Đoàn Văn An (*)
Trong bài viết này, tác giả đã phân tích quan niệm về tính Không – một nội dung quan trọng của kinh Kim Cương. Tính Không (Sùnyatà) là một khái niệm khá trừu tượng: vừa thừa nhận có sự hiện hữu, sự “phồng lên” (ở hình thức bên ngoài) của một thực thể, vừa chỉ ra tính trống rỗng (ở bên trong) của thực thể. Vì vậy, tính Không không phải là khái niệm chỉ tình trạng rỗng, không có gì, mà có nghĩa mọi hiện hữu đều không có “tự ngã”, không có một thực thể cố định.
Tính Không, tiếng Phạn là Sùnyatà, Trung Hoa dịch là Thuấn-nhã-đa, hay còn gọi là “Không tính”, là một khái niệm cơ bản được kinh tạng Bát nhã và kinh Kim Cương dùng để chỉ tính chất trống rỗng, không có thực thể của mọi hiện hữu. Khái niệm này còn được coi là một trong những đóng góp quan trọng của Phật giáo Đại thừa, đặc biệt là Đại thừa Trung quán, khi bàn về tính chất duyên sinh, giả hợp của thế giới hiện tượng. Sùnyatà là một danh từ được biến thể từ tính từ “Sùnya” (bằng cách thêm tiếp vĩ ngữ “tà” ở sau). Theo Phật Quang Đại từ điển, “Sùnya” có nghĩa là “sự hư huyễn, không thật của sự vật, hoặc sự rỗng lặng, trong sáng của lý thể”(1); còn “Sùnyatà” được định nghĩa là “tự tánh không, chân lý không, là tên gọi khác của Chân như”(2).