Giận 25
Thích Nhất Hạnh
Có những lúc, trong cuộc sống, chúng ta cảm thấy rất biết ơn một người nào đó. Chúng ta trân quý sự có mặt của người đó. Lòng ta tràn đầy yêu kính và biết ơn. Trên đường đời có nhiều lúc ta đã trải qua những phút giây như vậy. Ta cảm ơn hết lòng vì người ấy đang còn sống, người ấy còn đó với ta, người ấy đã giúp ta trong những lúc khó khăn. Tôi đề nghị là bạn nên lợi dụng những lúc như thế.
Để thực sự được lợi lạc, bạn hãy tìm tới một nơi vắng vẻ chỉ có một mình. Đừng có vội đi đến người kia và nói, "Tôi rất biết ơn anh/chị, nhờ có anh/chị..." Nói như thế không đủ. Chuyện đó có thể làm sau. Giờ đây thì tốt hơn hết là bạn vào phòng hay một nơi vắng vẻ và để cho tâm tư tràn ngập cảm xúc của lòng biết ơn đó. Rồi bạn hãy viết xuống những cảm xúc, lòng biết ơn và hạnh phúc của bạn. Hãy trải lòng ra trên nửa trang hay một trang giấy, hay ghi âm cảm nhận của bạn vào máy.
Giây phút tri ân đó là giây phút của giác ngộ, của chánh niệm, của thông minh. Nó được phát hiện từ chiều sâu tâm thức. Bạn có sự hiểu biết và tuệ giác. Chúng sẵn có trong bạn. Nhưng khi giận thì hình như niềm tri ân đó không có mặt. Bạn có cảm tưởng là hình như nó không bao giờ có mặt. Vì thế cho nên bạn phải ghi xuống và cất giữ kỹ lưỡng, để thỉnh thoảng đem ra đọc lại.
Bất nhã Tâm Kinh, bản kinh mà Phật tử đọc tụng hằng ngày, là tinh yếu giáo pháp Bụt dạy về tuệ giác. Những gì bạn viết xuống cũng là một bản tâm kinh, bởi vì nó phát xuất từ tim của bạn, không phải từ tim của một vị Bồ Tát hay từ tim Bụt mà phát xuất từ tim của bạn. Nó là Tâm Kinh CủaBạn.
Hãy Trì Tụng Tâm Kinh Của Bạn Mỗi Ngày
Chúng ta có thể học được từ câu chuyện của người thiếu phụ cất giữ thư tình vào hộp bích-qui trên đây. Khi bạn đọc những bức tâm thư tương tự thì bạn sẽ được cứu rỗi. Kẻ cứu bạn không phải đến từ bên ngoài mà từ bên trong. Bạn có khả năng thương yêu, có khả năng trân quý, có khả năng tri ân. Đây là một phước báu. Bạn biết là bạn may mắn gặp được người bạn đường, may mắn có được một người thương trong cuộc đời. Tai sao bạn lại quên đi sự thật đó? Nó ở trong tâm bạn. Vì vậy bạn phải tụng bản Tâm Kinh của bạn mỗi ngày. Mỗi khi tiếp xúc với thương yêu và quý kính trong bạn thì bạn lại sẽ cảm thấy biết ơn, sẽ lại trân quý sự có mặt của người đó.
Trong cô đơn bạn mới trân quý trọn vẹn sự có mặt của người kia. Nếu luôn luôn có người kia bên cạnh thì bạn có thể xem sự có mặt của người ấy như là một bảo đảm sẵn có và bạn có thể quên đi không thưởng thức những gì đẹp, những gì hay của người đó. Thỉnh thoảng bạn thử đi vắng ba, bảy ngày. Xa vắng sẽ cho bạn cơ hội trân quý người ấy hơn. Mặc dầu bạn đang ở xa nhưng người ấy đang thật có với bạn hơn là khi bạn gần người ấy. Khi xa cách bạn mới biết rằng người kia là quan trọng, là quý hóa cho bạn biết là chừng nào.
Vậy thì xin bạn hãy viết ra hay sáng tác một (có thể là nhiều hơn) bản Tâm Kinh của chính bạn và cất giữ vào nơi linh thiêng. Và cố gắng tụng bản Tâm Kinh của bạn nhiều lần. Rồi khi cơn giận tràn ngập và bạn không có đủ khôn khéo để ôm ấp sân hận thì bản Tâm Kinh sẽ giúp bạn. Bạn lấy Tâm Kinh ra, thực tập hơi thở vào, ra thật sâu và đọc lại. Tức thì bạn sẽ trở về với tự thân và bạn sẽ bớt khổ. Khi bạn đọc Tâm Kinh của bạn thì bạn biết ngay là phải làm gì, phải đối xử như thế nào. Chuyện khó là bạn phải quyết tâm làm chuyện đó. Bạn phải tạo điều kiện, sửa soạn, sắp đặt để thật sự được lợi lạc nhờ thông minh của bạn. Hãy sử dụng tài ba để sắp đặt và chế tác những thực tập như thế.