Thứ Năm, 4 tháng 10, 2012

Truyền Thông Với Tâm Từ Bi

Giận 21

Thích Nhất Hạnh

Có thể có khi con cái không thể truyền thông được với cha mẹ. Tuy cùng ở chung một nhà mà con có cảm tưởng như là cha hay mẹ xa cách vạn dặm. Trong trường hợp đó cả hai bên, cha mẹ và con, đều khổ. Mỗi bên đều chỉ còn có hiểu lầm, ghét bỏ và xa cách. Cha mẹ và con cái không biết rằng họ cũng có rất nhiều điểm giống nhau. Họ không biết rằng họ đều có khả năng hiểu nhau, tha thứ và thương yêu nhau. Do đó, nhận diện những gì tích cực có sẵn trong mỗi chúng ta để cho sân hận và những hạt giống tiêu cực không thể chế ngự là một điều rất quan trọng.



Mặt Trời Vẫn Còn Đó Sau Đám Mây

Khi trời mưa, ta nghĩ rằng mặt trời không còn có đó. Nhưng nếu đi phi cơ, bay lên quá lớp mây ta lại thấy mặt trời rạng rỡ. Mặt trời luôn luôn còn đó. Khi giận hay tuyệt vọng tình thương yêu cũng vẫn còn đó. Khả năng truyền thông, tha thứ, thương yêu vẫn còn đó. Phải tin tưởng như vậy. Ta giàu có hơn là sân hận, ta giàu có hơn là đau khổ. Phải công nhận rằng trong ta còn có khả năng thương yêu, hiểu biết và từ bi. Biết được như vậy thì không còn buồn, không còn tuyệt vọng. Biết rằng tuy trời đang mưa, nhưng mặt trời vẫn còn đâu đó trên cao. Mưa sẽ tạnh và trời sẽ nắng. Hãy hy vọng. Nếu bạn còn nhớ được rằng những hạt giống tích cực vẫn còn đó trong bạn và trong người kia thì bạn còn có thể vượt thoát và những gì tốt đẹp nhất trong bạn và người kia sẽ lại phát hiện.

Thực tập là để thể hiện điều đó. Thực tập sẽ giúp ta tiếp xúc với ánh sáng mặt trời, với Bụt, với những gì tốt đẹp trong ta để có thể chuyển đổi tình trạng. Bạn có thể gọi những gì tốt đẹp trong bạn bằng danh từ gì cũng được, danh từ mà bạn quen thuộc trong truyền thống tâm linh của bạn.

Trong chiều sâu tâm thức, phải biết rằng ta có khả năng sống hòa bình, an lạc. Hãy giữ vững lòng tin rằng năng lượng của Bụt có ở trong ta. Điều duy nhất phải làm là tìm đến sự giúp đỡ của nguồn năng lượng ấy, nhờ thực tập theo dõi hơi thở trong chánh niệm, thực tập đi, đứng, nằm, ngồi trong chánh niệm.

Thực Tập Lắng Nghe Sâu

Truyền thông là một thực tập. Muốn truyền thông thì phải khéo léo. Chỉ có thiện chí thôi thì không đủ. Phải học. Có thể là bạn không có khả năng lắng nghe. Có thể là người kia luôn luôn nói lời đắng cay, lên án, trách móc khiến bạn chán ngán, không thể nghe được nữa và chỉ muốn tránh mặt. Bạn tránh mặt người đó vì sợ. Bạn không muốn khổ. Nhưng làm như thế thì có thể gây hiểu lầm. Người kia có thể nghĩ rằng bạn có thái độ khinh mạn, muốn tẩy chay, không thèm để ý, và càng thêm đau khổ. Bạn không muốn gặp mặt người ấy nhưng đồng thời cũng không thể lánh mặt người ấy. Giải pháp duy nhất là thực tập để có thể thiết lập truyền thông trở lại. Con đường thực tập là lắng nghe sâu.

Chúng ta biết rằng có nhiều người đau khổ vì nghĩ rằng không ai hiểu họ hay hiểu hoàn cảnh của họ. Ai cũng bận rộn và hình như không ai có khả năng lắng nghe. Nhưng chúng ta ai cũng cần có một người có thể lắng nghe mình.

Hiện nay có những nhà tâm lý trị liệu chỉ có việc ngồi đó để nghe bệnh nhân thổ lộ tâm tình. Nhà tâm lý trị liệu biết lắng nghe sâu mới thật là một nhà tâm lý trị liệu giỏi. Một nhà tâm lý trị liệu giỏi có khả năng lắng nghe chăm chú, không kỳ thị, không phán xét.

Tôi không biết những nhà tâm lý trị liệu đã tu luyện như thế nào để có được khả năng lắng nghe sâu ấy. Nhà tâm lý trị liệu chắc cũng đầy đau khổ. Trong khi ngồi nghe bệnh nhân những hạt giống đau khổ trong họ cũng sẽ được tưới tẩm. Nếu một nhà tâm lý trị liệu bị đau khổ của chính mình tràn ngập thì làm sao họ có thể lắng nghe bệnh nhân một cách đàng hoàng? Muốn học làm một nhà tâm lý trị liệu thì phải học nghệ thuật lắng nghe sâu.

Lắng nghe với tâm từ bi là lắng nghe làm sao mà người kia cảm nhận được là bạn đang lắng nghe thật sự, đang cảm thông thật sự, bạn đang lắng nghe hết lòng với tâm từ bi. Nhưng mấy ai trong chúng ta mà có thể lắng nghe được như vậy? Chúng ta đồng ý theo nguyên tắc rằng chúng ta sẽ lắng nghe với quả tim, để có thể thật sự nghe người kia đang nói gì. Chúng ta đồng ý rằng là chúng ta phải cho người nghe cảm tưởng rằng họ đang được nghe và đang được hiểu. Làm được như vậy người kia mới có thể vơi bớt khổ đau. Nhưng, thật ra, trong chúng ta mấy ai mà có thể lắng nghe như vậy?

Lắng Nghe Để Làm Vơi Bớt Khổ Đau

Lắng nghe sâu, lắng nghe với tâm từ bi không phải là lắng nghe để phân tích hay để tìm biết chuyện gì đã xẩy ra. Ta lắng nghe trước hết là để cho người kia bớt khổ, để cho người kia có cơ hội bộc bạch tâm tư và cảm nhận rằng ít ra là có người đã hiểu mình. Lắng nghe sâu là lắng nghe mà có thể giúp ta thắp sáng tâm từ bi suốt thời gian người kia đang nói, thời gian này có thể là nửa giờ hay bốn mươi lăm phút. Trong khoảng thời gian đó ta chỉ có một ý muốn duy nhất là lắng nghe để cho người kia có cơ hội nói ra và bớt khổ. Đây là mục đích duy nhất. Phân tích, tìm hiểu những gì đã xẩy ra chỉ là kết quả thứ yếu, chỉ là phó sản (by product), của sự lắng nghe. Trước hết là phải lắng nghe với tâm từ bi.

Tâm Từ Bi Là Linh Dược Giải Độc Sân Hận

Nếu tâm từ bi được duy trì trong suốt thời gian lắng nghe thì sân hận, bực dọc không thể phát hiện. Nếu không thì những gì người ấy nói ra sẽ khiến cho bạn bực dọc, sân hận và khổ đau. Chỉ cần tâm từ bi thôi, bạn cũng đã được che chở để khỏi bị bực dọc, sân hận và khổ đau.

Vậy thì bạn muốn hành xử như một Bậc Đại Nhân trong khi lắng nghe vì bạn biết rằng người kia đang vô cùng đau khổ và đang cần bạn giang tay cứu độ. Nhưng bạn phải được trang bị để làm công việc đó.

Khi những người lính cứu hỏa đi chữa cháy họ phải có những dụng cụ thích hợp: thang leo, vòi xịt nước và áo chống hơi nóng. Họ phải biết cách tự phòng vệ và biết cách dập tắt lửa. Khi lắng nghe một người đang đau khổ thì bạn đang bước vào một vùng lửa cháy. Vùng lửa khổ đau, sân hận đang đốt cháy bên trong người mà bạn đang nghe. Nếu bạn không có đầy đủ dụng cụ thì bạn chẳng giúp được gì mà lại có thể là nạn nhân vì lửa giận của người kia. Vì vậy bạn cần phải có dụng cụ.

Dụng cụ của bạn là tâm từ bi được nuôi dưỡng và duy trì bằng hơi thở chánh niệm. Hơi thở chánh niệm chế tác năng lượng chánh niệm. Hơi thở chánh niệm giúp bạn giữ vững ước muốn căn bản là giúp người kia bộc lộ tâm tư. Khi người kia nói, có thể là lời nói của người ấy sẽ đầy chua cay, lên án, và phán xét. Lời nói của người ấy có thể sẽ chạm đến khổ đau của chính bạn. Nhưng nếu bạn giữ sáng tâm từ bi, nếu bạn thực tập hơi thở chánh niệm, bạn sẽ được bảo hộ. Bạn có thể ngồi nghe hàng giờ mà không đau khổ. Tâm từ bi sẽ nuôi dưỡng bạn, bạn biết rằng mình đang giúp cho người kia bớt khổ. Bạn hãy hành xử như một vị Bồ Tát. Bạn sẽ là một nhà tâm lý trị liệu tài ba hạng nhất.

Tâm từ bi phát xuất từ hạnh phúc và hiểu biết. Khi tâm từ bi và hiểu biết được thắp sáng thì bạn sẽ được an toàn. Những gì người ấy nói ra không thể làm cho bạn khổ và bạn có thể lắng nghe sâu sắc. Bạn lắng nghe thật sự. Khi bạn không có khả năng lắng nghe với tâm từ bi thì bạn không nên giả vờ đang lắng nghe. Người kia sẽ nhận ra ngay là bạn chỉ có đầy khái niệm về khổ đau nhưng bạn không thật sự hiểu họ. Khi có hiểu biết thì bạn có thể lắng nghe với tâm từ bi, bạn có thể lắng nghe sâu sắc, và phẩm chất của sự lắng nghe ấy là hoa trái của sự tu tập của bạn.