Thích
Nhất Hạnh
Hãy nói
với người ta thương như thế này: "Trong quá khứ chúng ta đã gây khổ cho
nhau quá nhiều, bởi vì cả hai ta đều không biết xử lý cơn giận. Bây giờ chúng
ta phải tìm cho ra một kế hoạch để xử lý, chăm sóc cơn giận của chúng ta."
Giáo lý
Đạo Bụt có thể giúp dập tắt ngọn lửa sân hận, đau khổ. Tuệ giác Đạo Bụt đem lại
cho ta an lạc ngay bây giờ và ở đây. Kế hoạch hòa bình và hòa giải của chúng ta
phải được căn cứ trên tuệ giác đó.
Khi
năng lượng sân hận bừng dậy ta thường có xu hướng bộc lộ cơn giận ra ngoài để
trừng phạt người đã làm cho ta khổ. Đây là một tập khí có sẵn trong ta. Khi khổ
ta thường trách rằng người kia đã làm cho ta khổ. Ta không bao giờ nghĩ rằng
cơn giận trước hết là chuyện của riêng ta. Ta chịu trách nhiệm trước nhất về
cơn giận của ta mà lại ngây thơ nghĩ rằng nếu nói được một câu gì hay làm một
điều gì để trừng phạt người kia thì ta sẽ bớt khổ. Phải loại bỏ ý nghĩ này ra
khỏi đầu óc mới được. Bởi vì khi giận thì bất cứ hành động nào, lời nói nào
cũng chỉ tạo nên đổ vỡ mà thôi. Trái lại phải tránh làm bất cứ điều gì hay nói
bất cứ lời gì trong khi đang giận.
Khi nói
một câu hung dữ hay hành động để trả thù thì cơn giận càng tăng thêm. Ta sẽ làm
người kia khổ và người ấy sẽ tìm cách trả đũa để cho bớt giận. Xung đột vì thế
sẽ leo thang. Điều này đã từng xẩy ra không biết bao lần. Chúng ta đã chứng kiến
quá nhiều vụ leo thang xung đột, hờn giận. Thế mà ta chẳng học được bài học. Phải
nhớ rằng tìm cách trừng phạt người kia chỉ làm cho tình trạng trở nên tồi tệ mà
thôi.
Trừng
phạt người kia chính là tự trừng phạt mình. Điều này đúng trong tất cả mọi trường
hợp. Mỗi khi Hoa kỳ trừng phạt Iraq, không những Iraq khổ mà Hoa kỳ cũng khổ. Mỗi
khi Iraq trừng phạt Hoa Kỳ, không chỉ Hoa kỳ khổ mà Iraq cũng khổ theo. Bất cứ
xứ nào trên thế giới cũng vậy: giữa Do Thái và Palestin, giữa Muslim và Hindu.
Giữa chúng ta và bất cứ ai khác cũng vậy. Luôn luôn là như vậy. Vậy thì chúng
ta phải thức tỉnh, phải ý thức rằng trừng phạt người khác không phải là một
sách lược hay. Bạn và người kia, cả hai đều có đủ thông minh. Hãy sử dụng thông
minh của mình. Hãy đến với nhau và thỏa thuận về một kế hoạch để xử lý cơn giận.
Trừng phạt lẫn nhau là không khôn ngoan. Hãy hứa với nhau rằng khi giận thì
không nên nói gì hết hay làm gì hết. Trái lại chỉ nên trở về với tự thân mà thực
tập hơi thở chánh niệm, bước chân chánh niệm.
Hãy lợi
dụng những lúc cả hai đang vui vẻ, hạnh phúc với nhau mà ký một bản hiệp ước
hoà bình: hiệp ước sống chung an lạc, bản hiệp ước của tình yêu chân thật. Hiệp
ước sống chung an lạc (xem phụ bản A) phải được viết và ký hoàn toàn trên căn bản
yêu thương, không như các hiệp ước chính trị. Những bản hiệp ước chính trị chỉ
chú trọng tới quyền lợi quốc gia vị kỷ, chứa đầy nghi kỵ và căm thù. Hiệp ước
hòa bình của bạn phải là một bản hiệp ước của thuần túy yêu thương.
Ôm Ấp
Cơn Giận
Bụt
không bao giờ khuyên ta đè nén cơn giận. Bụt dạy chúng ta trở về với tự thân và
chăm sóc cơn giận.
Khi cơ
thể có bệnh, hoặc bệnh ruột, hoặc bệnh gan, ta phải gác bỏ tất cả mọi chuyện
khác để săn sóc bệnh. Cơn giận của ta cũng là một bộ phận trong cơ thể, như ruột,
gan vậy. Khi giận ta phải trở về với tự thân và săn sóc cơn giận của ta. Ta
không thể nói, "Này cơn giận, mày hãy biến mất đi! Ta không muốn có mày ở
đây." Khi đau bao tử ta có bao giờ bảo cái bao tử: "Này bao tử, mày
hãy cút đi! Ta không có muốn có mày ở đây!" Ta chăm sóc bao tử của ta.
Cũng vậy, ta phải ôm ấp và chăm sóc cơn giận của ta. Ta nhận diện cơn giận, ôm ấp
nó và mỉm cười. Năng lượng giúp ta làm được điều đó là năng lượng của chánh niệm,
của bước chân chánh niệm, của hơi thở chánh niệm.
http://www.thuvien-thichnhathanh.org/index.php/tac-phm/130-gin/772-gin-chng-03-ting-noi-ca-yeu-thng-chan-tht?start=1