Chủ Nhật, 28 tháng 4, 2013

Phẩm 17: Phân biệt công đức - KINH PHÁP HOA

Thích Nhất Hạnh


Hôm nay chúng ta học phẩm thứ 17 tức là Phẩm Phân biệt công đức. Công đức là tiếng ghép của công-phu và đức-hạnh. Đây là một loại năng lượng mà khi hành trì thì ta thâu thập được. Năng lượng này giữ gìn cho ta, làm cho ta có trí tuệ, có hạnh phúc, có cái nhìn sáng, có cái nghe rõ, và có sự có mặt rất sâu sắc. Công đức tiếng Phạn là PuẾya, tiếng Pháp là Mérites.
Phẩm này cho chúng ta thấy được những lợi ích, và những công đức của sự thọ trì Pháp Hoa. Thọ là tiếp nhận, trì là thực tập, hành trì. Trong phẩm này chúng ta được học rằng nếu người nào có cơ hội được nghe Pháp Hoa, và trong khi nghe Pháp Hoa mà trong lòng phát khởi một niềm vui, một niềm hoan hỷ, một niềm tin yêu thì dầu cho điều này chỉ xảy ra trong một niệm thôi, thì công đức cũng là vô lượng. Đó là một hạt giống rất tốt, và chính nhờ hạt giống tốt đó mà ta thành tựu được cái công trình vĩ đại sau này.

Trong phẩm trước chúng ta đã học về thọ mạng của Như Lai. Thọ mạng tức là cái chiều dài của cuộc sống. Chúng ta đã thấy rằng Như Lai có mặt trong thời gian vô cùng và trong không gian vô biên. Nghĩa là nhìn vào đức Thích Ca Mâu Ni, ban đầu chúng ta chỉ thấy được một hóa thân thôi, chỉ thấy được Bụt trong thế giới sinh diệt, trong khung cảnh Tích môn. Nhưng nếu tiếp tục nhìn cho sâu sắc, ta có thể phát khởi được Bụt của thời gian vô cùng và không gian vô tận, và chúng ta tiếp xúc được với Bụt của Bản môn. Nếu người nào nghe được, hiểu được, tin được điều đó, thì coi như người đó đã ngồi dưới cội bồ đề, sắp sửa thành Bụt, không xa mấy nữa. Thấy được điều đó, ngộ được điều đó, hiểu được điều đó, tin được điều đó, tức là gần với quả vị Bụt lắm rồi, đã sắp bắt ấn địa xúc rồi.

Khi đó đức Thế Tôn bảo Bồ Tát Di Lặc rằng: A-dật-đa, trong khi tôi nói với quí vị về cái thọ mệnh của Như Lai, thì có hằng hà sa chúng sanh đạt tới cái pháp nhẫn gọi là vô sanh (Vô sinh pháp nhẫn). Bụt nói trong thế giới của Tích môn, đồng thời cũng nói trong thế giới của Bản môn. Trong hai thế giới đó, số người nghe Bụt là vô lượng, vô biên, và Bụt luôn luôn ám chỉ điều đó trong bất cứ giây phút nào. Vì vậy mà số người đang nghe và đang chứng được Vô sinh pháp nhẫn là vô lượng vô số na-do-tha hằng-hà-sa. Hằng hà sa tức là số cát ở sông Hằng; Na-do-tha Hằng hà là vô số sông Hằng. Mỗi sông hằng có bao nhiêu là cát, vậy mà ở đây kinh nói có na-do-tha sông Hằng, và không phải chỉ có một na-do-tha, có đến sáu trăm tám muôn ức na-do-tha sông Hằng! Số cát trong tất cả các sông Hằng đó, là tượng trưng cho số chúng sanh đã đạt tới Vô sanh pháp nhẫn khi họ nghe nói về thọ mạng, về cái tính cách bất sinh bất diệt của Bụt. Vô sinh có nghĩa là không sanh ra, Tôi chưa bao giờ từng sanh mà cũng chưa bao giờ từng diệt. Bụt là như vậy và mình cũng như vậy.
Người có tâm niệm hẹp hòi thì không chứa đựng nổi sự thật đó, không tin được điều đó. Cũng như một trái bong bóng chỉ có thể chứa đựng được một ít không khí thôi, nếu bơm vào nhiều quá thì nó sẽ nổ. Những con người có ít đức tin, có cái thấy nông cạn, bèo bọt, thì không có khả năng tiếp nhận những chân lý lớn. Cái khả năng tiếp nhận chân lý lớn gọi là Nhẫn, Pháp nhẫn. Hạnh phúc cũng vậy, hạnh phúc lớn cũng cần phải có một pháp nhẫn vĩ đại mới có thể chứa đựng được. Chúng ta là những người có tâm lượng chưa lớn gì mấy, chưa đủ mạnh, vì vậy chúng ta chịu đựng hạnh phúc lớn chưa được, chúng ta chỉ chịu đựng được những hạnh phúc nho nhỏ thôi. Nếu nhận một hạnh phúc lớn hơn sức chịu đựng của chúng ta, thì chúng ta sẽ bùng nổ. Nhiều người nghe tin trúng số độc đắc, họ té xỉu, đứng tim luôn, là vì họ không đủ sức chịu đựng được cái tin vui quá lớn lao đối với họ như vậy. Đau khổ cũng vậy, có những trường hợp người ta không dám cho bà mẹ biết tin con bà tử nạn, vì bà sẽ không chịu nổi cái đau khổ đó. Tất cả là vì không có cái nhẫn.

Vô sinh cũng là một tin mừng rất lớn. Chúng ta cứ in trí rằng mình có sanh có diệt, có còn có mất, có tới có lui. Chúng ta đã yên chí như vậy từ lâu rồi, bây giờ có người mở kho tàng sự thật ra, và cho chúng ta biết một sự thật vô giá là chúng ta chưa bao giờ sanh, mà cũng chẳng bao giờ diệt, thì chúng ta có thể chịu đựng được cái sự thật đó hay không? Những người nghe Bụt nói tới cái thực tại vô sanh vô diệt mà chịu đựng được, mỉm cười được, tin tưởng được, là những người đã đạt được một quả vị gọi là Vô sanh pháp nhẫn. Có kinh nói rằng Ma-da phu nhân sau khi sanh thái tử rồi thì hạnh phúc lớn lao quá, khiến Bà không chịu đựng nổi, nên Bà phải sinh lên cõi trời. Lại cũng có hàng nghìn, hàng vạn, hàng triệu các vị Bồ Tát nhiều bằng bao nhiêu muôn ức na-do-tha Hằng hà sa, khi được nghe sự thực về vô sinh, về thọ mạng của Thế tôn thì đạt được cái Đà-la-ni gọi làVăn trì đà-la-ni. Văn có nghĩa là nghe; trì có nghĩa là giữ gìn, đừng cho mất đi, nhớ được; đà-la-ni là tổng trì, tức là duy trì được. Vậy thì Văn trì đà-la-ni là cái khả năng duy trì được, giữ gìn được, bảo vệ được, thực tập được, chia xẻ được những điều mình đã nghe và đã hiểu. Lại có vô số các vị đại Bồ Tát khác đã đạt được cái gọi là Nhạo thuyết vô ngại biện tài. Biện tài tức là cái khả năng diễn tả để có thể chinh phục người khác, tiếng Anh là Eloquence; vô ngại tức là không có cái chướng ngại nào cả.

Như vậy phẩm Phân biệt Công đức này chứa đựng một sự thật, mà khi sự thật đó được trình bày ra, thì có rất nhiều Bồ Tát đã đạt được cái hoa trái của sự tu học, đã đạt được Vô sinh pháp nhẫn, Văn trì đà la ni, và Nhạo thuyết vô ngại biện tài (trang 397).

Trang 407, đoạn chót: Này Bồ Tát Di Lặc, nếu người thiện nam tử hay thiện nữ nhân nào khi nghe tôi nói về thọ mệnh dài lâu của Như Lai mà sinh ra lòng tin và hiểu, thì người đó là người đang ngồi trên núi Thứu này, đang ngồi bên cạnh tôi trong giờ phút hiện tại này. Đó là công đức của sự thọ trì Pháp Hoa. Nếu được nghe Pháp Hoa từ một người bạn, qua một vị thầy, từ một con chim hót hay tiếng suối reo, hoặc đọc một cuốn kinh mà hiểu và tin được, thấy được, nhận thức được cái tính cách vô sinh, vô diệt của vạn hữu, của Như Lai, thì người đó là người đang ngồi bên cạnh Bụt trên núi Thứu. Vì vậy ta đừng nói rằng và đừng nghĩ rằng ngồi được bên cạnh Bụt trên núi Thứu là chuyện mơ tưởng xa vời, phải lùi lại 2500 năm mới có thể làm được. Chúng ta có thể đạt được hạnh phúc đó ngay trong giây phút hiện tại.
http://langmai.org/tang-kinh-cac/vien-sach/giang-kinh/sen-no-troi-phuong-ngoai/pham-thu-muoi-bay-phan-biet-cong-duc