Hiển thị các bài đăng có nhãn Thích Nhuận Thịnh. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Thích Nhuận Thịnh. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Tư, 23 tháng 7, 2014

Tìm hiểu Thành thật luận



Thích Nhuận Thịnh

Theo sử liệu của Thượng tọa bộ hoặc Dị bộ tôn luân luận và Phật giáo sử của Taranātha thuộc Bắc phương thì đã hình thành khoảng 18 đến 20 bộ phái Phật giáo khác nhau, trong đó, Thành thật luận thuộc về Kinh lượng bộ (Sautrāntika).1

DẪN NHẬP


Đức Phật Thích ca Mâu ni, ngay khi còn thị hiện là Thái tử Tất đạt đa đã vì cảm thấu nỗi thống khổ miên trường của kiếp nhân sinh mà xuất gia. Sau khi thành đạo, Ngài đi khắp nơi trong cõi Ấn độ mà thuyết kinh giảng pháp, khai hóa cho những tâm hồn còn hoang dại mông muội trong những cơn đam mê lạc thú trần gian. Chúng sanh, ngay như tên gọi ấy cũng đã hiển hiện sự đáng thương dưới lòng từ bi vô biên tế của Ngài. Vì thế, mọi lời Ngài nói ra đều hướng đến mục tiêu duy nhất là đưa chúng sanh thoát ra khỏi vòng kiềm hãm của vô minh và tham ái – nguyên nhân dẫn đến đau khổ. Tám mươi năm của một kiếp người quả là dài nhưng thật ngắn để cho một người như Ngài có thể độ tận hết tất cả chúng sanh, nhưng những lời Ngài để lại cũng đủ để phục vụ cho mục tiêu siêu trần thoát tục của loài người.

Thứ Bảy, 26 tháng 1, 2013

A-HÀM – KHÔNG VÀ CON ĐƯỜNG GIẢI THOÁT


NGHIÊN CỨU VỀ 
TRIẾT HỌC TÁNH KHÔNG

Nguyên tác: Pháp sư Ấn Thuận 
Chuyển ngữ: Tỳ-kheo Thích Nhuận Thịnh

CHƯƠNG I. 

A-HÀM – KHÔNG VÀ CON ĐƯỜNG GIẢI THOÁT

1.      Dẫn nhập
Không (śūnya, suñña) và tánh không (śūnyatā, suññatā) là thuật ngữ quan trọng trong Phật pháp. Trong quá trình truyền bá và lưu thông Phật pháp, nghĩa “không” không ngừng được phát huy, từ sự đức Phật được tôn xưng là Không vương, Phật giáo được tôn xưng là Không môn thì có thể hình dung được sự rộng lớn và sâu xa của nghĩa “không” này. Nhưng ý nghĩa của không và tánh không vào thời kỳ đầu, rốt cục biểu thị điều gì? Trong trường hợp cụ thể nào đó, tánh không biểu thị cho chân lý rất phổ biến, hoặc chỉ cho chân lý tuyệt đối vậy!

Vấn đề được Phật pháp giải quyết, vốn là vấn đề chung của giới tôn giáo đương thời tại Ấn độ. Đối mặt với sự thật sanh ra rồi chết, chết rồi tái sanh – sanh tử lưu chuyển, nên tìm cầu được giải thoát triệt để đối với sanh tử - niết-bàn, cũng chính là thực hiện lý tưởng tối cao. Sự thật và lý tưởng, trên nguyên tắc vốn là gần nhau, mà làm sao để thự hiện sự giải thoát thì mỗi giáo phái đều có nêu ra quan điểm và phương pháp của mình, nhưng lại không giống nhau. Đức Thích tôn đặt nền tảng nơi sự giác ngộ triệt để về ý nghĩa thật sự của nhân sanh, đã đề xuất ra con đường chân chánh độc đáo – trung đạo. Giáo thuyết nguyên thỉ của đức Thích tôn, trên thật tế,  đều không có lấy không làm chủ đề để tuyên dương, nhưng đặc tính của Phật pháp, chính xác là có thể lấy không để biểu đạt. Cho nên, trong Phật pháp, nghĩa “không” càng quan trọng hơn, cuối cùng trở thành luận đề chủ yếu thâm sâu của Phật pháp.