NSGN - Cứ đến các ngày lễ trọng, chùa nào cũng treo cây phướn. Cây phướn cao cùng các loại phướn nhỏ dùng để trang trí đàn tràng, tạo nên cảnh trí trang nghiêm, rất riêng của lễ hội Phật giáo. Ấy thế, cội nguồn và ý nghĩa của cây phướn ra sao lại là chuyện không dễ để tỏ tường.
I.
Câu chuyện phổ biến giải thích lai lịch cây phướn ở xứ ta là Sự tích cây phướn nhà chùa(1), truyện kể rằng:
Xưa có một người chuyên môn ăn thịt người. Hắn đã từng bắt giết không biết bao nhiêu nhân mạng. Tuy hung ác vô đạo, nhưng hắn lại thờ mẹ rất có hiếu. Một hôm, có một nhà sư đi quyên giáo qua đó bị hắn bắt. Khi hắn sắp giết thịt thì mẹ hắn ra xin hộ cho nhà sư. Thấy mẹ năn nỉ quá, hắn đành buông dao rồi hỏi nhà sư làm gì và đi đâu. Nghe nhà sư kể chuyện, cả hai mẹ con rất hối hận về những tội ác từ trước đến nay. Hai mẹ con cũng muốn kiếm một vật cúng cho nhà chùa nhưng ngặt vì trong nhà chả có gì đáng giá cả. Nhưng người con đã tình nguyện nạp bộ lòng của mình đưa về cúng Phật. Vừa nói hắn vừa rạch bụng moi ruột đưa ra. Nhà sư cũng nhận lấy nhưng đến bờ suối thì quẳng luôn xuống nước. Có con quạ thấy vậy, tha bộ ruột ấy bay đến chùa, đậu trên ngọn cây kêu lên om sòm. Đức Phật rõ chuyện, khen thưởng con quạ mà phạt tội nhà sư. Đồng thời đưa hai mẹ con nhà kia lên trời thành Phật. Từ đó nhà chùa làm cây phướn để ghi nhớ việc ấy. Trên cây phướn bao giờ cũng tạc hình con quạ ngậm một tấm lụa dài độ hai ba mươi thước. Tấm lụa tượng trưng cho bộ ruột của người đã rạch bụng cúng Phật.