Hiển thị các bài đăng có nhãn Hồng Dương. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Hồng Dương. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Ba, 22 tháng 1, 2013

CÁI CÒN LẠI TRONG TÁNH KHÔNG

Hồng Dương

Trong kinh Tiểu Không (Trung Bộ 3, số 121; Trung A Hàm, số 190), đức Phật xác nhận nhờ an trú Không nên đã an trú rất nhiều. Ngài giảng kinh này để khích lệ các vị Tỳ kheo nên hành trì Không tánh một cách chơn thật không điên đảo. Tại trú xứ nào, những gì tại trú xứ ấy không có, thời phải quán là không có. Nhưng những gì tại trú xứ ấy thực có, thời phải quán là thực có. Tại thiền chứng nào chứng được, những gì thiền chứng ấy không có, thời phải quán là không có, nhưng những gì thiền chứng ấy có, thời phải quán là thực có.

"Ví như lâu đài Lộc mẫu này không có voi, bò, ngựa, ngựa cái, không có vàng và bạc, không có đàn bà, đàn ông tụ hội", thời phải quán những sự vật ấy là không. Nhưng có cái không phải không, là sự hiện diện của chúng Tăng ở trong tịnh xá, thời phải quán chúng Tăng thật sự là có, nói cho rõ hơn, ý tưởng về xóm làng không có nhưng ý tưởng về người thì có. Đó là an trú chơn thật tánh Không, không điên đảo.

Tiến lên một bậc, Tỳ kheo nào nếu muốn an trú nhiều trong Không tánh, Tỳ kheo ấy đừng suy niệm đến ý tưởng về xóm làng, đừng suy niệm đến ý tưởng về người, mà thường suy niệm đến một ý tưởng thuần nhất về rừng vắng. Vị đó quán xóm làng là không, người là không, nhưng có cái không phải không, là vì ở trong rừng, nên rừng là thật có. Vị ấy tuệ tri "Các ưu phiền do ý tưởng về xóm làng, do ý tưởng về người không có hiện hữu, nhưng các ưu phiền do ý tưởng thuần nhất về rừng vắng thời thật sự có mặt ở đây." Cái gì không có mặt, vị ấy xem là không có mặt. Cái gì có mặt, vị ấy xem như vậy là thật có. Hành trì như vậy được gọi là hành trì "Không tánh".

Thứ Tư, 16 tháng 1, 2013

Biện Chứng Pháp Apoha

NHẬN THỨC VÀ KHÔNG TÁNH 

Hồng Dương

Biện Chứng Pháp Apoha


Cá thể đặc thù và tổng thể khái quát

Trên phương diện luận lý học, trong các câu "Đây là cái bàn", "Đó là màu xanh", các danh từ 'cái bàn', 'màu xanh', không phải để chỉ vào cá thể đặc thù, mà là tên gọi những phẩm tính do biến kế chấp tạo và gán ghép cho cá thể đặc thù. Cá thể đặc thù là thực tại điểm vô ngôn không có danh xưng nên phải dùng đại danh từ 'đây', 'đó' để chỉ vào.

Trần Na (Dignàga), một môn đệ của Thế Thân (Vasubandhu), chủ trương chỉ có hai thứ đối tượng lượng biết. Một là cá thể đặc thù thực hữu gọi là tự tướng (svalaksana; particular) và hai là tổng thể khái quát không thật gọi là tổng tướng (sàmànyalaksana; universal). Sự phân biệt bản thể của sự vật như vậy dùng làm nền tảng cho một thứ nhận thức luận chỉ chấp nhận hai hình thái lượng biết, hiện lượng (pratyaksa; perception) và tỷ lượng (anumàna; inference). Hiện lượng trực tiếp nhận thức tự tướng bằng cảm giác đơn thuần; tỷ lượng gián tiếp nhận thức tổng tướng bằng suy luận.

Tự tướng là thực tại điểm, nên không có thể chất nhưng lại có lực tính (forces), nghĩa là có khả năng tính tác dụng trên thức để phát sinh tri giác và suy luận. Tổng tướng là hiện tượng nhất thể không sai biệt, hoàn toàn vọng tưởng, không có thật tính như tự tướng, nghĩa là không có khả năng tính tác dụng. Tuy nhiên tổng tướng không huyễn ảo như hoa đốm giữa trời hay mộng mị như trong giấc mơ.

Thứ Ba, 15 tháng 1, 2013

Nhân Minh Luận

NHẬN THỨC VÀ KHÔNG TÁNH 

Hồng Dương

Nhân Minh Luận

Lượng đoán: Nhận thức thực tại

Nhận thức luận theo Trần Na và Pháp Xứng hoàn toàn căn cứ trên sự phân định giữa hai thứ đối tượng là tự tướng và tổng tướng. Mỗi đối tượng tương ứng với một hình thái lượng biết riêng biệt, hiện lượng nhận thức tự tướng và tỷ lượng nhận thức tổng tướng. Bên này là vật tự thân đặc thù, là thực tại điểm có khả năng tính tác dụng, kích thích phân biệt vọng tưởng, làm phát khởi khái niệm mà phàm phu chấp cho là thật. Bên kia là cọng tướng tổng quát, là ảnh tượng hay khái niệm vọng suy, kết quả của phân biệt vọng tưởng. Tính cách của vật thể hai bên hoàn toàn khác biệt. Trên thực tế nhận thức thực tại tổng hợp kết nối hai vật thể nhân quả liên hệ ấy lại với nhau, mặc dầu chúng hoàn toàn khác biệt tính cách.

Sự tổng hợp bắc cầu nối kết tự tướng với tổng tướng, khả năng tính tác dụng với suy luận phán đoán gọi là lượng đoán (Judgment). Mọi nhận thức thực tại đều có tác dụng là thi thiết khái niệm để giải thích cảm giác đơn thuần. Rốt cuộc, nhận thức thực tại tóm thu lại chẳng qua chỉ là lượng đoán. Có hai cách lượng đoán. Một là tưởng đoán (ekatva-adhyavasàya; perceptual judgment), sự quyết định đồng nhất một khái niệm với cảm giác đơn thuần tức thực tại điểm. Hai là tự lượng đoán (svàrthànumàna; inferential judgment), sự kết nối quy hợp hai khái niệm về với thực tại điểm.

Thứ Hai, 14 tháng 1, 2013

Nhận Thức Luận Phật Giáo

NHẬN THỨC VÀ KHÔNG TÁNH 

Hồng Dương

Nhận thức và hành động

Nói đến nhận thức thời phải nói đến hành động, ngôn ngữ, và lý luận. Điều này được thấy rõ trong Tứ Diệu đế, một mô thức biện chứng trình bày quan hệ giữa tri nhận và mô tả, nhận thức và hành động, luận lý và thực tiễn. Tứ Diệu đế là khuôn mẫu ngôn ngữ và luận lý của những ai muốn thuyết trình về một vấn đề khoa học:

(1) Đây là những kinh nghiệm nhận thức của tôi về những sự kiện tôi đang tìm hiểu và xin mô tả như thế này;

(2) Theo tôi, đây là những nguyên nhân liên hệ đến những sự kiện ấy mà tôi đã dùng kinh nghiệm và suy luận để tìm thấy;

(3) Do những sự thấy biết như thế nên tôi nghĩ rằng mục tiêu cần phải thực hiện và thấu đạt phải như thế này; và

(4) cuối cùng, đây là những phương pháp tôi đã áp dụng, nhờ đó mà tôi đã thành tựu và chứng nghiệm được mục tiêu.

Chủ Nhật, 13 tháng 1, 2013

Lý Duyên Khởi

NHẬN THỨC VÀ KHÔNG TÁNH 

Hồng Dương

Tính nhất quán trong quá trình phát triển tư tưởng Phật giáo

Muốn thấu triệt tính nhất quán trong quá trình phát triển tư tưởng Phật giáo, thời cần theo dõi những đường lối giải thích pháp duyên khởi qua các giai đoạn phát triển. Lý duyên khởi là một phương tiện độc đáo để Phật giải thích bản chất của sự hữu (bhava), lấy nhân sinh quan làm nền tảng, và không sa vào hai cực biên thường kiến (Eternalism) và đoạn kiến (Nihilism). Theo lý duyên khởi, thế giới hiện tượng là một mạng lưới 'nhân duyên sinh' vĩ đại trong đó hết thảy hiện tượng đều là tương đối, quan hệ chằng chịt với nhau, nương vào nhau mà tồn tại. Không một sự vật nào trong đó có thể tách rời mối quan hệ nhân duyên mà có thể tự tồn. Tuy đề cập đến toàn thể hiện tượng thế giới nhưng chủ yếu của lý duyên khởi là để khảo sát các hoạt động sinh mệnh, đặc biệt là hoạt động tâm lý của con người. Trong kinh Đại Duyên (Mahànidàna Sutta), Trường Bộ, có thể xem như đại biểu cho những kinh thuyết minh về duyên khởi rõ ràng và tinh tế nhất, đức Phật diễn tả quá trình phát kiến duyên khởi đầu tiên nhờ đó mà thấy được nguyên nhân của sinh tử và phương pháp giải thoát sinh tử. Ngài đã dựa vào mối quan hệ hỗ tương tồn tại giữa thức và danh sắc để lấy thức làm chủ thể nhận thức như điểm xuất phát, rồi xem danh sắc như là khách thể, và từ đó nói rõ cái thứ tự phát khởi của những hoạt động tâm lý lục nhập, xúc, thọ, ái, thủ, ... được xem như là những yếu tố kết hợp cá nhân với thế giới (hữu). Mối quan hệ đồng thời giữa thức và danh sắc ấy chính do đức Phật phát minh. Đó là kết quả Phật gặt hái nhờ chuyên chú quan sát những hoạt động hiện thực của tâm và thân để làm sáng tỏ những hoạt động hiện thực khác dùng làm căn bản thành lập hình thức thuyết minh duyên khởi quan.

Thứ Sáu, 11 tháng 1, 2013

Thấy vậy mà không phải vậy...

NHẬN THỨC VÀ KHÔNG TÁNH 


Hồng Dương
---o0o---

Thông thường chúng ta hay nói: "Thấy vậy mà không phải vậy!" Câu nói này có thể áp dụng để tìm hiểu hai khía cạnh tương đối và tuyệt đối của chân lý, tức nhị đế, đề cập trong Trung Luận của Bồ Tát Long Thọ. Một đằng là tục đế hay chân lý ước định có thể dùng tri thức thường nghiệm để thông đạt. Đằng khác là chân đế hay chân lý tối thượng, cảnh giới tự chứng của Phật, người thường không thể nắm bắt được. Tại sao? Tại vì cái thấy, cái biết của phàm phu đã bị vọng niệm, vọng tưởng làm rối loạn. Phần lớn là do vô minh với thực chất là sự ngu dốt, mê lầm đã huân tập vào tâm thức từ vô thủy. Lại nữa, đà sống xã hội, tập quán, văn minh, giáo dục, và tín ngưỡng cũng góp phần bao phủ cái biết một lớp bợn nhơ dày đặc. Do đó cái biết của phàm phu là cái biết điên đảo: trong thế gian, các pháp đều vô thường mà cho là thường; chúng sinh chịu mọi thứ khổ đau mà cho là vui, sướng; vốn không có cái ta, cái của ta mà chấp là có ngã, có ngã sở; các pháp đều bất tịnh mà cho là tịnh.

Trên phương diện luận lý, khi nhìn vào thế giới thực tại, vọng tưởng phân biệt hay biến kế chấp tạo cho ta một thế giới biểu tượng. Và thế giới biểu tượng ấy với ngôn từ dùng làm khí cụ biểu thị hiện hữu của sự vật trở thành đối tượng của nhận thức. Thực tại khách quan bị cắt ra từng mảnh, mỗi mảnh được gọi là một pháp, chiếm cứ một vị trí trong không thời gian, sắp vào khuôn một khái niệm, và cuối cùng được gán cho một nhãn hiệu, đặt cho một tên gọi. Vì biến kế chấp, ta nhận thức sự vật không đúng với tính cách 'như thị' của chúng, gán vào chúng những đặc tính và thuộc tính chúng không có. Ta đã nhìn vào sự vật một cách sai lạc méo mó dưới lăng kính phân biệt vọng tưởng. Đáng tiếc hơn nữa, ta ngây thơ tưởng rằng biểu tượng của cái thực chính là cái thực và mù quáng tin tưởng những hiện hữu giả danh ấy như có thực.

Thứ Năm, 10 tháng 1, 2013

HÃY ĐẾN MÀ THẤY!

NHẬN THỨC VÀ KHÔNG TÁNH 

Hồng Dương
---o0o---

PHẦN MỘT: NHẬN THỨC LUẬN PHẬT GIÁO

Cái tuyệt vời của đạo Phật là mời chúng ta đến để mà thấy (Pl. ehi-passiko), chứ không phải đến để mà tin. Thực ra, tin tưởng không cần thiết một khi thấy rõ, biết rõ, và hiểu rõ. Giống như trường hợp mở nắm tay ra cho thấy viên ngọc dấu trong đó thì sự tin tưởng có viên ngọc dấu trong tay tự nhiên biến mất. Trong sự tu tập và tìm sự giải thoát cho chính mình, trước hết phải giải tỏa mình ra khỏi hoài nghi, một trong năm món ngăn che: tham dục, sân nhuế, thụy miên, trạo hối, và nghi pháp. Nghi pháp là một trở ngại cho sự hiểu biết chân lý và cho bất cứ sự tiến bộ nào trong việc tu hành. Trong Phật giáo không có tín điều cho nên hoài nghi không phải là một “tội lỗi”. Hoài nghi cũng là một điều không tránh được khi ta chưa hiểu rõ, thấy rõ. Nhưng làm sao đoạn trừ hoài nghi hầu thực hiện tiến bộ? Nếu tự buộc mình phải tin tưởng và chấp nhận một điều mình không hiểu biết rồi nói “tôi tin”, “tôi không nghi”, làm như thế chắc chắn không giải tỏa được hoài nghi chút nào. Kinh Anh Võ, Trung A-Hàm, thuật lại lời Phật nói đến tu pháp “phân biệt như vậy, hiển thị như vậy” (tức là quan sát và phân tích phê bình) và khuyến cáo rằng tụng tập, thọ trì, học hỏi kinh điển vẫn chưa đủ để nói lên kết quả của chúng, nếu không “tự tri, tự giác, tự tác chứng”. Đức Phật nhấn mạnh trên sự tự chính mình thấy, biết, và hiểu rõ, vì đó là phương cách hữu hiệu để làm biến mất hoài nghi. Đã có lần Ngài khuyên những người thuộc bộ tộc Kalama ở Kesaputta như vầy:

Thứ Tư, 9 tháng 1, 2013

NGÔN NGỮ VÀ BIỆN CHỨNG

NHẬN THỨC VÀ KHÔNG TÁNH 

Hồng Dương

Trong Bích Nham Lục có kể một câu chuyện như sau, với tựa đề Chí Đạo Vô Nan của Triệu Châu. Triệu Châu dạy chúng nói, “Đạo lớn không khó miễn đừng so đo. Vừa có ngôn ngữ lập tức có lựa chọn và dính mắc, có minh bạch. Lão tăng này chẳng ở nơi minh bạch. Các ông có còn trì giữ gì chăng?”

Lúc ấy có ông tăng hỏi, “Không ở nơi minh bạch, thì thầy trì giữ cái gì?”

Triệu Châu nói, “Tôi cũng chẳng biết nữa”.

Ông tăng nói, “Hòa thượng đã không biết, cớ sao còn nói là không ở nơi minh bạch?”

Triệu Châu nói, “Hỏi về vấn đề là đủ rồi. Mau lạy rồi trở lui.”

Trong lời Triệu Châu, câu “Đạo lớn không khó, miễn đừng so đo” vốn là từ bài Tín Tâm Minh của Tam tổ Tăng Xán. “Đạo lớn chẳng gì khó, Cốt đừng chọn lựa thôi. Quí hồ không thương ghét, Thì tự nhiên sáng ngời.”

Tại sao vừa có ngôn ngữ lập tức có lựa chọn dính mắc, có sáng ngời minh bạch? Tại vì ngôn ngữ là hình thức của tư duy và tư duy thông thường dùng giác quan và ý thức phân biệt mọi sự vật có hình tướng khác nhau để nhận biết. Từ đó hoặc khởi sinh thương ghét, chấp trước, ái thủ, hoặc xuất hiện sự cố gắng vươn lên dùng trí tuệ thấu suốt tất cả mọi sự vật đều giả hợp, thể nghiệm được lý vô thường, vô ngã và tiến tới giác ngộ.

Thứ Bảy, 24 tháng 11, 2012

TÁNH KHỞI và DUYÊN KHỞI

HỒNG DƯƠNG

LỐI NHÌN PHÂN TOÁI

Trong Tựa Nhận thức và Tánh không*, thầy Tuệ Sỹ viết: «Phục Hy phát hiện khái niệm nhị phân bằng hai hào. Ông chồng ba bit-hào thành một quẻ; thu hoạch được tám quẻ. Rồi chồng nữa, ông có bộ nhớ 6 bit-hào, nhận được 64 ký tự-quẻ, nó đủ để ghi tất cả mọi hiện tượng, từ thiên nhiên, xã hội, con người. Ghi bất cứ cái gì mà con người có thể suy nghĩ và tưởng tượng.

«Nhưng phát hiện của Phục Hy được thấy là hữu ích cho việc bói toán hơn là hỗ trợ bộ óc của con người, như vi tính ngày nay. Tại sao?

Thứ Năm, 22 tháng 11, 2012

Thiền Định Sáng Suốt Thực Tiễn

Venerable Mahāsi Sayādaw

 Dịch Việt : Mỹ Thanh


Trong kinh Mahā Satipatthāna Sutta ( Đại Tập Kinh), đức Phật đã nói, « Hãy thực tập suy ngẫm về thân, suy ngẫm về cảm giác, tâm thức và đối tượng của tâm thức. » Nếu không có sự chỉ dẫn từ một vị thầy có đủ tư cách, thì thật không phải dễ cho một người bình thường thực tập những suy ngẫm nầy một cách có hệ thống, để có thể tiến bộ, phát triển sự chú tâm và sự sáng suốt của chính niệm.

Chủ Nhật, 30 tháng 9, 2012

Không là Duyên khởi

Hồng Dương
Duyên khởi có nghĩa là hết thảy hiện tượng đều do nhân duyên mà phát sinh, liên quan mật thiết với nhau, nương vào nhau mà tồn tại. Nói theo thuật ngữ Phật giáo thời “tất cả pháp là vô thường, vạn vật vô ngã, hết thảy đều không”. “Không” có nghĩa là “vô tự tính”, không có yếu tính quyết định. Với lời tuyên thuyết của Bồ tát Long Thọ: “Các pháp do duyên khởi nên ta nói là Không” (Trung luận, XXIV.18), đa số học giả sử dụng Không và Duyên khởi như đồng nghĩa. Đó là điều D. T. Suzuki phản đối kịch liệt.

Thứ Tư, 15 tháng 8, 2012

Đôi nét về tác giả Cư Sĩ Hồng Dương Nguyễn Văn Hai

57.2
Tên thật:  Nguyễn Văn Hai
Pháp danh:  Hồng Dương
Tốt nghiệp Tiến sĩ Toán tại Đại học Sorbonne, Paris, Pháp quốc
Hiệu Trưởng Trường Quốc Học, Huế.
Phó Viện Trưởng kiêm Khoa Trưởng Đại học Khoa Học, Viện Đại học Huế.
Phó Giám Đốc Trung Tâm Liễu Quán.
Giáo sư tại Đại học Kentucky, Hoa Kỳ.
Đã nghỉ hưu, chuyên tâm việc nghiên cứu Phật học.
Đã cộng tác với các báo và websites Phật Giáo như Thư Viện Hoa Sen, Quảng Đức, Buddhasasana, Phật Việt, Đạo Phật Ngày Nay, v.v...

Tác phẩm đã xuất bản:
-  Phân biệt ngôn ngữ và tu chứng
- Lưới tương giao
- Tổ giáo và Giáo tín
- Đồng thời và Dị thời
- Chân như và Duyên khởi
- Tìm hiểu Trung Quán: Nhận thức và Không tánh
- Luận giải Trung Quán: Tánh khởi và Duyên khởi
- Đi tìm ngã
- Hữu thể và Thời gian
- Nhận thức luận Phật giáo

Những bài viết khác:
-  Tổ tín và giáo tín
-  Tín và chứng trong Hoa Nghiêm
-  Nhân Minh Luận
-  Quán nhân duyên
-  Bát bất và duyên khởi
-  Viên dung vô ngại
-  Bốn pháp giới
-  Nhân duyên pháp giới
-  Chân như và duyên khởi
-  Hữu tình:  trí, tình, ý
-  Đi tìm ngã
-  Tham đồng khế của Thạch Đầu Hy Thiên
-  Từ, bi, hỷ, xả
-  Lối nhìn phân toái
http://www.quangduc.com/tacgia/hongduong.html

Thứ Ba, 14 tháng 8, 2012

Thuyết tương đối của Albert Einstein (Theories of relativity)

                                                                  Trích từ : NHẬN THỨC VÀ KHÔNG TÁNH                             57.1
                                                                                 ( Phần NGÔN NGỮ VÀ BIỆN CHỨNG)                                                          
Hồng Dương

Trước hết, Einstein giả định rằng tốc độ ánh sáng không phụ thuộc vào sự chuyển động của quan sát viên hay của nguồn sáng và là một hằng số. Tốc độ ấy hữu hạn nhưng rất lớn,186,000 miles mỗi giây nếu đo trong khoảng trống. Đó cũng là tốc độ tối đa có thể đạt được ở thế gian này.