Thích Nhất Hạnh
Chúng ta biết rằng khi giận thì không nên phản ứng, nghĩa là không nên nói, không nên làm bất cứ một điều gì. Khi giận mà nói năng hay hành động là không khôn ngoan. Ta phải trở về tự thân để chăm sóc cơn giận của mình.
Cơn giận là một vùng năng lượng trong ta. Nó là một phần của ta, là em bé đang kêu khóc mà ta có bổn phận phải săn sóc. Cách chăm sóc hay nhất là tạo ra một vùng năng lượng khác để ôm ấp và chăm sóc cơn giận. Vùng năng lượng thứ hai là chánh niệm. Chánh niệm là năng lượng của Bụt. Nó có sẵn trong ta và ta có thể chế tác ra bằng hơi thở có ý thức, bằng bước đi có ý thức. Bụt ở trong ta không phải là một ý niệm. Bụt ở trong ta không phải là một lý thuyết viển vông. Bụt ở trong ta là một thực thể bởi vì chúng ta ai cũng có thể chế tác năng lượng chánh niệm.
Chánh niệm có nghĩa là có mặt, là ý thức những gì đang xẩy ra trong ta và chung quanh ta. Năng lượng này tối ư quan trọng cho việc tu tập. Năng lượng chánh niệm giống như một người anh lớn, một người chị lớn hay một bà mẹ đang ôm ấp và chăm sóc em bé đau khổ, sân hận, tuyệt vọng hay ghen tức trong ta.
Vùng năng lượng thứ nhất là sân hận. Vùng năng lượng thứ hai là chánh niệm. Phương pháp tu tập là dùng năng lượng của chánh niệm để nhận diện và ôm ấp năng lượng của sân hận, với tất cả hiền dịu, không chút bạo động. Đây không phải là đàn áp sân hận. Chánh niệm là ta mà sân hận cũng là ta. Ta không nên trở thành một bãi chiến trường để hai vùng năng lượng đó đánh giặc với nhau. Đừng nên nghĩ rằng chánh niệm là chánh, là tốt và sân hận là tà, là xấu. Không nên nghĩ như vậy. Chúng ta chỉ cần nhận diện sân hận như là một năng lượng tiêu cực và chánh niệm như là một năng lượng tích cực. Rồi chúng ta sử dụng năng lượng tích cực để chăm sóc năng lượng tiêu cực.
Cảm Thọ Có Tánh Chất Hữu Cơ
Phép thực tập của chúng ta được căn cứ trên tuệ giác bất nhị (non-duality). Cảm thọ tích cực hay tiêu cực đều có tánh chất hữu cơ và cùng thuộc về một thực tại. Vậy thì không cần phải chiến đấu. Chỉ cần ôm ấp và chăm sóc. Trong truyền thống Đạo Bụt, thiền tập không phải là tạo ra một bãi chiến trường để thiện đánh với ác. Đây là một điều rất quan trọng. Đừng tưởng rằng ta phải chiến đấu để tẩy trừ hạt giống tiêu cực ra khỏi tâm ta. Nghĩ như vậy là sai lầm. Phép thực tập là chuyển hóa tự thân. Nếu không có rác thì lấy gì để tạo ra phân xanh? Nếu không có phân xanh thì lấy gì để nuôi dưỡng hoa trái? Bạn cần đến những đau khổ, những yếu kém trong bạn. Bởi vì chúng đều là hữu cơ cho nên bạn biết là có cách chuyển hóa chúng và sử dụng chúng sao cho có lợi.
Tuệ Giác Tương Tức
Pháp môn thực tập của chúng ta phải là bất bạo động. Bất bạo động chỉ có thể phát sinh từ tuệ giác bất nhị, tuệ giác tương tức. Theo tuệ giác này tất cả mọi sự mọi vật đều có liên hệ với nhau, và không có gì mà có thể tự nó có mặt một mình. Vậy thì bạo hành người khác tức là bạo hành chính mình. Chừng nào mà ta không có được tuệ giác bất nhị thì chừng đó ta sẽ còn bạo động, còn muốn trừng phạt, muốn đàn áp, muốn phá bỏ. Nhưng khi mà đã thấu triệt lẽ thật bất nhị và tương tức thì ta sẽ có thể mỉm cười với cả hoa và rác trong ta, ta có thể ôm ấp cả hai. Cho nên, tuệ giác tương tức là nền tảng của bất bạo động.
Khi mà bạn có được tuệ giác bất nhị và tương tức thì bạn sẽ đối xử với thân tâm bạn một cách thật sự bất bạo động. Bạn chăm lo các tâm hành của bạn, kể cả tâm hành sân hận, một cách bất bạo động. Bạn sẽ đối xử với cha mẹ, anh em, bạn bè, cộng đồng, xã hội của bạn với tất cả hiền dịu. Như vậy thì không thể nào có bạo động. Dưới cái nhìn của tuệ giác tương tức không có ai là kẻ thù.
Căn bản của sự thực tập của chúng ta là tuệ giác bất nhị, là tuệ giác tương tức. Tuệ giác này dạy ta chăm sóc nâng niu thân thể, chăm sóc nâng niu sân hận, tuyệt vọng trong ta. Sân hận có gốc rễ từ những yếu tố không phải là sân hận, từ lối sống hằng ngày của chúng ta. Nếu chăm lo thân tâm, không kỳ thị bất cứ gì, thì năng lượng tiêu cực không thể trấn áp ta được. Chúng ta làm cho những hạt giống tiêu cực trong ta suy yếu đi và không còn tràn ngập ta được nữa.
Thích Nhất Hạnh
http://www.thuvien-thichnhathanh.org/index.php/tac-phm/130-gin/774-gin-chng-04-chuyn-hoa