Hiển thị các bài đăng có nhãn Công án thiền. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Công án thiền. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Hai, 21 tháng 1, 2013

Công án Thiền là một đối tượng nhận thức?

Đại Lãn

Khi chúng tôi đặt vấn đề này, chúng tôi vẫn biết đây là, một việc làm sai lầm ngốc nghếch; bởi vì vấn đề này đối với Thiền tông chúng không can hệ gì. Hơn nữa, như chính đức Phật đã dạy ngài Ma-ha Ca-diếp: “Ta có Chánh pháp nhãn tạng, diệu tâm Niết-bàn, thực tướng vô tướng, nay trao lại cho Ma-ha Ca-diếp”. (Ngẫu kiến Đại Phạm Thiên vương vấn Phật quyết nghi kinh), và cho đến Bồ-đề-đạt-ma khi mới sang Trung Quốc tuyên bố rằng: “Chỉ thẳng tâm người, thấy tánh thành Phật, chẳng lập văn tự, truyền riêng ngoài giáo”. (Huyết mạch luận trong Thiếu Thất lục môn). Rõ ràng đã nêu tông chỉ và sự kế thừa của Thiền tông như thế nào rồi. Nhưng ở đây, chúng tôi vẫn đặt ra vì chúng có những nguyên nhân sâu xa, và cấp bách của chúng.

Như chúng ta đã biết, hơn bốn thập kỷ qua phong trào học Thiền, đã và đang phát triển mạnh trên toàn thế giới, nhằm đáp ứng những nhu cầu cấp bách, do môi trường sống chung quanh đang tác động, qua đó con người là nạn nhân chính do nền văn minh cơ khí vật chất hiện đại mang lại. Chúng đã làm băng hoại tất cả mọi giá trị tinh thần, kể cả những thành tựu về vật chất do chính chúng đẻ ra. Từ những đòi hỏi đó, chỉ có Thiền mới đáp ứng và, giải quyết một cách trực tiếp, sự điều hòa cuộc sống thế giới, trong đó con người là yếu tố cần và đủ cho mọi quyết định này, do đó Thiền học hiện đang là đối tượng cần được phát triển mạnh. Ở đây, chính vì muốn có sự phát triển mạnh này, nên Thiền đã trở thành đối tượng nhận thức tư duy cho mọi người, và cũng từ đó chúng đẻ ra không ít những sai lầm trong phương pháp học, cũng như trong việc thực hành do chính con người tạo ra; mà cái hậu quả của chúng sẽ trở thành một tác dụng nguy hiểm đối với chính họ và những người đi sau.