Hiển thị các bài đăng có nhãn thuvien-thíchnhathanh. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn thuvien-thíchnhathanh. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Sáu, 14 tháng 9, 2012

Kiên Nhẫn Là Chứng Tích Của Tình Yêu Đích Thực

Giận 20

Thích Nhất Hạnh


Tâm sân hận sống động. Tâm sân hận phát khởi rồi cần thời gian để lắng xuống. Mặc dầu bạn có đủ bằng cớ để thuyết phục người kia rằng cơn giận của người ấy là do tri giác sai lầm của người ấy, bạn cũng không nên can thiệp ngay. Cũng như tham đắm, ghen ghét và tất cả những tâm hành bất thiện khác, tâm sân hận cần thời gian để biến hoại. Ngay cả trong trường hợp mà người kia nhận ra là mình đã hiểu lầm cũng vậy. Khi tắt quạt máy, quạt vẫn tiếp tục quay một thời gian khá lâu mới dừng lại. Cơn giận cũng vậy. Đừng có mong rằng người kia sẽ hết giận ngay. Như thế không thực tế. Để cho cơn giận có thì giờ tàn lụi. Đừng có gấp.



Kiên nhẫn là chứng tích của tình yêu đích thực. Một người cha muốn tỏ lộ tình thương yêu của mình cho các con thì phải kiên nhẫn. Bà mẹ, con trai, con gái cũng vậy. Nếu muốn thương yêu, bạn phải tập kiên nhẫn. Nếu không kiên nhẫn thì bạn không giúp người kia được.


Bạn cũng cần kiên nhẫn với chính bạn. Thực tập ôm ấp cơn giận đòi hỏi thời gian. Tuy nhiên chỉ cần năm phút thực tập hơi thở chánh niệm, bước đi chánh niệm là có thể ôm ấp đau khổ một cách hiệu quả. Nếu năm phút không đủ thì mười phút, nếu mười phút không đủ thì mười lăm phút. Hãy dành đủ thì giờ cần thiết. Thực tập theo dõi hơi thở hay đi thiền hành ngoài trời là một pháp môn mầu nhiệm để ôm ấp cơn giận. Ngay cả thực tập chạy bộ (jogging) trong chánh niệm cũng giúp ích rất nhiều. Cũng như khi nấu một nồi khoai. Phải đun lửa ít nhất là mười lăm hay hai mươi phút khoai mới chín. Phải nấu cơn giận bằng ngọn lửa chánh niệm. Có thể là cần đến mười hay hai mươi phút. Có thể lâu hơn.

Đạt Thắng Lợi

Khi nấu khoai thì phải đậy nắp để khỏi mất hơi. Đó gọi là định lực. Vậy thì khi thực tập hơi thở hay bước đi chánh niệm để chăm sóc sân hận chúng ta Ềkhông nên làm gì hết. Không nên nghe radio, không nên coi TiVi, hay đọc sách. Hãy 'đậy nắp' lại và chỉ làm có một việc: thực tập hơi thở chánh niệm, bước đi chánh niệm, đem toàn lực ra để chăm sóc cơn giận, như chăm sóc một em bé.

Sau một thời gian ôm ấp và quán chiếu, tuệ giác sẽ bừng nở và cơn giận sẽ suy giảm. Bạn sẽ cảm thấy nhẹ nhàng và phấn khởi trong ý muốn trở lại giúp người kia. Khi mở nồi khoai chín ra bạn sẽ thưởng thức mùi khoai thơm. Tâm sân hận đã được chuyển hóa thành tâm từ bi.

Đây là một điều có thể làm được. Cũng như bông hoa tu-líp. Khi mặt trời chiếu đủ sức nóng thì hoa sẽ nở. Cơn giận của bạn cũng là một bông hoa. Bạn ôm ấp nó bằng ánh sáng chánh niệm. Hãy để cho năng lượng của chánh niệm thấm vào năng lượng của sân hận. Sau năm, mười phút thực tập chánh niệm cơn giận sẽ được chuyển hóa.

Tất cả các tâm hành - sân hận, ganh tị, tuyệt vọng v..v.. đều chịu ảnh hưởng của chánh niệm cũng như cây cỏ chịu ảnh hưởng của ánh nắng. Nhờ nuôi dưỡng năng lượng chánh niệm mà ta có thể chữa trị thân và tâm bởi vì năng lượng chánh niệm chính là năng lượng của Bụt. Trong truyền thống đạo Cơ Đốc, người ta nói rằng Chúa Jesus có sẵn trong người năng lượng của Chúa Trời, năng lượng của Chúa Thánh Linh. Vì vậy mà Chúa Jesus có thể chữa trị cho nhiều người. Năng lượng có khả năng chữa trị đó được gọi là Chúa Thánh Linh. Trong ngôn ngữ của đạo Bụt năng lượng đó được gọi là năng lượng của Bụt, năng lượng của Chánh niệm.

Chánh niệm chứa năng lượng của Định Lực, của Hiểu Biết và Từ Bi. Vậy thì, thiền tập theo đạo Bụt là thực tập chế tác năng lượng giúp ta có được sự tập trung, từ bi và hiểu biết. Tất cả mọi người trong một trung tâm tu tập chỉ có làm một việc đó và cùng nhau cống hiến một vùng năng lượng tập thể mạnh mẽ khả dĩ ôm ấp và bảo vệ chính họ và những người khác đến tu tập.

Chỉ cần một buổi thiền tập ta cũng đã nhận thấy là ta có thừa khả năng chăm sóc cơn giận. Ta đã đạt thắng lợi cho riêng ta và cho những người ta thương. Khi ta thất bại, những người ta thương cũng sẽ thất bại theo. Khi ta thắng, ta cũng thắng cho người ta thương. Vậy thì nếu khi một ai đó không biết cách tu tập thì ta sẽ tu tập cho ta và cả cho người ấy. Đừng đợi người kia thực tập rồi ta mới bắt đầu thực tập. Ta tu cho cả hai.

Thích Nhất Hạnh

http://www.thuvien-thichnhathanh.org/index.php/tac-phm/130-gin/774-gin-chng-04-chuyn-hoa?start=5

Thứ Năm, 13 tháng 9, 2012

Cùng Nhau Quán Chiếu Cơn Giận

Giận 19


Thích Nhất Hạnh

Khi người kia biết rằng bạn đã cố gắng hết lòng để tìm hiểu nguyên nhân cơn giận thì người ấy cũng sẽ hăng hái tu tập. Trong khi lái xe, nấu ăn người ấy sẽ tự hỏi "Ta đã làm gì, nói gì để làm cho người ấy đau khổ đến như vậy?" và sẽ có cơ hội nhìn sâu và biết rằng trong quá khứ cách hành xử của mình đã làm cho bạn giận và bắt đầu xét lại về ý nghĩ cho là mình không có trách nhiệm gì trong vụ xung đột. Nếu người kia khám phá ra rằng mình đã vụng về, thấy cách hành xử của mình đã làm cho bạn giận thì người ấy phải tức thì điện thoại hay gửi Fax xin lỗi bạn.