Giận 18
Thích Nhất Hạnh
Trong khi chờ tới ngày hẹn, ngày Thứ Sáu, bạn nên quán chiếu để nhận diện phần lỗi của bạn trong vụ xung đột. Không nên đổ lỗi hoàn toàn cho người kia. Bạn phải công nhận rằng lý do chính gây nên đau khổ của bạn là hạt giống giận trong bạn và người kia chỉ là một nguyên nhân phụ.
Khi bạn nhận ra vai trò của bạn trong vụ xung đột, bạn sẽ càng cảm thấy nhẹ nhàng hơn. Bởi vì bạn có khả năng thực tập hơi thở chánh niệm, chăm sóc cơn giận, giải tỏa năng lượng tiêu cực chỉ trong vòng mười lăm phút là bạn thấy khỏe ra rồi.
Nhưng người kia có thể còn đang ở trong địa ngục và đang đau khổ rất nhiều. Người thương của bạn là đóa hoa của bạn, bạn phải chịu trách nhiệm. Bạn đã có lời hứa là sẽ chăm sóc người thương của bạn. Bạn biết rằng bạn có trách nhiệm phần nào về tình trạng hiện thời của người ấy bởi vì bạn đã không thực tập đàng hoàng, bạn đã không chăm sóc đóa hoa của bạn. Bạn cảm thấy thương người ấy gấp bội và nao nức muốn trở về để giúp đỡ. Người kia là người rất thân thương của bạn. Nếu bạn không giúp thì ai giúp người ấy bây giờ?
Khi bạn có ý muốn trở về với người kia để giúp đỡ là bạn biết rằng năng lượng sân hận trong bạn đã biến thành năng lượng của tình thương. Sự thực tập của bạn đã có kết quả. Rác đã biến thành hoa. Có thể là cần mất mười lăm phút, nửa giờ hay một giờ. Điều đó tùy thuộc ở nơi định lực, nơi mức độ chánh niệm của bạn. Điều đó cũng tùy thuộc nơi mức độ giác ngộ và tuệ giác mà bạn gặt hái được trong khi tu tập.
Có thể là mới ngày Thứ Ba và bạn còn ba ngày trước khi tới ngày hẹn. Nhưng bạn không muốn cho người kia kéo dài đau khổ. Vậy thì khi bạn nhận ra lỗi của mình thì tức khắc bạn phải điện thoại cho người kia ngay: "Em ạ, Anh đã bớt giận rồi. Anh đã có một tri giác sai lầm. Anh thấy rõ là anh đã làm cho cả hai ta cùng khổ. Chắc chúng ta không cần hẹn gặp nhau Thứ Sáu này." Bạn hành động như thế là vì thương yêu.
Thường thường sân hận phát khởi từ một tri giác sai lầm. Vậy khi nhìn sâu vào nguyên nhân đã gây nên khổ đau và khám phá ra rằng đó chỉ là do tri giác sai lầm thì bạn phải cho người kia biết ngay. Người ấy không muốn làm bạn khổ mà với một lý do nào đó bạn cứ tin là người ấy cố ý như vậy. Mỗi một chúng ta - dầu là chồng, là vợ, là con, là bạn bè- đều phải thực tập để quán chiếu sâu sắc tri giác của mình.
Có Chắc Là Đúng Không?
Một chàng nọ phải xa nhà khá lâu. Trước khi đi thì vợ anh ta đang mang thai. Khi về nhà thì vợ anh đã sanh được một đứa con trai. Anh ta nghi đứa con không phải là con của anh, mà là con của ông hàng xóm thường qua nhà anh làm việc. Vì thế anh ta rất ghét đứa con trai. Nhìn mặt con mà anh cứ thấy nó giống ông hàng xóm. Cho đến một ngày nọ, người anh từ xa đến thăm và thốt lên: "Thằng nhỏ sao mà giống chú quá. Giống như khuôn đúc!" Nhờ ông anh tới thăm và nói câu nói đó mà người cha đã bỏ được tri giác sai lầm. Nhưng tri giác sai lầm ấy đã đè nặng tâm tư anh trong gần mười hai năm. Trong mười hai năm đó anh ta đã đau khổ vô cùng. Rồi người vợ vì thế mà cũng đau khổ theo. Lẽ tất nhiên đứa con trai cũng đau khổ vì bị cha ghét bỏ.
Chúng ta luôn luôn hành xử theo tri giác sai lầm. Vì vậy không nên tin chắc vào tri giác của mình. Khi ngắm mặt trời lặng ta tin chắc là ta đang thấy mặt trời thật. Nhưng khoa học chứng minh rằng mặt trời mà ta đang ngắm là hình ảnh của mặt trời trước đó tám phút. Tia sáng mặt trời phải mất tám phút để đi từ mặt trời đến quả đất. Khi nhìn một ngôi sao chúng ta cứ tưởng rằng ngôi sao còn đó, nhưng thật ra ngôi sao có thể đã biến mất hàng triệu năm về trước.
Cho nên phải cẩn thận lắm về tri giác nếu không thì sẽ đau khổ. Hãy viết lên một mảnh giấy câu: "Có chắc không?" và treo lên trong phòng. Trong các bệnh viện, nhất là trong các phòng thử nghiệm hay phòng phát thuốc, người ta đã treo lên một câu tương tự: "Mặc dầu bạn đã chắc rồi cũng xin kiểm soát lại (Even if you are sure, check again)." Câu này không phải là để nhắc nhở các bác sĩ, chuyên viên để ý đến các các hiện tượng tâm lý của bệnh nhân mà là để nhắc nhở các bác sĩ, chuyên viên kiểm soát lại định bệnh của mình hay kết quả thử nghiệm cho chắc để khỏi sơ sót. Ta có thể dùng cái biểu ngữ đó để tu tập: "Mặc dầu bạn đã chắc rồi cũng xin kiểm soát lại." Ta đã làm cho ta đau khổ. Ta đã tạo địa ngục cho chính ta và các người thân của ta. Ta có chắc rằng tri giác của ta là đúng hay không?
Nhiều người đau khổ vì tri giác sai lầm có đến mười năm, hai mươi năm. Họ tin chắc rằng người kia có ý phản bội, ám hại họ mặc dầu người kia chỉ có thiện chí với họ mà thôi. Mỗi khi đã là nạn nhân của tri giác sai lầm ta sẽ khổ sở vô cùng và ta làm những người chung quanh cùng khổ.
Khi giận hay khi đau khổ thì phải trở về quán chiếu thật sâu sắc bản chất, nội dung tri giác của mình. Nếu ta có thể loại bỏ tri giác sai lầm thì bình an và hạnh phúc sẽ phục hồi và ta có thể lại thương yêu người khác.
Thích Nhất Hạnh
http://www.thuvien-thichnhathanh.org/index.php/tac-phm/130-gin/774-gin-chng-04-chuyn-hoa?start=3