Hiển thị các bài đăng có nhãn Huệ Năng. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Huệ Năng. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Hai, 1 tháng 10, 2012

Huệ Năng


Bách khoa toàn thư mở Wikipedia 30/9/2012

Huệ Năng (zh. huìnéng/ hui-neng 慧能, ja. enō), 638-713, là vị Tổ thứ sáu của Thiền tông Trung Quốc, môn đệ và pháp tự của Ngũ tổ Hoằng Nhẫn.

Trước Huệ Năng, Thiền còn mang nặng ảnh hưởng Ấn Độ nhưng đến đời Sư, Thiền bắt đầu có những đặc điểm riêng của Trung Quốc. Vì vậy mà có người cho rằng Sư mới thật sự là người Tổ khai sáng dòng Thiền tại đây. Huệ Năng không chính thức truyền y bát cho ai, nên sau đó không còn ai chính thức là truyền nhân. Tuy nhiên Sư có nhiều học trò xuất sắc. Môn đệ chính là Thanh Nguyên Hành Tư và Nam Nhạc Hoài Nhượng là hai vị Thiền sư dẫn đầu hầu như toàn bộ các dòng Thiền về sau. Cả hai dòng này cũng được truyền đến Việt Nam qua các vị như Thảo Đường, Nhất Cú Tri Giáo, Vô Ngôn Thông và Chuyết Công.

Sư là tác giả của tác phẩm chữ Hán duy nhất được gọi là "Kinh", một danh từ thường chỉ được dùng chỉ những lời nói, bài dạy của chính Phật Thích-ca, đó là Lục tổ đại sư pháp bảo đàn kinh, một tác phẩm với ý nghĩa rất sâu xa về thiền. Cũng nhờ Pháp bảo đàn kinh mà người ta biết được ít nhiều về Huệ Năng. Sư họ Lô (zh. 盧) sinh trong một gia đình nghèo, cha mất sớm, lớn lên giúp mẹ bằng cách bán củi. Một hôm, trong lúc bán củi, nghe người ta tụng kinh Kim cương, Sư bỗng nhiên có ngộ nhập. Nghe người đọc kinh nhắc đến Hoằng Nhẫn, Sư liền đến tìm học. Hoằng Nhẫn nhận ra ngay căn cơ của Sư, nhưng không truyền pháp ngay, bắt tiếp tục chẻ củi, vo gạo. Truyền thuyết nổi tiếng về việc truyền tâm ấn cho Huệ Năng và việc phân đôi hai phái Thiền Nam-Bắc được kể lại như sau:

Hoằng Nhẫn biết tới lúc mình phải tìm người kế thừa nên ra lệnh cho học trò mỗi người viết kệ trình bày kinh nghiệm giác ngộ. Cuối cùng chỉ có Thần Tú, một đệ tử với tri thức xuất sắc mới dám làm. Thần Tú viết bài kệ, so sánh thân người như cây Bồ-đề và tâm như tấm gương sáng và người tu hành phải lo lau chùi, giữ tấm gương luôn luôn được trong sáng. Sư đang làm việc trong bếp, nghe đọc bài kệ biết người làm chưa Kiến tính. Sư cũng nhờ người viết bài kệ của mình như sau:

菩提本無樹。
明鏡亦非臺
本來無一物。
何處有(匿)塵埃 

Bồ-đề bổn vô thụ,minh kính diệc phi đài Bổn lai vô nhất vật, hà xứ hữu (nặc) trần ai? Bồ-đề vốn chẳng cây, gương sáng cũng chẳng phải là đài Xưa nay không một vật, nơi nào dính bụi trần?


Nghe bài kệ, Hoằng Nhẫn biết căn cơ của Sư vượt hẳn Thần Tú, nhưng sợ di hại nên nửa đêm gọi Sư vào thất và thuyết trọn kinh Kim cương cho Sư. Đến câu "Đừng để tâm vướng víu nơi nào" (ưng vô sở trụ nhi sinh kì tâm 應無所住而生其心), Sư hoát nhiên đại ngộ. Ngũ tổ truyền y bát cho Sư và khuyên đi về phương Nam. Khi tiễn Sư xuống thuyền, Tổ muốn tự chèo đưa Sư sang sông, Sư bèn nói: "khi mê thầy độ, ngộ rồi tự độ" và tự chèo qua sông.

Suốt 15 năm sau, Sư ở ẩn, và trong thời gian này vẫn là cư sĩ. Sau đó, Sư đến chùa Pháp Tính ở Quảng Châu. Đó là nơi sản sinh công án nổi tiếng "chẳng phải gió, chẳng phải phướn" (Vô môn quan, công án 29). Sau khi Sư chen vào nói "tâm các ông động" thì Ấn Tông, vị sư trụ trì của chùa hỏi Sư "Nghe nói y pháp Hoàng Mai đã truyền về phương Nam, phải chăng là hành giả?" Lúc đó Sư mới nhận mình là truyền nhân của Ngũ tổ Hoằng Nhẫn. Ấn Tông sai người cạo đầu cho Sư, cho Sư gia nhập Tăng-già rồi xin nhận Sư làm thầy.

Sau đó, sư bắt đầu giáo hoá ở chùa Pháp Tính, về sau về Bảo Lâm tự ở Tào Khê và thành lập Nam tông, trong lúc đó Thần Tú và đệ tử thành lập Bắc tông và cũng tự nhận là truyền nhân của Ngũ tổ. Nam tông cho rằng, giác ngộ là một sự nhảy vọt bất ngờ, mang tính trực giác trong lúc Bắc tông chủ trương dùng suy luận, tu tập dần dần theo chỉ dạy của kinh sách mà giác ngộ. Trong cuộc tranh chấp giữa hai phái đốn ngộ (ngộ ngay tức khắc) và tiệm ngộ này, Nam tông đã chứng tỏ sinh lực của mình, sản sinh vô số Đại sư và trở thành truyền phái đích thật của Phật pháp tại Trung Quốc. Phái Thần Tú chỉ vài thế hệ sau là khô kiệt.

Với Huệ Năng, được xem là người "ít học" nhất lại được truyền tâm ấn, Thiền đã qua một bước ngoặt quyết định, trở thành Thiền tông Trung Quốc với sự ảnh hưởng ít nhiều của đạo Lão. Các hiền triết Lão giáo cũng là những người cười nhạo văn tự, họ đã có ảnh hưởng lên cái "bất lập văn tự" của Thiền tông để từ sự dung hợp này, tất cả các tông phái Thiền Trung Quốc ra đời. Với Huệ Năng và các vị Đại sư nối tiếp, Thiền tông Trung Quốc đi vào thời đại hoàng kim trong đời nhà Đường, nhà Tống. Và cho đến ngày nay, Thiền tông vẫn còn là nguồn cảm hứng sâu xa, vẫn là một pháp môn cho nhiều Phật tử.

http://vi.wikipedia.org/wiki/Hu%E1%BB%87_N%C4%83ng

Chủ Nhật, 30 tháng 9, 2012

Công năng túc mệnh thông của Huệ Năng

Chuyện cổ Phật gia 


Tác giả: Hoằng Nghị


Bởi vì danh tiếng của lục tổ Thiền tông Huệ Năng truyền khắp vùng Lĩnh Nam (Quảng Đông và Quảng Tây), tăng chúng các nơi, cùng rất nhiều người quan to tước quý đều muốn đến nghe Huệ Năng thuyết pháp. Danh vọng của ông càng ngày càng lớn, khiến Bắc phái của Thần Tú ở Ngọc Tuyền Tự, xa tận Kinh Nam vô cùng bất an. Thần Tú bản thân không để ý lắm, nhưng các môn đồ của ông thì lại sợ hãi mưu tính, đều muốn cho Huệ Năng thấy một chút lợi hại. Họ đều nghĩ đến rất nhiều biện pháp, trong đó có chủ ý của một hòa thượng tên là Chí Minh, ông ta nói rằng mình có một bằng hữu tục gia tên là Trương Hành Xương, rất thích bênh vực kẻ yếu, hơn nữa võ nghệ hơn người, có thể thay mặt họ tới dạy bảo Huệ Năng một phen.

Mọi người đều thấy rằng biện pháp này quả là bất hảo, nhưng nhất thời không nghĩ được biện pháp nào khác, nên đành căn dặn: “Điểm tới là dừng, để Huệ Năng chú ý là được rồi, đừng làm tới tuyệt tình.” Thế là Chí Minh ra đi tìm Trương Hành Xương, nói với ông ta rằng Huệ Năng có rất nhiều điều không phải, nhờ ông ta dạy cho Huệ Năng một bài học. Việc xong xuôi rồi thì biếu 10 lạng vàng gọi là tạ ơn.

Đêm hôm đó, Trương Hành Xương sửa soạn lên đường, giắt bên mình một con dao nhọn, đi gấp ngày đêm, một mạch đến thẳng Tào Khê. Cũng hôm ấy, khi Huệ Năng đăng đàn giảng pháp như thường lệ thì đột nhiên thấy trước mắt xuất hiện bầu trời mênh mông, thấu tận ngoài vạn lý, chỉ thấy một người nét mặt lộ rõ sát cơ, đang gấp rút hướng về Tào Khê truy sát.

Huệ Năng lập tức minh bạch là việc gì rồi, nhưng ung dung không biến sắc, vẫn thuyết pháp như thường lệ. Đêm hôm ấy, Huệ Năng lấy ra 10 lạng vàng đem treo lên chiếc ghế vẫn thường dùng để ngồi thiền đặt bên cạnh giường, để ngỏ cửa lớn, thổi tắt nến rồi thản nhiên kê cao gối mà ngủ.

Trương Hành Xương núp bên ngoài Bảo Lâm Tự, đợi khi đêm xuống thì mới vượt tường vào trong. Lại qua hai thời thần (4 giờ đồng hồ) nữa, ông ta mới nhẹ nhàng đẩy cửa vào phòng phương trượng, lần theo nơi có tiếng thở đều đều, rút dao nhọn ra, thì đột nhiên nhớ lại Chí Minh năm lần bảy lượt căn dặn đừng làm đến tuyệt tình, nên bèn cất dao vào bao. Nhưng rồi nghĩ lại rằng mình đã lặn lội đến đây chuyến này rồi, cớ sao không làm cho đến triệt để, nếu hôm nay mình giết được Huệ Năng, trở về biết đâu lại được thưởng nhiều vàng hơn.

Một niệm sai lầm khiến Hành Xương bạo gan làm điều ác, ông ta bước nhanh về phía trước, nhắm vào cổ Huệ Năng mà chém một nhát. Chỉ nghe thấy một tiếng keng, Hành Xương tưởng như vừa chém vào một tảng đá vậy, dao bật trở lại, cổ tay tê rần. Không kịp suy nghĩ, ông ta chém thêm liền hai nhát nữa, thì cũng đều bị bật trở lại. Vừa định tiếp tục thì nghe tiếng Huệ Năng nói: “Ác đồ to gan, còn không mau hạ con dao xuống! Gươm chính không tà, gươm tà không chính, ngươi bị người ta lợi dụng, ám sát người thiện lương, há có thể làm hại một sợi lông tơ của ta sao! Ta nợ ngươi chỉ là 10 lạng vàng, chẳng hề nợ ngươi mảy may một mạng người!”

Hành Xương thất kinh, vội vàng vứt bỏ con dao nhọn, nằm bò trên đất khấu đầu mãi không thôi, cầu xin Huệ Năng tha thứ, nguyện ý xuất gia tu hành, suốt đời phụng dưỡng Huệ Năng. Huệ Năng túm lấy 10 lạng vàng đưa cho ông ta, nói: “Nhà ngươi đi cho mau, nếu đệ tử của ta mà biết ngươi là thích khách, thì thế nào cũng làm hại ngươi. Nếu muốn xuất gia, đợi ngày khác ngươi thay trang phục rồi quay trở lại đây.” Hành Xương nuốt nước mắt tạ ơn, không lâu sau bèn xuất gia trở thành tăng nhân.

Ngày mùng 1 tháng 7 năm Huyền Tông thứ 2 triều Đường (năm 713 SCN), Huệ Năng đột nhiên triệu tập tất cả tăng chúng trong chùa và nói: “Bần tăng sẽ ly thế vào tháng 8 này, các ngươi ai còn nghi vấn gì, thì nói cho mau.” Mấy ngày sau, có đệ tử hỏi: “Đại sư cho con biết sau này còn có tai nạn gì nữa?”

“Sau khi bần tăng tạ thế được 5,6 năm, sẽ có người tới lấy đầu ta, còn xuất hiện tình huống gì nữa? Có thể dùng bốn câu dự ngôn như sau: Đầu còn thì sống, nơi miệng cần ăn, đợi hết nạn rồi, dương liễu làm quan.” Đến sớm ngày mùng 3 tháng 8, Huệ Năng không nói chuyện nữa, ngồi liền một mạch tới canh ba, nói một câu: “Ta đi đây!” rồi bình an tạ thế.

Huệ Năng chết rồi, rốt cuộc còn phát sinh sự việc lấy đầu nào nữa đây? Theo sử ghi chép, sau khi Huệ Năng qua đời 9 năm, tức vào những năm Khai Nguyên triều Đường, có một vị tăng nhân nước Tân La tên là Kim Đại Bi, nghe danh đại sư Huệ Năng đã lâu, muốn đưa đầu Huệ Năng trở về cung để cung phụng, thế là ông ta mướn một người tên là Trương Tịnh Mãn để đi lấy trộm đầu. Trương Tịnh Mãn là một người con có hiếu, nhiều năm ở nhà phụng dưỡng mẫu thân đã già, không có tiền phải ăn cháo để cầm hơi, nên mới nhận lời đi lấy trộm đầu. Chẳng ngờ Tịnh Mãn vừa đột nhập vào Bảo Lâm Tự ở Tào Khê thì sự tình bại lộ, đầu không lấy được, mà còn bị kết án truy nã. Chính như dự ngôn của Huệ Năng nói, xét xử vụ án này là quan Thích sử tên Liễu Vô Thiểm, còn Huyện lệnh Khúc Giang vùng Tào Khê tên là Dương Khản, đúng là “dương liễu làm quan”!

Công năng túc mệnh thông là gì? Trong «Chuyển Pháp Luân» giảng rằng:


“Ấy là có thể biết được tương lai và quá khứ của cá nhân; lớn nữa thì có thể biết được sự thịnh suy của xã hội; còn lớn hơn nữa thì có thể thấy được những quy luật biến hoá của toàn thiên thể; đó chính là ‘công năng túc mệnh thông’.”

Trong lịch sử có rất nhiều dự ngôn cổ xưa, chẳng hạn như «Các Thế Kỷ» của nhà tiên tri người Pháp Nostradamus, «Cách Am Di Lục» của Hàn Quốc, «Mã Tiền Khóa», «Thôi Bối Đồ», «Thiêu Bính Ca» của Trung Quốc, v.v. dự ngôn phi thường chuẩn xác, kỳ thực tác giả đều là có công năng túc mệnh thông. Họ đều dự ngôn rằng nhân loại ngày nay sẽ phát sinh một sự kiện trọng đại, dự ngôn về xu thế “Trời diệt Trung Cộng” không cưỡng lại được. Người tu luyện Pháp Luân Đại Pháp càng hiểu rõ hơn những biến đổi cự đại trong vũ trụ, do đó mới toàn lực truyền «Cửu Bình», khuyên tam thoái, chính là mang đến tương lai tươi sáng cho con người thế gian.

Dịch từ:
http://www.zhengjian.org/zj/articles/2006/12/3/41198.html
http://pureinsight.org/node/4355
Nguổn:

http://chanhkien.org/2011/04/chuyen-co-phat-gia-cong-nang-tuc-menh-thong-cua-hue-nang.html