Thích Nhất Hạnh
Đây là lúc chúng ta nên nói vài câu để ôn lại và kết thúc khóa học kinh Pháp Hoa.
Sở dĩ trong khi học kinh Pháp Hoa chúng ta đã có được những giờ phút an lạc, vui mừng, một phần đó cũng là nhờ chúng ta đã học qua những kinh khác. Nếu chỉ đọc riêng kinh Pháp Hoa, chưa chắc chúng ta đã thấy được cái giá trị của kinh Pháp Hoa. Vì vậy vị nào chưa được học những kinh đi trước kinh Pháp Hoa, thì hãy nên học những kinh đó. Sau khi học những kinh như Bảo tích, Bát Nhã, Hoa Nghiêm, và Duy Ma, thì quí vị sẽ thấy được cái địa vị của kinh Pháp Hoa trong khu vườn lộng lẫy của các tác phẩm Đại Thừa.
Chúng ta đã nghe và hiểu tại sao kinh Pháp Hoa được gọi là Vua của tất cả các kinh.
Đứng về phương diện luận lý thì kinh Pháp Hoa không có những nét đanh thép và hùng biện như kinh Duy Ma. Nhưng đứng về phương diện nghệ thuật thì kinh Pháp Hoa vượt hẳn kinh Duy Ma. Những nghệ thuật sắp đặt các màn, các cảnh của kinh Duy Ma, kinh Pháp Hoa thừa hưởng được hết, và còn đi xa hơn vậy nữa. Những hình ảnh được trình bày trong kinh Pháp Hoa rất giàu có, và tất cả những tư tưởng uyên áo, đặc thù của kinh Pháp Hoa đều đựợc trình bày qua hình ảnh, qua các bức tranh. Đó là một điểm rất đặc thù.
Kinh Pháp Hoa còn có tính cách thực tiễn, thỏa mãn được nhu cầu của quảng đại quần chúng, vì vậy mà giới nào cũng có thể hành trì, không phải chỉ dành cho giới trí thức. Chỉ một Phẩm Phổ Môn là đủ cho chúng ta thấy được điều đó. Giới bình dân cũng có thể hành trì được kinh Phổ Môn, và giới trí thức thượng thặng cũng hành trì được kinh Phổ Môn. Đó là một điều đặc sắc khác của kinh Pháp Hoa.
Kinh Pháp Hoa lại có một ngôn từ rất hòa nhã. Kinh có tư cách của một người cha hiền, của một bà mẹ từ bi, mở hai vòng tay lớn để ôm tất cả các con vào lòng, không phân biệt đứa này là con ruột, đứa kia là con nuôi, đứa này là thông minh, và đứa kia ít thông minh hơn. Tới với kinh Pháp Hoa cũng như trở về ngôi nhà của cha mẹ, tuy không nhiều lời nhưng ta thấy hết được tất cả những ấm cúng, những cánh cửa rộng mở, và hai cánh tay từ hòa, tiếp đón nồng hậu của một bà mẹ, của một ông cha.
Kinh Pháp Hoa phải đợi đến mấy trăm năm mới xuất hiện, và là một bông hoa tuyệt vời trong vườn kinh điển của đạo Bụt Đại Thừa.
Đã có những tông phái đạo Bụt chịu ảnh hưởng sâu đậm của kinh Pháp Hoa, và thay vì thực tập phương pháp niệm Bụt, họ đã can đảm chế tác ra phương pháp niệm Pháp, Nam mô Đại Thừa Diệu Pháp Liên Hoa Kinh, thay vì Nam mô Bồ Tát Quán Thế Âm hay Nam mô Bụt Thích Ca Mâu Ni. Điều đó cho chúng ta thấy người khởi xướng là một người can đảm. Người ấy chỉ rõ cho ta thấy rằng Pháp do Bụt mà có, trong Pháp có Bụt, vì vậy mà niệm Pháp cũng có công đức và hiệu năng giống như niệm Bụt.
Khi tụng đọc Phẩm Phổ Môn chúng ta thấy rằng phương pháp niệm Bụt trong kinh Pháp Hoa là một phương pháp rất mầu nhiệm và quan trọng. Cúng dường Pháp tức là cúng dường Bụt, và cúng dường Bụt tức là cúng dường Pháp. Con người có thể thiết lập được sự thông cảm với một con người khác dễ dàng hơn, cho nên liên hệ của mình đối với Pháp không thể nào dễ dàng như liên hệ của mình đối với Bụt. Vì vậy mà phương pháp niệm Bụt dầu sao cũng dễ thành công hơn phương pháp niệm Pháp. Nammô đức Bồ Tát Đại Từ Đại Bi Quán Thế Âm, Nam mô đức Bồ Tát Đại Hạnh Phổ Hiền, Nam mô đức Bồ Tát Diệu Âm, Nam mô đức Bồ Tát Dược Vương, Nam mô đức Bồ Tát Thường Bất Khinh v.v... niệm như thế thấy quen thuộc với chúng ta hơn. Đó là những hình tượng của các vị Bồ Tát xuất hiện trong Hạnh môn, và khi niệm danh hiệu các Ngài, chúng ta thấy mình thâu nhiếp dễ dàng được tinh lực của các Ngài.
Chúng ta cũng thấy rằng kinh Pháp Hoa tuyên thuyết hai thông điệp chính: (i) Tất cả chúng sanh đều có thể thành Bụt, và (ii) Chỉ có một con đường tu học duy nhất là Phật thừa. Tam thừa chỉ là phương tiện dẫn dắt chúng sanh buổi ban đầu. Cái chủ đích quan trọng nhất của chư Bụt là hướng dẫn chúng sanh đi vào con đường Phật thừa, tức là con đường Khai, Thị, Ngộ, Nhập cái tri kiến của Bụt. Vì vậy mà triết lý này được gọi là Khai tam hiển nhất, hay là Hội tam quy nhất, nghĩa là gom cả ba cái lại để đưa về một cái. Điều đó làm cho kinh Pháp Hoa trở thành Diệu Pháp.
Vun bón một chồi non cúng dường Cây Đại Thụ
Trong khóa này chúng ta cũng đã học kinh Pháp Hoa bằng con mắt của những nhà nghiên cứu.
Một trong những điều mà chúng ta đã thực hiện được trong khóa học này là chúng ta đã nhìn thấy bình diện Hạnh môn trong kinh Pháp Hoa. Chúng ta được tiếp xúc với các vị Bồ Tát như Thường Bất Khinh, Dược Vương, Dược Thượng, Diệu Âm và Quán Thế Âm. Các vị Bồ Tát này đích thực là những vị Bụt, nhưng họ đang đóng vai Bồ Tát, nghĩa là họ xuất hiện từ Bản môn, hành đạo trong Tích môn, và mở ra một cánh cửa gọi là Hạnh môn để nối pháp giới Bản môn với thế giới Tích môn, hầu hướng dẫn chúng sanh phương cách tu tập con đường Phật thừa.
Trong khi học Pháp Hoa, chúng ta đã thấy rằng mình có thể sắp đặt lại đôi chút để cho kinh Pháp Hoa trở nên một viên ngọc toàn bích. Sau này các thế hệ học giả tương lai sẽ tiếp tục nghiên cứu kinh Pháp Hoa bằng con mắt của nhà nghiên cứu lịch sử, vì vậy việc làm của chúng ta sẽ không làm cho ai ngạc nhiên, tại vì chúng ta cũng đã bắt đầu học kinh Pháp Hoa với con mắt của nhà sử học.
Trên bình diện phân phối các phẩm trong kinh, ta biết rằng Tông Thiên Thai ở Nhật bản đã nghiên cứu và phân kinh Pháp Hoa ra làm hai Môn, Tích môn và Bản môn. Họ cho rằng 14 phẩm đầu thuộc về Tích môn, và 14 phẩm sau thuộc về Bản môn.
Khi đọc kinh Pháp Hoa, chúng ta thấy tuy cái ý về Tích môn và Bản môn rất hay, nhưng cách phân chia như vậy chưa được ổn lắm. Lý do là đang đọc những phẩm thuộc về Bản môn, chúng ta bỗng đi sang những phẩm thấy như không có gì là Bản môn, mà như là Tích môn. Ví dụ như phẩm thứ 21, phẩm Như Lai Thần Lực, đang thuộc về Bản môn, thì tiếp đó, sang phẩm thứ 22 là phẩm Chúc Lũy, chúng ta lại trở về Tích môn. Vì vậy tuy ý hay, nhưng sự phân chia như vậy làm cho người đọc lúng túng.
Vì vậy, chúng ta nên đề nghị xếp đặt lại thứ vị các phẩm để kinh được toàn hảo. Theo tôi, chúng ta vẫn giữ nguyên văn kinh Pháp Hoa như đã được truyền thừa, nhưng nên xếp đặt lại vị trí các phẩm, đưa một số phẩm ra trước và một số phẩm về sau để cho hợp với ý niệm về Bản môn và Tích môn hơn. Khi làm vậy, chúng ta phải ghi rõ sự xếp đặt lại này, để nếu có người muốn biết cách sắp đặt thứ tự các phẩm theo truyền thống, thì họ vẫn có thể biết được.
Nhìn sâu hơn, tôi thấy chia thành hai môn như vậy là còn có khuyết điểm. Lý do thứ nhất như đã nói ở trên, không phải 14 phẩm đầu hoàn toàn diễn bày về Tích môn, và 14 phẩm sau hoàn toàn nói về Bản môn. Lý do thứ hai là mình có thể thiết lập thêm một môn thứ ba nữa gọi là Hạnh môn thì sự phân chia mới được hoàn mỹ.
Hạnh tức là hành động. Sau khi đã thấy Tích môn như vậy và Bản môn như vậy rồi, chúng ta phải cần được thấy cái phương pháp thực hiện. Cái diệu dụng của Bản môn khi được diễn tả trong Tích môn, là sự hiện hữu của một số chư vị Bồ Tát, và họ đã làm như thế nào để diễn dịch cái Bản môn ra Tích môn và đưa người ta từ Tích môn về Bản môn. Những phẩm thuộc về lĩnh vực này, ta đều có thể liệt vào môn thứ ba mà ta gọi là Hạnh môn. Đó là những phẩm nói về các vị Bồ Tát lớn, như Bồ Tát Thường Bất Khinh, Bồ Tát Dược Vương, Bồ Tát Diệu Âm, Bồ Tát Quán Thế Âm, và Bồ Tát Phổ Hiền.
Bồ Tát Địa Tạng cũng phải được đưa vào trong Hạnh môn của kinh Pháp Hoa, vì Ngài là người có đại nguyện tìm đến những nơi đen tối nhất, u ám nhất, khổ đau nhất của cuộc đời, những nơi gọi là địa ngục. Vì vậy, muốn cho kinh Pháp Hoa được hoàn mỹ, chúng ta nên thêm vào một phẩm nói về Bồ Tát Địa Tạng. Đồng thời cũng nên thêm vào một phẩm để trình bày về hạnh nguyện của Bồ Tát Trì Địa, chứ không để chung trong Phẩm Phổ Môn như hiện nay.
Tóm lại, nếu có đủ cơ duyên để được chép lại kinh Pháp Hoa, chúng ta sẽ thêm vào và sắp xếp lại thứ tự các phẩm như sau:
- Khai triển thêm Phẩm thứ 28, và đưa mười hạnh nguyện của Bồ Tát Phổ Hiền vào.
- Đưa Bồ Tát Trì Địa vào riêng một phẩm như một nhà hoạt động bảo hộ sinh môi, bảo tồn trái đất,
- Thêm vào một phẩm để nói về Bồ Tát Địa Tạng như một con người nguyện dấn thân đi sâu vào những nơi ngục tù đau khổ, những địa ngục trần gian, trong đó có nhiều áp bức, bóc lột, bất công.
- Xếp đặt lại thứ tự các phẩm để kinh được chia làm ba môn: Tích môn, Bản môn và Hạnh môn.
Đề nghị như vậy là vì tôi nghĩ rằng kinh Pháp Hoa đã trải qua một giai đoạn hình thành kéo dài mấy trăm năm, trong đó có những phẩm mới đã được đưa vào. Kinh là một viên ngọc rất quí, và mình có bổn phận gọt giũa cho kinh trở thành toàn bích. Đó là một phần thực tập Pháp Hoa của chúng ta.
http://langmai.org/tang-kinh-cac/vien-sach/giang-kinh/sen-no-troi-phuong-ngoai/ket-thuc