Hiển thị các bài đăng có nhãn Kinh Pháp Hoa. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Kinh Pháp Hoa. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Ba, 14 tháng 1, 2014

Diệu pháp liên hoa kinh

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia (14/1/2014)

Diệu pháp liên hoa kinh (zh. 妙法蓮華經, sa. saddharmapuṇḍarīka-sūtra), cũng được gọi ngắn là kinh Pháp hoa, là một trong những bộ kinh Đại thừa quan trọng nhất, được lưu hành rộng rãi ởTrung Quốc, Nhật Bản, Tây Tạng và Việt Nam. Thiên Thai Tông lấy kinh này làm giáo pháp căn bản. Kinh này chứa đựng những quan điểm chủ yếu của Đại thừa Phật giáo, đó là giáo pháp về sự chuyển hoá của Phật tính và khả năng giải thoát. Kinh này được Phật giảng vào lúc cuối đời, được kết tập trong khoảng năm 200.

Thứ Ba, 24 tháng 12, 2013

Ðại cương Kinh Pháp Hoa

Hoà Thượng Thích Thiện Siêu
Tu Viện Kim Sơn ấn hành 

Trong kho tàng kinh điển Ðại Thừa, Kinh Diệu Pháp Liên Hoa là bộ kinh được truyền bá rất sớm và rất rộng rãi, đã từng là bộ kinh cơ bản cho tông Thiên Thai tại Trung Hoa và tông Nhật Liên tại Nhật Bản.

Các vị thiền sư Việt Nam đời Lý Trần cũng thường chú trọng trì tụng giảng dạy kinh Pháp Hoa song song với kinh Viên Giác, Kim Cang. Hai thiền sư Bảo Tịnh và Minh Tâm dưới đời Lý (khoảng năm 1034) suốt 15 năm trì tụng kinh Pháp Hoa chưa từng trễ nải. Thiền sư Thông Biện, vị thiền sư thông thái đời Lý Thánh Tông, từng trả lời Phù Thánh Cảm linh nhân hoàng hậu về các câu hỏi liên quan lịch sử truyền bá Phật Giáo tại Việt Nam, Ngài thường dùng kinh Pháp Hoa dạy người sửa mình, nên người bấy giờ gọi sư là Ngộ Pháp Hoa. Thiền sư Chân Không (tịch năm 1100) lúc 18 tuổi, tầm sư học đạo, nhân đến hội giảng của Thảo Nhất tại Chùa Tĩnh Lư núi Ðông Cứu nghe giảng kinh Pháp Hoa, bỗng nhiên tỏ ngộ. Sau đó Ngài được vua Lý Nhân Tông mời vào đại hội giảng kinh Pháp Hoa. Bấy giờ Thái Úy Nguyễn Thường Kiệt (tức Lý Thường Kiệt) và thứ sử Lạng Châu là tướng quốc Thân Công càng thêm kính trọng.

Thứ Tư, 8 tháng 5, 2013

Kết thúc - KINH PHÁP HOA

Thích Nhất Hạnh

Đây là lúc chúng ta nên nói vài câu để ôn lại và kết thúc khóa học kinh Pháp Hoa.

Sở dĩ trong khi học kinh Pháp Hoa chúng ta đã có được những giờ phút an lạc, vui mừng, một phần đó cũng là nhờ chúng ta đã học qua những kinh khác. Nếu chỉ đọc riêng kinh Pháp Hoa, chưa chắc chúng ta đã thấy được cái giá trị của kinh Pháp Hoa. Vì vậy vị nào chưa được học những kinh đi trước kinh Pháp Hoa, thì hãy nên học những kinh đó. Sau khi học những kinh như Bảo tích, Bát Nhã, Hoa Nghiêm, và Duy Ma, thì quí vị sẽ thấy được cái địa vị của kinh Pháp Hoa trong khu vườn lộng lẫy của các tác phẩm Đại Thừa.
Chúng ta đã nghe và hiểu tại sao kinh Pháp Hoa được gọi là Vua của tất cả các kinh.

Đứng về phương diện luận lý thì kinh Pháp Hoa không có những nét đanh thép và hùng biện như kinh Duy Ma. Nhưng đứng về phương diện nghệ thuật thì kinh Pháp Hoa vượt hẳn kinh Duy Ma. Những nghệ thuật sắp đặt các màn, các cảnh của kinh Duy Ma, kinh Pháp Hoa thừa hưởng được hết, và còn đi xa hơn vậy nữa. Những hình ảnh được trình bày trong kinh Pháp Hoa rất giàu có, và tất cả những tư tưởng uyên áo, đặc thù của kinh Pháp Hoa đều đựợc trình bày qua hình ảnh, qua các bức tranh. Đó là một điểm rất đặc thù.
Kinh Pháp Hoa còn có tính cách thực tiễn, thỏa mãn được nhu cầu của quảng đại quần chúng, vì vậy mà giới nào cũng có thể hành trì, không phải chỉ dành cho giới trí thức. Chỉ một Phẩm Phổ Môn là đủ cho chúng ta thấy được điều đó. Giới bình dân cũng có thể hành trì được kinh Phổ Môn, và giới trí thức thượng thặng cũng hành trì được kinh Phổ Môn. Đó là một điều đặc sắc khác của kinh Pháp Hoa.

Thứ Ba, 7 tháng 5, 2013

Phẩm 28: Phổ hiền bồ tát khuyến phát - KINH PHÁP HOA

Thích Nhất Hạnh

Bây giờ chúng ta đi sang phẩm thứ 28, phẩm cuối của kinh Pháp Hoa, phẩm Phổ Hiền Bồ Tát khuyến phát. Chúng ta đã biết rằng địa vị của Bồ Tát Phổ Hiền (Samantabhadra Bodhisattva) ở trong kinh Hoa Nghiêm thật là vĩ đại. Có lẽ vì vậy mà tới kinh Pháp Hoa, Bồ Tát Phổ Hiền đã xuất hiện vào phẩm cuối cùng.


Bồ Tát Phổ Hiền tượng trưng cho đại hạnh. Đến lúc này Ngài mới xuất hiện và cung kính bạch với đức Thế Tôn rằng Con xin lãnh trách nhiệm bảo hộ và yểm trợ cho sự hành trì của kinh Pháp Hoa trong hiện tại và trong tương lai. Bồ Tát nói rằng ở đâu, lúc nào có người hành trì kinh Pháp Hoa thì Bồ Tát đều cỡi voi trắng sáu ngà đến để cùng với các vị đại Bồ Tát khác hiện thân, một mặt là để cúng dường Pháp Hoa, mặt khác là để bảo trợ và an ủi người đang thực tập kinh Pháp Hoa.

Thứ Hai, 6 tháng 5, 2013

Phẩm 27: Diệu trang nghiêm vương - KINH PHÁP HOA

Thích Nhất Hạnh

Chúng ta hãy đi sang phẩm thứ 27, phẩm nói về sự tích vua Diệu Trang Nghiêm. Phẩm này kể lại tiền thân của các Bồ Tát Dược Vương, Dược Thượng và Hoa Đức, là các vị có mặt trong pháp hội Pháp Hoa. Lúc đó Bụt giới thiệu một vài vị Bồ Tát và nói về tiền thân của các vị đó, để cho đại chúng biết rằng sự hành trì Pháp Hoa có thể đưa tới những kết quả khôn lường, để làm vững thêm cái tín tâm của tất cả mọi người trong pháp hội.

Đọc phẩm này chúng ta sẽ thấy rằng người tu, dầu là con trai hay con gái, đều có khả năng để trở về độ cho cha mẹ của mình. Đi tu, để cha mẹ ở nhà và đi theo con đường lý tưởng của mình, mới nhìn qua giống như mình bất hiếu với cha mẹ. Đây là một điều mà Nho giáo đã khai thác để công kích đạo Bụt trong đời nhà Lê và cuối đời nhà Trần. Nhưng thật ra, trong lịch sử của các vị Bụt và Bồ Tát, và ngay trong lịch sử của các vị xuất gia thời trước, và cả thời nay, chúng ta thấy những người xuất gia luôn luôn đem sự giải thoát, đem sự thanh tịnh, đem sự an lạc của mình về độ cho gia đình mình, độ cha, độ mẹ, độ anh chị em, độ cháu.
Ngày xưa trong thời Bụt Vân-Lôi-Âm Tú-Vương-Hoa-Trí, có một vị vua tên là Diệu Trang Nghiêm, vua có hai người con trai tên là Tịnh Tạng và Tịnh Nhãn. Tuy là hoàng tử, nhưng Tịnh Tạng và Tịnh Nhãn sinh vào một gia đình không có nhiều may mắn, tại vì vua cha là người không có đức tin nơi Phật Pháp. Cái may mắn của hai vị này là mẹ của Tịnh Tạng và Tịnh Nhãn lại có khả năng hiểu được hai con. Cuối cùng hai người con này nhờ có cơ duyên tu học nên đã chuyển hóa và thuyết phục được vua cha đến nghe Bụt Vân-Lôi-Âm Tú-Vương-Hoa-Trí thuyết pháp. Sau khi đã giúp được vua cha, hai người con xuất gia, rốt cuộc thì vua Diệu Trang Vương cũng nhìn thấy được cái hạnh phúc và gíá trị của sự tu học, cho nên nhà vua đã nhường ngôi lại cho em rồi rủ hoàng hậu cùng mình xuất gia. Đó là chuyện ngày xưa. Giờ đây trong hội Pháp Hoa, sự có mặt của các vị Bồ Tát như Dược Vương, Dược Thượng, và Hoa Đức đã chứng tỏ rằng sự thực tập theo kinh Pháp Hoa, sự tu học theo đạo giải thoát là có thể độ được mình, độ được đời, và nhất là độ được cha mẹ, anh chị em và thân quyến của mình.

Chủ Nhật, 5 tháng 5, 2013

Phẩm 26: Đà la ni - KINH PHÁP HOA

Thích Nhất Hạnh

Chúng ta biết phẩm thứ 26 được gọi là phẩm Đà-La-Ni (Dh€rani). Dh€rani có nghĩa là tổng kỳ. Đà-La-Ni Môn là một cánh cửa cũng nhắm tới việc thiết lập sự thông cảm giữa mình và các bậc đại nhân, tức là Bụt và Bồ Tát để tiếp nhận năng lượng của các vị này. Chúng ta ai cũng phải trông cậy vào thầy, vào bạn và vào những người đồng tu. Tu học, chúng ta không thể nào tu học một mình. Do đó, Đà-La-Ni Môn là cánh cửa mở ra cho ta, giúp ta tiếp nhận được năng lượng của những người lớn hơn chúng ta, đi trước chúng ta, những người có thể yểm trợ cho chúng ta.

Đà-La-Ni là những câu nói, những âm thanh phát ra trong khi thân, khẩu và ý của chúng ta hợp nhất. Khi thân, khẩu, ý hợp nhất thì tự nhiên chúng ta có sức mạnh. Chúng ta an trú trong tam muội. Và từ trạng thái tam muội đầy dẫy những năng lượng đó, những âm thanh ta phát ra đều có một tác dụng làm chuyển hóa. Nếu người kia nhiếp ba nghiệp thanh tịnh hợp nhất để nghe và để lặp lại những âm thanh đó, thì người kia sẽ tiếp nhận được năng lượng của ta. Điều này cũng không khó hiểu lắm. Tôi đang giảng Pháp Hoa. Nếu tôi giảng Pháp Hoa bằng thân, ngữ, ý hợp nhất, thanh tịnh và có định lực, thì tôi đang phát ra một nguồn năng lượng rất lớn. Nếu có một vị, hai vị, hay nhiều vị ở trong giảng đường này mà tâm, thân, và khẩu hợp nhất, an trú được trong định để tiếp nhận những điều tôi nói, thì vị đó sẽ tiếp nhận được nguồn năng lượng mầu nhiệm ấy. Nghe kinh như vậy thì mình thấy trong người mình chuyển hóa liền. Vì nghe ở đây không phải chỉ là nghe âm thanh mà qua âm thanh đó còn có năng lượng. Ngược lại nếu có người hoặc vì tối hôm qua không ngủ đủ, hoặc đang có việc buồn phiền lo lắng trong lòng, chỉ nghe bằng nửa lỗ tai, thân khẩu ý không hợp nhất, thì dù tôi có phát ra rất nhiều năng lượng, vị đó cũng chẳng tiếp nhận được gì, nghe chữ được chữ mất và sẽ không có nhiều cơ hội để có sự chuyển hóa trong lòng. Điều này giúp ta hiểu được thế nào là Đà-La-Ni Môn.

Thứ Bảy, 4 tháng 5, 2013

Phẩm 25: Phổ môn - KINH PHÁP HOA

Thích Nhất Hạnh

Bây giờ chúng ta hãy đi sang phẩm thứ 25, Phẩm Phổ Môn. Phổ môn là cánh cửa phổ biến, cánh cửa mở ra cho mọi loài đi vào. Cánh cửa này không chỉ mở ra cho một hay hai, ba hạng người, mà tất cả mọi loài đều có thể đi qua cánh cửa đó để vào Phật Pháp. Tiếng Anh là Universal Door. Đây là một Phẩm được tụng đọc nhiều nhất của kinh Pháp Hoa, và được gọi là kinh Phổ Môn (Samantamukha) hay là kinh Quán Âm.

Nhìn vào Bồ Tát Quán Thế Âm (AvalokiteỐvara Bodhisattva) chúng ta thấy Bồ Tát Thường Bất Khinh, chúng ta cũng thấy Bồ Tát Dược Vương, tại vì con đường của tín nghĩa, của ân tình, của sự chung thủy cũng có mặt ở đây. Bồ Tát Quán Thế Âm đã lập nguyện là khi nào có người nhớ nghĩ tới Bồ Tát và niệm danh hiệu của Ngài, thì Ngài sẽ có mặt ngay trong giờ phút đó. Điều này có tính cách chung thủy, ân tình. Any time you need me, I will be there, đó là tiếng nói của Bồ Tát Quán Thế Âm. Những lúc anh cần đến tôi, tôi sẽ có mặt ở bên anh, nhất là lúc anh lâm vào tình trạng khó khăn, tuyệt vọng.
Quán Thế Âm có nghĩa là lắng nghe những âm thanh của cuộc đời. Chữ Quán ở đây có nghĩa là để ý tới, nhìn sâu, nhìn kỹ để có thể hiểu. Hiểu là cái bản chất làm ra sự thương yêu, có hiểu được mới thương. Nói đến Bồ Tát Quán Thế Âm, là ta nói tới sự thương yêu, Nam mô Đức Bồ Tát đại bi Quán Thế Âm. Nếu Bồ Tát Văn Thù tượng trưng cho sự hiểu biết lớn, nếu Bồ Tát Phổ Hiền tượng trưng cho hành động lớn, thì Bồ Tát Quán Thế Âm tượng trưng cho sự thương yêu lớn, cho đại từ, đại bi.

Thứ Sáu, 3 tháng 5, 2013

Phẩm 24: Diệu âm bồ tát - KINH PHÁP HOA


Thích Nhất Hạnh


Diệu Âm có nghĩa là âm thanh vi diệu, âm thanh mầu nhiệm. Đây là vị Bồ Tát thứ ba được trình bày trong Hạnh môn. Vị Bồ Tát thứ nhất là Bồ Tát Thường Bất Khinh, vị thứ hai là Bồ Tát Dược Vương. Bồ Tát Thường Bất Khinh hành trì như một vị Đại sứ của Pháp Hoa, đem một thông điệp duy nhất tới cho mọi loài: Tất cả chúng sanh đều có khả năng tính giác ngộ. Bồ Tát Dược Vương tuy đi một con đường khác nhưng vẫn tiếp nối con đường của Bồ Tát Thường Bất Khinh. Con đường của Bồ Tát Dược Vương là con đường của tín nguyện, của ân nghĩa. Cái tình nghĩa của Bồ Tát Dược Vương đối với thầy của mình được biểu lộ một cách rất thắm thiết, rõ rệt trong phẩm thứ 23. Tuy nói rằng Bồ Tát Dược Vương đại diện cho con đường của ân nghĩa, của tín nguyện, nhưng đứng về phương diện thực tập thì Bồ Tát Dược Vương đã thực hiện được nhiều công trình lớn lao, tiếp nối được sự nghiệp của Bồ Tát Thường Bất Khinh.

Thứ Năm, 2 tháng 5, 2013

Phẩm 23: Dược vương bồ tát bản sự - KINH PHÁP HOA

Thích Nhất Hạnh

Với Phẩm Thường Bất Khinh, phẩm 20, chúng ta đã đi vào bình diện thứ ba là bình diện của diệu dụng, của hạnh nguyện mà chúng ta gọi là Hạnh môn, môn thứ ba sau Tích môn và Bản môn. Sang Phẩm thứ 23, trang 473, chúng ta lại trở về Hạnh môn, tức là bình diện của sự thực hiện, của hành động. Kỳ trước trong Phẩm nói về Bồ Tát Thường Bất Khinh, ta biết rằng Thường Bất Khinh là một vị đại sứ đem theo chỉ một thông điệp, đó là: Ông, bà, anh, chị, cháu đều là những người có thể thành Bụt được. Vị đại sứ đó không cần ủy nhiệm thư. Ủy nhiệm thư của Ngài là một niềm tin thật vững chãi, tin vào sự thật rằng tất cả chúng sanh đều có Phật tánh. Không cần ủy nhiệm thư, không vin vào uy lực của một vị Bụt nào hết mà ruốt cục Thường Bất Khinh đã thành công, và về sau Ngài đã thành Bụt Thích Ca.

Bây giờ, trong Phẩm thứ 23 này, mình thấy một nhân vật khác, thực hiện Pháp Hoa trên một bình diện khác, bình diện của tín nguyện (devotion), con đường của đức tin, của ân nghĩa, đó là Bồ Tát Dược Vương (BhaĩỐajyar€ja Bodhisattva). Con người không có niềm tin thì không sống được, con người không có tình cảm, không có ân nghĩa cũng không phải là một con người. Không phải tu theo Phật Pháp là chỉ đi tìm kiến thức, tu Phật phải là người biết thương yêu, phải có tình nghĩa, và Dược Vương tượng trưng cho lãnh vực đó. Thường Bất Khinh có một phận sự, Dược Vương có một phận sự khác.

Thứ Tư, 1 tháng 5, 2013

Phẩm 22: Chúc lũy - KINH PHÁP HOA

Thích Nhất Hạnh

Phẩm 22: Chúc lũy

Phẩm thứ 22 gọi là phẩm Chúc Lũy, trang 470. Chúc lũy có nghĩa là dặn dò, di chúc và phó thác lại cái trách vụ cho một người nào đó. Trong phẩm này Bụt đưa "bàn tay đâu-la-miên" (10) của Người mà xoa đỉnh đầu của tất cả các vị Bồ Tát có mặt trong pháp hội, và nói rằng: Các vị Bồ Tát, tôi xin giao phó cho quí vị cái trách vụ truyền đạt chân lý của Pháp hoa cho nhân gian và cho tất cả các cõi. Đó là ý nghĩa của hai chữ chúc lũy. Trong phẩm này chúng ta cũng thấy rằng Bụt cám ơn Bụt, cám ơn tất cả những hóa thân của mình đã về từ vô lượng vô biên cõi, để cùng nhau mở tháp Đa Bảo. Thích Ca Mâu Ni cám ơn Thích Ca Mâu Ni, tại vì ở cõi ta bà chỉ là một hóa thân của Ngài mà thôi, và những vị Bụt ở các cõi khác cũng là những hóa thân của Bụt. Khi các hóa thân gặp nhau thì rất vui, các vị có thể cùng nhau uống trà, ăn bánh và đàm đạo.

Thứ Ba, 30 tháng 4, 2013

Phẩm 21: Thần lực của Như Lai - KINH PHÁP HOA

Thích Nhất Hạnh

Hôm nay chúng ta đi sang phẩm 21 tức là Phẩm Thần Lực của Như Lai. Phẩm này thuộc về Bản môn.

Thần lực của Như Lai là cái khả năng thực hiện của Bụt. Cố nhiên thần lực của Như Lai dựa trên căn bản thọ lượng của Như Lai. Trong một phẩm trước ta đã thấy Như Lai không thể nào được đặt trong khung không gian và thời gian, Như Lai vượt ra khỏi không gian và thời gian. Như Lai không phải là một, mà Như Lai cũng không phải là chỉ ở đây và lúc này. Như Lai ở khắp chốn, khắp thời và có hằng hà sa số phân thân. Vì vậy nếu căn cứ trên nền tảng của cái thọ lượng đó, thì thần lực của Như Lai cũng rất rộng lớn, cũng bất khả tư nghị.

Điều cần nhớ khi đọc phẩm thứ 21 này là chúng ta hãy thực tập cùng chia xẻ thọ lượng và thần lực của Như Lai. Hôm trước chúng ta có nói đến một chiếc lá mùa Thu. Nhìn vào tờ lá mùa Thu một cách sâu sắc, ta thấy nó không sanh cũng không diệt, tất cả mọi hiện tượng đều có mặt trong tờ lá, và tờ lá cũng có mặt ở trong tất cả. Thấy được thọ lượng của tờ lá, là ta có thể thấy được thần lực của tờ lá, tức là khả năng của một chiếc lá. Chúng ta cũng vậy, nếu nhìn sâu vào trong con người của chúng ta, chúng ta sẽ khám phá ra được tự tánh bất sanh bất diệt của chúng ta. Chúng ta cũng không thể nào đặt chúng ta vào trong khung khổ thời gian và không gian được. Chúng ta cũng không phải là một, chúng ta không phải chỉ được giới hạn ở trong khuôn khổ ở đây và bây giờ. Vì vậy mà chúng ta có thể chia xẻ với Bụt cái thọ lượng của Bụt, chia xẻ với Bụt cái thần lực của Bụt. — trong Bản môn, vượt khung thời gian và không gian, chúng ta sẽ tiếp xúc được với cái thọ lượng vô lượng của Bụt, với cái thần lực vô lượng của Bụt. Khi tiếp xúc được với thọ lượng và thần lực của Bụt, thì ta tiếp xúc được với cái thọ lượng và thần lực của chính chúng ta. Chúng ta thường có mặc cảm rằng mình nhỏ bé như một hạt cát. Đối với thời gian vô lượng và không gian vô biên thì chúng ta chỉ là một hạt cát, không có nghĩa gì cả. Nhưng đó là đứng về phương diện Tích môn mà nói. Đứng về phương diện Bản môn thì chúng ta cũng như Bụt, chúng ta cũng siêu thoát thời gian và không gian như Bụt. 

Thứ Hai, 29 tháng 4, 2013

Phẩm 20: Bồ tát thường bất khinh - KINH PHÁP HOA

Thích Nhất Hạnh

Bây giờ chúng ta hãy đi sang phẩm thứ 20, Phẩm Bồ Tát Thường Bất Khinh (Sad€paribhut€ Bodhisattva), trang 453. 

Phái Thiên Thai phân các phẩm của kinh Pháp Hoa ra làm hai môn, Tích môn và Bản môn, và cho rằng 14 phẩm đầu thuộc về Tích môn, và 14 phẩm sau thuộc về Bản môn.

Khi đọc kinh ta thấy tuy cái ý về Tích môn và Bản môn rất hay, nhưng phân chia như vậy không được ổn lắm. Lý do là đang đọc những phẩm có tính cách Bản môn, chúng ta đi sang những phẩm thấy như không có gì là Bản môn, mà lại có tính cách là Tích môn. Vì vậy tuy ý hay, nhưng chia ra hai phần như vậy thì không được đúng lắm. Do đó muốn dùng hai ý niệm Tích môn Bản môn thì ta phải xếp đặt lại thứ tự các phẩm trong kinh, đưa một số phẩm ra trước và một số phẩm ra sau.

Chủ Nhật, 28 tháng 4, 2013

Phẩm 18: Tùy hỷ công đức | Phẩm 19: Pháp sư công đức - KINH PHÁP HOA

Thích Nhất Hạnh


Phẩm 18: Tùy hỷ công đức


Bây giờ chúng ta đi sang Phẩm thứ 18, Phẩm Tùy Hỷ Công Đức, trang 422. 

Tùy hỷ có nghĩa là vui theo, You are happy, I am happy for you. Có thể khi nghe Pháp Hoa mình chưa nắm được, chưa thấy được, nhưng có một người bạn nghe Pháp Hoa, đã nắm được, thấy được, người đó có rất nhiều hạnh phúc. Thấy người đó có hạnh phúc, mình cũng thấy có hạnh phúc theo. Cái đó gọi là tùy hỷ Chỉ cần có một giây phút thôi, một niệm của tùy hỷ thôi thì công đức và hạnh phúc cũng đã rất vĩ đại rồi.

http://langmai.org/tang-kinh-cac/vien-sach/giang-kinh/sen-no-troi-phuong-ngoai/pham-thu-muoi-tam-tuy-hy-cong-duc

Phẩm 17: Phân biệt công đức - KINH PHÁP HOA

Thích Nhất Hạnh


Hôm nay chúng ta học phẩm thứ 17 tức là Phẩm Phân biệt công đức. Công đức là tiếng ghép của công-phu và đức-hạnh. Đây là một loại năng lượng mà khi hành trì thì ta thâu thập được. Năng lượng này giữ gìn cho ta, làm cho ta có trí tuệ, có hạnh phúc, có cái nhìn sáng, có cái nghe rõ, và có sự có mặt rất sâu sắc. Công đức tiếng Phạn là PuẾya, tiếng Pháp là Mérites.
Phẩm này cho chúng ta thấy được những lợi ích, và những công đức của sự thọ trì Pháp Hoa. Thọ là tiếp nhận, trì là thực tập, hành trì. Trong phẩm này chúng ta được học rằng nếu người nào có cơ hội được nghe Pháp Hoa, và trong khi nghe Pháp Hoa mà trong lòng phát khởi một niềm vui, một niềm hoan hỷ, một niềm tin yêu thì dầu cho điều này chỉ xảy ra trong một niệm thôi, thì công đức cũng là vô lượng. Đó là một hạt giống rất tốt, và chính nhờ hạt giống tốt đó mà ta thành tựu được cái công trình vĩ đại sau này.

Thứ Bảy, 27 tháng 4, 2013

Phẩm 16:Như lai thọ lượng - KINH PHÁP HOA

Thích Nhất Hạnh


Phẩm 16: Như lai thọ lượng

Chúng ta thấy giữa phẩm thứ 15 và phẩm thứ 16 có một sợi dây liên lạc. Đây là một hình thức trình bày mới của kinh điển, trong đó phẩm thứ 15 đặt câu hỏi và phẩm thứ 16 cung cấp câu trả lời. Trong các kinh khác ta thường thấy vấn đề được giải quyết trọn vẹn trong mỗi phẩm. — đây, phẩm này đặt câu hỏi và phẩm kế thì đưa ra câu trả lời. Cái hình thái trình bày này có một điều lợi là gợi ý tò mò của người đọc, muốn biết câu trả lời là như thế nào, vì câu trả lời đó đã được giữ lại, nên sự tò mò của chúng ta tăng lên. Đây là lần đầu tiên tôi thấy trong kinh có một thu xếp như vậy. Điều này làm mình liên tưởng đến những bộ tiểu thuyết kiếm hiệp của Trung hoa, ở cuối mỗi chương người ta thường viết: Muốn biết sự tình sẽ như thế nào, xin xem hồi sau phân giải.

Thứ Sáu, 26 tháng 4, 2013

Phẩm 15: Tùng địa dũng xuất - KINH PHÁP HOA

Thích Nhất Hạnh

Phẩm 15: Tùng địa dũng xuất

Chúng ta hãy đi sang phẩm 15, phẩm Tùng Địa Dũng Xuất, trang 365. Phẩm này cũng thuộc về thế giới của Bản môn và đáng lý phải đi sau sát phẩm Hiện Bảo Tháp. Trong phẩm này, chúng ta bắt đầu thấy được cái tính cách bất sinh bất diệt của Bụt, cái tính chất vĩnh cửu thường hằng của Bụt. Bụt của tự tính không còn nằm trong khung không gian và thời gian nữa.

Lúc bấy giờ có rất nhiều vị Bồ Tát lớn đã đến từ các tinh cầu khác, đứng dậy chắp tay làm lễ đức Thế Tôn và bạch rằng: Bây giờ chúng con xin ở lại đây để sau khi Bụt diệt độ thì chúng con sẽ tiếp tục hành trì kinh Pháp Hoa, giúp Bụt làm công việc độ thoát chúng sanh trong cõi ta bà này. Bụt mỉm cười nói: Xin cám ơn, quí vị khỏi phải nhọc lòng làm việc ấy, vì ở cõi ta bà này đã có đủ người để làm chuyện đó rồi. Quí vị ở quốc độ nào xin cứ về nơi ấy để tiếp tục hành đạo. Bụt vừa nói xong thì cõi ta bà rúng động, mặt đất nứt ra và từ dưới đất trồi lên vô số, vô lượng, vô biên các vị đại Bồ Tát.

Thứ Năm, 25 tháng 4, 2013

Phẩm 13: Trì, Phẩm 14: An lạc hạnh - KINH PHÁP HOA

Thích Nhất Hạnh

Phẩm 13: Trì

Ta đi sang phẩm thứ 13, trang 326, tức là Phẩm Trì. Trong phẩm này dì của Bụt là bà Kiều-Đàm-Di, và mẹ của La-Hầu-La, bà Da-Du-Đà-La, cả hai đều là Tì kheo ni và cả hai đều đã được Bụt thọ ký. Như vậy mục đích của phẩm này là để chứng tỏ rằng nữ giới cũng được thọ ký, và cũng có thể thành Bụt.

http://langmai.org/tang-kinh-cac/vien-sach/giang-kinh/sen-no-troi-phuong-ngoai/pham-thu-muoi-ba-tri


Phẩm 14: An lạc hạnh

Sang phẩm thứ mười bốn tức là phẩm An Lạc Hạnh, trang 340. Phẩm này là một trong những phẩm mới được thêm vào, vẫn còn dấu tích của sự kỳ thị phụ nữ, và không xuất sắc như những Phẩm khác trong kinh.

Thứ Tư, 24 tháng 4, 2013

Phẩm 12: Đề bà đạt đa - KINH PHÁP HOA

Thích Nhất Hạnh

Chúng ta hãy đi sang phẩm thứ 12 là phẩm Đề Bà Đạt Đa, trang 314.

Các nhà khảo cứu cho chúng ta thấy rằng phẩm thứ mười hai, cũng như phẩm thứ mười ba và phẩm thứ mười bốn sau này, là những phẩm đã được thêm vào tương đối trễ trong lịch sử hình thành kinh Pháp Hoa, và những phẩm này không thuộc về Bản môn. Nếu phân kinh Pháp Hoa ra hai lãnh vực Bản môn và Tích môn, thì những phẩm này phải thuộc về phần Tích môn. Do đó tôi nghĩ rằng, đứng về phương diện hình thức mà nói, mình có thể đưa ba phẩm này lên trước phẩm thứ 11, tức là phẩm Hiện Bảo Tháp, thì sẽ hợp lý hơn.

Trong phẩm thứ 12, Bụt thọ ký cho em họ của Ngài là Đề-Bà-Đạt-Đa. Phẩm này có mục đích để chứng minh rằng những người đã làm chảy máu một đức Như lai, nghĩa là đã gây ra những tội ác rất lớn, như xuất Phật Thân huyết, giết cha, giết mẹ v.v... thìnhững tội đó vẫn không làm mất đi cái hạt giống, cái khả năng thành Bụt trong tâm của người phạm tội. Như vậy Bụt đã dùng một trường hợp khó khăn nhất để chứng minh rằng tất cả chúng sanh đều có Phật tánh. Cũng trong phẩm này, chúng ta học được rằng một em bé tám tuổi và là một em bé gái, cũng có khả năng thành Bụt. Đó là con gái của Long Vương.

Thứ Ba, 23 tháng 4, 2013

Phẩm 11: Hiện bảo tháp - KINH PHÁP HOA

Thích Nhất Hạnh

Chúng ta hãy đi sang Phẩm thứ 11, tức là Phẩm Hiện Bảo Tháp, trang 295.

Tôi có quen một người tên là Jim Forest. Một hôm tới thăm anh ở New York, tôi thấy anh chứa trong kho của anh những vỏ chai Coca Cola. Khi có người đến thăm, anh thường mời họ uống Coca Cola. Nếu người khách đó nổi tiếng, anh ghi tên vị đó vào một miếng giấy, dán vào vỏ chai và giữ lại trong kho làm kỷ niệm. Vỏ chai Coca Cola đâu có giá trị gì nhiều, nhưng tại vì chai Coca đó đã được nhân vật nổi tiếng kia uống, nên anh Jim đã thấy cái giá trị riêng của nó.

Cũng vậy, mảnh đất mà trên đó có người tụng kinh Pháp Hoa sẽ trở nên một vùng đất rất có giá trị. Chúng ta thấy những họa sĩ tài ba như Van Gogh hay những nhà văn nổi tiếng như Charles Dickens, những món đồ họ để lại như một cây gậy, một cái nón v.v..., tất cả đều trở thành những vật quí giá, rất đắt tiền. Vậy thì sự linh thiêng hay quí giá của một vật không phải là do bản chất của nó, mà do một cái có giá trị tâm linh đã đi ngang qua đó và đã đồng nhất với vật đó.

Thứ Hai, 22 tháng 4, 2013

Phẩm 10: Pháp sư - KINH PHÁP HOA

Thích Nhất Hạnh

Ta hãy đi sang Phẩm thứ mười, gọi là Phẩm Pháp Sư, trang 281. Chúng ta có thể xem phẩm này là phần kết thúc của phần mà Tông Thiên Thai gọi là Tích môn, đồng thời cũng là sửa soạn cho việc mở cửa để vào pháp giới Bản môn.

Phẩm này cho chúng ta thấy tầm quan trọng của Pháp. Pháp cũng quan trọng như Bụt. Cúng dường Pháp thì có phước đức, quan trọng tương đương với cúng dường Bụt. Niệm Bụt có thể đưa tới sự chuyển hóa, công đức vô lượng, nhưng niệm Pháp cũng có thể đưa tới sự chuyển hóa và đem lại công đức vô lượng. 

Trong phẩm này, chúng ta thấy kinh Pháp Hoa chính là bản thân của Bụt. Khi chúng ta cúi đầu, tỏ niềm cung kính đối với kinh Pháp Hoa tức là chúng ta cúi đầu và tỏ niềm cung kính đối với Bụt, công đức ngang nhau. Chính trong phẩm này chúng ta học được rằng kinh Pháp Hoa là Vua của tất cả các kinh điển. Danh từ Pháp sư ở đây có nghĩa là người đem giáo pháp của Bụt ra để chia xẻ cho người khác. — đây Pháp sư được diễn tả là một vị đại sứ của Bụt, mang thông điệp của Bụt đi khắp cùng mười phương thế giới. Thông điệp này là thông điệp Pháp Hoa, thông điệp nói cho mọi người biết rằng ai cũng có khả năng tính thành Bụt, và có khả năng tính độ thoát cho tất cả mọi loài chúng sanh. Cũng ở trong phẩm này ta thấy rằng Bụt không những thọ ký cho những người sống trong thời Bụt còn tại thế, mà còn có thể thọ ký được cho những người sinh ra, lớn lên và hành đạo trong thời đại sau khi Ngài đã nhập diệt.