Hiển thị các bài đăng có nhãn Lục Ba La Mật. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Lục Ba La Mật. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Bảy, 26 tháng 4, 2014

Lục Ba La Mật là gì?

● Lục Ba La Mật là gì?


KHỔ ĐAU PHÁT SINH VÀ VẬN HÀNH 
NHƯ THẾ NÀO
Hoang Phong biên soan và dịch
Nhà xuất bản Phương Đông 2012

LỤC BA LA MẬT LÀ GÌ?
Phật giáo dùng một thí dụ dễ hình dung và đầy thi vị để tượng trưng cho sự tu tập : « vượt sang bờ bên kia của đại dương khổ đau ». « Vượt sang bờ bên kia » là nghĩa từ chương của chữ Ba-la-mật, tiếng Phạn là Paramita, kinh sách gốc Hán gọi là « đáo bỉ ngạn » (đến được bờ bên kia). Nhưng thật ra ý nghĩa của chữ Ba-la-mật thường được hiểu theo nghĩa bóng là « Hoàn hảo », « Hoàn thiện », « Siêu nhiên », « Đạo hạnh siêu phàm », « Đạt đuợc trí tuệ siêu việt »… Nói chung, Ba-la-mật dùng để chỉ những phẩm tính của người Bồ-tát trên đường tu tập, những phẩm tính ấy gồm có sáu loại gọi là Lục Ba-la-mật hay Lục Độ, chữ độ có nghĩa là cứu giúp hay là đi qua sông.
            Bộ kinh mô tả các địa giới của người Bồ-tát là Du-già sư địa luận kinh(Yogacarabhumisutra) có đề cập đến tính cách siêu nhiên của sáu phẩm tính Ba-la-mật như sau : « Người ta gọi những phẩm tính ấy là siêu nhiên bởi vì sức mạnh vận chuyển và bản chất của chúng  đều tinh khiết, thực thi các phẩm tính ấy sẽ đạt được kết quả tối thượng ». Kinh Kim Cương Bát-nhã-ba-la-mật-đa (Vajraracchedika-prajnaparamita) cũng đề cập đến những phẩm tính ấy : « Này Tu-bồ-đề, nếu một người Bồ-tát không bám víu vào bất cứ một khái niệm nào khi tu tập về lòng độ lượng, những xứng đáng gặt hái từ những  hành vi đạo hạnh ấy sẽ rộng lớn và mênh mông như không gian ». Vậy những hành vi tu tập của Lục Ba-la-mật phải là những phản ứng tự nhiên, bộc phát một cách tự động từ tận cùng của thâm tâm, không liên kết với bất cứ một khái niệm nào về chủ thể, đối tượng và ý nghĩa của hành vi, nhất là không cầu mong và chờ đợi gì cả.