Thích Nhất Hạnh
Phẩm 13: Trì
Ta đi sang phẩm thứ 13, trang 326, tức là Phẩm Trì. Trong phẩm này dì của Bụt là bà Kiều-Đàm-Di, và mẹ của La-Hầu-La, bà Da-Du-Đà-La, cả hai đều là Tì kheo ni và cả hai đều đã được Bụt thọ ký. Như vậy mục đích của phẩm này là để chứng tỏ rằng nữ giới cũng được thọ ký, và cũng có thể thành Bụt.
http://langmai.org/tang-kinh-cac/vien-sach/giang-kinh/sen-no-troi-phuong-ngoai/pham-thu-muoi-ba-tri
Phẩm 14: An lạc hạnh
Sang phẩm thứ mười bốn tức là phẩm An Lạc Hạnh, trang 340. Phẩm này là một trong những phẩm mới được thêm vào, vẫn còn dấu tích của sự kỳ thị phụ nữ, và không xuất sắc như những Phẩm khác trong kinh.
An lạc hạnh là phương pháp hộ trì Pháp Hoa để cứu độ chúng sanh. Trong phẩm này, Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi hỏi: Bạch đức Thế Tôn, các vị Bồ Tát thì rất ít và rất hiếm có, thế nhưng cuộc đời lại đầy dẫy tội ác và quá nhiều chúng sanh vô minh, sau này làm sao các Bồ Tát có thể hộ trì và thuyết giảng kinh Pháp Hoa được? Bụt dạy rằng, Khi cần nói kinh, họ phải an trú trong bốn pháp.
Pháp thứ nhất là người nói kinh phải an trú nơi Hành xứ và nơi Thân cận xứ. Hành xứ là an trú trong nhẫn nhục, hòa dịu trong mọi công việc. Có nhẫn nhục thì mới tạo được an lạc cho mình, và nhờ vậy mà người khác cũng được an lạc theo. Tuy vậy, nhẫn nhục nhưng không nhu nhược, xử sự nhu hòa nhưng đừng vì bạo lực mà phải tuân theo. Thân cận xứ là không gần gũi với các người có chức tước, thế lực hay người làm nghề xấu ác, tà tâm. Phải thấy rõ pháp không như thật tướng để không bị ràng buộc vào những cái tưởng do tri giác tạo nên. — đoạn này kinh dạy rất chi tiết về phương cách để hộ trì và thuyết giảng: Không mong cầu được đền đáp, được cúng dường khi nói kinh; không vào nhà người khác một mình để nói kinh; pháp thân phải nghiêm túc khi nói kinh cho nữ giới v.v... (Đoạn 2, trang 340).
Pháp thứ hai là người nói kinh phải trú nơi hạnh An lạc, tức là trong lúc giảng kinh, không nên nói việc hay dở, tốt xấu của người, không nêu danh tánh để khen ngợi hay chê bai người nào (Đoạn 5, trang 348).
Pháp thứ ba là khi giảng kinh đừng mang lòng ganh ghét, khinh thị, nhờ vậy mà người nghe dễ thu thập, dễ được chuyển hóa (Đoạn 7, trang 352).
Pháp thứ tư là người giảng kinh Pháp Hoa phải khởi tâm từ bi lớn, phải biết thương những người chưa được nghe pháp mầu của Bụt, và phải phát đại nguyện rằng nếu người nghe kinh mà không tin hay không hiểu, thì lúc đạt được vô thượng chánh đẳng chánh giác, ta sẽ dùng phương tiện quyền xảo để giúp người này thấu được pháp mầu Pháp Hoa (Đoạn 9, trang 354).
http://langmai.org/tang-kinh-cac/vien-sach/giang-kinh/sen-no-troi-phuong-ngoai/pham-thu-muoi-bon-an-lac-hanh