BỒ TÁT VÀ TÁNH KHÔNG
TRONG KINH TẠNG PALI VÀ ĐẠI THỪA
Luận án Tiến Sĩ của Tỳ Kheo Ni Thích Nữ Giới Hương
Giới thiệu Kinh điển Đại thừa
Như chúng ta biết Đức Phật không ban pháp thoại bằng thuật từ lý Không (P.Suññatā, Skt. Śūnyatā, 空性) mà bằng giáo lý Duyên khởi (Pratītyasamutpāda, 緣起, 因緣生起) và con đường Trung đạo (Madhya-mārga, madhyamā-pratipad, 中 論). Vài thế kỷ sau, một nhóm các kinh điển Đại-thừa như Kinh Kim-cang Bát-nhã ba-la-mật (Vajrachedikā-prajñā-pāramitā Sūtra, 金剛般若波 羅密經) và Tâm-kinh Hṛdaya Sūtra (心經) hoặc Bát-nhã Tâm-kinh (Prajñā Hṛdaya Sūtra (心經般若) thuộc hệ kinh điển Bát-nhã (Prajñā-pāramitā, 般若 波羅密經) đã giới thiệu mạnh mẽ giáo lý Tánh-không. Đó là lý do tác giả đã chọn các kinh này để phân tích cho mục đích của chương ‘Khái Niệm Tánh-không trong Kinh điển Đại-thừa’.
Trước hết, chúng ta cần tham khảo xuất xứ về những nguồn kinh điển này.
1. Văn học Bát-nhã Ba-la-mật
Nói về nguồn gốc của kinh Bát-nhã Ba-la-mật và những kinh điển Đại-thừa có mối liên quan thuộc dòng họ với nhau như chúng ta được biết những kinh điển Đại-thừa sớm nhất có lẽ là kinh Bát-nhã Ba-la-mật (Prajñā-pāramitā Sūtra, 般若波羅密經). ‘Bát-nhã Ba-la-mật’ hoặc còn gọi ‘Kinh Trí tuệ Tối thượng’ là biểu trưng của pháp-bảo, không phải trong một kinh riêng rẽ mà nhiều kinh có liên quan với nhau như là một gia đình dòng họ hay một triều đại với nhau. Tiến sĩ Edward Conze đã cống hiến một phần lớn đời mình trong việc nghiên cứu, dịch thuật và giải thích những học thuyết Bát-nhã này, đối chiếu với những nguồn kinh của ngôn ngữ Khotan (phía Đông của nước Iran), Tây-tạng, Trung-hoa và Phạn ngữ, đã đưa ra một danh sách 40 kinh điển Bát-nhã Ba-la-mật, không phải tất cả chúng là kinh điển được biên soạn khoảng 100 trước tây lịch mà được đều đặn tiếp tục biên soạn cho đến thời gian Phật giáo bị tiêu diệt ở Ấn độ từ thế kỷ XIII. Edward Conze326 đã phân biệt thời gian biên soạn của các kinh Bát-nhã Ba-la-mật có bốn giai đoạn trong sự phát triển văn học Bát-nhã Ba-la-mật như sau: