Thích Nhất Hạnh
Bây giờ chúng ta hãy đi sang phẩm thứ 20, Phẩm Bồ Tát Thường Bất Khinh (Sad€paribhut€ Bodhisattva), trang 453.
Phái Thiên Thai phân các phẩm của kinh Pháp Hoa ra làm hai môn, Tích môn và Bản môn, và cho rằng 14 phẩm đầu thuộc về Tích môn, và 14 phẩm sau thuộc về Bản môn.
Khi đọc kinh ta thấy tuy cái ý về Tích môn và Bản môn rất hay, nhưng phân chia như vậy không được ổn lắm. Lý do là đang đọc những phẩm có tính cách Bản môn, chúng ta đi sang những phẩm thấy như không có gì là Bản môn, mà lại có tính cách là Tích môn. Vì vậy tuy ý hay, nhưng chia ra hai phần như vậy thì không được đúng lắm. Do đó muốn dùng hai ý niệm Tích môn Bản môn thì ta phải xếp đặt lại thứ tự các phẩm trong kinh, đưa một số phẩm ra trước và một số phẩm ra sau.
Theo tôi, việc mà chúng ta có thể làm được là vẫn giữ nguyên văn kinh Pháp Hoa như đã truyền lại, nhưng nên xếp đặt lại vị trí các phẩm, để cho hợp với ý niệm Bản môn và Tích môn hơn. Khi làm vậy, chúng ta phải ghi rõ sự xếp đặt lại này, để nếu có người muốn biết cách sắp đặt thứ tự các phẩm theo truyền thống thì có thể trở về xem bản của thầy Cưu-Ma-La-Thập.
Ngoài ra, tôi nghĩ rằng chia thành hai môn như thế cũng còn có khuyết điểm. Lý do thứ nhất là vì không phải 14 phẩm đầu hoàn toàn diễn bày về Tích môn, và 14 phẩm sau hoàn toàn nói về Bản môn. Lý do thứ hai là mình nên thiết lập thêm một môn thứ ba, thì sự phân chia mới hoàn mỹ. Tôi thấy có một số phẩm nên được đưa vào môn thứ ba gọi là Hạnh môn. Hạnh tức là hành động. Sau khi đã thấy Tích môn như vậy, và Bản môn như vậy rồi, thì chúng ta phải cần được thấy cái phương pháp thực hiện. Cái diệu dụng của Bản môn khi được diễn tả trong Tích môn, là sự hiện hữu của một số các vị Bồ Tát, và các vị này đã làm như thế nào để diễn dịch cái Bản môn ra Tích môn, và đưa người ta từ Tích môn về Bản môn. Những phẩm thuộc về lĩnh vực này, ta có thể xếp vào một môn thứ ba và gọi là Hạnh môn. Đó là những phẩm nói về các vị Bồ Tát lớn như là Bồ Tát Thường Bất Khinh, Bồ Tát Dược Vương, Bồ Tát Diệu Âm, Bồ Tát Quán Thế Âm và Bồ Tát Phổ Hiền.
Trong đạo Bụt chúng ta thường phân biệt một thực tại ra ba khía cạnh, đó là thể, tướng và dụng. Thể tức là bản chất của sự vật, là Bản môn. Ví dụ như bình trà, cái thể của nó là đất sét, nước và lửa. Còn cái tướng của bình trà là tròn, có nắp ở trên, có cái quai và cái vòi. Đó là cái tướng của bình trà. Thể tức là cái bản chất, còn tướng tức là cái hình thái. Sau đó là dụng. Dụng là cái công dụng, bình trà dùng để làm gì? bình trà đóng được vai trò nào? Tất cả mọi pháp đều có ba phần thể, tướng, và dụng đó cả. Ta có thể nói rằng Tích môn là tướng, Bản môn là thể, và môn mà ta thiết lập trong khóa tu này để đóng góp cho Tông Thiên Thai là Hạnh môn, và Hạnh môn thuộc về dụng. Tức là, Tích môn nó như thế, Bản môn nó như thế, làm thế nào để diễn dịch Bản môn thành Tích môn, và để đưa những người trong thế giới Tích môn về tiếp xúc được với Bản môn, đó là công trình hành đạo và độ sanh của các vị đại Bồ Tát. Chúng ta nên gom hết các phẩm đó vào một môn thứ ba gọi là Hạnh môn. Gọi là dụng môn cũng được, nhưng Hạnh môn nghe hay hơn, hạnh có nghĩa là action.
Đi vào Hạnh môn, trước hết ta gặp một vị Bồ Tát rất ngộ nghĩnh, tên là Thường Bất Khinh, trang 453. Vị Bồ Tát này vốn là tiền thân của Bụt Thích Ca Mâu Ni. Trong thời gian thị hiện làm Bồ Tát, Ngài đã trải qua những kinh nghiệm rất ngộ nghĩnh, Ngài hành đạo nhưng đôi khi bị người la rầy, xua đuổi, đàm tiếu. Thường Bất Khinh là vị Bồ Tát chỉ chuyên làm một việc thôi, đó là tới với ai, Ngài cũng cung kính nói: Ông hoặc bà là người có giá trị lắm, ông hoặc bà là những vị Bụt sẽ thành, tôi thấy được cái giá trị đó trong ông bà, nên xin đừng có mặc cảm. Đó là cái hạnh của Bồ Tát Thường Bất Khinh. Chúng ta phải học cái hạnh này nếu chúng ta muốn đi theo con đường của các vị Bồ Tát.
Có những người có mặc cảm là họ không giỏi, họ không thành đạt như những người khác. Họ có cái mặc cảm tự ti. Những người như vậy không có hạnh phúc, nhìn người khác thì thấy người ta cao lớn, sang cả, còn nhìn lại mình thì thấy mình nhỏ bé, thấp hèn. Đó là những người cần được sự giúp đỡ. Theo Bồ Tát Thường Bất Khinh thì mình phải tới với họ và nói rằng: Anh đừng có mặc cảm tự ti, tôi thấy nơi anh những hạt giống rất tốt có thể phát hiện và làm anh trở thành một vị đại nhân. Nếu anh nhìn lại và tiếp xúc được với những hạt giống tốt trong anh, thì anh sẽ vượt thắng mặc cảm tự ti.
Bỉ ký trượng phu ngã diệc nhĩ,
Bất ưng tự khinh như thối khuất,
là hai câu trong Luật Sa di, có nghĩa là kẻ kia đã là bậc trượng phu, tại sao ta lại không được như vậy? ta không nên tự khinh mình, tự coi mình là nhẹ để cứ đi thụt lùi. Đó là một câu nói để tự đánh thức mình dậy. Trong xã hội hiện đại, tâm lý trị liệu cho chúng ta biết rằng có một số người đau khổ, bịnh hoạn về tinh thần, là tại vì cái tự ti mặc cảm, cái mặc cảm tự cho mình không đáng giá bao nhiêu. Các nhà trị liệu có bổn phận làm cho người ta thấy rõ hơn về con người của họ, và gỡ bỏ cái mặc cảm rằng mình là người không có giá trị, là đồ bỏ đi. Đó là việc làm của một vị Bồ Tát. Thành ra khi thấy một người bạn tu hay bạn ngoài đời bị đau khổ vì cái mặc cảm không giỏi, không bằng ai, suốt đời lè tè thấp kém, và cái cảm tưởng đó đã làm cho bạn mình mất hết hạnh phúc, thì mình phải cố gắng giúp người bạn đó gỡ bỏ cái mặc cảm kia đi. Bồ Tát Thường Bất Khinh là người chỉ lo làm một việc đó. Trong đời sống hàng ngày, đôi khi vì bực tức, chúng ta có thể thốt ra những câu nói nó có tính cách thường khinh, nhất là đối với con cái của mình. Làm cha làm mẹ ta hay phạm vào lỗi đó. Một lỗi rất nặng, tại vì những tế bào não bộ của con cái còn non nớt, còn trong sáng mà mình gieo vào những tư tưởng ấy tức là mình làm hại con mình, mình giết đi cái khả năng có hạnh phúc của con mình. Vì vậy làm cha, làm mẹ, làm thầy, ta phải rất cẩn thận. Nếu học trò có mặc cảm, ta phải tìm cách tháo gỡ giùm họ, để họ có thể sống thanh thản và an lạc hơn.
Tôi vẫn thường thực tập hạnh đó, và tiện đây tôi chia xẻ với quí vị một kinh nghiệm: Một hôm có hai anh em nhỏ đến chơi, tôi đưa hai cháu vào xem cái máy mới mua. Đứa em loay hoay sử dụng làm cho máy bị cháy. Có lẽ vì tôi đang bấm một cái nút mà cháu lại cùng một lượt bấm thêm một cái nút khác. Đứa anh hơi giận, bảo: ỘSư Ông cho xem máy thôi, tại sao em lại làm vậy! rờ tới cái gì là hư cái đó!Ộ Có lẽ đứa anh đã bị ảnh hưởng của cha mẹ hay của bạn bè, đã từng nghe những câu trách cứ đó trong cuộc sống hàng ngày, nên đã chỉ lặp lại mà không biết cái tầm quan trọng của câu nói đó.
Để giúp đứa em, tôi bèn dẫn cả hai anh em sang xem một cái máy khác, và chỉ cho đứa em sử dụng cái máy mới. Đứa anh vội vàng cản: Sư Ông đừng cho nó đụng tới, nó sẽ làm cháy nữa bây giờ! Thấy rằng đây là lúc để có thể giúp cả hai anh em, tôi bảo:Không sao, Sư Ông tin nó lắm, nó giỏi chứ không dở đâu. Này, con làm đi, bấm nút này trước, thả ra rồi bấm nút này sau, con làm cho cẩn thận. Đứa em thành công và cả hai anh em đều vui mừng. Tôi cũng tùy hỉ theo. Làm như vậy tức là ta đã thực tập hạnh Thường Bất Khinh, xóa tan cái mặc cảm là mình không làm được, chỉ có anh mình mới làm được thôi. Ta chỉ tốn có ba bốn phút mà gỡ được cái mặc cảm của đứa em. Thật ra lúc đó mình cũng hơi ngán, sợ nó sẽ làm hư cái máy thứ hai. Nhưng nếu e ngại nó làm hư cái máy, mình sẽ làm hư con người của nó. Cái tâm của em bé quan trọng hơn cái máy rất nhiều. Chỉ cần có niềm tin vào hạnh Thường Bất Khinh và ba bốn phút là mình có thể giúp em bé gỡ được cái mặc cảm của em bé.
Bồ Tát Thường Bất Khinh chỉ cho mọi người thấy trong họ có khả năng của sự thành đạt hoàn toàn, có hạt giống của Bụt, có khả năng trở thành một bậc toàn giác.
Thông điệp của kinh Pháp Hoa là ai cũng có thể thành Bụt được cả, và Thường Bất Khinh là đại sứ của Bụt và của kinh Pháp Hoa. Làm đại sứ, đôi lúc mình cũng bị bắt làm con tin như ở trong thế giới hiện tại. Bồ Tát Thường Bất Khinh cũng vậy. Ngài đem cái thông điệp đó đến cho mọi người, nhưng không phải khi nghe, ai cũng vui mừng, tại vì họ đã có mặc cảm, vì vậy khi nghe thông điệp này, họ tưởng Ngài khinh khi họ, nhạo báng họ, vì vậy mà có khi họ đã dùng gậy đánh đuổi Ngài, có khi họ đã dùng lời thô tục để mắng chửi Ngài. Vì vậy sứ mạng của một Pháp sư không dễ. Ki-tô giáo gọi những vị đó là Sứ đồ. Thường Bất Khinh không tụng kinh, không hành đạo theo thói thường, không cúng lạy, không đi hành hương, không ngồi thiền, Ngài chỉ làm một công việc là khi nào thấy ai thì Ngài đến, cúi xuống làm lễ và trang nghiêm nói rằng, tôi không dám khinh quí vị, quí vị sau này sẽ thành Bụt. Trang 456: Trải qua nhiều năm tháng, thường bị mắng nhiếc như vậy mà Bồ Tát Thường Bất Khinh chẳng sinh lòng giận hờn. Có người lấy gậy, lấy cây, lấy ngói, lấy đá để đánh, để ném nhưng Bồ Tát chạy tránh, đứng xa rồi vẫn to tiếng xướng lên cái sự thật đó, tôi không dám khinh ông đâu, ông sẽ thành Bụt.
Khi Bồ Tát sắp lâm chung, Ngài nghe trong không trung có tiếng giảng Pháp Hoa của Bụt Oai-Âm-Vương. Bụt Oai-Âm-Vương đã tịch từ lâu nhưng lạ quá, sao bây giờ Bồ Tát lại được nghe rành rẽ hết tất cả các bài kệ kinh Pháp Hoa mà Bụt đã giảng. Điều này rất là đúng, tại vì khi tâm mình đã chín muồi rồi, thì tiếng gió thổi, tiếng chim hót đều diễn bày chân lý Pháp Hoa. Chính chúng ta, đôi khi nằm trên bãi cỏ, đi thiền hành trong vườn, cũng nghe được kinh Pháp Hoa, lúc đó ta biết rằng ta đang có Pháp Hoa tam muội. Khi nghe được kinh Pháp Hoa như vậy thì nhãn căn, nhĩ căn, tỷ căn, thiệt căn, thân căn, và ý căn tự nhiên được chuyển hóa, và trở nên thanh tịnh. Bồ Tát Thường Bất Khinh sống thêm hai trăm muôn ức na-do-tha tuổi nữa. Như vậy thì kinh Pháp Hoa là một thứ thuốc trường sanh, uống vào thì sống được rất lâu để giảng truyền chân lý Pháp Hoa. Đúng như vậy, tại vì kinh Pháp Hoa nói ra một sự thật duy nhất là tự tính của mình là không sanh và không diệt, vậy thì làm sao mình có thể chết được? Mình luôn luôn còn đó để chia xẻ cái chân lý Pháp Hoa cho tất cả mọi chúng sanh. Lúc bấy giờ những người đã dùng gậy, dùng đao để đánh đuổi Thường Bất Khinh, thấy được cái kết quả của sự hành trì Pháp Hoa nên bắt đầu tin phục.
Bồ Tát Thường Bất Khinh tượng trưng cho hạnh nhẫn nhục. Chúng ta liên tưởng đến thầy Phú-Lâu-Na: Thầy cũng đã bị liệng cà chua, trứng thối trong lúc đi giảng, nhưng thầy đã nói rằng, bị liệng cà chua trứng thối, cũng còn may mắn chán. Bồ Tát Thường Bất Khinh có thể là hậu thân hay là tiền thân của thầy Phú-Lâu-Na, và thay vì giảng những kinh khác thì Bồ Tát chỉ giảng về chân lý Pháp Hoa. Chính chúng ta cũng vậy, nếu biết thực tập hạnh nhẫn nhục thì ta cũng là tiền thân hay hậu thân của các Ngài. Các Ngài bất sanh, bất diệt nên lúc nào ta tiếp xúc được với hạnh nguyện của các Ngài, thì các Ngài sống dậy liền trong ta ngay lúc đó.
Vì lý do đó ta nói rằng phẩm thứ hai mươi này thuộc về Hạnh môn, trong đó Bồ Tát Thường Bất Khinh đã đem đến cho chúng sanh một thông điệp, thông điệp của sự trọng thị. Nhìn một vật gì, một người nào với một thái độ rất kính trọng thì gọi là trọng thị(high esteem). Ngược lại là khinh thị. Trọng là nặng, thưa ông thưa bà, ông bà có nhiều kí-lô lắm, thì đó gọi là trọng thị. Ngược lại khi nói ông chẳng có kí-lô nào hết, tức là coi nhẹ người đó, là khinh thị người đó. Con đường của Bồ Tát Thường Bất Khinh là con đường kiên nhẫn và trọng thị. Con người này không có những trang điểm bề ngoài, con người này chỉ mang ở trong lòng một đức tin và một cái thấy. Đó là cái thấy Pháp Hoa, cái thấy rằng mọi người đều là những vị Bụt, đó cũng là cốt tủy của kinh Pháp Hoa. Đem theo trong trái tim một niềm tin, một cái thấy và lên đường để làm công việc duy nhất là truyền đạt niềm tin và cái thấy đó. Chúng ta nghĩ rằng các nhà trị liệu tâm lý, các nhà hoằng đạo, các nhà giáo dục, các bậc cha mẹ đều phải học cái tinh túy này của kinh Pháp Hoa. Thực tập con đường của sự trọng thị, của sự kiên nhẫn không khó khăn gì mấy, nhưng qua những hành động như vậy, ta có thể độ đời, làm cho người kia mất đi mặc cảm tự ti của họ.
Chủ nhật tới này ta sẽ học về phẩm thứ 21, phẩm Như Lai thần lực, một phẩm thuộc về Bản môn. Tiếp đó, sang phẩm 22 là phẩm Chúc Lũy, chúng ta lại trở về Tích môn. Đến phẩm 23 nói về Bồ Tát Dược Vương, ta lại đi sang Hạnh môn. Nhận diện được tính chất của một phẩm và sắp phẩm ấy đúng vào môn của nó thì chúng ta đã bắt đầu hiểu được kinh Pháp Hoa. Tại vì Dược Vương cũng là một mẫu người hành động. Bụt là người giác ngộ, và sự giác ngộ được biểu hiện bằng hành động. Hành động đó được biểu hiện bằng nhiều khía cạnh. Bồ Tát Quan Âm là một khía cạnh, Bồ Tát Phổ Hiền là một khía cạnh khác.
http://langmai.org/tang-kinh-cac/vien-sach/giang-kinh/sen-no-troi-phuong-ngoai/pham-thu-hai-muoi-bo-tat-thuong-bat-khinh