tựu như thế thì cái Niệm mà ta thực hành không phải chỉ thuộc về thế gian này, không phải là Niệm “tại thế” (lokiya), nhưng phải là Niệm ”siêu thế” (lokuttara), nghĩa là phải có một đặc tính riêng biệt thuộc về tinh thần, và do đó phải có một “kỹ thuật” đặc biệt để thực hành Niệm. Pháp TỨ NIỆM XỨ đề cập đến bốn cách Niệm và những phương pháp cần thiết để thực hiện. Như vậy, khi ta hành về một trong TỨ NIỆM XỨ bằng phương pháp đặc biệt của nó, ta có thể thu nhập được những kết quả hứa hẹn.

Thứ Bảy, 7 tháng 9, 2013

Tứ Niệm Xứ

(Theo bài giảng của Hòa Thượng Thích Thiện Hoa trong "Phật học phổ thông")

Ðịnh Nghĩa Về Tứ Niệm Xứ

TỨ là bốn; NIỆM là hằng nhớ nghĩ; XỨ là nơi chốn. Tứ Niệm Xứ là bốn chữ, bốn điều mà kẻ tu hành thường để tâm nhớ nghĩ đến. Ðó là: 

Quán Thân bất tịnh 
Quán Tâm vô thường 
Quán Pháp vô ngã 
Quán thọ thị khổ

1. Quán thân bất tịnh: Quán nghĩa là tập trung tư tưởng để quan sát cho thấu đáo. Bất tịnh nghĩa là không sạch. Quán thân bất tịnh nghĩa là tập trung tư tưởng để quan sát một cách tường tận về sự dơ bẩn của cái thân ta. 

Nói cái thân là bất tịnh, chắc có nhiều người ngạc nhiên, phản đối cho là Phật đã nói quá đáng. 

Thứ Năm, 5 tháng 9, 2013

Tu theo Tứ Niệm Xứ là Con Đường Thật Tiễn

Vu Lăng Ba 
Thích Chúc Tiếp dịch

Là một Tín Đồ của Phật Giáo, việc đầu tiên trong cách Hành Trì là Phục Vụ, đây là con đường hết sức thực tiễn. Tuân thủ theo việc làm này cũng là hướng đến Niết Bàn Giải Thoát. Mà cái gọi là Đạo, một nữa nói là Tứ Thánh Đế bao gồm cả Bát Chánh Đạo. Nhưng sự thật Đạo, cũng bao gồm cả 37 Phẩm Trợ Đạo. Tứ Niệm Xứ là phần đầu tiên của 7 phần trong 37 Phẩm Trợ Đạo.

Giáo lý Duyên Khởi mà Đức Phật Chứng Ngộ tại dưới gốc Bồ Đề, cũng chính là giáo lý căn bản của Phật Giáo. Pháp Duyên Khởi không phải là do Đức Phật sáng tạo hoặc chế định, mà là do Ngài Chứng Ngộ. Chân Lý của Vũ Trụ Thế Gian là「Pháp Nhĩ Như Thị」. Đức Phật lấy Pháp làm Thân, bởi vậy trong Kinh「Liễu Bổn Sanh Tử」Ngài có dạy: 若比丘見緣起 即是見法 若正見於法 則是見我 nếu Tỳ Kheo thấy Duyên Khởi, tức là thấy Pháp, nếu chân chánh thấy Pháp, tức là thấy Ta(Phật)

Nhưng sau khi Đức Phật Chứng Ngộ, Ngài Sơ Chuyển Pháp Luân tại Vườn Lộc Uyển độ năm anh em Kiều Trần Như, Ngài không nói Pháp Duyên Khởi mà lại nói Tứ Thánh Đế. Vậy tại sao Đức Phật đối truớc năm anh em Kiều Trần Như không nói Duyên Khởi mà nói Tứ Thánh Đế ? Đức Phật nói:『Pháp Duyên Khởi rất là Thậm Thâm』. Duyên Khởi Pháp là diệu lý của「Tối ư của sự sâu xa, tối ư của sự vi diệu, rất khó thông đạt đến」. Phần đông chúng ta chưa hiểu rõ một cách triệt để. Đức Phật Ngài quán căn cơ mà thuyết giáo, lấy Duyên Khởi Pháp tổ chức một cách thứ tự, lấy Khổ Tập Diệt Đạo của Tứ Thánh Đế để biểu đạt. Bởi vậy, Đức Phật khi Sơ Chuyển Pháp Luân Ngài không nói Duyên Khởi mà nói Tứ Thánh Đế. Tức cái gọi là「Khổ này nên Biết, Tập này nên Đoạn, Diệt này nên Chứng, Đạo này nên Tu」lúc Đức Phật còn trụ thế, Ngài khuyên các đệ tử siêng năng học tập Tứ Thánh Đế. Nếu như chân chánh lý giải về Tứ Thánh Đế, do thực tiễn Bát Chánh Đạo thì có thể kiến lập Giải Thoát Tri Kiến của quả vị A La Hán.

Thứ Tư, 4 tháng 9, 2013

Thiền Tứ Niệm Xứ

Thích Trí Siêu

Quyển sách nhỏ này được viết ra nhằm mục đích giới thiệu với quý độc giả đang đi tìm giải thoát và nhất là thích tu thiền, một phương pháp hành thiền mà ít người để ý, đó là pháp Tứ Niệm Xứ.

Mục Lục:

[1] Vài lời cùng bạn đọc
[2] Mở đầu 
[3] Tứ Niệm Xứ và Bát Nhã Tâm Kinh 
[4] Tứ Niệm Xứ và Thiền Tông 
[5] Thiền và Tịnh Ðộ 
[6] Tứ Niệm Xứ và Bồ Tát Ðạo 
[7] Phương pháp hành thiền Tứ Niệm Xứ 
[8] Kết luận
[9] Phụ Lục - Kinh Quán Niệm

1. Vài lời cùng bạn đọc

Quyển sách nhỏ này được viết ra nhằm mục đích giới thiệu với quý độc giả đang đi tìm giải thoát và nhất là thích tu thiền, một phương pháp hành thiền mà ít người để ý, đó là pháp Tứ Niệm Xứ.

Ðức Phật Thích Ca xưa kia do tu Thiền mà giác ngộ giải thoát. Ngày nay những ai có chí xuất trần, nhận rõ cảnh đời nhiều đau khổ và muốn giải thoát ngay trong kiếp hiện tại hãy nên tu Thiền. Nhưng khi nói đến Thiền thì nhiều người hoang mang vì có cả một rừng Thiền nào là Như Lai Thiền, Tổ Sư Thiền, Thiền Ðốn Ngộ, Thiền Ông Tám, Thiền Yoga, Thiền Tây Tạng, Thiền Zen... không biết theo ai bây giờ? Nếu đến chùa hỏi Thầy thì hầu hết những chùa chiền đều tu theo Tịnh Ðộ, chỉ chuyên tụng kinh, làm đám. Vì không ai chỉ dạy nên người chán nản thì theo đại một phái Thiền khác. Nếu là Thiền Phật giáo như Tây Tạng hay Zen thì còn đỡ, nhưng nếu chẳng may rơi vào Thiền ngoại đạo thì ôi thôi, không những uổng một kiếp này mà còn uổng cả muôn ngàn kiếp sau, vì sai một ly đi ngàn dặm. Cổ nhân có câu: "Thà đành ngàn năm không ngộ, không cam một phút sai lầm".

Tứ Niệm Xứ là một pháp hành Thiền do chính Ðức Phật xưa đã đích thân chỉ dạy cho các đệ tử. Nhờ hành theo đó, các đệ tử đã giải thoát đắc quả vô sanh (A La Hán). Cũng một phần do đó mà một số người theo Ðại Thừa đã bỏ qua và lãng quên pháp hành này, cho rằng đó là pháp Tiểu Thừa. Phật pháp không có đại hay tiểu, có chăng là do chính chúng ta ưa phân biệt đặt ra mà thôi.

Thứ Ba, 3 tháng 9, 2013

Tứ Niệm Xứ

Thích Chánh Thống

(Bài giảng hôm rằm tháng 10 (10 November 1935) tại hội Phật học chùa Từ Quang, Huế)
Nam mô A Di Đà Phật
Năm trước giảng về Đạo đế đã nói có 37 phép trợ bồ đề phần là:

Tứ niệm xứ
Tứ chánh cần
Tứ như ý túc
Ngũ căn
Ngũ lực
Thất giác chi
Bát chánh đạo

Trong kỳ ấy giảng về Bát chánh đạo mà thôi. Song, bát chánh đạo là lối tu hành của những bậc đã kiến đạo, cốt yếu nơi chữ “chánh”. Đối với người sơ cơ, nếu không biết chỗ chơn chánh là gì thì sao cho khỏi cái hại lấy giả làm chơn, lấy tà làm chánh. Vì vậy nên cần phải giảng về những phương tiện ban đầu để cho những ai muốn tu theo Thanh văn thừa, theo từng bực mà tu lần lên, tu cho đặng “Thất giác chi” rồi thì mới có thể tu hành “Bát chánh đạo”.

37 phép trợ bồ đề phần không thể giảng đủ trong một kỳ, vậy kỳ hôm nay tôi xin giảng riêng về “Tứ niệm xứ”.

Toàn thể pháp giới vẫn là như như bình đẳng, không tự, không tha, không năng, không sở. Lẽ ra không có chi đáng gọi là tâm niệm, chỉ vì chúng ta mê lầm không rõ bản tánh mà lại phân biệt nào tâm nào cảnh, nào ngã nào nhơn. Nên chi thường thường khi niệm chấp có ngã, chấp có pháp, chấp cái thân này là mình, nhận hoàn cảnh là khác với mình, rồi nương theo thân mà có già đau sống chết, nương theo cảnh mà có ưa ghét buồn sợ, luân hồi đời đời kiếp kiếp trong ba cõi.

Tâm niệm lầm lạc đã làm cho chúng ta mê, chúng ta muốn hết mê phải làm thế nào?

Thưa các ngài, người đạp gai thường thấy gai mà lể, vậy chúng ta nên lấy cái tâm niệm không lầm lạc để dứt trừ cái tâm niệm lầm lạc, đến khi tâm niệm không lầm lạc nữa là ngộ.

Tâm niệm không lầm lạc là chi? Tức là “Tứ niệm xứ”.

Tứ niệm xứ là phép tối tiên của người tu hành, là bước ban đầu trên đường giải thoát, dù Tiểu thừa hay Đại thừa cũng đều phải trải qua bước đường này cả.

Thân bất tịnh
Thọ thị khổ
Tâm vô thường
Pháp vô ngã

Thứ Hai, 2 tháng 9, 2013

Tứ niệm xứ

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
2/9/2013

Tứ niệm xứ (zh. 四念處, sa. smṛtyupasthāna; P: satipaṭṭhāna), là bốn phép quán cơ bản về sự tỉnh giác. Phương pháp thiền quán của Phật giáo nguyên thuỷ gồm quán thân sa., pi. kāya, quán thụ (sa., pi. vedanā), quán tâm (sa., pi.citta) và các pháp (tức là những ý nghĩ, khái niệm, gom lại là tâm pháp).

Phương pháp quán chiếu này được nói rõ trong kinh Tứ niệm xứ (pi satipaṭṭhāna-sutta) và Phật từng nói rằng, pháp này có thể đưa đến Niết-bàn. Ngày nay tại phương Tây, phép quán bốn niệm xứ được phổ biến rộng, trong đó hành giả ngồi (Toạ thiền) hay áp dụng phép quán này trong các hoạt động hàng ngày.
Quán Thân bao gồm sự tỉnh giác trong hơi thở, thở ra, thở vào (pi. ānāpānasati), cũng như tỉnh giác trong bốn dạng cơ bản của thân (đi, đứng, nằm, ngồi). Tỉnh giác trong mọi hoạt động của thân thể, quán sát 32 phần thân thể, quán sát yếu tố tạo thành thân cũng như quán tử thi.
Quán Thụ là nhận biết rõ những cảm giác, cảm xúc dấy lên trong tâm, biết chúng là dễ chịu, khó chịu hay trung tính, nhận biết chúng là thế gian hay xuất thế, biết tính vô thường của chúng.
Quán Tâm là chú ý đến các tâm pháp (ý nghĩ) đang hiện hành, biết nó là tham hay vô tham, sân hay vô sân, si hay vô si (Tâm sở).
Quán Pháp là biết rõ mọi pháp đều phụ thuộc lẫn nhau, đều Vô ngã, biết rõ Ngũ chướng có hiện hành hay không, biết rõ con người chỉ là Ngũ uẩn đang hoạt động, biết rõ gốc hiện hành của các pháp và hiểu rõ Tứ diệu đế.

Trong Đại thừa, các phép niệm xứ được hiểu là quán thân, thụ, tâm, pháp; bốn thứ đều là dạng của tính Không.

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
http://vi.wikipedia.org/wiki/T%E1%BB%A9_ni%E1%BB%87m_x%E1%BB%A9.