Hiển thị các bài đăng có nhãn NGÔI CHÙA VIỆT NAM. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn NGÔI CHÙA VIỆT NAM. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Ba, 4 tháng 11, 2014

THỨC BIẾN | NGÔI CHÙA VIỆT NAM


THỨC BIẾN
Hòa thượng Thích Thiện Siêu
Nhà Xuất Bản TP. HCM, 2003


NGÔI CHÙA VIỆT NAM

Ngày xưa, một nhà Nho tên là Lê Quát, học trò của Chu Văn An, đã từng thắc mắc về đạo Phật rằng: "Đạo Phật chỉ đem đều hoạ phúc làm lay động lòng người, sao mà sâu xa bền chắc đến như vậy. Trong từ kinh thành, ngoài đến thôn phủ, đường cùng ngõ hẻm, không hiểu mà theo, không thấy mà tin, hễ nơi nào có người ở là nơi ấy có chùa Phật. Bỏ đi thì làm lại, hư đi thì sửa lại". Nếu hiểu đúng thì không phải chỉ có hai chữ hoạ phúc làm động lòng người được. Kinh nói hoạ phúc là cốt nói hành động thiện ác, bởi vì hành động thiện gây ra phúc, hành động ác gây ra hoạ. Nói hành động thiện ác là cốt nói mê ngộ, nghĩa là, nếu giác ngộ thì thiện mà mê lầm thì ác. Nhưng nói mê ngộ cũng cốt nói về tâm, bởi vì mê là do tâm mà ngộ cũng do tâm. Do vậy mà đức Phật chú trọng giác ngộ tâm. Khi tâm đượcgiác ngộ thì hành động mới sáng suốt, mà hành động sáng suốt thì cuộc đời sẽ được an vui. Vì vậy, lời dạy đó càng ngày càng thấm thía vào lòng người, lay động lòng người hướng về với Phật. Khi đã hướng về với Phật thì dựng chùa để thờ Phật, để mỗi ngày thấy Phật trên bàn thờ, nhờ đó mà khắc hoạ đậm nét hình ảnh Phật trong tâm. Cho nên, khi nào chúng ta thấy được Phật trong tâm thì lúc bấy giờ chúng ta sẽ thấy Phật trên bàn thờ một cách đúng đắn. Nếu không như thế thì như trong kinh Kim-cang đức Phật đã nói: "Nếu lấy sắc thấy Ta, lấy âm thanh cầu Ta, người đó hành tà đạo, không thể thấy Như lai". Cho nên khi nào thấy tâm thì mới thấy Phật được một cách đầy đủ viên mãn. Vì vậy mới dựng chùa thờ Phật.